Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

LỜI RU BÊN SUỐI truyện ngắn của NGUYỄN ANH ĐÀO - CHƯ YANG SIN SỐ: 327 THÁNG 11 NĂM 2019



Tư hát ru hay lắm, giọng Tư ngọt như đường, như mía. Trời mưa gió hay nắng chang chang, trời mùa đông hay mùa hạ, trời lạnh hay nóng, giọng hát của Tư không thay đổi, Tư vẫn nhẫn nại hát, Tư sợ con gái thức giấc, Tư muốn con gái ngủ ngon, giấc ngủ mà bao lâu rồi, Tư chưa có được.
“Ầu ơ … lúa chín bên sông
Con đi lâu lắm mà không thấy về…”.
Tư hát đi hát lại, gió thổi xào xạc lá khô, mấy con sóc vô tình làm gãy mấy cành khô bé xíu, phát ra tiếng động vui tai của rừng. Tư đưa ngón tay che ngang miệng mình “suỵt, yên cho chị ngủ, nghe hông?”. Con gái mười sáu tuổi của Tư, ừ, nó mười sáu tuổi rồi, nhưng không có tiếng ru của mẹ là nó ngủ không được đâu. Tư thương nó, chiều chuộng nó, chắc nó sinh hư vậy đó.
Trời mưa, Tây Nguyên đã không mưa thì thôi, đã mưa thì phải mưa đến bạc cả đầu, đến khi con suối đầy ắp, sông chảy ầm ầm thì mưa mới nghỉ, ông trời thương vùng đất đỏ này lắm, nên dân tứ xứ về đây lập nghiệp từ cái thời vận động đi “kinh tế mới”, rồi trở thành quê hương. Tư căng tấm bạt rộng ra một chút để võng mà con gái Tư đang nằm không bị ướt. Tư vừa căng bạt vừa hát, tiếng hát của Tư lẫn trong mưa, lẫn trong tiếng suối chảy róc rách, ướt đẫm, lạnh lẽo và buồn.
Tư bấm đốt ngón tay, nhẩm tính một lát rồi à lên, ủa nhà mình người đông lắm mà, sao giờ đi đâu hết rồi cà, đâu hết rồi? Tư có chồng, có con trai, có con gái, Tư nhớ Tư có nuôi hai con chó nữa, con vện và con mực, chúng đâu hết rồi? Tư bỗng sợ hãi, chúng đâu, tất cả gia đình của Tư đâu, họ bị gì rồi, sao trời mưa mãi thế này mà không ai về nhà? Chồng ơi, con ơi, Mực ơi, Vện ơi!!! Thôi, chắc họ bận làm việc, phận đàn bà, làm vợ làm mẹ, ở nhà ru con là đủ rồi, phải không? “Ầu ơi, con ơi con ngủ cho ngoan…”.
Những đêm mưa tạnh, bên ngoài tụi nhỏ đội đèn pin trên đầu đi soi ếch. Thấy tiếng chúng nói chuyện cười đùa, thấy những cái đèn pin soi sáng cả một đoạn suối, chúng lật những tảng đá rồi cười. Tư tức giận, nhảy xổ ra:
- Đi chỗ khác, yên cho con gái tao ngủ!!!
Tụi nhỏ đâm đầu chạy, đứa này hớt hải hỏi đứa kia: “Bà Tư khùng hay ma vậy tụi bây?”.
Tư chống nạnh:
- Khùng cái đầu cha tụi bây chớ khùng! Con nít mất dạy!
Tư chửi với theo vài câu nữa, khi con suối lặng yên, chỉ còn tiếng nước chảy róc rách thì Tư quay lại nơi chiếc võng của con gái, tiếp tục hát ru. 
“Nhà” của Tư là cái lõm trong gốc cây cổ thụ ven suối, Tư không biết cái cây đó có từ bao giờ, chỉ nhớ từ ngày Tư về làm dâu xứ này, con suối nhỏ bên rẫy của Tư, đã có cái cây này. Bây giờ nó to lắm, gốc nó cả chục người vòng tay ôm mới hết, ở giữa có cái hốc, đủ chỗ tới mấy người ở đó trú mưa tránh nắng. Nói là nói mấy người thôi, chớ từ ngày Tư “dọn nhà” ra đây ở hẳn, thì nơi này thuộc chủ quyền của Tư rồi. Tư có nhà chớ, nhưng con gái Tư nó ngủ luôn ngoài này rồi, Tư phải ở đây mà ru nó ngủ, không có Tư, nó biết làm sao? Ấu ơ …
Mà sao Tư phải dọn nhà, sao Tư phải chọn cái hốc cây này hả? Nói rồi mà, vì con gái của Tư, nó ở ngoài này nè! Sao con gái Tư không ở nhà? Hỏi hoài à, nó ngủ ngoài này chớ sao? Nó ngủ quên dưới lòng suối kia kìa, đó, dưới đó. Tư nhớ mà, bữa đó ba nó say, ừ, ngày nào ba nó chả say, ổng say là ổng cầm cây rượt cả mẹ lẫn con chạy tứ tán, đứa nào không kịp chạy thì chỉ có ăn đòn mà chết. Nhưng cái bữa đó, ổng say mà ổng không có đánh ai hết, cả nhà yên bình, thấy yên nên ai cũng đi làm việc của người đó, Tư với hai thằng con trai ra rẫy cuốc cỏ. Chiều về, Tư nhớ bữa đó sinh nhật mười sáu tuổi của nó, nó nói với Tư chỉ có một câu duy nhất, nói trong nước mắt “Con nhục lắm mẹ! đau lắm!”. Rồi nó đi luôn khi chưa kịp ăn xong bữa cơm chiều. Tư thất thần đi kiếm nó, chân Tư va vào đá, giẫm phải gai tóe máu, Tư kêu nó khản giọng mà không được. Tư đi coi thầy, “thầy” nói ngay gốc cây này nè, nó ngủ ở đó. Tư chạy về, chạy ra bờ suối, một nhánh cây bị gãy rơi một đầu xuống suối, Tư cố kéo nhánh cây lên, thì Tư nhìn thấy con gái mình, nó ngủ say, nổi lên mặt nước. Tư kéo nó vô, một mình Tư thôi, Tư không cho ai chạm đến nó, Tư mắc võng ngay gốc cây này, Tư rủ nó ngủ…
Tư nghe văng vẳng tiếng nó khóc, nó khóc mãi thôi, nhưng chỉ cần Tư hát ru thì nó nín, vậy nên Tư dành hết cuộc đời còn lại của mình, chỉ để ru con gái ngủ ngoan. Ngủ đi tuổi mười sáu, lúa ngậm đòng thơm sữa bên sông, ầu ơ…
Tư không có khùng, thiệt, đâu có ai khùng mà biết ru con, người ta khùng hay điên người ta còn bóp cổ con mình đó chớ, Tư thương con mà, thương lắm, thương đứt ruột, trời ơi. Tư thương nó, vì sinh ra nó là con gái, sau này con gái trở thành đàn bà, nó phải làm vợ, phải làm mẹ. Mà làm vợ làm mẹ là làm sao? Là mỗi ngày làm việc quần quật, chiều về vơ vội bộ quần áo với cái mền, hai tay dắt hai đứa con tất tả chạy trốn khỏi ngôi nhà có một người đang lên cơn say rượu. Làm mẹ là che chở cho con, đưa lưng ra chịu hết đòn roi xuống đầu con, là người lau nước mắt trên mặt con, là trấn an nỗi sợ hãi trong mắt con… làm gì nữa nhỉ? Làm gì Tư không nhớ hết, Tư chỉ biết Tư không muốn đẻ con gái, nó khổ lắm, vì vậy mà Tư thương con gái của Tư, Tư biết, tại Tư đẻ nó ra chớ đâu phải bản thân nó muốn làm con của Tư đâu.
Lâu rồi, Tư không gặp con trai mình, cả con Vện, con Mực. Tư biểu con gái ngủ ngoan một chút đi, Tư đi tìm anh hai cho con. Tư về ngôi nhà cũ, ngôi nhà mà Tư nhớ ngày xưa, họ hàng đứng hai bên để đón Tư trong bộ áo dài đẹp nhất cuộc đời mà Tư có. Tư nhìn thấy chồng Tư, ông ấy nằm trên phản gỗ với hai chân băng bột lên tới háng. Tư đứng nhìn mãi một hồi lâu, như nhìn thấy một điều thật lạ lùng. Bởi cả cuộc đời đã qua của Tư, chính Tư mới là người bị thương, mới là người nằm viện chứ không phải người đàn ông này, đối với Tư, đây là người có sức khỏe phi thường mà Tư không bao giờ đủ sức chống trả. Cửa xịch mở, con trai Tư bước vô:
- Mẹ về rồi à?
- Sao… sao cha con..?
- Cha cái gì? Con kêu bạn tới đập ổng đó! Lần này chỉ gãy chân thôi, lần sau đập hẳn vào đầu!
- Mày làm con mà, mày…
- Ổng có làm cha tui đâu, ổng là thú dữ! Mẹ không biết ổng hiếp con Ti, nó phải tự tử không? 
Tư ngẩn người ra một lúc, con Ti nào tự tử, mà tự tử là gì? Làm gì có, con Ti nó ngủ ngoài võng, mẹ ru nó suốt lâu nay mà! Thôi, giờ này chắc nó thức, nó khóc rồi, mẹ về ru nó. Ủa, con Vện con Mực đâu?
- Chết rồi, người còn sống không nổi, chó làm sao sống?
Tư mệt, Tư không hiểu được những gì thằng con mình nói, nó là một người đàn ông, phải, mai này nó là đàn ông, nó làm chồng, làm cha. Nó có như người đàn ông đang bó trắng cả hai chân nằm kia không? Tư đâu có biết, ông trời sắp xếp sao thì Tư nghe vậy thôi. Vì vậy mà Tư nghĩ, Tư không cần dành nhiều tình thương cho con trai, nó vốn mạnh mẽ, một thứ mạnh mẽ mà không có bất cứ ai dám phản kháng, như cha của nó.
Tư về gốc cây cổ thụ của mình, với những câu hát ru quen thuộc, với chiếc võng đong đưa ngày nắng cũng như ngày mưa. Khúc suối đó chỉ còn mỗi Tư, người ta nói chỗ đó có ma, không ai dám đi ngang nữa, thỉnh thoảng có tụi nhỏ ở vùng khác đi dọc suối qua soi ếch, nhưng nghe tiếng hát của Tư chúng cũng thụt giò mà chạy. Tư nghĩ nhiều lắm, ừ, sống thì phải suy nghĩ chớ, nếu mai này con gái Tư có chồng, Tư có quyền chọn chồng cho nó không, chớ Tư nghĩ, nếu ai đánh con gái của Tư, dù đó là chồng của nó, Tư chắc cũng đánh lại, Tư không để yên đâu, thiệt mà! Lúc đó người ta có nói Tư bằng bà Tư khùng cũng được. Nghĩ rồi Tư vò đầu bứt tai, đau đầu thiệt đó, ông trời ổng ác ghê, sao sinh ra đàn ông khỏe mạnh hơn đàn bà làm gì chớ!
Hỏi cắc cớ vậy sao ông trời biết mà trả lời, vốn dĩ xưa nay đàn ông khỏe mạnh hơn đàn bà, để gánh vác việc lớn, việc nặng nhọc, ổng đâu có sinh ra đàn ông để uống rượu đánh đập hà hiếp đàn bà đâu, đó là tại con người chớ bộ. Ừ, vậy cũng phải, thôi, Tư đau đầu rồi, Tư cần ngủ, mẹ ngủ xíu nha con gái, ầu ơ….
Trời lại mưa, nghe nói ảnh hưởng cơn bão số mười hai rồi, là cơn bão gần như cuối cùng trong năm, Tây Nguyên lại mưa suốt cả tuần không dứt. Tư có nhiều gạo, nhiều lúa, nhiều trái cây hái ven suối, Tư cũng bắt cá để dành. Ừ, bao mùa mưa qua rồi, Tư hiểu mà, Tư đâu có khùng. Tư còn phải nuôi con gái của Tư, nó mười sáu tuổi rồi, hồi xưa Tư bằng nó, Tư cũng sắp lấy chồng rồi còn gì! Bỗng nhiên nghĩ tới chuyện con gái sắp lấy chồng Tư sợ, không được, không ai được lại gần nó hết, không ai được làm nó đau, không được! Tư hoảng loạn trong mưa, Tư hét lên, Tư vùng chạy về nhà.
Người đàn ông mà Tư gọi là chồng vẫn nằm bất động trên tấm phản gỗ, mắt thiêm thiếp ngủ, nếu Tư làm cho người này chết, thì sẽ không còn ai dám làm chồng con gái của Tư, đúng không? Tư cần giải thoát cho con gái mình, phải giải thoát cho nó, Tư không muốn con bé phải sống cuộc đời như Tư. Tư cầm sợi dây, đứng trước mặt người đàn ông ấy, gằn từng tiếng:
- Ông nghỉ ngơi được rồi, sống nhiêu đó thôi!
Người đàn ông ấy thều thào, không nói nên câu:
- Bà… cho tôi nước… tôi khát… tôi đói…
Sợi dây trên tay Tư từ từ rơi xuống đất, Tư tất tả chạy xuống bếp, nồi cơm mấy ngày lên mốc meo, bếp lạnh tanh. Thằng con trai nó bỏ đi đâu mấy ngày rồi, bỏ ông già nằm đó không cơm không nước. Bỗng nhiên Tư quên mất mình cần phải làm gì, Tư quay về là một người vợ, một người đàn bà tất tả phục vụ khi chồng con đói khát, Tư trở lại là Tư của ngày chấp nhận số trời, và, Tư đi nấu cơm.
Tư đưa nước cho chồng, nhưng ông chỉ nuốt được từng giọt, khó khăn. Tư vội vã lấy cơm, lấy canh, Tư đút ông ăn. Tư lắc đầu, người đàn ông có sức mạnh phi thường mà suốt cuộc đời làm vợ Tư không dám chống trả đâu rồi nhỉ? Người mạnh nhất cũng có lúc yếu vầy hay sao? Thật lạ, lạ lắm!
Ông trợn mắt lên, thở dốc, miếng cơm còn dở trong miệng phun bắn ra, đầu ông nghiêng qua một bên, và tắt thở. Ông chết, không phải Tư làm ông chết, Tư lấy sợi dây treo lại chỗ cũ, Tư chỉ cho ông ăn, Tư muốn cứu sống ông, thật lòng, ngay giây phút đó Tư không muốn ông chết, ông là chồng của Tư mà!
Tư lại về gốc cây cổ thụ ven suối với niềm vui tột cùng, con gái à, ông ấy chết rồi, con sẽ chẳng phải làm chồng như mẹ, đời này chẳng còn đàn ông như ông ấy nữa đâu. Con ngủ đi, ngủ ngon đi con! Bữa đó, người ta nghe Tư hát vang cả một góc rừng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI