Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019

BẾN NƯỚC BUÔN TAI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 328 THÁNG 12 NĂM 2019






Hôm nay chủ nhật, Y Thịnh rủ Hồng, người bạn mới theo bố mẹ từ phía Bắc chuyển vào học cùng lớp về thăm buôn. Hồng kể cho lớp nghe về quê mình có sông, có cánh đồng lúa nước cò bay mỏi cánh không có chỗ dừng. Nhiều làng có những ngôi đình cổ xây cách đây cả trăm thế hệ, cây đa trồng bên cạnh đình gốc to tới mức năm người ôm không hết. Chuyện quê ở miền Bắc nhiều cái hay, cái lạ khác hẳn với quê hương người Tây Nguyên và đặc biệt là người dân tộc Ê đê.
Y Thịnh tự hào khoe người Ê đê có bến nước là thân thiết nhất, gần gũi và cũng là linh thiêng nhất, ai cũng phải kính trọng, giữ gìn, bảo vệ giống như ngôi đình làng của người Kinh nên rủ Hồng về chơi. Được bố mẹ cho phép, Hồng đạp xe đến đầu buôn đã thấy Y Thịnh đứng đợi từ lúc nào rồi. Hai đứa đi thăm bến nước. Hồng rất ngạc nhiên trước khu vực được xem là linh thiêng nhất buôn mà chỉ có thế này… Hình như đoán được suy nghĩ của Hồng, Y Thịnh chống cây xà gạc (1) xuống đất, hất mấy sợi tóc quăn tít trước trán, nói:
- Bến nước buôn mình đây!
- Ủa, chỗ này gọi là bến nước của buôn ư?
- Ừ!
Một vũng nước trông giống như vũng trâu đằm, ba phía đất cao lên thoai thoải, còn một phía đất thấp dần cho nước chảy xuôi xuống suối. Phía đối diện với dòng nước chảy, ai đó đã cắm vào trong lòng đất ba ống tre. Các ống tre được đánh thông hết mắt, vạc đi một phần tư, tạo thành máng hứng nước từ trong lòng đất chảy ra. Không biết ống tre cắm sâu bao nhiêu vào trong đất mà cả ba ống tre lúc nào cũng có dòng nước trong vắt chảy ra như ba vòi nước máy.
Hồng nhìn vũng nước, ngạc nhiên hỏi Y Thịnh – người bạn học cùng lớp bảy với mình. Y Thịnh nhìn bạn tủm cười ra vẻ đắc ý lắm.
- Hồng ngạc nhiên lắm phải không? Bến nước không phải là ngôi nhà lớn được xây dựng cầu kỳ như đình làng người Kinh mà chỉ là một vũng nước nhỏ. Nhưng để tìm ra bến nước cho buôn thì khó khăn lắm lắm…
Người bạn Ê đê thường ngày ít nói, đôi mắt thông minh màu nâu đen bao giờ cũng nhìn thẳng vào người đối diện khi trò chuyện. Đã nói luôn ngắn gọn, dễ hiểu; hình như đó là đặc trưng của người Tây Nguyên cũng như nước da ngăm ngăm đen đã ngầm giới thiệu đó là người quen với nắng gió nơi đây.
- Làm sao người ta biết chỗ này có nước trong đó mà lấy ra?
- Ồ, do Yang(2) giúp mà.
- Lạ quá, Yang của cậu giỏi thiệt.
- Đúng thế, người dân tộc mình lập buôn có nhiều ngôi nhà dài dựng gần nhau, thuận tiện giao tiếp chứ không bị ngăn cách bằng hàng rào, bức tường… vây quanh như của người Kinh. Khi có thú dữ hay kẻ thù tấn công vào một nhà, mọi người nhanh chóng tập trung lại để cứu giúp nhau rất nhanh vì không có vật cản. Người Ê đê sống hòa thuận và thân ái với nhau, có lẽ vì thế các buôn được định cư tại một điểm thích hợp. Chỉ khi nào có biến cố thiên nhiên như: thiên tai, Yang  phạt làm xảy ra nhiều điều xấu… thì họ mới di chuyển chỗ ở qua khu vực khác.
- Hay nhỉ?
Hồng ngạc nhiên thốt lên, Y Thịnh đưa tay hứng dòng nước từ lòng đất theo ống tre chảy ra vã lên mặt ra vẻ thích thú rồi nói tiếp:
-Đi tìm nơi định cư mới cho buôn là công việc của già làng. Vùng đất mới định cư cho buôn phải đáp ứng được điều kiện quan trọng nhất: Bến nước. Tìm bến nước là việc cực kỳ gian khó mà chỉ có Yang mách bảo mới thấy được.
- Yang ở đâu mà giỏi thế?
Hồng ngồi xuống một chiếc rễ cây to bằng bắp đùi bên cạnh bến nước, hỏi bạn. Y Thịnh nở nụ cười hiền hậu trả lời:
- Trước khi tìm đất dựng buôn, già làng đã cầu xin Yang chỉ đường rồi, Yang ở khắp mọi nơi và thường về trong giấc ngủ để chỉ bảo cho già làng.
- Vậy là đến trong mơ rồi!
- Gần giống thôi vì mơ không thành sự thật, còn Yang đến trong giấc ngủ chỉ thì chính xác lắm. Người già kể: Lâu, lâu lắm rồi người sống trong buôn bỗng nhiên bị bệnh lạ, tay chân ghẻ lở không đi làm được. Trời nắng mãi không mưa. Cây bắp trồng lên đến ngày thu hoạch, con chó chạy còn thấy đuôi, quả không có hạt. Bến nước của buôn tự nhiên cạn kiệt, không còn nước chảy ra nữa. Già làng ra bến nước cúng, xin Yang giúp đỡ. Đêm ấy Yang về báo cho già làng biết người trong buôn chặt phá rừng nơi đây nhiều quá nên bị trừng phạt, đuổi khỏi nơi ở cũ. Già làng xin Yang chỉ đường đi tìm vùng đất mới lập buôn. Yang bảo ngày mai nhằm hướng ngược gió mà đi, đi đến bao giờ gặp con heo trắng đang nằm ngủ thì đó chính là bến nước buôn mới. Hôm sau già làng cùng ông thầy cúng và lũ thanh niên trai tráng gùi đồ ăn, lễ vật đi tìm vùng đất mới. Họ gặp bao nhiêu tai ương như voi, hổ chặn đường; núi cao, vực sâu ngăn cản nhưng cuối cùng cũng đến được vùng đất bằng phẳng có nhiều cây lớn mọc. Đang mải miết bước đi, bỗng có tiếng chim công hót, mọi người ngạc nhiên kéo nhau tiến lại gần, thấy đôi công trắng đang tình tự bên nhau trên một mảnh đất bằng phẳng cỏ non chỉ mọc cao bằng ngón tay. Xa hơn một chút, đất thấp xuống như bị xoáy nước hút đất đi tạo nên một vùng đất thấp. Chỗ thấp nhất một con heo to như con bò rừng, bộ lông trắng bạc như ánh mây mùa hè nằm ngủ. Già làng mừng quá, quỳ xuống, kêu lên: “Con cảm ơn Yang”! Cả đoàn hơn chục người đồng thanh kêu lên như vậy làm con heo bạc giật mình, thức giấc bỏ đi. Đám người tiến lại gần, dọn sạch cây cối xung quanh rồi bày lễ cúng Yang để già làng đóng ống tre. Lạ thay, bên cạnh vách đất tưởng như khô cằn ấy chỉ đóng ống tre vào độ hai gang tay thì nước ùa ra, trong vắt, chảy đầy ống tre, tràn cả ra ngoài. Mọi người mừng lắm chia nhau, người ở lại phát cây chuẩn bị dựng nhà; người trở lại buôn cũ đón người qua ở. Từ đó buôn mới được đặt tên buôn Tai(3) và ở cho đến ngày nay.
- Hay quá nhỉ, thế Yang là đàn ông hay đàn bà?
- Cái này th…ì… th… ì mình chưa nghe ai nói cả, bây giờ mới nghe Hồng hỏi đấy.
- Sao bến nước có cánh rừng nhiều cây to thế. Dân ở đây không chặt về làm nhà và lấy củi đun à?
- Không được chặt cây ở đây đâu, buôn phạt nặng lắm. Nếu ai lỡ chặt cây nhỏ về làm củi thôi cũng bị phạt; nhẹ thì lễ cúng bằng một ché rượu, một con gà và con heo một gang(4)…, nặng phải cúng heo lớn, trâu, bò… nữa.
- Thế có người chặt trộm cây về làm nhà thì sao?
- Bị đuổi khỏi buôn luôn. Đây là luật tục phạt nặng nhất của người dân Ê đê đấy.
- Sao người buôn bạn quý một cây gỗ hơn con người vậy?
- Ai lại so sánh thế. Đây là luật tục, là quy định phải tuân theo, ai vi phạm đều bị phạt. Từ xa xưa người Ê đê đã biết rừng là người mẹ lớn, canh giữ cuộc sống bình yên cho con người; giữ nguồn nước cho bến nước. Vì thế bến nước bao giờ cũng gắn liền với cánh rừng vây quanh và không ai được chặt phá.
- Bến nước là nơi người dân lấy nước về ăn thôi mà, sao lại phải kính trọng như đình chùa của người Kinh thế?
- Đúng mà chưa đúng, bến nước không chỉ cung cấp nước cho mọi nhà trong buôn, là nơi tắm, rửa… mà còn là nơi linh thiêng để người dân đến cầu xin những điều mình mong muốn. Hàng năm buôn vẫn tổ chức lễ cúng bến nước cầu cho mưa thuận gió hòa, được mùa, mọi người sống vui, sống khỏe đấy.
Nghe Y Thịnh giảng giải, Hồng như lạc vào một thế giới khác, nhìn cánh rừng rộng mênh mông có những ngọn cây cao vút che bóng mát kín mặt đất, trên các cành to thỉnh thoảng có từng chùm hoa phong lan khoe sắc rực rỡ. Tiếng chim hót rộn ràng xen lẫn tiếng chim cu thả vào không gian tiếng gáy: cúc cù cu, cúc cù cu… như chào đón khách quý. Bỗng Y Thịnh reo lên:
- Có dâu da chín kìa, để mình hái cho Hồng nhé.
- Đâu, à mình thấy rồi. Nhưng đây là rừng của bến nước nếu hái quả có người thấy thì bị phạt đấy.
- Ha ha ha… Hái quả trong rừng không ai phạt đâu.
Nói dứt lời Y Thịnh bước nhanh vào trong rừng, ôm gốc cây leo lên cao, bứt mấy chùm quả dâu da màu đỏ rực như ớt chín. Đúng là con trai của núi rừng – Hồng thầm nghĩ: Tay chân rắn chắc, leo trèo nhanh như khỉ.
Y Thịnh đưa cho Hồng một một chùm, còn mình cầm một chùm, bóc từng quả ra nhấm nháp. Hồng ngạc nhiên hỏi:
- Ơ, trên cây nhiều quả thế sao không hái hết về cho bố mẹ ăn cùng, nhiều nữa mang ra chợ bán lấy tiền?
- Của chung cả buôn mà, mỗi người lấy một ít vừa đủ dùng thôi còn để cho người đến sau ăn nữa chứ.
À ra thế, Hồng ngạc nhiên, thầm kêu lên, mắt tròn xoe nhìn bạn như vừa khám phá thêm điều mới lạ. Y Thịnh thấy vậy ngạc nhiên hỏi:
- Trên mặt mình có gì đó lạ à?
- Không, không phải thế. Nghe bạn nói mình thấy hay lắm; giá mọi người đều sống với nhau như ở buôn bạn thì hạnh phúc lắm.
Hồng đỏ mặt như người ăn trộm bị bắt quả tang, vội chống chế. Y Thịnh bật cười, tiếng cười trong vắt như tiếng suối xa vọng đến rồi nháy mắt bảo:
- Truyền thống của người Tây Nguyên từ xưa đến nay vẫn thế đấy!
Vũng Tàu, 31/10/2019




Chú thích:
1. Xà gạc: con dao đi rẫy của người Êđê;
2. Yang: thần linh – tiếng Êđê;
3. Tai: giải thoát – tiếng Êđê;
4. Một gang: cách tính trọng lượng heo của người Êđê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI