Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

KỶ NIỆM truyện ngắn của BÍCH THIÊM - CHƯ YANG SIN SỐ 328 THÁNG 12 NĂM 2019

              

Thời tiết năm nay thật lạ. Đã cuối năm rồi mà vẫn còn mưa rào. Thậm chí có nơi còn bị lũ quét. Có ai ngờ rằng miền sơn cước mà lại bị lũ lụt...Thiên nhiên thật đúng như một cô nàng đỏng đảnh, chẳng biết đâu mà chiều. Ông Thành ngồi nhìn ra con đường trắng nước mưa mà nhớ da diết thời còn dạy học. Nỗi nhớ cứ bắt ông lần ngược thời gian trở về những ngày xưa cũ của đời dạy học.
…Con đường nhựa chạy từ thị xã Lạng Sơn sang Thái nguyên đen nhánh, loáng nước mưa. Sau ngót một trăm cây số chạy quanh co giữa hai bên là núi, tới địa phận xã Bình Minh nó lượn một đường mềm mại qua cánh đồng Tô Hiệu để rồi cao dần lên ở chỗ chân dãy Păc Khuông. Trước đây, hai bên ven đường là những thửa ruộng cấy lúa một vụ, còn vụ thu đông, trời khô hanh, người ta thường lên luống đất và trồng cây thuốc lá. Những năm gần đây, người càng ngày càng đông, cuộc sống cũng no đủ hơn trước nhưng đất chẳng thể đẻ thêm. Vậy nên dân tình mới tràn ra đây làm nhà. Vôi, gạch, cát, đá, xi măng chở về đổ đống hai bên đường. Lâu dần, con đường giống như một cái xương sống mà hai bên rìa là những ngôi nhà lô nhô đủ các kiểu dáng, màu sắc. Đều đặn mỗi ngày hai lần, chuyến xe khách liên tỉnh tới đây thì dừng lại để nhà xe và hành khách dùng bữa. Điều đó làm cho cảnh sắc nơi đây dần có vẻ sầm uất, nhộn nhịp hơn.
Trưa hôm ấy, trái với lệ thường, chuyến xe khách chỉ dừng chừng vài phút đủ để cho hai người khách xuống là chạy ngay. Có lẽ tại trời mưa to. Hai người khách tạt vào một cái quán bên ven đường. Bỏ cái áo mưa lùng bùng ra, người đàn ông cỡ chừng 50 tuổi, tóc xoăn đã điểm bạc, mắt mang kính, ông gọi to:
 - Bác chủ ơi! Cho hai chén rượu nào!
Người khách thứ hai cũng là một người đàn ông cỡ chừng tuổi đó, dáng thấp đậm. Ông giũ cái áo mưa rồi treo lên cột quán. Ngồi xuống cái ghế dài, ông hít hà:
 - Phải đấy! Mưa gió thế này phải có một chén mới ấm người lên được. Bà chủ quán tóc bạc phơ, khuôn mặt tròn phúc hậu bưng đến hai chén rượu, thứ chén bây giờ ít dùng vì trông nó thô (tựa như trái hồng đít vuông). Bà chậm rãi đặt xuống trước mặt hai ông và thủng thỉnh:
 - Hình như hai bác ở xa đến đây. Các bác về nhà ai thế?
Người khách vào đầu tiên đang lấy tay lau mắt kính bị ướt nước, nghe bà hỏi vội ngẩng lên:
 - Chúng con đến nhà cụ Ké...
Ông kia cắt ngang:
 - Ông nói vậy bà chủ không biết đâu. Ông quên là chỉ có bọn mình mới gọi cụ Ké thôi sao. Bà ơi! Chúng con đến nhà cụ Phúc. Không biết ông cụ có còn không ạ?
 - À! Cụ Phúc ở Khau Ngàm phải không? Thế các bác là thế nào với ông cụ?
 - Dạ, chúng con là giáo viên hồi năm tám mươi đã dạy Trường Bổ túc cán bộ cùng cô Vân ạ!
 - Chả trách tôi thấy các bác có nét gì quen quen... Bà lau lau chiếc bàn, đậm đà câu chuyện - Nhà cụ Phúc thật lận đận. Có mỗi một cô con gái, có nghề nghiệp lại xinh gái, thế mà mãi tận tháng chạp năm ngoái cũng giấc này đây mới lấy chồng. Cưới xong, anh chồng lại bắt về quê ở Na rì Thái nguyên luôn.
 - Thế cụ Phúc...
 - Ông cụ cũng đi theo con gái. Nghe nói có một cô cháu gái xinh lắm!
Có mấy người khách vào quán. Bà chủ vội chạy ra rót nước, đưa thuốc cho họ. Hai người đàn ông ngồi lại, nhấp một ngụm rượu, ông cao gầy nói khẽ:
 - Vậy là em đã lấy chồng.
Ông kia quay qua:
 - Gì cơ? À, ông nói về Vân hả? Thì ông về xuôi là về luôn, không đợi được thì em phải lấy chồng chứ sao? Ông thật tệ! Mà này,ông có nhớ ngày trước những đêm liên hoan không?
 - Sao mà quên được. Cứ cuối tuần là lại có ai về nhà mang con gà hay mớ cá suối lên. Đến đêm lại bắt đầu nấu nướng, và tất nhiên không thể thiếu cái món nước cất gạo cay nồng của quán em Hiển rồi.
 - Kể ra ngày ấy tụi mình cũng hay uống...
 - Thì ông bảo còn biết làm gì nữa? Điện thì không có, trời thì lạnh. Bốn phía là núi bao vây. Cả trường có mấy chục con người cả thầy lẫn trò. Không uống mới là chuyện lạ. Công nhận ngày ấy cực nhưng mà vui, ông nhỉ? Tôi còn nhớ, ngày thì thầy trò lên lớp buổi sáng, chiều lại đi rừng, lấy củi hay trồng rau, trồng thuốc lá...
 - Còn nhớ có lần bé Mơ cứ đòi "để em uống say một lần cho biết cái cảm giác say nó như thế nào". Những lần uống cùng học viên thì không dám vì sợ mang tiếng, đến lần có mấy anh em mình liên hoan trước khi về Tết cũng không dám uống. Mãi về sau em mới thổ lộ là em sợ say rượu rồi khóc như mấy chị học viên.
Mưa đã ngớt. Bầu trời sáng dần, vài tia nắng lóe lên. Phảng phất làn hơi nước từ những vũng nước nhỏ đọng trên mặt đường bốc lên. Trả tiền cho bà chủ quán xong, hai ông khách xách cặp đi dọc con đường theo hướng về thị trấn.
Tới chỗ ngã ba, có một cây cầu xây bắc ngang qua suối, hai ông phân vân:
 - Ái chà, có cầu xây rồi này! Ngày trước chỉ là cái cầu bắc bằng những mảnh ván ghép lại, đi cứ cập cà cập kênh.
 - Vậy nên ông mới có dịp thể hiện vai trò hiệp sĩ khi dắt tay Vân đi qua cầu hồi mưa lũ năm tám tư ấy...
Ông mắt kính trầm ngâm. Dòng suối chảy hiền lành bây giờ ngày ấy sao thật hung dữ. Nước chảy cuồn cuộn, réo ào ào. những cây gỗ, củi, rều rác... lừng lững từng bè trôi bên dưới. Vân với khuôn mặt tái mét, cứ đứng run lẩy bẩy, không dám đi qua. Cô hay có bệnh chóng mặt. Còn ông, khi ấy là anh giáo trẻ, đã một tay dắt Vân, trên vai khoác bao gạo mới đong ở kho lương thực về thận trọng dò từng bước trên những tấm ván chẳng còn mới mẻ gì, lòng thầm cầu mong đừng có chuyện gì không may xảy ra. Hai người vừa bước qua, một cơn lũ lớn cuốn ào cây cầu gỗ. Ông đứng sững, thở dồn dập. Còn Vân, cô gục vào vai ông khóc nức nở vì sợ hãi.
 - Thôi nào! Tỉnh mộng chưa ông? Đi thôi không có trời lại mưa nữa thì chết!
Hai người đi dọc theo con đường rải đá dăm song song với con suối. Phía này nhà cửa có vẻ thưa hơn. Tới một đoạn chỗ có một cái đập nhỏ ai đó đắp lên. Ông thấp đậm bảo bạn:
 - Ông có nhớ ngày trước ở đây có cái gì không?
 - Có cái cối giã gạo. Lúc mới lên ông với tôi đã chả suốt ngày lạ một điều là không ai xúc trộm gạo còn gì nữa. Mà cũng có lần tụi mình phải giã nhờ ở đây rồi đấy thôi.
 - Ừ! Ngày ấy thật cực. Lương thì chậm, lắm khi trả bằng thóc. Phải mất công xay giã giần sàng mới có gạo ăn.
 - Còn nhớ Mơ không biết giần gạo. Cứ gạo trấu lẫn lộn. May mà Vân đến chơi rồi làm giúp...
 - Công nhận Vân giần khéo. Tay em quay đều, những hạt thóc tụm ở giữa như đồng xu vậy.
 - Nhưng mà cũng vui. Mỗi lần đi xay gạo, tụi mình chỉ giã xong là ngồi uống nước với cụ Ké, các em giần xong phụ giúp quét dọn tinh tươm rồi mới về. Mà cái anh nước chè xuân của cụ mới đặc biệt làm sao. Thơm ngát, uống xong cứ thấy ngọt mãi ở trong miệng. Ông nhớ lần, chè vừa pha xong, mùi thơm bay ra tận sân, em Mơ cầm lòng không đậu nên xin cho một chén, uống xong thấy ngọt, lại uống nữa nên bị say chè không?
 - Ừ! Cô bé ấy bây giờ ra sao rồi không biết? Nó đúng là trẻ con, lúc nào cũng hồn nhiên.
Đã đến chân dốc. Con đường bị kẹp giữa sườn núi cao ngất nghểu và một bên đổ xuống khoảng đất bằng. Một tảng đá to cỡ chừng gian nhà nằm chềnh ềnh ngay lối rẽ xuống. Ông mắt kính lấy tay xoa lên mặt đá xám đen, trơ lì do thời gian bào mòn, lòng xúc động. Tại đây, ông - khi ấy mới hơn hai mươi tuổi - đã có rất nhiều lần hẹn hò với Vân, cô gái kém ông một tuổi có hoàn cảnh không mấy may mắn, mất mẹ ngay từ nhỏ. Cô đã sớm tạo cho mình tính tự lập, đảm đang việc nhà. Cặp môi mọng đỏ, nước da trắng hồng, mái tóc đen mượt cùng hàng mi dày, lúc nào cặp mắt của cô cũng ẩn chứa một vẻ gì buồn buồn. Cô đã làm anh xiêu lòng. Cha cô vốn quê ở Nam Định. Nạn đói năm 1945, cả gia đình chết hết. Cậu bé Phúc khi đó mới bẩy tám tuổi gì đó, trong lúc lả đi vì đói thì được một ông già người Hoa đi bán thuốc rong cưu mang, sau đó đem về đây nhận làm con nuôi. Cụ sống bằng nghề bốc thuốc giúp bà con chữa bệnh. Vân mồ côi mẹ ngay sau khi cất tiếng khóc chào đời. Cụ Phúc ở vậy nuôi cô khôn lớn. Vốn có sẵn thiện cảm với mấy thầy cô giáo dưới xuôi lên, cụ rất vui khi biết được nỗi lòng đôi trẻ. Còn Vân, cô cũng đã bị chinh phục bởi sự nhiệt thành của anh, song nhiều lúc cô vẫn thấy lo sợ nay mai anh sẽ về quê. Lo thì lo vậy, chứ mỗi lúc được gần anh, lòng cô lâng lâng hạnh phúc. Mọi người trong trường, ai cũng nghĩ họ là một đôi rất đẹp, và ai cũng thầm mong cho họ lấy nhau. Ấy thế nhưng Tạo hoá hình như hay bỡn cợt với người hiền. Ít nhất là với Vân. Mà thực ra cũng chẳng phải tại cô. Yêu nhau được chừng gần hai năm thì có một đợt tập huấn ở mãi trong một tỉnh miền Trung, Vân được cử đi học. Khi về, có ai đó xấu bụng đã tung ra cái tin là cô đã ngã lòng với một anh chàng con ông giám đốc một nhà máy lớn của tỉnh. Họ còn thêu dệt những điều ghê gớm hơn nữa. Mọi người nhìn Vân bằng con mắt nghi ngại. Còn Thành, anh giáo trẻ thì nửa tin nửa ngờ. Yêu nhau đã ngần ấy thời gian, anh và Vân vẫn giữ khoảng cách. Thoạt tiên anh không tin những gì mọi người kể. Chết một nỗi là về sau anh chàng kia tìm đến Vân thật. Anh ta người cao lêu đêu, da trắng xanh, môi mỏng, hai con mắt nhọn và hẹp thường đảo rất nhanh khi nhìn người khác. Anh ta tự giới thiệu về mình, về "ông bô" bằng một giọng kẻ cả. Anh ta tán tỉnh Vân nhưng bị cô từ chối nên quyết tâm "không ăn được thì đạp đổ" bằng cách dựng chuyện cho mọi người nghĩ xấu về Vân. Điều đó mãi sau này mọi người mới biết, còn lúc đó, không ai kể cả Thành không tin những điều anh ta nói là thực. Vân đau khổ, khóc sưng cả mắt. Nhận thấy thái độ khác lạ của Thành, cô đã chủ động nói lời chia tay chứ không chọn cách chứng minh sự trong trắng của mình bằng cách "cho nó ngủ cùng thì nó biết ngay" như chị vợ anh Quyết đã xui. Còn Thành, anh vừa cảm thấy được giải thoát vừa cảm thấy tự khinh ghét chính mình khi không thể bảo vệ được người yêu, tình yêu của mình trước búa rìu dư luận (mặc dù anh cũng không biết cái dư luận ấy có đúng hay không). Sau đó một năm, nhân dịp mẹ giục xin về quê vì anh đã ở miền núi bảy năm, lại sẵn có người cùng làng làm ở Ty Giáo dục, Thành đã được chuyển vùng. Mỗi khi có người chuyển về miền xuôi, bao giờ trường cũng liên hoan, chúc tụng rất rôm rả. Riêng những thầy cô giáo dưới xuôi lên bao giờ cũng bần thần, xao động hàng tuần sau đó. Lần Thành chuyển vùng cũng vậy. Tất cả mọi người đều tiễn anh ra bến xe, duy chỉ có Vân là không ra (cô lấy cớ nhà có việc bận). Về quê, một thời gian sau Thành lấy vợ. Đó chính là cô bé con "ông hàng xóm" đã giúp anh chuyển vùng về quê. Là cán bộ lâu năm, lại quen biết nhiều, ông đã góp phần giúp cho đường hoạn lộ của con rể thăng tiến rất nhanh. Vợ Thành là kế toán một doanh nghiệp lớn. Hai đứa con gái thì ngoan ngoãn, học giỏi... Tưởng chừng như thế là đầy đủ lắm rồi. Nhưng một đôi khi Thành vẫn thấy thiêu thiếu một điều gì. Cho đến hôm mới đây, khi gặp lại Cường - anh bạn dạy cùng trường sau khi ông về quê cũng đã theo gia đình chuyển vào Gia Lai sinh sống. Nhìn bạn, nước da nâu bóng, ăn nói ào ào, ông thấy thèm và chợt vỡ ra một điều: Cuộc sống của ông bằng phẳng, đơn điệu,và nhạt nhẽo làm sao. Vậy nên khi nghe Cường rủ quay lại Lạng Sơn một chuyến ông đã nhận lời dù vẫn hơi ngại Mai (hay còn ngại điều gì khác ông cũng không dám nghĩ nữa). Lên đến đây rồi, biết tin Vân đã lấy chồng, ông thấy nhẹ nhõm có chen chút nuối tiếc trong lòng: "Chỉ mong sao cho em được hạnh phúc là được rồi, còn chuyện xưa, xin hãy tha lỗi cho sự ích kỉ của thằng đàn ông hèn nhát là tôi ". Ông tự thầm thì trong lòng...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI