Thứ Hai, 21 tháng 10, 2019

LƯỚI CÁ truyện ngắn của NGUYÊN HƯƠNG - CHƯ YANG SIN SỐ: 326 THÁNG 10 NĂM 2019





Bãi biển ken đầy dịch vụ dành cho du khách.
Quán xá đã đành, mỗi resort còn có một sân khấu xập xình tới khuya mà khán giả phần lớn là thanh niên địa phương, rất nhộn nhạo, và những cái giường mát xa…
Ngày đầu tiên dạo loanh quanh bãi, Khánh thắc mắc:
-  Người ta để mấy cái giường này ở đây làm gì vậy má?
Tôi cũng đang tự hỏi thì một người đàn ông tuổi trung niên từ resort đi ra, ông chỉ mặc cái quần tắm như bao người đang có mặt trên bãi, theo sau là một cậu trai trẻ. Người đàn ông nằm dài lên giường, hai bàn chân trần còn bám đầy cát. Cậu trai lấy trong túi ra chai dầu xoa khắp vai và lưng người đàn ông rồi xoa bóp. Một lúc sau thì giường nào cũng có người, kẻ nằm ngửa để mát xa bụng người nằm sấp mát xa lưng. Cũng là mặc đồ tắm nhưng bơi lội trong nước là chuyện rất khác với cảnh nằm phơi ra trên cái giường giữa chốn đông người.
Khánh kéo tay tôi:
- Mình đi tìm cảnh đẹp, má.
- Ừ, đi chơi thì nên tìm cảnh đẹp mà thưởng thức.
- Tìm người đẹp nữa - Khánh nói với cái nháy mắt.
Tôi bật cười. Khánh lém lỉnh:
- Trong truyện với trong phim hay có cảnh nhân vật chính trong chuyến đi chơi sẽ được gặp ai đó rất thú vị trong một không gian tuyệt đẹp, biết đâu con sẽ được gặp ai đó.
Tôi ghét phải đóng vai phụ huynh nghiêm khắc, tôi luôn muốn làm bạn với con mình, vậy nên tôi phụ họa:
-  Ờ, biết đâu ai đó sẽ được gặp con gái dễ thương của má.
Khánh xoa xoa hai gò má dù đã bôi kem chống nắng mà đã thấy ửng ửng:
-  Má thấy con dễ thương thật không?
-  Thật mà.
-  Sao thường ngày má hay nói con dễ ghét?
-  Ờ, thì tại khi đó con cãi lại má.
-  Đâu phải cãi, chỉ là con bày tỏ ý kiến khác biệt thôi mà.
-  Đó, con lại sắp dễ ghét rồi đó.
-  Má lại áp đặt nữa rồi.
Con gái lại xoa xoa gò má và giơ cao cánh tay nhìn ngó. Tôi cười:
-  Ướp nắng một chút cho bớt bột. Định nghĩa cái đẹp bây giờ còn có thêm tính từ rắn rỏi đó con.
-  Thôi bỏ qua nhan sắc. Má muốn con gặp ai nè?
Câu hỏi này mà không cẩn thận thì sẽ lại bị chê trách là phụ huynh áp đặt, vậy nên tôi đáp lời:
-  Ô, chuyện này má có muốn cũng đâu được. Tùy con thôi.
-  A ha, tùy con, coi như má hứa rồi đó nghen. Con ưng ai thì má không can thiệp há.
Khánh sục chân sâu xuống cát rồi sủi tung. Cát bắn tóe lóe. Tôi cũng sục chân xuống cát và sủi. Hai mẹ con cười vang. Và lại tiếp tục nói năng ấm ớ.
Cho đến khi nhìn thấy con thuyền dập dềnh mép bãi và ba người phụ nữ nhào xuống nước cùng với tiếng cười rộ như cú nhào té đó là một điều vui vẻ biết trước.
Không phải thuyền đưa khách dạo chơi. Mọi thứ cho thấy đó là thuyền đánh cá. Nhưng té nhào khỏi thuyền là những người váy áo điệu đà.
Giúp mấy người phụ nữ đứng vững lại giữa sóng và lội vô bờ là cậu con trai làn da sạm nắng. Cậu nhoẻn cười độ lượng như thể khách du lịch tò mò muốn lên thuyền cá là chuyện bình thường, và leo lên leo xuống bị té nhào cũng là bình thường.
-  Con muốn lên thuyền cá cho biết không? – Tôi bật hỏi.
Sau lưng tôi nhao nhao:
-  Cho bọn tôi nữa.
-  Tụi này cùng lên với được không?
***
Cậu tự giới thiệu với mọi người mình tên Sơn. Trên thuyền có bốn cậu trạc tuổi, người lái, người thả lưới… Chuyến đi ngẫu hứng bất ngờ cho nên tôi và Khánh không có áo che nắng cũng không có mũ. Những người khách khác cũng vậy. Một người có được cái khăn quàng cổ nên cái khăn trở thành cứu tinh. Sơn nhìn khuôn mặt duy nhất trùm che kín mít và nói “Vậy sao chụp hình?” rồi Sơn quay nhìn Khánh.
-  Có cái mũ tanh mùi cá chịu đội không? – Sơn hỏi và lấy ra cái mũ lưỡi trai màu đen trong đống lưới bùng nhùng.
Khánh cầm cái mũ, một giây suy tính thật nhanh giữa khuôn mặt bị ăn nắng và loại dầu gội đầu nào xóa tan được mùi tanh khẳm này, rồi Khánh đội cái mũ lên đầu. Tôi lo lắng đợi nhìn thấy mũi Khánh nhăn lại nín thở, nhưng không, là nụ cười:
-  Cảm ơn nghe.
Tôi thở phào. Con gái bột của tôi ứng xử không đến nỗi.
-  Còn cái mũ nào nữa không anh ơi?
Câu hỏi vang lên như tín hiệu ghen tỵ vô vọng, mọi người trên thuyền cùng bật cười.
Rồi thì chụp hình. Chiếc thuyền chòng chành vì mọi người dồn về một phía để có một tấm chụp chung. Vậy là loạng choạng nghiêng ngả…
Sơn và ba cậu trai mỉm cười nhìn chúng tôi bằng ánh mắt như thể quá quen với những vị khách du lịch ngốc nghếch.
Thuyền chạy ra khơi. Mỗi gợn sóng một màu xanh khác nhau, lạ lùng.
Khánh thích thú quan sát các cậu trai thả lưới.
-  Sao biết có cá ở khu vực này mà thả lưới ở đây? – Khánh hỏi.
-  Cứ thả thôi – Sơn nói – Hên xui. Khi nhiều khi ít.
-  Tới chừng nào kéo lưới? – Khánh lại hỏi.
-  Tùy. Tính từ lúc thả lưới cho tới khi gỡ cá khỏi lưới chừng ba tiếng đồng hồ.
-  Sau đó thì sao?
Sơn phì cười như Khánh vừa hỏi một câu ngố không thể tả:
-  Thì đem cá ra chợ bán.
Khánh đỏ mặt.
Chừng như muốn chuộc lỗi vì khiến Khánh đỏ mặt, cậu trai nghiêng người về phía tôi nói nhỏ:
-  Đi thuyền một vòng quanh như vầy bình thường thôi. Cô có muốn tham quan bè lồng nuôi trai lấy ngọc không?
***
Tôi hiểu ra vì sao Sơn phải nói nhỏ, vì đi bằng thuyền thúng, mà nhiều người nhao nhao đòi theo thì làm sao.
Sơn kéo thêm một cậu bạn và hướng dẫn cho Khánh và tôi ngồi đúng chỗ. Bốn người bốn góc giữ cho thuyền thúng được cân bằng.
-  Ngồi yên nghe. Xê dịch là rớt xuống nước đó – Sơn như nói với nụ cười hướng về Khánh.
Và Khánh nhìn tôi với cái nheo mắt , ý là nếu Khánh rớt xuống nước thì đó chính là cơ hội... Tôi suýt phì cười mà sợ hai cậu trai hiểu lầm nên cố ghìm lại.
Tận mắt nhìn thấy bè lồng nuôi trai lấy ngọc giữa khơi xa và hơn vậy nữa, còn bị mảnh vỏ trai cứa gan bàn chân, mới biết hành trình của một viên ngọc gian nan đến mức nào.
Vậy nên hôm sau, đoàn tham quan cửa hàng bán ngọc trai, trong khi mọi người trầm trồ khen chê thì Khánh nhìn tôi với vẻ thấu hiểu:
-  Không một viên ngọc nào đáng bị chê bai hả má. Mỗi viên đẹp theo kiểu của nó, kể cả tỳ vết.
Tôi cười. Sự chững chạc này thật đáng ngạc nhiên. Khiến tôi nhớ đến Sơn.
-  Hai đứa đã trao đổi số điện thoại và facebook chưa?
Khánh cười cười chìa màn hình điện thoại tới trước mặt tôi, avatar mới là tấm hình Khánh đội mũ lưỡi trai màu đen đứng trên thuyền, gió lộng thổi mái tóc xòa tung quanh vành mũ.
-  Nhờ cái mũ tình cờ mà có tấm hình đẹp – Tôi nói.
Khánh lém lỉnh:
-  Nhưng chuyến đi thuyền thúng đi ra bè lồng nuôi trai lấy ngọc không phải là tình cờ. Nhờ có con nên má mới biết nuôi ngọc trai là sao đó nghe.
-  Má công nhận - Tôi gật đầu và thêm - Vì được miễn phí.
Khánh phá lên cười:
-  Người lớn tính toán quá đáng.
-  Còn người nhỏ thì tính toán nhẹ nhàng ra sao?
-  Sơn nói du khách đến đây chỉ loanh quanh mấy điểm du lịch ai ai cũng biết, còn có những nơi hoang sơ tuyệt vời mà chỉ dân địa phương mới biết đường đi. Mà má có muốn đi không?
Muốn quá đi chứ. Mấy khi có được hướng dẫn viên là dân bản địa, lại là một chàng trai vững vàng trước đầu sóng ngọn gió. Nhưng chuyến đi này chỉ ba ngày mà hôm nay đã là ngày thứ hai, chỉ còn một buổi sáng mai, lịch trình là trả phòng trước mười hai giờ trưa rồi đoàn ra sân bay.
-  Chắc mình phải hẹn lần sau con à – Tôi nói.
-  Là má muốn hẹn lần sau chứ không phải con à nghe.
Tôi phì cười:
-  Ừ, là má hẹn chứ không phải con.
Tuổi trẻ. Dễ làm quen dễ nhớ và dễ quên. Chuyến đi này rồi sẽ thành kỷ niệm. Tôi muốn con gái được có kỷ niệm đẹp.
Buổi tối, hai má con ngồi trước ban công nhìn ra biển đêm chuyển dần từ những màu xám đậm qua màu tím và thỉnh thoảng nhô ra những cụm mây trắng sáng.
Khánh hỏi tôi uống trà sữa nghe má. Tôi không thích bất cứ món gì có trà vào giờ này, khó ngủ, nhưng nhìn vẻ rạng ngời trên khuôn mặt tuổi mười tám, tôi biết con gái chẳng nhớ gì tới chứng mất ngủ của tôi đâu. Và cũng không nên nhắc tới chứng mất ngủ tuổi tác trong thời khắc long lanh này. Vậy nên tôi gật đầu.
Tôi tưởng tiếng gõ cốc cốc cốc là nhân viên giao trà sữa, nhưng không phải, trưởng đoàn thò đầu vô và nói nhanh “Sáng mai tám giờ đoàn mình tập trung ở bãi”.
-  Tiết mục gì vậy chú? – Khánh láu táu hỏi.
-  Lên thuyền ra khơi lưới cá, bữa trưa tiệc nướng bằng chính mẻ cá tươi đó luôn.
Trưởng đoàn thun mũi như làn khói món nướng tươi rói hiện hữu ngay trước mặt.
Khi cánh cửa đóng lại, tôi nói:
-  Vì mình đã tự đi chơi thuyền cá hôm qua rồi nên ngày mai má con mình sẽ tách đoàn đi chơi riêng.
-  Có khi nào mình gặp lại thuyền của Sơn không hả má?
Giọng nói và ánh mắt lấp lánh cho tôi thấy nỗi mong muốn gặp lại, mà vẫn rất kiêu kỳ con gái. Tôi làm ra vẻ bâng quơ:
-  Ờ, cũng có thể. Nếu vậy thì má con mình gặp lại Sơn lần nữa trước khi tạm biệt, cũng vui mà.
***
Đúng là chiếc thuyền đó, và Sơn.
Chàng trai đứng trên bãi cát, vẻ bồn chồn nhìn ngó tìm kiếm trong đoàn người rồi đôi mắt đen nhánh sáng lên khi nhìn thấy tôi và Khánh.
Lần này, còn có thêm người đàn ông tóc muối tiêu.
-  Đây là ba của cháu. Lần nào hợp đồng đưa khách đi chơi lưới cá phía bên resort cũng đòi phải có mặt ba cháu để du khách yên tâm – Nói với tôi xong, Sơn quay nhìn Khánh – Hôm nay có đem theo mũ rồi hả?
Hôm nay Khánh đội mũ rộng vành màu vàng nhạt, tóc thắt bím, rất xinh.
Người đàn ông tóc muối tiêu có đôi mắt sâu và hàng lông mày rậm. Ông nhìn con trai mình nói nói cười cười với Khánh, và ông gắt lên:
-  Lo đỡ khách lên thuyền kìa.
Sơn vội chạy tới nhóm người đang đi tới mép nước. Khánh lè lưỡi với tôi rồi chạy theo sau.
Người đàn ông nhìn tôi với khóe miệng nhếch lên:
-  Tuổi trẻ bồng bột hả?
Giọng điệu giễu cợt khiến tôi lúng túng. Có lẽ ông là một người khắc nghiệt. Có lẽ trưa nay khi về nhà ông sẽ mắng chửi Sơn một trận cái tội vì một đứa con gái mà xao nhãng công việc.
-  Nghe nói hôm qua nó đưa mẹ con cô ra bè lồng nuôi ngọc trai phải không?
Tôi gật đầu.
Người đàn ông lại nhếch mép:
-  Nó có nói rõ với cô đó là tài sản của công ty ngọc, người ta chỉ thuê nó làm bảo vệ thôi không?
Tôi im lặng. Nếu ông không nói thì tôi cũng không để ý điều này.
Tôi quyết định mặc kệ ông. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là kết thúc chuyến đi chơi, tôi muốn giữ cho con gái mình có được niềm vui trọn vẹn.
Vậy nên khi ngồi trên thuyền, tôi luôn miệng cười tươi. Khi đụng ánh mắt Sơn  áy náy nhìn tới, tôi càng cười tươi hơn. Khánh ghé miệng sát tai tôi “Má cười nhìn đẹp lắm đó. Có cái ông kia nhìn má hoài”.
Cái ông kia là một người dáng vẻ bệ vệ, đi chơi thuyền cá mà mặc áo quần công sở và giày da, may mà có cái mũ bê rê đội lệch trên đầu giúp ông ta bớt đĩnh đạc chút ít.
Tôi hỉnh mũi cho Khánh hiểu câu trả lời là người như vậy nhìn ngắm ai cũng như ai thôi. Khánh bật cười “Giờ mới biết má khó tính ghê nha”.
Đến mười giờ thì kéo lưới. Mọi người xúm xít quanh ba cái thùng phân loại cá, tôm, và mực. Nhân viên resort đang bày bếp cho bữa tiệc nướng, còn lại thì tíu tít chụp hình.
-  Một lần là được chừng này hả? – Khánh chỉ tay tới từng thùng và hỏi.
Sơn lắc đầu:
-  Chừng này là tạm được thôi vì hôm qua mới lưới ở khu vực này. Lẽ ra nên đi chỗ khác, nhưng bên resort nói muốn cho khách chơi gần đây thôi.
Một cậu trai trẻ tinh nghịch cầm con cá nhỏ dí vào má cô gái.
-  Nụ hôn của cá – Chàng trai kêu lên.
Cô gái vội hất mặt mình ra xa. Mọi người cười vang. Cha của Sơn chành miệng kiểu chứng kiến du khách ngốc nghếch nhưng dù sao cái chành miệng giống như cười cũng khiến ông bớt vẻ khắc nghiệt. Tôi muốn nhân cơ hội này xin phép ông cho Sơn cùng dự tiệc nướng. Tôi muốn mời Sơn, cái cớ để hai đứa trẻ được trò chuyện thêm một chút, chỉ còn hai tiếng đồng hồ nữa là tạm biệt.
Bỗng người đàn ông bệ vệ bước tới gần thùng mực, nhân viên resort theo sau. Người đàn ông cúi lượm cành cây nhỏ như chiếc đũa và dùng nó gạt lớp mực nằm trên cùng qua một bên, ông bới bới một hồi thì moi ra ba con mực lớn bằng cuốn vở học trò nằm phía dưới. Nhân viên resort “dạ” một tiếng khe khẽ rồi cầm ba con mực lớn đi về phía lò nướng. Người đàn ông quăng cành cây vô tấm bảng quảng cáo gần đó rồi phủi phủi tay và nhún vai:
-  Chỉ một vài con ngó được được, toàn là loại nhỏ tí. Lưới kiểu này là tận diệt. Phá hoại.
Nói xong, nhìn đôi nam nữ đang vui đùa tạo dáng chụp hình đủ kiểu với con cá trên tay, miệng ông nở nụ cười độ lượng:
-  Hai đứa nhanh nhanh, mình ăn xong rồi còn về xếp đồ đạc nữa đó con.
Đôi nam nữ thả con cá vô thùng rồi theo người đàn ông đi tới khu vực ăn uống đang sực mùi nướng.
Cha của Sơn lừ lừ nhìn theo người đàn ông, quai hàm cắn nghiến. Mấy người quanh tôi vội đi nhanh, tôi cũng muốn đi để tránh cơn giận dữ lồ lộ trên khuôn mặt đỏ phừng, nhưng vì Khánh đang né trong bóng mát của gốc dừa và tranh thủ xức kem chống nắng, tôi đành đứng yên tại chỗ.
Cha của Sơn quăng cuộn lưới vèo vô thuyền như thể quăng cục đá vô mặt ai đó, tôi rùng mình vì sợ cuộn lưới đụng trúng Sơn.
-  Vui chơi gần bờ kiểu này... – Cặp mắt đỏ lừ nhìn tôi - Các người bỏ tiền mua vui rồi buộc tội kẻ khác tận diệt. Vừa đã mắt vừa đã miệng các kiểu hả?
-  Ba à... – Sơn kêu lên – Người khác nói chớ đâu phải cô.
Người cha gầm lên:
-  Mày cũng muốn thành trò vui à? Đồ ngu. Đi về ngay.
Ông chụp lấy cái tay quay trên bãi và đẩy vèo khiến nó lăn lượn ngoằn ngoèo như bỏ chạy một cách bất lực trước khi đổ ập xuống mép nước.
Rồi ông móc gói thuốc lá trong túi ra, châm một điếu và phả khói vô mặt tôi:
-  Tôi không muốn con trai mình bỏ nhà về thành phố tìm kiếm một điều vô vọng. Tôi không muốn chứng kiến con trai mình thất thểu trở về. Cô tưởng cô tử tế hơn gã kia hả?
***
Xe khởi hành vào giờ ngủ trưa nên sau một hồi lao xao vẫy chào biển cả thì ai nấy gà gật. Khánh nghiêng đầu trên vai tôi, hơi thở đều đều chợt bừng tỉnh vì cái điện thoại trong túi vang tiếng “bíp”. Khánh vén tóc và cầm lấy điện thoại...
Mỉm cười, Khánh ghé miệng gần tai tôi “Sơn hỏi con là lúc nổi nóng đó ba của Sơn nói gì với má?”.
Tôi làm ra vẻ đang gà gật để tránh câu trả lời có thể khiến chuyến đi chơi này không được trọn vẹn với con mình. Biển xanh thắm đang còn nhấp nhô trong tầm mắt và hẳn là còn nhiều lưu luyến. Nhưng thêm một lát nữa thôi, khi ánh đèn thành phố nhấp nháy chào đón...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI