“Nào con gái! Nữ Thần Mặt trời đã trở mình,
con hãy khơi ngọn lửa trong gian khách ngôi
nhà dài để cha cùng anh trai đi bắt cá ở hồ Nâm Kar! Khi ngọn lửa đã khêu, bước chân
của già làng và đứa con trai dũng mãnh như con tê giác của ông cùng lũ làng tiến về hồ Nâm Kar. Sức trai làng đã khiến nước hồ Nâm Kar
cạn dần, cá to cá nhỏ nhi nhúc được vớt đầy gùi. Những con cá nướng béo ngậy của
các cô gái đem lại nguồn năng lượng cho các chàng trai. Sau khi ăn cá, con trai
của già làng bỗng mắt lồi ra, thân hình khổng lồ, bụng phình, mũi dài, tai to,
tay chân biến thành tứ trụ. Một hiện tượng kỳ lạ chưa từng
có. Chàng vẫn ăn cơm, uống nước, ăn rau, vẫn
hiểu được tiếng người nhưng không nói được. Từ đó lũ làng gọi chàng là chàng
voi và ứng xử với chàng như một thành viên trong cộng đồng vậy”.
Không biết từ thủa nào huyền thoại người
hóa voi được lưu truyền trong dân gian ở vùng
đất Nâm Kar của tỉnh Đắk Lắk lại trở thành mạch nguồn cho câu chuyện yêu thương
đầy nhân tình giữa con người với những con vật khổng lồ trong thiên nhiên. Voi
– một loài động vật hoang dã trong rừng xanh trở thành người bạn thân thân thiết
với cộng đồng Tây Nguyên từ ngàn đời.
Khi sương mù bàng bạc còn phủ dày đặc trên
những nóc nhà dài đầy huyền thoại, hơi lửa ấm ấp của gian khách được
nhóm lên bởi những người đàn bà giàu kinh nghiệm, người ta
có thể nghe được tiếng trở mình đập muỗi hay hơi thở đều đều của những người bạn voi
khổng lồ, hiền lành như không bao giờ ngủ trước những ngôi nhà dài đầy quyền lực ở huyện Buôn Đôn, Ea Sup, Lăk, Dăk Min hay ở
huyện Dăk Song… tại Tây Nguyên. Voi không những là biểu tượng cho sức mạnh, cho
quyền lực và đẳng cấp của những gia đình giàu có mà voi còn là người bạn thân
thiết gắn bó với con người. Những ứng xử nhân văn của cộng đồng đối với voi tạo
thành hệ tri thức liên quan đến tập tính, cách thuần dưỡng, chăm sóc, bảo vệ, tạo
sự sinh sản, các nghi thức cúng sức khỏe, cưới vợ, cưới chồng cho voi, kể cả những
giọt nước mắt của con người trong nghi lễ tiễn đưa khi một thành viên voi trút
hơi thở cuối cùng.
Trước kia, sau tháng 12 dương lịch, những
cơm mưa rừng đi ngủ, những chiếc lá vàng ở
những khu rừng khộp rơi rụng cũng là mùa lên rừng của những người đàn ông tài
ba. Sự sát phạt sẽ không được phép thực hiện vô tội vạ đối với loài cây cỏ và con
vật khi họ đi lên rừng hay xuống suối, đó là một nguyên tắc. Kể cả việc muốn sở
hữu một chú voi con đi lạc khi vừa mới rời vú mẹ. Những sợi dây thừng được bện
từ da của nhiều con trâu sẽ được quàng vào chân voi con phần nào hạn chế tối đa
việc làm tổn thương đến nó. Sức mạnh của những con voi nhà và đôi tay khéo léo
của các gru (nài voi) sẽ khiến một chú voi lạc lối chùng bước. Chất hoang dã của
nó sẽ dần biến mất sau khi được các gru thuần dưỡng. Không cần phải soi mói đặc điểm
cơ thể để nhận diện voi cái hay voi đực, người ta sẽ dễ dàng nhận ra giới tính
của chúng thông qua tên gọi thật đáng yêu như Y Khăm Sen, Thông Khăm… Sau nghi lễ đặt tên, voi trở thành một thành viên mới
trong gia đình, được công nhận, được tôn trọng và được bảo vệ. Thỉnh thoảng các
gru
thả
chúng về với rừng sâu một tháng hoặc hơn thế. Chỉ cần nghe tiếng tù và của chủ,
tự khắc voi lại quay về với người. Hậu duệ của dòng họ voi sẽ được nhân lên sau
nghi lễ cưới vợ, cưới chồng cho chúng. Ở xứ sở mẫu hệ này, cộng đồng đã từng bỏ ra hàng
chục con trâu hoặc những bộ chiêng cổ để đổi một chú voi từ các nước bạn trong khu
vực để về chăm sóc, nuôi dưỡng.
Dấu chân những người bạn khổng lồ ấy được
in đậm qua những lần tham gia lễ hội, xuyên
qua những cánh rừng già vào mùa nông nhàn khi các gru đi hái thảo dược hay xác
định vùng đất mới làm nương rẫy... Khi cần
thiết, voi hỗ trợ kéo gỗ làm cột nhà, làm trống, độc mộc, ghế kpan, hoặc rong
ruổi cùng các gru đến nước bạn Lào, Kur (Campuchia) trong các chuyến trao đổi
chiêng quý, ché cổ, trang sức, trang phục đẹp trong các dịp “ăn năm uống tháng”.
Vòng đời của voi cũng tương tự như con người vậy. Bao tháng năm rong ruổi cũng
cần ngơi nghỉ và kết nối. Tình yêu của cộng đồng đối với voi không chỉ thể hiện
qua việc chăm sóc, đặt tên hay tính mùa tuổi cho voi mà còn qua lễ cúng sức khỏe,
lễ cưới vợ, cưới chồng và tổ chức tang lễ khi voi chết.
Khoái khẩu ăn thịt voi không bao giờ được phép trong xã hội Tây Nguyên. Sẽ là
trọng tội nếu ai đó xâm phạm bộ phận nào đó của voi cho dù nó tồn
tại hay đã chết. Khi tang lễ cho voi kết thúc, chiếc đuôi voi được xem là di vật
cuối cùng được gia đình mang về cất giữ. Không chỉ để tưởng nhớ về người bạn lớn
ấy, người thân và vợ các gru cho rằng: linh hồn của người bạn khổng lồ ấy tạo
nên sức mạnh cho các gru và gia đình của họ.
Tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” đã tạo nên những
ứng xử khá thú vị và nhân văn giữa người với voi ở Tây Nguyên. Một sự trải nghiệm thật sự
sâu sắc nếu như tôi, bạn và tất cả chúng ta hiểu về tình yêu thương
từ sâu thẳm trái tim của người đối với voi. Những chuyến xuyên rừng để bảo vệ
những chú voi con lạc đàn đã lùi xa, nhưng những câu chuyện hoài niệm giữa người
với voi sẽ là chiếc cầu nối để chúng ta tiếp tục đối thoại, bảo vệ và nuôi dưỡng
các cá thể voi còn lại trên mảnh đất đầy huyền thoại ở Nam
Đông Dương hôm nay và mai sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI