Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”
Những
ngày này, thời tiết Tây Nguyên chuyển mình vào tháng 8, bầu trời lúc nào cũng mang một màu sắc xam xám. Sáng nay, tôi dậy sớm hơn mọi
ngày, trang bị cho mình chiếc áo ấm để chống lại cơn gió lạnh
buổi sớm và rảo bước nhanh đến
Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh - hôm nay đơn vị này sẽ cắt băng khánh thành lớp học “Chắp cánh ước
mơ” ở buôn H’luck, xã Ea Kuếh, huyện Cư M’gar.
Cứ ngỡ mình đã là người đến sớm,
nhưng vẫn còn người sớm hơn. Đó là Đại tá Nghiêm Thanh Thủy, Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh
cùng nụ cười rạng ngời, ăm
ắp niềm vui và tự tin trong bộ quân phục của lực lượng Công an nhân dân.
Sau khi công tác chuẩn bị xong, tập
hợp đông đủ, đúng 5 giờ, xe chuyển bánh thẳng hướng Cư M’gar đi vào xã Ea Kuếh với đoạn đường gần
70 km.Tôi nghĩ bụng, khoảng
hai tiếng là đến nơi. Trên xe chở theo lỉnh kỉnh các đồ dùng học tập: bàn, ghế, cặp, bút màu, đồ
chơi, bánh kẹo…
Qua thị trấn Quảng Phú, nhà dần
thưa thớt, con đường hẹp, ngoằn ngoèo, hố gà, hố voi, đường đến buôn H’luck như càng thêm xa. Đại tá
Nghiêm Thanh Thủy, Trưởng Phòng Quản lý
Xuất nhập cảnh trăn trở: “Ở đấy (buôn H’luck) thương lắm. Trẻ em đến tuổi đi học vẫn theo cha, mẹ lên rẫy do điểm
trường tạm bợ trong nhà cộng
đồng dột, nát, mùa mưa này là nghỉ học. Năm vừa rồi đến buôn trao bò cho chị em phụ nữ, nhìn thấy các
em mà thắt lòng, mình bàn với các anh em trong phòng đóng góp mỗi người một ít, ai cũng
nhiệt tình ủng hộ. Rồi chị vận động thêm bạn bè, các mạnh thường quân nữa. Gói gém chưa hết nửa năm đã xây
xong trường cho các em”.
Đến mãi gần 9 giờ, xe dừng bên
nhà sinh hoạt cộng đồng buôn H’luck, chưa kịp xuống xe, tôi đã nghe mọi người xôn xao:“Cán bộ Thủy
đấy!”; “Phòng Xuất nhập cảnh ở tận trên tỉnh vậy mà về đây xây trường cho chúng
ta…”, “cán bộ tỉnh mang đồ chơi
mới về lớp học kìa…”. Khỏi phải nói, đám trẻ reo vui sung sướng đến nhường nào, từng ánh mắt, nụ cười hồn
nhiên của các em như tia nắng ấm áp xua tan cái không
gian ướt lạnh nơi đây.
Ông Y Thanh Êban, buôn trưởng
buôn H’luck không giấu được cảm xúc, tay bắt mặt mừng với mọi người: “Các anh, chị lại về với buôn, người
dân hôm nay ai cũng mong
gặp được cán bộ Thủy và các anh, em để nói lời cảm ơn…”.
Buôn H’luck có 89 hộ với hơn 300
nhân khẩu, đều là người dân tộc thiểu số, sống chủ yếu bằng nghề nông, một phần là dân di cư ngoài kế hoạch
nên đời sống của bà
con nơi đây còn nhiều khó khăn, vất vả.
Đây không phải là lần đầu chị Thủy
tổ chức vận động xây trường học mới cho các em, mà cách
đây đúng một mùa mưa, công trình lớp học mầm non rộng 100 m2 và khu nhà vệ sinh khang
trang sạch đẹp cũng được chị vận động, xây tặng cho các em nhỏ ở xã Jang Reh, huyện Krông Bông…
Không chỉ vậy, mỗi khi Hội Liên
hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk phát động các chương trình an sinh dành cho hội viên phụ nữ, lại thấy
chị tất bật hơn trong các chương
trình: Trao bò sinh sản; vận động các đơn vị trên TP. Buôn Ma Thuột số tiền 50 triệu đồng thành lập Hợp tác
xã sản xuất thóc giống và phân bón; rồi liên hệ với Trung tâm dạy nghề giúp
chính quyền địa phương khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống và tìm đầu ra giúp chị em phụ nữ nơi đây
có nghề tự nuôi sống bản
thân, gia đình...
Mải suy nghĩ, Lễ cắt băng khánh
thành đã hoàn tất, nhìn các em háo hức chạy ùa vào lớp học mới mà khóe mắt cay cay, lòng trào dâng niềm hạnh
phúc. Từ lớp học này,
sẽ có nhiều thế hệ các em tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ đến trường để mai này xây dựng buôn làng ngày một giàu đẹp hơn…
Nắng ráo chưa được mấy chốc, mây
đen lại kéo đến vần vũ. Chúng tôi nhanh chóng lên xe để trở về thành phố và tiếp tục những câu chuyện
còn đang dang dở. Tôi thắc mắc
vì sao với cương vị Trưởng phòng, ngoài công việc chuyên môn, chị còn phải vun vén gia đình,
thế nhưng chị vẫn cân bằng hài hòa giữa việc nước - việc nhà, như con ong chuyên cần chăm chỉ đi hết các
buôn làng để giúp đỡ các
gia đình phụ nữ và mang cái chữ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Chị Thủy bộc bạch:“Cá nhân mình sẽ
không giải quyết được, tất cả đều nhờ phần lớn vào anh, em trong Phòng giúp đỡ. Tiếp thêm nghị lực
cho các chị em phụ nữ vùng
sâu phát triển kinh tế, chưa cần họ phải phấn đấu để làm giàu, chỉ cần các chị em cố gắng thoát nghèo bền vững vậy là vui lắm rồi
em ạ…
Tuy chị nói đơn giản như vậy
nhưng tôi biết mỗi khi đề ra một kế hoạch, từ tiếp đón, phục vụ công dân, đến động viên cán bộ chiến
sĩ xuống cơ sở hay thực hiện đề án tăng cường
công an chính quy xuống xã cũng như kêu gọi mọi người xây trường, mở lớp học hay hỗ trợ vốn
giúp chị em thoát nghèo tại cơ sở... chị đều dành rất nhiều thời gian, công sức, tâm huyết của mình;
biết lắng nghe và thấu hiểu nên
cán bộ chiến sĩ trong đơn vị đều nhiệt tình hưởng ứng.
Là lãnh đạo đơn vị thường xuyên
làm việc, tiếp xúc với nhân dân, chị luôn tâm niệm và yêu cầu mọi cán bộ chiến sĩ của mình phải đặt
vào vị trí của người dân để luôn nêu cao tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, có thái độ thân thiện,
niềm nở khi hướng dẫn
các thủ tục cấp phát hộ chiếu cho nhân dân làm sao để người dân thật sự tin tưởng và yêu mến
cán bộ Công an. Và đó cũng là điều mà chị luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ của mình phải thực hiện.
Còn nhớ, có lần tôi qua liên hệ
công tác với đơn vị chị. Mặc dù khu vực tiếp công dân có rất đông người đến làm thủ tục xin cấp hộ chiếu, nhưng
tất cả đều diễn ra trong
trật tự. Ở khu vực đối diện là không khí làm việc khẩn trương của các cán bộ, chiến sĩ đang trực tiếp
giải quyết thủ tục, nhưng nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt của mỗi người. Xung quanh phòng tiếp
công dân, có thể dễ dàng thấy bảng niêm yết các loại thủ tục, lệ phí, nội quy bằng cả tiếng
Việt và tiếng Anh để
công dân nắm bắt cũng như thực hiện quyền giám sát. Một bà khoảng 60 tuổi khoe với tôi, bà là
người gốc Lào, từ khi sang đây làm ăn đến giờ chưa được về thăm quê hương, giờ phải cố một lần, rồi bà cười
hớn hở: “Tôi không hiểu về
các thủ tục ở đây, các con tôi đều bận đi làm rẫy cả, hôm thứ bảy vừa rồi mới ra được ngoài này.
May sao, họ vẫn bố trí cán bộ làm việc, tôi được họ tư vấn các giấy tờ cần thiết. Hôm nay, tôi đã
hoàn thành xong thủ tục đợi vài ngày sau là có giấy tờ rồi”.
Niềm vui của bà cụ cũng là phần
thưởng vô giá cho sự nỗ lực của Đại tá Nghiêm Thanh Thủy cũng như toàn thể cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng
Quản lý Xuất nhập cảnh
trong chặng đường cống hiến của mình.
Bên cạnh“gia đình lớn” nơi đơn vị
công tác lúc nào cũng đong đầy tình cảm đoàn kết, cùng nhau vượt khó, cùng nhau
phát triển, ở gia đình nhỏ - tổ ấm của chị - chưa khi nào thiếu đi niềm vui với bàn tay thu vén
của chị bên người chồng cũng là đồng đội của mình. Chị vẫn khiêm tốn khi
nói về “gia đình lớn” nhưng không giấu được tự hào khi nói về gia đình nhỏ với hai đứa con giỏi
giang, ngoan ngoãn,
thành đạt…
Chiếc xe vẫn gồng mình lắc lư qua
những đoạn đường gồ ghề trên con đường độc đạo từ Ea Kuếh về trung tâm huyện. Sự mệt mỏi dần thể hiện
trên khuôn mặt mỗi người,
nhưng ai nấy đều rạng ngời niềm vui khi nghĩ về ánh mắt, nụ cười của cô, trò và bà con buôn H’luck
khi có lớp học mới. Tiếp tục trên chuyến hành trình, chị em tôi lại rôm rả với những câu chuyện, những
kỷ niệm về những chuyến đi thiện nguyện cũng như câu chuyện phá án khi chị còn đang làm Trưởng
phòng Phòng An
ninh Văn hóa tư tưởng. Chị kể: “Thuở đó cũng ác liệt lắm, nhưng âm thầm, lặng lẽ. Trên trận tuyến nào cũng vậy, tội phạm không dễ
quy hàng pháp luật. Các
đối tượng phạm tội này sẵn sàng dàn “trận địa ma” để bẫy người dân và qua mặt pháp luật. Trong suốt
những năm gắn bó, có nhiều vụ án phải mày mò đọc nhiều sách, tìm hiểu
nhiều nguồn tin, có những ngày căng não tột độ. Không ít vụ phá được án nhưng vẫn cứ
ám ảnh theo mình mãi, nhắc nhở mình đừng bỏ cuộc khi vụ án chỉ còn 1% cơ hội”.
Rồi chị nhớ lại, thực hiện chủ
trương “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân các anh hùng liệt sĩ, Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành
tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh bảo vệ Tổ
quốc. Lợi dụng vấn đề này, năm 2013, Nguyễn Thanh Thúy và đồng bọn đã lừa đảo,
chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp tâm linh. Thúy tự xưng mình là “cậu
Thủy” có khả năng tìm hài cốt bằng ngoại
cảm. Thủ đoạn của nhóm này là khi thân nhân liệt sĩ đến yêu cầu tìm kiếm thì
cung cấp các thông tin về quê quán, đơn vị chiến đấu, thời gian, địa điểm hy sinh
của liệt sĩ và trả trước 10-15 triệu đồng làm lễ trình, khi hoàn thành việc bốc
cốt phải trả 100 triệu đồng. Sau đó, “cậu Thủy” cùng đồng bọn đi trộm các hài cốt
liệt sĩ tại các khu mộ vô danh để làm giả. Với chiêu trò này, tập đoàn lừa đảo
của “cậu Thủy” thực hiện trót lọt hàng trăm vụ tìm hài cốt liệt sĩ giả.
Cáo trạng của Hội đồng xét xử Tòa
án nhân dân tỉnh Quảng trị mở ngày 16.10.2015, “cậu Thủy” và các đồng phạm đã
thực hiện tổng cộng 4 đợt “tìm, kiếm, cất bốc” hài cốt liệt sĩ hết sức quy mô tại
các tỉnh: Đắk Lắk, Bình Phước, Kon Tum, Quảng Trị... với tổng kinh phí hơn 7 tỉ đồng từ Ngân
hàng Chính sách. Ngoài ra, “cậu Thủy” còn lừa tìm hài cốt đối với hàng chục
thân nhân gia đình liệt sĩ khác,
thu lợi từ 100-120 triệu đồng/bộ. Riêng Đắk Lắk, “cậu Thủy” đã tìm được 73 bộ hài
cốt với chi phí 75 triệu/bộ, cũng chính tại trận địa này, “cậu Thủy” đã bị lực lượng
công an tỉnh Đắk Lắk “khai quật”, mà mấy ai biết rằng, người chịu trách nhiệm cho vụ án này tại Đắk Lắk là Đại tá
Nghiêm Thanh Thủy.
Chị kể lại, ngay khi phát hiện dấu
hiệu lừa đảo, mình đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ bắt tay vào điều tra; điều động nhiều trinh sát tỏa đi
các hướng, về trại giam nơi Thúy có tiền sử phạm tội và thụ án, các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Trị...
Hơn 7 tháng ra Bắc vào Nam để làm rõ căn nguyên “cậu Thủy” chỉ
chính xác 73 hài cốt ở Đắk Lắk một cách hoàn hảo. Nhưng, các manh mối thu về đều không thể hỗ
trợ nhiều, hiện trường đều bị xóa sạch dấu vết, mọi thứ tưởng
chừng như đi vào ngõ cụt. “Biết rõ ràng “cậu Thủy” có dấu hiệu lừa đảo nhưng chưa thể
truy tố. Áp lực với chúng tôi
không chỉ tìm chứng cứ chứng minh trước pháp luật mà còn người dân cả nước, nhất là các gia đình thân nhân liệt sĩ. Một sơ suất
nhỏ hay lập luận sai sẽ làm
cho mọi thứ trở nên phức tạp gấp trăm lần... Từ trong thâm tâm, mình xác định phải tìm ra sự thật,
phải trả lại những gì thuộc về lịch sử”, Đại tá Thủy bồi hồi nhớ lại.
Mỗi ngày trôi qua thật nặng nề,
không nản lòng trước thách thức, chị Thủy cho rằng: “Hiếm có ai uyên bác đến nỗi lập ra kế hoạch không có lỗ
hổng, nhất định phải có
chứng cứ... Mình quay lại vạch xuất phát thu thập các băng, đĩa, video clip,
bài báo…
ghi lại hành trình tìm, kiếm cất bốc của “cậu Thủy” tại các tỉnh xem kỹ hơn”. Để hiểu sâu hơn, chị
tìm hiểu về nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực có liên quan. Không phụ lòng của Đại tá Thủy
cùng với đồng đội khi xem những video ghi lại việc bốc hài cốt thực hiện tại 2 tỉnh Bình Phước,
Quảng Trị... được thực hiện bởi nhà báo Thu Uyên, trực giác như mách bảo chị
có gì đó bất ổn lúc “cậu Thủy” nhập vong. “Hát bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng làm
cho mình băn khoăn.
Mỗi khi nghe bài này, tôi lại thấy rộn ràng giống như mình đang sống trong niềm vui giải phóng
hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi nhớ, bài hát này do nhạc sĩ Phạm Tuyên
sáng tác vào năm 1975 khi Nhà nước ta quyết định công bố tin giải phóng hoàn toàn miền Nam trước toàn thế
giới. Lật lại danh sách các
liệt sĩ được tìm thấy đều ghi hy sinh năm 1972, tôi vui đến nỗi chân tay run rẩy, ôm chầm lấy mọi
người, lúc ấy thực sự chỉ muốn hét thật to...” Tình tiết không trùng khớp ở hai con số
năm hy sinh - năm sáng tác, từ manh mối này, Phòng An ninh chính trị nội bộ liên hệ với Bộ Chỉ huy
Quân sự tỉnh, Quân khu V… xác
nhận những nơi “cậu Thủy” tìm thấy liệt sĩ đã diễn ra các trận đánh nào?
Rồi chứng cứ tiếp theo lộ diện,
di vật của các liệt sĩ tìm được ở nhiều nơi khác nhau nhưng đều được khắc bởi một nét chữ... Dù
đang kể chuyện cho tôi nghe, nhưng ánh mắt đó vẫn kiên định: “Không quản ngày đêm, mọi người vẫn ăn
dầm nằm dề ở cơ quan mấy ngày liền, mày
mò trên từng bộ xương, từng chiếc mũ, đôi dép để phản bác lại luận điệu bịp bợm của “cậu Thủy”.
Và rồi những lập luận khoa học,
logic, chứng cứ xác thực tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk mà Phòng An ninh văn hóa tư tưởng cung cấp đã góp phần
thắng lợi giúp cho cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng
Trị có thêm cơ sở vững chắc để khởi tố, xét xử 5 đối tượng về hành vi lừa đảo,
chiếm đoạt tài sản. Ngăn chặn tổ chức này dự định tiếp tục quy tập 200 hài cốt
liệt sĩ tại Đắk Lắk mà “cậu Thủy” cho rằng đã “thấu thị”...
Chúng tôi về đến Công an tỉnh vào
giờ tan trường của các em học sinh và cũng là lúc câu chuyện “cậu Thủy” kết thúc, tạm biệt nhau để trở về với
vai trò người vợ, người
mẹ… Chia tay chị ra về, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh một người phụ nữ đôn hậu, với nụ cười thân thiện, niềm
vui rạng ngời trong ánh mắt cùng câu nói mà suốt cuộc đời này tôi không thể quên được: “Làm
Công an cần phải có bản lĩnh và trái tim nhân hậu em ạ!”…
Sẽ là không đủ nếu kể ra những giấy khen của lãnh đạo Công an tỉnh, chiến sĩ thi
đua toàn lực lượng hay giải thưởng phụ nữ Công an tiêu biểu toàn quốc, giải thưởng Phụ nữ Việt Nam… để định
nghĩa về dấu ấn của Đại
tá Nghiêm Thanh Thủy trong cuộc chiến thầm lặng không khói lửa; hành trình giúp đỡ từ cán
bộ, chiến sĩ trong đơn vị cho đến các buôn, làng đi tới cuộc sống mới mà Đảng và Nhà
nước đang từng ngày nỗ lực, cần lắm những tấm lòng bao dung, vị tha như chị để cuộc sống của bà con nơi
đây ngày một tươi đẹp, ấm
no hơn.
25 năm tôi luyện, từng là một
trinh sát an ninh dũng cảm, mưu lược, tham gia phá hàng trăm vụ án liên quan đến các lĩnh vực từ nội bộ,
giáo dục, y tế cho đến đấu tranh,
phản bác và quản lý các đối tượng xã hội dân sự... và đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau tại Phòng
An ninh chính trị nội bộ đến khi về làm Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh hiện nay, Đại tá Nghiêm
Thanh Thủy như “bông hoa
thép” vươn lên đầy kiêu hãnh trong nắng, gió Tây Nguyên. Chị làm cho tôi hiểu thêm rằng: Ở bất cứ thời
kỳ nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, vai trò của những nữ chiến sĩ công an luôn giữ vị trí quan trọng
góp phần tỏa sáng những phẩm
chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu,
đảm đang”.