Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

CUỘC TẤN CÔNG VÀ NỔI DẬY NĂM MẬU THÂN Ở ĐẮK LẮK, MỘT KIỂU MẪU MỐI QUAN HỆ MÁU THỊT Ý ĐẢNG - LÒNG DÂN tác giả NGUYỄN TRÚC - CHƯ YANG SIN SỐ: 329+330 tháng 1&2 năm 2020

 





Sự kiện năm Mậu Thân 1968 ở Đắk Lắk đã lui vào quá khứ hơn nửa thế kỷ, nhưng đối với những người trong cuộc như tôi, thì sự kiện ấy như vừa mới diễn ra gần đây thôi. Tôi luôn có cảm  nhận sự kiện năm Mậu Thân ở Đắk Lắk cũng mang một hào khí như hào khí Xô Viết - Nghệ Tĩnh năm 1930 – 1931, như hào khí khởi nghĩa Nam kỳ năm 1941 – ngút trời uất hận, tràn ngập máu xương.
Vào giữa năm 1967, Trung ương đã có chủ trương đưa chiến tranh vào thành thị, kết hợp công kích quân sự với khởi nghĩa của quần chúng. Tỉnh ủy Đắk Lắk tiếp thu nghiêm túc chủ trương và khẩn trương làm công tác chuẩn bị một cách toàn diện, phương án chung cho toàn tỉnh và phương án trọng điểm cho thị xã Buôn Ma Thuột.
Vô vàn công tác chuẩn bị, mà trước tiên phải quán triệt cho cán bộ đảng viên, các lực lượng vũ trang và nhân dân tinh thần nghị quyết của Trung ương là tấn công và nổi dậy đều khắp chiến trường miền Nam để buộc đế quốc Mỹ ngừng cuộc ném bom phá hoại miền Bắc bằng không quân và ngồi vào bàn đàm phán hòa bình với ta. Chủ trương này của Trung ương đáp ứng được nguyện vọng thiết tha từ lâu của quân và dân ta. Một không khí náo nức, sôi nổi đợi chờ giờ phút tấn công – nổi dậy lịch sử diễn ra khắp các buôn làng căn cứ kháng chiến, các xóm ấp mới giải phóng và ngay trong lòng thị xã Buôn Ma Thuột. Ở đâu cũng sẵn sàng cờ băng, khẩu hiệu cho ngày nhập thị. Các loại tài liệu, truyền đơn, vũ khí được đưa vào nội thị bằng nhiều con đường khác nhau. Đặc biệt, lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy vùng căn cứ và vùng giải phóng, không phải chỉ với các đơn vị vũ trang mà cả với đồng bào, ai ai cũng nô nức đeo lên áo chỗ ngực trái của mình câu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, và ở cánh tay, câu “Nợ máu phải trả bằng máu”. Tôi dự buổi diễn tập trên sa bàn của đại đội được phân công đánh vô Đài phát thanh Đắk Lắk, và cứ nhớ mãi câu nhấn mạnh cuối cùng của người đại đội trưởng “Không ai được quay lại báo cáo mũi tôi tà. Mà chỉ có một nhiệm vụ là xốc tới!”.
Về mặt quân sự, trên cơ sở nắm chắc lực lượng địch trên địa bàn, tỉnh đã chỉ đạo triển khai các trận đánh nghi binh và tiêu diệt địch ngay trong tháng đầu tiên năm Mậu Thân. Tiêu biểu là trận đêm 4.1.1968, Tiểu đoàn đặc công 401 đánh tập kích sân bay L.19 giữa lòng thị xã; trận đêm 5.1.1968, Đại đội 308 đánh vào Dinh tỉnh trưởng ngụy quyền. Rồi đêm 21.1.1968, Tiểu đoàn bộ binh 301 tập kích vào thị trấn, chi khu  quận lỵ Lạc Thiện (Lắk), cách Buôn Ma Thuột 50 km. Chuẩn bị cho năm Mậu Thân, công tác binh địch vận được đặc biệt lưu ý. Vận động binh lính ngụy đào ngũ, vận động gia đình binh lính đấu tranh đòi chồng con về nhà. Nổi trội hơn cả là các cơ sở nội tuyến trong lòng địch được lệnh hoạt động. Trong đêm 18.12.1967, Tổng kho Mai Hắc Đế của ngụy bị đánh cháy, thiêu hủy hơn 4200 tấn khí tài. Rồi tiếp ngay sau đó, cơ sở nội tuyến đã đánh tiêu diệt hơn 50 sĩ quan của Sư bộ 23 khi chúng đang họp bàn kế hoạch hành quân (theo Buôn Ma Thuột Xuân Mậu Thân 68 - Nguyễn Hữu Trí).
Đối với địa bàn trọng điểm là thị xã Buôn Ma Thuột, Tỉnh ủy và Thị ủy đã kỳ công làm công tác chuẩn bị, một sự chuẩn bị, có một không hai trong lịch sử chống giặc ngoại xâm ở Đắk Lắk.
Trước tiên, Tỉnh ủy tăng cường thêm đảng viên vào Buôn Ma Thuột để hình thành nên bốn Chi bộ nòng cốt chỉ đạo trực tiếp phong trào bốn ấp 1, 3, 4, 5, là những địa bàn phần đông dân cư từ vùng tự do Liên khu 5 cũ di cư lên, rất giàu truyền thống cách mạng.
Các công việc cụ thể, chi tiết được triển khai khẩn trương, hết sức chu đáo: 1) chuẩn bị 15 hầm bí mật để đón cán bộ vào lót sẵn; 2) chuẩn bị 4 hầm đặt Sở chỉ huy các cánh; 3) chuẩn bị 5 địa điểm cứu thương; 4) lập đội tự vệ quyết tử; 5) chuẩn bị sẵn lương thực nuôi quân; 6) tổ chức đội ngũ giao liên; 7) phân công người đón các đoàn biểu tình, khi đoàn vào nội thị; 8) đặt bàn thờ cúng tết ở các ngả đường lớn, để sẵn cơm, bánh, lương khô tiếp tế cho bộ đội; 9) chuẩn bị sẵn ba ô tô và nhiều xe máy để phục vụ vận chuyển.
Trong thực tế, trước giờ nổ súng một ngày, các đồng chí lãnh đạo được phân công chỉ đạo trực tiếp các cánh đã có mặt tại sở chỉ huy được đặt dưới các căn hầm trong nhà dân:
- Sở chỉ huy cánh Bắc của đồng chí Huỳnh Văn Cần, Phó bí thư tỉnh ủy, Phó chính ủy mặt trận được đặt tại hầm nhà ông Mười Phu.
- Sở chỉ huy cánh Nam của đồng chí Nguyễn Ái, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột được đặt tại hầm nhà ông Mười Du.
- Sở chỉ huy cánh Đông của đồng chí Côn, Phó ban an ninh tỉnh được đặt tại hầm nhà bà Lúa.
- Sở chỉ huy Trung tâm của đồng chí Vĩnh, Tỉnh đội phó được đặt tại hầm nhà chị Mười Ký.
Đội ngũ giao liên đường dài của Thị ủy cũng đã sẵn sàng ở vị trí được phân công. Các em Trần Thị Phượng, Lê Thị Phương Đông, Lương, Thạnh, Tài, Nguyệt…
Tất cả đã sẵn sàng, hồi hộp chờ giờ G phát hỏa.
Vào lúc 5 giờ sáng ngày 30 tháng 1 năm 1968 (mồng một tết Mậu Thân), lệnh tấn công và nổi dậy được phát ra bởi những loạt hỏa tiễn ĐKB rung chuyển Buôn Ma Thuột. Quần chúng từ các nơi, đã cơm nắm, cơm đùm lặn lội ba bốn ngày đường để đến nơi tập kết xuất quân
Ơû hướng Bắc, gần 4000 người từ các dinh điền Đạo Tế, Từ Cung. Hướng Nam trên 2500 người, hầu hết là đồng bào dân tộc các buôn phía nam Buôn Ma Thuột. Hướng cánh Đông, trên 9000 người, cả Kinh lẫn Thượng, từ căn cứ kháng chiến Krông Bông, từ các buôn làng giải phóng. Đoàn 9000 người từ đường 21 (nay là đường 26) tiến thẳng vào Buôn Ma Thuột và đã bị đàn áp đẫm máu tại đoạn đường qua buôn Kô Tam (cách Buôn Ma Thuột 12 cây số).
Cuộc biểu tình nổi dậy hơn một vạn rưỡi đồng bào cách mạng các dân tộc là một sự kiện lịch sử oanh liệt, chói lọi trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của tỉnh Đắk Lắk. Ở đó ngùn ngụt ý chí thà hy sinh tất cả cho độc lập, tự do. Ở đó máu xương của đồng bào đã đổ không sao đo đếm được. Và ở đó sẽ mãi mãi lưu danh bao nhiêu người em, người chị, người mẹ, chỉ với chí căm thù giặc và tình yêu đất nước đã ngoan cường đối diện với bạo tàn súng đạn trong cuộc đọ sức sinh tử. Tại khu vực buôn Kô Tam, khi địch bắn xối xả vào tốp người đi đầu, má Hai (bà Huỳnh Thị Hường), chị H'Lanh và sáu chị đi đầu trúng đạn, ngã xuống thì chị Mười lập tức nhận lá cờ từ tay má Hai, vượt lên phía trước…
Từ cuộc biểu tình nổi dậy năm Mậu Thân 1968, thiết nghĩ chúng ta có thể rút ra một số bài học rất sâu sắc, vẫn nóng hổi tính thời sự cho hôm nay.
Ta thấy rất rõ, Tỉnh ủy Đắk Lắk không những tiếp thu nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương, tổ chức quán triệt thấu đáo đến cơ sở, đến từng cán bộ đảng viên và cả quần chúng nhân dân, mà còn tổ chức thực hiện rất có hiệu quả. Điều nổi bật rất đáng quý là, đảng không chỉ lãnh đạo về đường lối chủ trương, mà khi bộ đội đã nổ súng, quần chúng đã xuống đường thì từng cá nhân các đảng viên ở các cương vị lãnh đạo khác nhau với tình cảm cách mạng sâu sắc và trách nhiệm chính trị rất cao, đều có mặt ở vị trí chiến đấu. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đều có mặt tại Sở Chỉ huy nội thị. Đồng chí Ama Ring, Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ huy trực tiếp lực lượng nổi dậy cánh Đông – và ở đội quân hướng này, có rất nhiều đảng viên đã hy sinh, hoặc bị bắt. Tiêu biểu nhất là đảng viên Bùi Thế Châu, công tác ở Ban dân quân Tỉnh đội, là người cầm cờ đi ở tốp đầu, đã xông lên chiến đấu để làm câm họng khẩu đại liên của quân ngụy đang nã đạn vào đoàn biểu tình và đã anh dũng hy sinh (theo Binh địch vận và đấu tranh chính trị tỉnh Đắk Lắk trong tổng tấn công tổng nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - tài liệu của Ban Liên lạc ngành Binh địch vận và đấu tranh chính trị tỉnh Đắk Lắk).
Rõ ràng, sự kiện cuộc tấn công – nổi dậy năm Mậu Thân 1968, ngoài ý nghĩa lịch sử lớn lao, nó còn chứng tỏ là một kiểu mẫu sinh động mối quan hệ máu thịt ý Đảng – lòng Dân, một nội dung sống còn trong công tác xây dựng Đảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI