(Đọc Màu thổ
cẩm – Thơ Bùi Minh Vũ – NXB Hội Nhà văn – 2019)
Đây đã là tập
thơ thứ 10 của Bùi Minh Vũ, không kể tiểu thuyết, nghiên cứu, sưu tầm, biên
soạn. Điều đó chứng tỏ sức viết bền vỉ, dẻo dai của tác giả.
Màu thổ cẩm đậm
đặc hương vị của vùng đất Tây Nguyên – Đắk Lắk. Một bài thơ gây ấn tượng
mạnh cho tôi là bài Đêm nghe tiếng khóc trâu:
Nức nở như mưa/
Nhuộm trăng vàng/ Màu đêm trắng.
Tiếng khóc nào
về đêm cũng buồn, thê lương, xa vọng. Ở đây, không gian, thời gian phụ họa nỗi
buồn: Mưa, trăng vàng, màu đêm trắng để càng buồn hơn, để dẫn đến khổ thơ đau
xé lòng:
Lời nỉ non, mời
trâu ăn cỏ lần cuối
Uống nước suối lần
cuối
Xứ A Tâo xa lắm,
trâu ơi
Sương nương buồn
bời bời.
Con trâu thân
thiết với người được (hay bị) làm vật hiến tế, hiến sinh. Điệp từ lần cuối thương
lắm, ăn cỏ, uống nước cũng là lần cuối để trâu về với xứ A Tâo cùng ông bà, tổ
tiên để thi nhân nhỏ lệ thương cảm: Sương nương buồn bời bời.
Một bài thơ,
nếu đúng dịp thi viết về môi trường thì chắc có giải:
Ơ cái nước hát reo
Cháu con phải biết
trồng cây trên rẫy, trên đồi.
Hai câu này chỉ
là lời kêu gọi bình thường, nhưng những câu sau thì cái lạ hóa của thơ đã găm
vào lòng người đọc:
Đất trồng nên
sông/ Sông trồng nên cá
Suối hối hả/ Trổ
hoa/ Nghe con chim hót.
Nghe
cây hát
Chưa gặp thơ ai viết như Vũ: đất trồng, sông trồng. Đất, sông cũng là
người. Có nước, có cá, có hoa, có chim là do người bảo vệ môi trường, phải có
rừng. Thơ lạ mà thâm thúy.
Cùng chủ đề
rừng, Minh Vũ viết nước là nguồn gốc sự sống, cũng là nguồn cội của văn hóa dân
tộc:
Nước không về bến
nước/ Con nai khát ven rừng
Chiếc gùi khóc
rưng rừng/ Tiếng chiêng rơi lưng chừng.
Nước
Không gian như
ngưng đọng để dẫn vào câu kết:
Quả bầu/ Lăn xuống
vực sâu
Không còn nước
thì không còn ai mang bầu đi lấy nước, không còn bến nước. Thơ nghẹn lòng, tức
tưởi.
Giữ được cây,
được rừng, giữ được nước cũng là giữ được văn hóa của một vùng đất.
Bài Cổng nhà
Yàng đậm đặc phong tục trong lễ cầu mùa, mang cho mùa màng tốt tươi khi mưa
thuận gió hòa, từng chi tiết tả thực sinh động. Kết bài nói được cảm xúc của
người dự lễ:
Khuya rồi/ Người
muốn về
Tiếng chiêng vang
dài như sợi dây trói lại.
Đêm đã về khuya
mới có cảnh dùng dằng nửa ở nửa về, nhưng cuối cùng ở lại bởi dây trói của
tiếng chiêng, của tâm thế văn hóa cồng chiêng.
Bài Ra bờ sông
buổi sáng có cả phần trữ tình, phần tự sự và cả chút triết lý ẩn sau câu chữ:
Khi nào em buồn/
Nhìn xuống đáy nước
Nỗi buồn sẽ bị
nhấn chìm
Trước ánh bình
minh lan tràn chiếm giữ hồn em.
Em nhìn xuống
đáy nước, thấy gương mặt mình, rửa mặt hay tắm gội để thanh lọc tâm hồn, nỗi
buồn bị nhấn chìm trong nước, trước ánh bình minh lan tỏa, được tiếp thêm năng
lượng tràn trề.
Trong tập có
nhiều bài thơ ngắn mang tính triết lý đều đáng đọc như các bài: Về núi; Mảnh
vỡ; Nơi tổ tiên họ ở…
Đặc biệt bài
Tiếng cười tiếng khóc là bài cực ngắn, đúng 10 âm tiết:
Tiếng cười thường
hết hạn sử dụng
Trước tiếng khóc.
Câu thơ như một
châm ngôn của người từng trải, tổng kết quá trình sống và trải nghiệm. Cái hay
của thơ là sáng tạo từ mới, câu mới. Tiếng cười hết hạn sử dụng là câu như thế.
Tiếng cười mau qua còn tiếng khóc thì dai dẳng, âm ỉ. Chọn cách sống nào để
tiếng cười kéo dài hơn.
Bài Những cành
mây hiểu đa nghĩa, xen giữa thực và ảo. Mười đầu ngón chân rỉ máu (có thể đi
chân trần bị gai mây cào xước) là thực. Nhưng Hoàng hôn cười/ Thòng xuống
những cành mây cô độc lại là ảo. Chiều buông thả cả mây trời.
Tôi thích tứ
thơ:
Lửa vừa nhen/ Cháy
lên chùm mặt trời
Lướt thướt/ Giọt
sương/ Mổ vào chiếc lá.
Chùm mặt trời
là từ lạ. Sương mổ vào lá cũng lạ. Đắt ở từ chùm và mổ. Thường viết sương đậu, thì
đây là mổ tưởng có âm thanh lộp độp hay tí tách.
Phiêu du theo
tập thơ khá dày dặn, lẩy ra những câu, những bài tâm đắc (chưa hết đâu), giờ là
lúc quay lại với bài thơ được lấy tên
chung cho tập. Màu thổ cẩm đủ độ điển hình:
Họ yêu nhau từ lúa
trước hoàng hôn
Thời gian,
không gian chỉ là ước lệ, vô định, giả định.
Hẹn gặp phải qua
năm đồi, bảy rẫy
Nhớ thương phải
đến lễ hội trong buôn
Quấn quít phải ra
bờ suối vắng.
Cảnh yêu đương
rất thật, rất cụ thể, qua thử thách vượt năm đồi, bảy rẫy. Tìm nhau trong lễ
hội rồi bờ suối vắng tự tình.
Chẳng ai thấy họ
mặc áo màu gì
Đêm bẽn lẽn có
chơi trò đối đáp.
Tất nhiên, đêm
thì làm gì nhìn thấy màu, sắc. Đêm bẽn lẽn là từ hay, có e ngại, có thẹn thùng
và cả làm dáng ẩn chứa:
Tay trong tay say
sưa vừa tháng Chạp
Trăng mênh mang
vàng suối nước thầm thì.
Từ vàng gánh cả
hai nghĩa: trăng vàng, suối vàng như lời tâm sự được đồng cảm, lan tỏa từ người
sang cảnh. Đây là khổ kết bài thơ:
Bóng của họ nhuộm
sắc màu thổ cẩm
Tiếng yêu thương
suối chảy, đá mòn
Còn thổn thức lửa
tràn tay say đắm
Trên nương rẫy bao
la dấu chân tròn.
Bằng tiềm thức
mà đoán định sắc màu, có màu xanh của rừng, màu đỏ của đất chứ đêm thì nhìn
không rõ. Trái lại nghe rõ âm thanh của nước chảy, đá mòn và cảm được sức nóng
của tình yêu: Lửa tràn tay say đắm.
Bài thơ có 12
câu thì 11 câu khá, câu cuối cùng hơi đuối, có vẻ dễ dãi:
Trên nương rẫy bao
la dấu chân tròn.
Thường yêu
nhau, khi gặp nhau là ngồi một chỗ, đi lắm làm gì cho mỏi chân. Cụm từ dấu chân
tròn giống vết chân tròn của Trần Tiến, nhưng Trần Tiến là đi trên cát, ở đây
là nương rẫy khó hằn vết. Chẳng lẽ cũng đi bằng nạng? Nếu thay vết chân tròn
thành gót chân son có lẽ đúng hơn.
Tập thơ tới 154
bài là thử thách lòng kiên nhẫn của người đọc, nhưng cuốn hút bởi đậm đặc chất
Tây Nguyên nên người đọc vẫn lần giở tới trang cuối cùng. Vì dài nên không
tránh khỏi có những bài hoài niệm về quê hương không hợp chủ đề. Nhất là bài
Hát Môn viết về khởi nghĩa Hai Bà Trưng chẳng ăn nhập gì với màu thổ cẩm.
Bài Anh đừng
say nhé, có một chi tiết cần xem lại:
Hôm nay lễ cúng
lúa
Họ chôn nêu sau
nhà.
Khi dựng cây
nêu mời thần linh về dự, thường ở bãi đất rộng trước nhà cho đủ chỗ đốt lửa để
mở vòng xoan, trước nhà cũng là tôn trọng thần linh.
Vài gợn lăn tăn
không làm giảm giá trị Màu thổ cẩm – hương sắc Tây Nguyên – hồn cốt Tây Nguyên
– thơ Bùi Minh Vũ.
Đọc để yêu thêm
vùng đất mình đang sống.
Tháng
10-2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI