Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

BẦY KHỈ TẠ ƠN truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 332 tháng 4 năm 2020




BẦY KHỈ TẠ ƠN!
Truyện ngắn


 
-Ô, cái gùi của H’Uyên kìa!
Vân buột miệng reo lên, Y Nhớ đang ngồi đứng bật dậy như bị ong đốt đít, nhìn theo tay Vân chỉ; một con khỉ đi bằng ba chân, còn chân trước nắm dây gùi kéo theo phía sau. Miệng chiếc gùi khi mắc vào bụi cây, lúc mắc vào gốc cỏ… nó giật thật mạnh cho chiếc gùi vượt qua; miệng gùi theo quán tính thoát khỏi vật cản thúc ngay vào đầu, vào cổ. Chắc bị đau, hắn ta vội buông gùi nhảy bắn ra phía trước mấy bước, quay đầu nhìn như quan sát xem ai đánh mình; không thấy ai mới tiếp tục nắm dây gùi kéo đi tiếp về phía con thuyền. Vân và Y Nhớ ôm bụng cười ngả nghiêng.
-Giỏi quá, chúng vớt được gùi lúc nào mà kéo đến để trả chị đây?
H’Uyên reo lên, bước nhanh lại đón. Con khỉ đứng sững lại nhìn, buông dây gùi, miệng kêu lên the thé: “H… óc, h… óc, h… óc…” rồi chạy lại nắm dây đu người lên cành cây bên đường đi. Cả bầy trên cây được dịp đồng thanh kêu lên:
-H… óc, h… óc, h… óc!
-Chị cảm ơn nhé!
-H… óc, h… óc, h… óc!
Như hiểu được tiếng người, chúng đồng thanh kêu lên. Vân nắm tay Y Nhớ giật mạnh, nói nhỏ:
-Nhìn kìa?
Đúng mười con khỉ, mỗi con cầm một cành cây, xếp thành hàng dọc tiến lại chỗ H’Uyên; cây chúng cầm theo chỉ to như ngón tay út, dài độ một cánh tay. Đến gần chỗ H’Uyên đứng, con đi trước dừng lại thả cây xuống, những con đi sau đều thả cành cây mang theo lên trên cành cây thả xuống trước như xếp chồng lên nhau rồi vội vã quay lại, chạy vào rừng, biến mất sau những gốc cây to.
H’Uyên tay cầm gùi, mặt ngây ra nhìn, không hiểu chuyện gì đang xảy ra trước mặt. Vân bước lại cầm một que lên xem, nói:
-Chúng mang cành cây này cho ta ăn à?
-Cây này cứng lắm, mà đắng nữa, không ăn được đâu.
H’Uyên cũng ngạc nhiên nói tiếp:
-Chẳng lẽ bọn chúng cũng biết trả ơn chuyện Y Nhớ đánh cá sấu cứu con đầu đàn thoát chết lúc sáng?
Buổi sáng, đang chèo thuyền ngược sông, bỗng nghe tiếng kêu như khóc vọng đến. Khi thuyền đến gần, cả bọn thấy một “dây” khỉ nắm tay nhau từ trên cành cao xuống đến tận mặt sông. Dưới mặt nước, đầu con cá sấu to như cây cột đang ngậm tay một con khỉ cuối cùng của dây khỉ. Lạ là chúng nắm tay nhau, không chịu buông ra. Khi thuyền bơi lại gần, Y Nhớ dùng mái chèo gõ vào một bên mắt cá sấu một cái thật mạnh. Chắc bị đau nó nhả tay con khỉ ra, lặn luôn xuống nước. Nghĩ lại chuyện khi sáng, Y Nhớ bật cười, bước đến cầm một cây lên ngắm nghía cố tìm ra bí mật của mấy cành cây mà khỉ mang đến, nhưng hình như cũng không hiểu được gì.
***
Ông mặt trời sà xuống những ngọn cây phía tây, báo hiệu màn đêm sắp ập xuống. Bầy khỉ trên các ngọn cây không chịu đứng yên, chúng nhảy múa rối rít; con đầu đàn, miệng kêu the thé, hai tay đu lên cành cây, thả hai chân xuống nhún nhảy như bị treo.
-A, đúng rồi, mình biết chúng định cho ta cái gì rồi!
Y Nhớ nhìn lên ngọn cây bật reo lên như vừa bắt được gì đó quý giá lắm, Vân ngạc nhiên hỏi:
-Mấy cái cành cây này thì làm được gì?
Y Nhớ không nói gì, chạy lại cầm cây lao rồi bước nhanh vào rừng. Đàn khỉ trên cây bỗng nhiên lặng ngắt, tất cả cúi đầu nhìn theo Y Nhớ. Vân ngạc nhiên kêu lên:
-Bạn ấy đi đâu ấy nhỉ?
-Chắc Y Nhớ đã nghĩ ra điều gì quan trọng đuổi được cá sấu để về nhà thì phải.
H’Uyên trả lời Vân mà như nói với chính mình. Cả hai đều quay mặt nhìn lên ngọn cây; nắng chiều xuyên qua lá cây, chiếu lên bộ lông trên mình lũ khỉ, tạo nên một vùng sáng bạc óng ánh như có ánh hào quang bao phủ, trông rất đẹp mắt.
-H’Uyên nhìn kìa, sao chúng ngồi im lặng như đi học thế?
-Chắc đang quan sát Y Nhớ làm gì đó trong rừng.
-Sao lông chúng như có ánh hào quang phát ra?
-Tại ta nhìn ngược nắng nên thấy nó vậy thôi, có gì lạ đâu.
-Cũng có thể như thế lắm.
Vân trả lời, mắt nhìn lên ngọn cây. Hình như cả gió giờ đây cũng thôi không thổi nữa, các lá cây đứng im thin thít, không dám cựa quậy. Ngoài sông, con cá sấu vẫn nhô đầu lên khỏi mặt nước giương hai con mắt to bự nhìn lên bờ canh giữ chiếc thuyền và ba cậu học trò vừa học xong lớp tám bị lạc trong rừng Yang đang định lên thuyền trở về.
***
Một lúc sau, Y Nhớ bước ra, trên tay cầm một đoạn dây và một  khúc cây dài độ sải tay, đã đẽo bỏ đi gần một nửa. Vân tròn mắt, kêu lên:
-Y Nhớ định làm thêm cái lao bằng gỗ nữa để đâm cá sấu à?
Y Nhớ lại toét miệng cười, không nói gì. H’Uyên đập tay vào đầu Vân, bảo:
-Ngốc thế, Y Nhớ làm cây cung bắn cá sấu đấy. Lần này thì chắc chắn cá sấu thua rồi.
-Đúng vậy, Vân giúp Y Nhớ chút nào, uốn cong cây này lại để làm cung, dùng để bắn mấy cái cành cây lũ khỉ mang lại lúc nãy ấy.
Vừa buộc dây làm cung, Y Nhớ vừa giải thích thêm với hai bạn:
-Lũ khỉ thông minh thật, chúng kiếm được loại cây cứng như sắt, lại thẳng thế này để đưa cho ta làm mũi tên. Giờ thì con cá sấu kia chỉ có khóc thôi.
Buộc xong dây cung, Y Nhớ ngồi bệt xuống đất với cành cây lũ khỉ mang đến đưa lao lên vót. Những cành cây trong phút chốc được vót nhọn phần đầu, xẻ phần sau buộc thêm mảnh cây mỏng làm đuôi, thế là thành mũi tên. Vân tò mò hỏi:
-Không biết Y Nhớ bắn cung có giỏi không?
-Chốc nữa là biết ngay thôi mà.
H’Uyên trả lời, Y Nhớ cũng vừa làm xong chiếc mũi tên cuối cùng, đưa cây lao cho Vân cầm rồi bỏ bó tên vào gùi; còn mình chỉ cầm một mũi tên lên đưa ngang mắt ngắm, miệng nở nụ cười tỏ vẻ thích thú. H’Uyên khoác gùi lên vai, nói:
-Y Nhớ phải bắn vào một cái gì đó thử xem cây cung có tốt không rồi hãy bắn cá sấu cho chắc.
-Đúng đấy, Y Nhớ trổ tài xem nào.
Vân đứng bên cạnh cũng tỏ vẻ đồng tình, Y Nhớ nhìn quanh tìm kiếm điểm bắn thử cây cung vừa làm xong, trong bụng không giấu được niềm vui: Có thế này mà không nghĩ ra, để con sấu bắt nạt, húc thuyền không cho rời bến. Nếu có cây cung chắc chắn mình đã bắn vào mắt, nó hết dám đuổi theo nữa. Mà cũng lạ, tại sao lũ khỉ biết được loại cành cây có thể làm mũi tên để bắn nhỉ? – Y Nhớ nghĩ mà không dám trao đổi với hai bạn.
-Y Nhớ thấy vết sẹo trên vỏ cây đa kia không?
H’Uyên chỉ vào cây đa mọc bên bờ sông cách chỗ ba người đứng độ ba chục bước chân. Vân gạt đi:
-Gần quá, phải bắn xa xa một chút mới biết được kết quả như thế nào chứ!
-Con cá sấu đuổi theo thuyền, chỉ cách chúng ta có vài sải tay thôi chứ đâu xa xôi gì. Quan trọng nhất là bắn phải chính xác, trúng ngay vào mắt của nó, nó mới sợ.
H’Uyên lên tiếng bảo vệ ý kiến của mình, Y Nhớ đứng nhìn hai bạn tranh luận, cười trừ không biết phải làm thế nào.
***
-H… óc, h… óc, h… óc!
Bầy khỉ ngồi im như hạt gạo trong gùi, bỗng nhiên gào lên rồi nhảy loạn xạ trên các cành cây. Con lớn nhất bầy đu cây xuống gần mặt đất phía cửa rừng, gầm lên:
-H… óc!
-Ơ, lũ khỉ thấy gì trong rừng mà có vẻ hoảng hốt thế?
Ánh nắng mặt trời nhạt dần, bóng cây đổ dài chồng chéo lên nhau. Gió bất chợt từ phía đông lại ào ạt thổi đến, vặn cành cây kêu răng rắc; mùi hôi thối nồng nặc ùa đến. Y Nhớ bỗng kêu lên một tiếng:
-Hổ!
Một con hổ lớn, mặt tròn chắc phải rộng hơn hai gang tay người lớn, trông như mặt con mèo to từ sau gốc cây bước ra. Hình như nó cũng giật mình khi thấy ba con người đang đứng phía trước nên vội co mình lại. Con hổ nhếch mép để lộ bốn chiếc răng nanh nhọn hoắt to như ngón tay cái; chiếc mũi đỏ như mũi mèo hơi chun lại.
Vân mắt không rời con hổ, hai tay nắm chặt cán lao, bước lên trước một bước, sẵn sàng quyết đấu. Y Nhớ hơi khom mình về phía trước, giương cung lên:
-Phật, vút!
-H… ùm!
Sau tiếng dây cung bật, tiếng mũi tên xé gió bay đi, con hổ cũng gầm lên một tiếng vang vọng cả khu rừng, cùng lúc tiếng rừng nhại lại: h… ù… m; rồi lao biến vào rừng. Vân kêu lên:
-Có hơn hai chục bước chân mà bắn cũng không trúng con hổ thì làm sao bắn được mắt cá sấu?
-Y Nhớ bắn cho nó sợ thôi, không muốn làm nó đau đâu?
Nghe H’Uyên trả lời, Vân không nén được ngạc nhiên hỏi lại:
-Tại sao lại sợ nó bị thương?
-Vân không biết thật à, nếu Y Nhớ bắn trúng, con hổ không thể chết ngay mà chỉ bị thương. Lúc ấy nó sẽ nổi điên lên, cây lao trên tay Vân có giết được nó  không?
-Ừ nhỉ!
Vân trả lời mà như tự nói với mình. Y Nhớ không nói gì chỉ cười, một nụ cười rất tươi. H’ Uyên cũng vui vẻ nói thêm:
-Mới có mấy ngày vào rừng mà Vân giỏi lên nhiều quá, không còn sợ cọp gầm nữa rồi. Thế mới là đàn ông chứ.
-Đúng đấy, bất ngờ thấy hổ mà không sợ, dám nhìn thẳng vào mắt nó rồi cầm lao bước lên… chỉ vậy thôi đã đủ làm con hổ run rồi đấy.
Thấy hai bạn khen, Vân đỏ mặt hỏi lại:
-Hai bạn thấy con hổ nhìn chúng mình chằm chằm như thế có sợ không?
-Đi rừng gặp hổ là chuyện thường, còn chạm nhau khi đi ngược đường không phải là chuyện hiếm. Lúc gặp trường hợp đột ngột như thế phải bình tĩnh, quan sát con vật để kịp thời phản ứng. Nếu nó lao thẳng lại phía mình thì tùy theo từng loại thú, khoảng cách gần hay xa mà tránh né, hoặc giao chiến. Trong rừng, các trường hợp gặp bất ngờ, đối diện nhau như vừa rồi chỉ có con thú bị thương mới tấn công người thôi, còn lại chúng đều bỏ chạy hết.
Nghe Y Nhớ giảng giải, Vân vẫn băn khoăn, hỏi thêm:
-Nếu con thú bị thương lao lại tấn công, ta làm thế nào?
-Tùy theo địa thế mình đang đứng xem có gần gốc cây, ụ mối nào không. Nếu gặp heo hay hổ ở xa thì leo lên cây, còn gần quá không kịp thì né, phải chấp nhận giao chiến. Thấy nó lao lại gần, ta lẩn nhanh qua gốc cây, con thú sẽ lao qua đúng chỗ ta vừa đứng; nếu có vũ khí trên tay ta tấn công nó luôn. Đối diện với chúng, phải nhanh nhẹn, tránh bị húc trực diện và lựa thế phản đòn. Trong rừng gặp thú tuyệt đối không bỏ chạy theo đường thẳng vì thú chạy nhanh hơn, ta không thoát được. Thì ra thế, kinh nghiệm của người đi rừng nhiều có khác – Vân tự nhủ rồi nói: -Hổ bỏ chạy rồi, giờ ta ra bắn cá sấu nhé.
-Ơ… cá sấu đâu rồi?
H’Uyên cũng ngạc nhiên kêu lên khi nhìn ra sông. Dòng sông rộng mênh mông, các ngọn sóng đuổi theo nhau chạy mãi về hướng tây, thỉnh thoảng vỗ vào bờ tạo nên tiếng kêu: rào rạt, rào rạt… Y Nhớ nói:
-Có lẽ tiếng gầm của con hổ làm con cá sấu sợ mất vía rồi, ta đẩy thuyền ra sông, về thôi.
Cả ba bước lại bên thuyền bỏ đồ lên rồi cùng nhau đẩy thuyền xuống nước, chuẩn bị xuôi dòng về nhà. Ông mặt trời chui xuống khu rừng từ lúc nào rồi, chỉ còn những đám mây trắng bay nhè nhẹ như vén một tấm màn cho các ngôi sao nhỏ bé xuất hiện, nhấp nháy, nhấp nháy như những con mắt quan sát mọi người. Gió vẫn đuổi theo các con sóng vỗ vào bờ rào rạt, rào rạt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI