Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

THEO DÒNG THỜI GIAN bút ký dự thi của BÍCH THIÊM - CHƯ YANG SIN số 326 tháng 10 năm 2019




 Tác phẩm đoạt giải Cuộc vận động viết bút ký văn học chủ đề 
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”


Tác giả Nguyễn Thị Bích Thiêm


Ea Súp, mảnh đất vùng biên của Đắk Lắk đón tôi bằng sự nồng nhiệt của nắng và của những công dân đang sinh sống và làm việc ở đó. Để khi chia tay rồi, những câu chuyện về đất và người vẫn còn ngân nga mãi trong tôi.
…Trụ sở Công an huyện Ea Súp một chiều tháng 3 năm 2001, ánh nắng xiên chéo qua khoảng sân lơ thơ cỏ dại có mấy cây dừa nhỏ đang cố sức bung lên chút màu xanh ít ỏi mà vẫn không làm dịu đi cái nóng của xứ sở. Trong phòng làm việc của Trưởng Công an huyện - Thượng tá Nguyễn Đức Dũng chỉ có ông và một chiến sỹ trẻ. Ông mân mê tờ giấy trên tay, vẻ mặt trầm tư. Chiến sỹ đứng trước ông - chừng 21 tuổi, nước da nâu, đang mở to đôi mắt nhìn ông với vẻ khẩn khoản. Ông đắn đo vì chiến sỹ Nguyễn Đức Hiếu - đang là chiến sỹ nghĩa vụ của đơn vị, xin đơn vị cho phép được dự thi đại học. Nhìn Hiếu, ông thấy thương lắm. Vốn là con nhà nông ở ngoài Kim Sơn, Ninh Bình, cậu vào ở cùng cô ruột, rồi năm 1998 được tham gia lực lượng công an nghĩa vụ. Năm 2001 ở Tây Nguyên có mấy vụ gây rối của cái gọi là “nhà nước Đề Gar” của Ksor Kớt, lực lượng công an, trong đó có Nguyễn Đức Hiếu và các đồng đội mình đã góp phần vào công cuộc dẹp yên các phần tử kích động. Suốt ba năm, chàng chiến sỹ trẻ vẫn âm thầm mượn sách vở các bạn đã từng thi đại học để tự ôn luyện. Hiếu tham gia sơ tuyển và đã đạt nên xin đơn vị cho dự thi đại học - ước mơ bao năm của cậu. Ông rất muốn chấp thuận, nhưng ngặt vì lúc này cán bộ chiến sỹ công an toàn huyện chỉ có chưa đầy 40 người. Trong khi huyện thì rộng và nhiều vấn đề phức tạp. Nay giải quyết cho Hiếu dự thi thì công việc sẽ nhiều lên, anh em khác liệu gánh nổi không? Như hiểu nỗi khó xử của ông, Hiếu năn nỉ: “Thôi, chú cứ cho cháu xuống nhìn thấy cổng trường đại học rồi cháu về cũng được. Với lại ba năm qua cháu luôn hoàn thành nhiệm vụ mà.” Thế là ông quyết định cho Hiếu được nghỉ hai ngày để đi thi đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hai ngày sau, tại cổng điểm thi của Phân hiệu hai, Học viện An ninh, lẫn trong dòng thí sinh và phụ huynh đông đảo, có một thanh niên mặc bộ quân phục công an còn nguyên dấu bụi đỏ đường trường và chiếc ba lô bạc màu. Nhìn những thí sinh khác ăn bận bảnh bao, cặp túi thời trang và được người nhà chở bằng ô tô, xe máy đến, thí sinh Nguyễn Đức Hiếu không khỏi có chút tủi thân. Vốn quen tự lập, anh đã gạt qua phút yếu đuối ấy để bước vào phòng thi với quyết tâm cao nhất. Kết quả anh là một trong những chiến sỹ nghĩa vụ đầu tiên của huyện Ea Súp trở thành sinh viên của Phân hiệu hai, Học viện An ninh, tại Linh Trung, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Ea Súp năm 2006, mảnh đất nắng gió chang chang ấy đón chàng Trung úy Nguyễn Đức Hiếu trở lại công tác. Vẫn nước da đậm đà cùng ánh mắt hiền lành và nụ cười bẽn lẽn, anh được cấp trên điều động về làm trinh sát an ninh và lãnh đạo Công an huyện Ea Súp phân công anh phụ trách ba địa bàn: xã Ia Jlơi, Ia YaLốp, Ea Rốk. Đây là ba xã xa trung tâm, có địa bàn phức tạp. Buôn Bana ở Ia Jlơi là bà con dân tộc tại chỗ, nhận thức còn hạn chế. Buôn Mta xã Ea Rốk lại là địa bàn phức tạp về chính trị, tôn giáo. Trước mắt người chiến sỹ trẻ là những khó khăn, trở ngại chồng chất. Khó khăn đầu tiên chính là sự bất đồng ngôn ngữ. Hiếu bắt tay vào “tháo gỡ” bằng việc học tiếng Êđê. Anh nhờ các đồng đội dạy, rồi tìm sách tự học, tích cực giao tiếp với bà con. Việc tiếp theo là anh tham mưu với cấp ủy những kế sách để đảm bảo trật tự an toàn. Phương tiện đi lại chỉ là chiếc xe đạp cũ. Ngày nào anh cũng đạp xe lóc cóc trên con đường dài 18 đến 40 km trong địa bàn huyện, lúc đến nơi mái tóc bạc phơ, vì bụi đất. Người dân cũng không lạ gì khi trong mọi sinh hoạt cộng đồng của buôn làng như lễ bỏ mả, lễ cúng bến nước, cúng cơm mới, đám cưới… đều có anh tham gia. Đó cũng là cách để anh trau dồi vốn ngôn ngữ, và nắm bắt tình hình an ninh tốt hơn. Chính vì vậy, bà con rất quý mến ama Đức (gọi theo tên con trai đầu của anh), luôn thấy anh như người thân trong buôn làng. Đó là khoảng thời gian cuối năm 2009 đến 2010. Sau đó anh được cấp trên bổ nhiệm làm Phó trưởng Công an thị trấn và cảnh sát khu vực 5 buôn ở thị trấn Ea Súp. Về cơ bản Ea Súp là địa bàn ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn những phức tạp về chính trị. Do đồng bào theo chế độ mẫu hệ, có cả kết hôn với người dân Campuchia nên chuyện đi qua đi lại vùng biên cũng như chuyện săn bắn, bắt cá… cũng dễ có sự vi phạm an ninh biên giới. Dân cư phân bố thưa thớt cũng gây khó khăn cho việc quản lý nhân khẩu hộ khẩu. Điều may mắn là thời gian làm trinh sát, Hiếu đã thông thuộc địa bàn và thâm nhập thực tế nên giờ anh nắm vững tình hình của các buôn cùng các đối tượng cụ thể. Dựa vào kinh nghiệm và nhiệt huyết, lăn xả trong công việc, cùng sự giúp sức của già làng, trưởng bản có uy tín và bà con, anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tháng 9.2012, anh được bổ nhiệm làm Trưởng Công an thị trấn và được bầu vào BCH Đảng ủy, đại biểu HĐND, Bí thư Chi bộ Đảng thị trấn khi anh 32 tuổi - cái tuổi bắt đầu “nhi lập” theo quan niệm của người xưa. Anh đã tham mưu với Bí thư, Chủ tịch thị trấn đặt những hòm thư tố giác tội phạm. Qua đó điều tra, xác minh và có biện pháp đề phòng, xử lí các đối tượng tội phạm, những đối tượng nghiện hút kịp thời. Tháng 10.2016, đúng mười năm sau khi học xong đại học, Nguyễn Đức Hiếu được Giám đốc Công an tỉnh bổ nhiệm làm Phó trưởng Công an huyện, phụ trách mảng công tác hành chính và an ninh trật tự. Ở cương vị này, tuy còn trẻ tuổi, nhưng anh vẫn luôn được các đồng chí Trưởng Công an huyện như Nguyễn Đức Dũng, Phạm Văn Sơn, Cao Tiến Phu tin tưởng để cùng bàn bạc về các công tác của đơn vị. Nhờ có sự am hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, các đối tượng và sức bật của tuổi trẻ, nhiệt tình công tác mà anh đã xử lí gọn gàng khối công việc lớn đó. Anh cũng là người đã có bản phương án bảo vệ đập Ia Jlơi, được cấp trên và chính quyền đánh giá cao. Tháng 12.2017, khi sắp bước vào tuổi 40, anh được Giám đốc Công an tỉnh bổ nhiệm làm Thủ trưởng cơ quan Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trong việc tạm giam tạm giữ, tái hoà nhập cộng đồng xã hội, đồng thời trực tiếp quản lý 4/10 đội nghiệp vụ. Khát khao cháy bỏng từ thời là cậu bé con một gia đình nghèo ở vùng quê Kim Sơn: trở thành một chiến sỹ công an nay đã thành hiện thực. Những khó khăn thử thách khi thực hiện nhiệm vụ không làm nhụt chí mà anh càng quyết tâm đương đầu và vượt qua bằng nhiệt huyết sục sôi và bản lĩnh tuổi trẻ. Sự tín nhiệm quan tâm của cấp trên, sự ủng hộ của gia đình, đồng đội và nhân dân càng giúp khả năng của người Phó trưởng Công an huyện được tiếp thêm sức mạnh. Có một vấn đề nan giải với Ea Súp và các huyện biên giới là số đông đồng bào phía Bắc di cư tự do vào, gây khó cho việc quản lý tạm trú tạm vắng. Anh tham mưu cấp trên và trực tiếp chỉ đạo, giám sát việc thực hiện “3 không 3 nên”(không trễ hẹn, không gây phiền hà xách nhiễu, không để nhân dân đi lại nhiều lần, nên hòa nhã ân cần với nhân dân, nên xin lỗi nhân dân khi sai, nên cảm ơn khi được nhân dân góp ý) trong toàn cơ quan để quản lý hành chính tốt hơn. Để giải quyết việc có nhiều tôn giáo cùng tồn tại, có những tôn giáo hoạt động lén lút, lôi kéo tranh giành tín đồ v.v. trong khi lực lượng còn mỏng, anh và chiến sỹ gặp gỡ những trưởng nhóm các giáo phái để vận động họ nên thực hành “tu tại gia”, từ đó giải quyết tình trạng tụ tập đông người trái phép. Vấn nạn nóng của địa bàn là tình trạng tranh chấp đất đai. Những người dân di cư từ phía Bắc vào trước sự mông mênh của đất đai đã bắt tay vào dọn đất (đôi khi còn “dọn” rừng) để bắt đầu cuộc sống ở miền đất mới. Các công ty, các chủ doanh nghiệp cũng đổ công sức tiền của vào vùng đất được quy hoạch cấp phép. Xưa nay điền thổ vẫn là những vấn đề có thể gây ra bạo lực đổ máu. Nên hiển nhiên có sự tranh chấp nóng bỏng quyết liệt giữa các công ty và người dân. Đã có xô xát, thậm chí đổ máu. Người Phó trưởng công an huyện thấu hiểu và xót xa khi phải chứng kiến thực trạng đó. Anh cùng tập thể lãnh đạo Công an huyện bàn bạc tìm ra những biện pháp xử lý, giải quyết tình trạng này. Các văn bản chỉ đạo kịp thời được công bố, quán triệt trong toàn cơ quan và trong nhân dân, rồi các anh cũng tổ chức các ngày thứ bảy, chủ nhật cho cán bộ chiến sỹ vào từng buôn hay các gia đình neo đơn để làm chứng minh nhân dân, và giúp thủ tục nhập khẩu cho người dân; phối hợp công an và cấp ủy các xã để nắm bắt và ngăn chặn kịp thời các diễn biến xảy ra. Bản thân anh còn trực tiếp tham gia cùng anh em giải quyết một số vụ vi phạm pháp luật. Tháng 4.2019 có nhóm hơn 20 đối tượng côn đồ từ Hải Phòng vào để ép giá dưa hấu của bà con. Những người nông dân lam lũ, hiền lành bị các đối tượng xăm trổ đầy người ra lệnh phải bán dưa cho chúng với giá rẻ mạt. Đích thân Nguyễn Đức Hiếu cùng các chiến sỹ đã đến những nhà mà nhóm côn đồ đang ở. Các anh cho kiểm tra hành chính, thu mã tấu, dao rựa…về công an xã. Rồi áp dụng luật di trú, kê khai lí lịch... Sự có mặt kịp thời và bản lĩnh vững vàng cứng rắn của các anh cùng công an địa phương đã chặn được sự nhũng nhiễu và đập tan sự hung hãn ngang ngược của các đối tượng côn đồ, đem lại sự bình yên cho bà con xã Ea Rvê cũng như các xã khác chỉ trong hai tuần. Nhờ kinh nghiệm của một người cán bộ trưởng thành từ cơ sở nên anh thường khéo léo xử lý, hỏi han tham khảo ý kiến khi giao nhiệm vụ cho các cán bộ có tuổi đời và kinh nghiệm dày dặn hơn mình, đồng thời quan tâm và chia sẻ kịp thời với các chiến sỹ trong đơn vị mỗi khi anh em ốm đau hay gia đình có công việc quan trọng. Anh hiểu những kiến thức học được trong trường đại học khi ra thực tế lại rất phong phú nên cần có sự áp dụng linh hoạt, và sự học là không bao giờ đủ, nên anh đã đăng ký và học xong lớp cao cấp chính trị trong khoảng thời gian 2017-2019, để phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.
Hơn hai mươi năm đã qua, chàng trai Nguyễn Đức Hiếu ngày nào bây giờ đã là thiếu tá Nguyễn Đức Hiếu - Phó trưởng Công an huyện Ea Súp, người chủ một gia đình hạnh phúc với sự yêu thương, tạo điều kiện quan tâm giúp nhau làm tốt việc nhà, việc xã hội của người vợ - chị Vũ Thị Bích Thuận - cán bộ Huyện ủy huyện Ea Súp cùng hai con ngoan ngoãn, chăm học… Vẫn nụ cười bẽn lẽn, và ánh mắt hiền hòa khi nhìn ra khoảng sân cơ quan đầy nắng, anh nói: “Ở đây vẫn còn có những khó khăn mà chúng tôi cần cố gắng mới giải quyết dứt điểm được, như việc tranh chấp đất đai, việc thu giữ vũ khí tự chế của bà con… Nhưng nhất định sẽ xử lý tốt để đem lại cuộc sống yên bình cho bà conï”. Tôi tin vào điều anh nói, như những gì anh và các bạn mình đã làm được trong những năm qua.
Chia tay Ea Súp, chia tay anh cùng các cán bộ chiến sỹ công an, trong hành trang kí ức những cảm xúc mến thương, khâm phục và biết ơn của tôi dành cho cuộc đời, lại có thêm sắc áo xanh cùng nụ cười và ánh mắt của Nguyễn Đức Hiếu cùng các bạn mình trên mảnh đất khắc nghiệt nhưng đầy tình người này.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI