Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

TƯỞNG TƯỢNG truyện ngắn của NGUYỄN VĂN THIỆN - CHƯ YANG SIN SỐ: 326 THÁNG 10 NĂM 2019

 





Tôi đặt Đất nước vào lòng bàn tay rồi từ từ nắm chặt lại, như cách những người đang yêu nắm lấy tay nhau. Cả một mớ hỗn độn đang vẫy vùng trong đó. Tiếng guốc khua, tiếng ao hồ gợn sóng, tiếng ru con, tiếng thổn thức của trái tim, tiếng hát nho nhỏ và tiếng cười mơ hồ. Tôi nắm chặt hơn chút nữa, tiếng dao kiếm va chạm, tiếng động cơ, tiếng tim đập mạnh, tiếng cười đùa, tiếng rên rỉ kêu than… Tôi bóp chặt tay, tiếng ré, tiếng gào, tiếng thét như sập cầu như lật xe, như cháy nhà cháy chợ. Bị kích động bởi những âm thanh mạnh, tôi nghiến răng bóp chặt. Âm thanh từ bàn tay phát ra như sấm sét, kinh thiên động địa.
Tôi mở tay ra, nhẹ nhàng như một cậu bé với bàn tay đang giam giữ một con dế nhỏ, và ghé mắt nhìn vào. Những hình ảnh chồng chéo như một bãi chiến trường. Một người mẹ gục đầu bên giường bệnh của con, cháu bé nằm co như một dấu hỏi màu trắng, lâu lâu, dấu hỏi lại ho và quằn quại. Bên cạnh là một hàm răng trắng nhởn đang nhe ra cười của một cậu thanh niên mặc áo xanh. Giữa đất, một ngư dân mặt đen như đít chảo với dải băng thấm máu quấn trên đầu. Trên tay ông ta là một lá buồm hoặc lá cờ đã bị rách. Một cụ già còng lưng gùi một đống củi lặng lẽ bước đi. Trên đường, một chiếc xe cháy trụi, đen thui. Một nhóm người mặt mũi hốc hác tối tăm đang đứng vây quanh, chỉ trỏ…
Tôi xòe hết mười ngón tay. Những vạt đất rụng rơi lả tả. Đất sỏi vàng Móng Cái, đất đỏ bazan Tây Nguyên, đất phù sa Cà Mau. Những dòng sông trôi tuột xuống dọc kẽ tay. Sông Kỳ Cùng, sông Ba, sông Hậu. Những vạt rừng rơi xuống kẽ tay. Rừng lim Tây bắc, rừng bằng lăng Tây Nguyên, rừng tràm Tây Nam bộ. Mẹ nói bên tai: Nắm tay lại đi con, không thì sẽ không còn gì… Cha nói nhỏ bên tai: Nắm tay lại đi con, không thì sẽ không còn gì… Nhưng tôi không dám. Nắm tay lại, tôi bị những âm thanh cuồng nộ kích động. Mà xòe tay ra, lại trôi tuột những hình ảnh thân thương…
Không đủ sức gọi tên những điều mình nhìn thấy, tôi ngồi lại bên bàn vẽ những nét nguệch ngoạc lên giấy, trong bóng đêm. Tôi vẽ con voi, xong những nét cuối cùng, con voi chậm rãi bước ra khỏi phòng. Tôi vẽ con chim, xong những nét cuối cùng, con chim lặng lẽ bay ra khỏi phòng. Tôi vẽ tượng gỗ, xong những nét cuối cùng, tượng gỗ cũng đi ra khỏi phòng. Tôi định vẽ một ông vua, nhưng không dám! Tôi sợ những ông vua trước sau rồi cũng sẽ bỏ ra đi. Cuối cùng, tôi vẫn một mình. Tôi vẽ tôi, xong những nét cuối cùng, tôi cũng đứng dậy bỏ đi. Có lẽ nào, ngay cả tôi cũng đã bỏ tôi đi? Tôi đã gây ra lỗi gì, hay chỉ vì đã trót muốn nghe những âm thanh thật, nhìn những hình ảnh thật của cuộc sống này? Tôi buông bút, gọi theo mình, giọng khản đặc: “Đừng bỏ lại, tôi, ơi…”
Những thân yêu tin cậy đã bỏ đi hết rồi. Còn mỗi tôi trong căn phòng hoang vắng. Bàn tay tôi thõng xuống, không nắm không mở, như tay người chết. Những đường chỉ tay đứt nối một cách rối ren,loạn xạ. Này thì voi hoang, này thì chim trời, này thì tượng gỗ, này thì vua chúa, này thì là tôi, này thì chia ly, này thì tan rã… Tôi muốn gặp họ, để hỏi một câu, chỉ một câu thôi: “Vì sao lại…?” Có lẽ phải nửa đêm, hoặc là thời gian không còn trôi nữa. Bóng trăng cũng đặc lại trong sương. Tôi mở cửa phòng nhìn ra, kinh ngạc thấy những bức tranh của tôi đứng xếp hàng ngoài đó, lặng lẽ, u buồn.
Voi nói bằng ánh mắt ngân ngấn nước: “Chúng tôi đã bị xua đuổi…”
Chim nói bằng ánh nhìn cong vút: “Chúng tôi đã bị truy sát…”
Tượng gỗ nói bằng thớ thịt não nề: “Chúng tôi bị cưỡng bức…”
Tôi nói bằng lưỡi cong như chiếc muỗng: “Chúng tôi đã bị lừa dối…”
Tất cả đồng thanh cất tiếng, kể lể, than vãn.
Tôi hỏi: “Ai, ai đã xua đuổi, ai đã truy sát, ai đã cưỡng bức, ai đã dối lừa?”
Tất cả đồng thanh: “Vua!”
Nhưng, tôi đã kịp vẽ vua đâu, tôi chưa vẽ vua bao giờ mà? Tất cả lại đồng thanh: “Vẫn có vua!” Tôi hỏi: “Ở đâu?” Họ trả lời: “Trong bóng đêm của khu vườn!” Giọng nói của họ toát lên vẻ sợ hãi. Họ run rẩy trong sương, run rẩy dưới trăng. Không lẽ nào, ở đây lại có vua, trong khi tôi chưa vẽ vua bao giờ? Tôi đẩy cửa bước ra ngoài, tôi phải tìm thật kỹ xem, biết đâu điều này lại là sự thật. Tôi căng mắt ra nhìn vì khu vườn khá rộng và tối. Nhìn vào trong hốc cây, trong bụi cỏ, dưới tán lá, trong thùng đựng nước, cả trong chuồng gà, chuồng thỏ. Không thấy. Tìm lần nữa, vẫn không thấy. Bực mình, tôi gọi to: “Vua ơi, vua ở đâu?” Tiếng của tôi vỡ ra như sỏi, tan trong sương đêm. Bọn voi, chim và tượng gỗ sau một hồi khóc than kể lể đã đứng ngủ ngay trước cửa, như bị thôi miên. Nhìn mà thương lạ! Những hình hài hiền lành ấy, chúng đã bao giờ làm hại ai chưa?
Tôi chắc chắn, giả sử bây giờ tìm được vua đang nấp đâu đó trong khu vườn này, tôi sẽ đặt vua vào hai bàn tay và bóp chặt. Từ trong đó, sẽ vọng ra nhưng âm thanh dặt dìu đài các yến tiệc hay tiếng thì thầm của những thủ đoạn mưu toan? Sẽ là tiếng vàng sắt chen nhau hay tiếng gối chăn đau buốt? Tiếng hùng cường cứng cỏi hay tiếng đê hèn thỏa hiệp thì thào đổi chác, bán mua?
Rồi tôi sẽ xòe mười ngón tay ra xem cái gì sẽ rơi lả tả. Những ngự chuẩn ngự phê dồn dựng hùng cường hay những bảo kiếm nát tan, long bào hắc ám? Là sừng sững ngai vàng hay gỗ đá vỡ ra như cám? Hay chỉ là một dòng chữ cổ xưa không còn ai đọc được?
Tôi không biết, bởi tôi chưa từng vẽ vua bao giờ.
Tôi cũng chưa từng gặp vua bao giờ.
Vì vậy, tôi lại đặt Đất nước vào lòng bàn tay rồi từ từ nắm chặt lại…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI