Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

EM ĐỪNG GIẬN TUI bút ký dự thi H’LINH NIÊ - CHƯ YANG SIN SỐ: 327 THÁNG 11 NĂM 2019


Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”


 



Thời gian là phương thuốc diệu kỳ chữa lành mọi vết thương, xoa dịu nỗi đau của tâm hồn. Nhưng thời gian cũng khắc nghiệt biết mấy khi xóa đi những dấu vết, kỷ niệm, thậm chí là những ký ức mà con người muốn lưu giữ. Chuyện của đại tá Y Ni Ksor rơi vào sự khắc nghiệt của thời gian là thế.
Tháng 4. Dàn hợp xướng nhiều giọng của lũ ve hát sớm, bất chấp cái nắng nóng của mặt trời như sà xuống thấp hơn, rỉ rả khắp đất trời cao nguyên, gọi những cành phượng đầu tiên lập lòe lửa đỏ trong vòm lá xanh ngăn ngắt. Chiều Ban Mê nắng như đổ lửa. Đang những ngày giao mùa, cái nóng ngột ngạt bốc lên hừng hừng từ mặt đường nhựa, khiến cho bọn ve cũng mỏi, phải nhường nhau hát, lúc lũ ở cây này cất giọng, lúc bọn trên cây kia lên tiếng, cứ như là sự đối đáp nhau của dàn ching knah.
Tìm căn nhà nhỏ ở trong buôn Kô Siêr của vợ chồng cố đại tá Y Ni Ksor không khó lắm. Bởi chỉ trừ buôn Ako Dhông còn giữ được nhiều nhà sàn cổ, còn giống như hai buôn gốc khác của thành phố Buôn Ma Thuột là Păn Lăm và Alê A, buôn nào nay cũng đều đã là nội đô thành phố, có đường nhựa, nhà có đánh số hẳn hoi. Buôn ở phố, tấc đất tấc vàng, nhà sin sít nhau có rất ít cây xanh nên càng nóng nực. Lô đất gần 100m2 này do thành phố cấp, ngôi nhà đã được bốn đứa con – đều theo bước chân cha công tác trong ngành công an - xúm nhau góp tiền sửa lại mấy năm sau ngày anh mất, sân trồng cỏ theo lô xanh rờn, có cây che bóng mát. Bướm vàng bướm trắng la đà lượn lên vờn xuống trên những cụm hoa nhỏ lúp xúp. Mấy đứa con đi làm cả, bà nội ở nhà trông cháu.
 Đưa tôi lên thắp nhang bàn thờ chồng ở trên căn gác nhỏ, Amí Nghĩa, người vợ góa của Anh hùng lực lượng vũ trang Y Ni Ksor mở toang cánh cửa sổ cho ánh nắng ùa vào, để tôi chụp lại bức chân dung của ông. Gương mặt Y Ni trông hiền hậu, hơi có vẻ đăm chiêu, ánh mắt bao dung nhìn xuống. Một làn gió mát bỗng đâu tràn vào khung cửa nhỏ, cứ như theo những nén nhang thơm và lời khấn, hương hồn người anh hùng đang trở về bên chúng tôi. Nhắc đến chuyện của chồng, mấy chục năm rồi, người phụ nữ tóc bạc màu mây vẫn còn rơm rớm nước mắt:
- Ổng đi tối ngày. Không dám hỏi chồng đi đâu, lúc nào về, vì lờ mờ biết việc của ổng phải hoàn toàn bí mật. Ngày sanh thằng con đầu lòng, một mình đi viện, tui khóc thầm hoài. Đến sau này sanh tiếp ba đứa cũng vẫn một mình, quen rồi, khỏi khóc luôn. Hay hồi con H’Vi gãy tay phải nhờ đồng đội của ổng đưa đi bó bột. Mấy đứa con lúc nào cũng thấy thiếu cha. Đó, ổng đi miết nên bây giờ cả nhà chỉ có mỗi một tấm hình chụp chung kia thôi. Vậy chứ đi thì chớ, khi về ổng lo lắng chăm sóc chu đáo lắm. Tay co rút mà xách nước, giặt đồ, nấu cơm, việc gì cũng giành làm. Hồi còn ổng, mình đâu phải lo lắng điều gì, ổng không ở nhà thì lại dặn lính hàng ngày giúp đỡ. Tới lúc ổng bệnh, năm mẹ con phải tự chăm sóc lẫn nhau, lúc đó mới biết thế nào là khó khăn. Trước lúc mất ổng dặn: “Dù phải bán hết cả nhà cũng phải lo cho các con ăn học đàng hoàng em nhé”. Nên mình phải ráng làm được theo ý nguyện của ổng, cho các con theo nghề cha luôn .
- Ảnh bị thương lúc nào chị?
- Từ năm 1963 kia. Hồi đó chưa lấy nhau đâu. Nghe mấy ảnh ở cứ kể khi làm ở Ban An ninh B3 Tây Nguyên, trên đường dẫn độ phạm nhân Kpă Sơn, bị địch phục kích. Anh Ni mang cacbin đi trước quay lại lao vào nhau vật lộn với Kpă Sơn, đồng đội bắn giải tỏa nhưng trúng cánh tay ảnh. Tù chạy mất. Vì ở trong rừng, thiếu thuốc men, không được chữa trị kịp thời nên tay ảnh mất một ngón và bàn tay bị co rút lại. Vậy mà bắn súng vẫn giỏi lắm đó. Ảnh nói em đừng lo, súng để phòng thân thôi, ít khi phải dùng tới lắm.
- Hai người quen rồi lấy nhau thế nào?
Amí Nghĩa đưa mắt nhìn xa ra ngoài sân nắng chói chang, im lặng một lát. Gương mặt từng xuân sắc một thời, nét như bức tượng gỗ tạc bỗng hơi tối lại, nhưng rồi tươi lên ngay. Có hình ảnh nào lấp lóa trong ánh nắng chiều, hay dường như đã lâu lắm không có ai cùng nhắc những  kỷ niệm về người chồng quá cố, khiến bà có chút ấm lòng.
Năm 1968, vì có chồng đi cách mạng, ở plei bị chính quyền ngụy ép quá, mẹ dẫn mấy anh chị em theo cha vô rừng. Ngày đó, cha của H’Giới cùng làm việc với Y Ni ở căn cứ H6 (nay là huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai). Ổng thích Y Ni vì thấy anh nhỏ người nhưng rất nhanh nhẹn, giao việc gì cũng làm xong một cách chóng vánh. Ông mời Y Ni về nhà, kêu vợ kiếm rau, còn mình gài bẫy thỏ rừng, làm mấy món ăn truyền thống của người Jrai để giới thiệu cho con gái, lúc ấy mới 15 tuổi. H’Giới dong dỏng cao, tóc dài, da ngăm ngăm mượt mà, xinh như con nai mới lớn nhởn nhơ ăn cỏ non. Thật tình lúc đó Giới đã thương và có hứa hẹn kết vợ chồng với một thày giáo cũng người Jrai ở cùng buôn, dạy học tại huyện. Nghề giáo được buôn làng coi trọng lắm. Y Ni lại lớn hơn tới 12 tuổi, nên cô tỏ ý không ưng. Nhưng cha mẹ không đồng ý. Cha thì bảo: “Tìm được người tốt như nó khó lắm đó”. Mẹ còn dọa sẽ từ con nếu không chịu lấy anh. Phía bên gia đình ảnh cũng nói nếu không ưng thì để kiếm vợ người Kinh cho. Thậm chí có lần người bạn thân cùng công tác là ông Y Luyện (sau này làm bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk) hẹn với Y Ni: “Mày gả em gái cho tao, tao gả em gái tao cho mày”, nhưng anh vẫn không chịu. Năm 1976 hai người cưới nhau theo đúng phong tục dân tộc, với đầy đủ heo, bò, đãi cả làng ăn uống, chinh trống tùng teng, múa suang tưng bừng suốt hai ngày. Rượu cần chảy rong róc như suối, bao nhiêu lượt nồi đồng đựng đầy nước đổ ché cũng không ai đếm nữa. H’Giới mặc váy áo thổ cẩm, đầu đội một vành hoa rừng do các bạn gái kết cho, xinh như cô dâu trong câu chuyện klei khan cổ xưa. Y Ni mặc bộ quân phục xanh mới, ngực đeo đầy huân, huy chương. Rất oai. Cả buôn ai cũng nói Giới thiệt may mắn, lấy được người chồng vừa giỏi vừa đẹp trai.  Sau khi cưới, H’Giới theo chồng về Buôn Ma Thuột.
- Chị biết không? Chồng tui hát K’ưt hay lắm nhé. Điệu k’ưứt tưởng dễ chứ cũng khó vì nghĩ gì hát nấy theo vần ngay lúc đó. Ổng đi buôn Thu, buôn Bông, Ea Khít… đến đâu cũng uống rượu ghè, hát trước. Hát luôn về chuyện buôn, chuyện người ở đó, nên được bà con thương lắm. Nhiều người nhận kết nghĩa làm em, làm con luôn à. Có tin gì họ cũng nói cho. Có bữa từ huyện đạp xe lên tận nhà này báo đêm đó Fulro về, để đội công tác mật phục. Thậm chí anh lái xe nói: mấy Fulro về hàng kể có đêm đã rình ngoài bìa rừng rồi, biết trên xe có ama Nghĩa nên thôi không bắn nữa đó. Có bữa tính ngủ lại trong buôn, ở Cư Né, mà bà con thấy trong rừng có đèn pin đánh tín hiệu Fulro về, báo ảnh chuyển chỗ khác ngủ luôn.
- Nghe nói ảnh uống rượu dữ lắm hả?
- Tui cũng từng hỏi ảnh như vậy đó. Nhưng ảnh nói ở với bà con phải uống rượu ghè, hút thuốc rê mới nói chuyện được. Ngồi với đám thanh niên thì phải uống rượu đế. Lấy ảnh hàng chục năm, tui mới thấy có vài lần mặc quân phục thôi. Còn lúc nào cũng ăn bận lùm xùm như người ở trong buôn đi rẫy vậy đó. Đi đâu không biết, không nói, vài ba tuần mới ghé về nhà một lần. La cà trong dân miết nên bên kia cũng tin ảnh là đại tá của Fulro cài vô. Bên mình cũng nghi ảnh đại tá Fulrô thiệt.  Biết ông Đại tá Y S.  không? Phó chỉ huy quân sự tỉnh hồi ấy, đã từng xin lệnh của Quân khu 5 bắt ảnh vì tội làm tay trong cho Fulro mà. Bởi anh Ni  nói gì bà con với Fulro cũng nghe rần rần. Các đội công tác bị mấy lần tập kích, một đêm phải chuyển chỗ ngủ tới 2,3 lần, ảnh ăn ngủ tại chỗ luôn luôn mà chẳng bị sao. May mà tỉnh không cho bắt. Lúc đó vợ chồng tui phải mang hồ sơ tới nhà chú Ama Kim, cũng cán bộ địch vận cũ, nhờ làm rõ việc của anh, mấy ổng mới yên. Hồi đó tui lo lắm, giận dỗi có nói nặng mấy câu. Về tới nhà, ảnh ôm chặt tui, nói:
- Em đừng giận tui. Chuyện chính trị, em không hiểu thì đừng nói gì. Tui không uống rượu lè nhè, cũng không theo Fulro. Nhiệm vụ của tui là phải thế. Tui sẽ cố giữ mình nguyên vẹn cho em và các con.
Ảnh đi miết. Có bữa  đem về cả ký thịt khô bò. Hỏi ở đâu, ảnh nói: Đổi 100 viên đạn cho Fulrô mới có mang về cho em với các con ăn đó.
- Ủa, sao lại đổi đạn cho địch vậy anh?
- Cho họ săn thú lấy đồ ăn chứ. Sống trong rừng hồi này thiếu thốn lắm. Họ không dùng đạn mình bắn mình đâu. Đặc tình tui cũng còn cấp đạn cho nữa mà.
- Hèn gì người ta đồn anh là đại tá Fulro. Nhưng ảnh là vậy đó. Dân ai cũng thương. Bà con lúc nào cũng nói: “Nuôi gà chưa kịp lớn, ủ rượu chưa kịp ngấm để  mời, Ama Nghĩa đã đi nơi khác rồi.”
Sau khi hoàn thành việc chống Fulro, Y Ni Ksor mất năm 1998, tại Buôn Ma Thuột, vì bệnh ung thu vòm họng, sau hai năm chữa trị không khỏi. Có lẽ đó là hậu quả của những năm tháng chống giặc giữa núi rừng Tây Nguyên với bao nhiêu tấn chất độc hóa học máy bay Mỹ rải xuống làm trọc lóc những ngọn núi, cánh rừng xanh, nhiễm bẩn từng dòng suối, mấy chục năm hòa bình rồi, núi vẫn như cái đầu không tóc. Hay những đêm ngày cùng đồng đội uống nước suối, nhai trệu trạo miếng lương khô, gói mì tôm, bí mật phục kích, đón lõng Fulro. Anh đã âm thầm làm nhiệm vụ và cũng lặng lẽ ra đi như thế.
Vĩ thanh:
Lực lượng Fulro đã bị xóa sổ từ năm 1992, nghĩa là núi rừng Đắk Lắk hoàn toàn im tiếng súng cũng đã 26 năm, đủ thời gian để giải mã những hồ sơ bí mật. Y Ni mất đến 2018, vừa tròn 20 năm. Trong cuốn sách “Lịch sử công an Đắk Lắk giai đoạn 1975-1996”, ngoài các sự kiện và con số, cũng không có sự đề cập trực tiếp nào đến tên và những trận chiến cụ thể do Y Ni chỉ huy (đó là thành tích tập thể mà).  Trong hồ sơ lý lịch chỉ có vài trang với những gạch đầu dòng ngắn gọn về quá trình công tác. Chỉ đủ  để cho biết ông đã từng được đào tạo rất bài bản từ trung cấp an ninh, tập huấn tận Liên Xô (cũ) lẫn qua các lớp bồi dưỡng công tác tình báo, lý luận chính trị…
Trân trọng cám ơn những đồng đội cũ của ông, từng sát cánh trong những lần trực tiếp tiêu diệt hay tiếp xúc với địch. Họ kể lại nhiều câu chuyện, không có một tài liệu nào ghi chép, nhưng toát lên trên hết là tình cảm gắn bó dài lâu tới tận hôm nay của các anh, với cả những người từng một thời lầm lẫn. Tất cả đủ để hình dung được về Y Ni Ksor, một lãnh đạo an ninh chính trị vững vàng nghiệp vụ, đầy sáng tạo trong cách đánh án, với tấm lòng vô cùng nhân ái không chỉ với gia đình, đồng đội mà với cả những người đồng tộc lầm đường. Đồng đội nhận xét anh: “Là người kiên quyết, không bao giờ chịu bỏ ngang và rất táo bạo. Một con người giản dị, nói ít, làm nhiều, dám nghĩ, dám quyết, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì sự bình yên của buôn làng. Mãi mãi sau này cũng khó có được một người như thế”. 
Trời Ban Mê cao lồng lộng biếc. Nắng óng vàng trìu mến phủ lên những mảnh vườn xanh trải dài tít tắp. Con sông Srêpôk thao thiết chảy về hướng mặt trời lặn, ôm ấp trong làn nước xanh đậm màu lá rừng bao câu chuyện huyền thoại về con người và vùng cao nguyên đất đỏ. Hãy hít sâu vào lồng ngực làn gió ngát thơm hương hoa cà phê nở muộn, để thấy đất trời cao nguyên tự do, thanh bình, dường như đẹp thêm lên rất nhiều.
Bài viết này chỉ là một nén tâm nhang tưởng nhớ tới ông, người Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Y Ni – Y Klăp Ksor, vì nhiệm vụ vinh quang, đã có một đoạn đời hàng chục năm tưởng như lặng lẽ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI