Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

TỪ TRẬN MỞ ĐẦU CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN ĐẾN MỞ CÁNH CỬA ĐỒNG DÙ KẾT THÚC CHIẾN TRANH bút ký của NGUYỄN LIÊN - CHƯ YANG SIN SỐ 332 tháng 4 năm 2020




Đến nay cán bộ nhân dân các dân tộc huyện Ea H’Leo còn khắc ghi những cái tên đơn vị, tên người chỉ huy gắn liền với chiến công của vùng đất mà mình đang sinh sống. Trung đoàn 48 do Trung đoàn trưởng Lê Quang Bình và Chính ủy Đinh Hữu Tấn chỉ huy thuộc Sư đoàn 320 chủ lực đã đánh trận điểm huyệt Chi khu quân sự Thuần Mẫn ngày 8.3.1975 mở màn chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; cũng tại đây, thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đại tướng Văn Tiến Dũng đọc quyết định thành lập Binh đoàn Tây Nguyên.
Trận đánh Cẩm Ga, Chi khu quân sự Thuần Mẫn, Trung đoàn 48 đã hoàn thành nhiệm vụ cắt đứt đường viện trợ của Quân đoàn 2 địch từ Pleiku theo Quốc lộ 14, và theo đường số 7B từ hướng Cheo Reo để các đơn vị bạn tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột. Thất thủ Tây Nguyên - nơi được coi là vùng chiến thuật, địch hy vọng kiểm soát toàn Đông Dương - Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 và Vùng Hai chiến thuật đã lên trực thăng chuồn thẳng về Nha Trang, giao lại Quân đoàn cho Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, Phó tư lệnh lên kế hoạch rút quân, các tỉnh trưởng, cán binh cấp dưới ai biết thì chạy, mạnh ai nấy chạy như ong vỡ tổ. Như một thứ bệnh dịch lây lan từ binh lính sang người dân chen nhau chạy di tản. Bộ Tư lệnh Mặt trận vừa triển khai kế hoạch tiêu diệt Sư đoàn 23 địch hướng đường 21 Buôn Ma Thuột đi Nha Trang, vừa lên kế hoạch chặn đánh địch rút chạy trên đường số 7. Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 cơ động ngay trong đêm 16 tháng 3 để có mặt tại nam thị xã Cheo Reo vào sáng hôm sau (17.3) theo kế hoạch nổ súng chặn địch. Biết đây là thời cơ nên cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 9 đốt đuốc vận động xuyên rừng, vượt đèo dốc chạy đua với địch. Sau Tiểu đoàn 9 là toàn bộ Trung đoàn 64, tiếp theo là Trung đoàn 48 và tất cả các đơn vị còn lại của Sư đoàn 320 vào cuộc truy kích địch. Vừa trải qua những năm tháng thiếu thốn, gian khổ của Tây Nguyên, thiếu quân trang bổ sung, bộ đội truy kích địch bằng chân đất, te tua quần áo, chân tứa máu, vẫn chạy truy đuổi địch đến chiều 17 tháng 3 thì đến được Cheo Reo. Nhưng buổi sáng, một số xe địch đã chạy lọt về phía Củng Sơn, hầu hết Quân đoàn 2 nguỵ với hàng nghìn xe pháo các loại còn ùn tắc tại thị xã Cheo Reo. Trên đường số 7, lúc đó xe địch, xe dân chen nhau chạy hàng bốn, hàng năm như cố thoát khỏi cửa tử thần. Qua thị xã khoảng 4 cây số, một trận địa phục kích của Tiểu đoàn 9 nổ súng chặn đứng đoàn xe. Đang cơn hoảng loạn, nghe tiếng súng của ta, cả đoàn xe địch chạy bừa ra hai bên đường, lao vào rừng. Nhiều tên giặc lái bỏ xe chạy bộ về Cheo Reo. Thị xã Cheo Reo trở thành điểm tập kết trung chuyển của địch. Đâu đâu cũng chật ních xe các loại, hàng vạn lính địch dựng lều bạt nằm ngổn ngang khắp vườn rẫy, tràn cả ra sân bóng. Bộ Tư lệnh chiến dịch lệnh cho Sư đoàn 320 nhanh chóng chiếm thị xã Cheo Reo. Trưa 18.3 Trung đoàn 48 có sự chi viện của pháo binh mở đợt tấn công vào sân bay, khu cố vấn Mỹ và khu tòa hành chính… Cầu Ea Nu bắc qua sông Ba, xe tăng địch chen nhau chạy bị sập do quá tải. Bãi sông Ba trở thành bãi xác xe. Tướng Phạm Văn Phú từ Nha Trang điện lệnh cho chỉ huy cấp dưới phá xe mở đường máu mà chạy về Củng Sơn. Trước tổn thất quá nặng nề, những tên chỉ huy còn lại của địch cũng lên máy bay tìm đường thoát thân, để lại quân lính như rắn mất đầu chạy loạn xạ. Dọc sông Ba không những trở thành bãi xác xe, xác pháo mà còn là bãi xác người do chen lấn giẫm đạp lên nhau. Số còn lại tìm vào các hang núi, bờ bụi ven sông trú ngụ. Chính uỷ Trung đoàn 48 Đinh Hữu Tấn ngồi trên chiếc xe Jeep vừa thu của địch, thấy cảnh nhốn nháo ông nói lái xe dừng lại. Một người phụ nữ đau bụng quằn quại. Ông gọi y tá giúp người phụ nữ khả năng sinh con. Anh y tá nói: “Báo cáo thủ trưởng, tôi chưa làm việc này bao giờ!”. “Thì bây giờ làm đi. Giúp dân cũng là nhiệm vụ!”. Ca đỡ đẻ thành công, Chính uỷ nói cậu công vụ Phạm Vũ Cần pha sữa nóng cho người sản phụ uống. Những người dân lúc đầu sợ bộ đội Việt cộng, bây giờ chảy nước mắt vì nghĩa cử của bộ đội. Người đàn ông mặc bộ đồ lính ngụy đứng trong đám đông liền cởi chiếc áo rằn ri, quấn cho đứa bé sơ sinh, anh ta xúc động: “Các ông Việt cộng đúng là Phật sống. Vậy mà lâu nay nghe tuyên truyền chúng tôi đã hiểu sai!”. Tới một đoạn khác có một bà cụ già chừng hơn tám mươi tuổi ngồi trong đám đông đói lả, Chính uỷ lại nói cậu chiến sĩ pha cho cụ sữa nóng, lệnh cho bộ đội khuân những bao gạo trên xe xuống giúp dân, khuyên họ trở về nhà làm ăn sinh sống, bộ đội cách mạng cũng là dân, không phải sợ. Vừa uống sữa vừa chảy nước mắt biết ơn, bà cụ nói trong hang còn nhiều người lắm. Trong con mắt người dân lâu nay sống dưới chế độ cũ, nghe tuyên truyền về Cộng sản, về Việt cộng tuốt móng tay, moi gan ăn thịt người, ba anh lính Việt cộng bám cành đu đủ không gãy, bây giờ được nhìn thấy những chàng trai khoẻ mạnh đẹp trai, hành động đầy tính nhân văn của bộ đội cách mạng, họ vô cùng biết ơn và những giọt nước mắt vừa vui mừng vừa như tạ lỗi về những điều họ đã nghĩ sai về bộ đội cách mạng. 
Ngày 26 tháng 3 năm 1975 tại căn cứ chỉ huy chiến dịch trong rừng xã Ea Tir, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam đã thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đọc quyết định thành lập Binh đoàn Tây Nguyên, Trung đoàn 48 cùng Sư đoàn 320 tiếp tục hành quân theo chiến dịch Hồ Chí Minh, thần tốc tiến về Sài Gòn. Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 48 được cấp trên giao mở cánh cửa sắt Đồng Dù nằm phía tây bắc Sài Gòn. Đồng Dù là một căn cứ lớn nằm cạnh lộ 8 Củ Chi đi Bình Dương cách Sài Gòn chừng ba mươi cây số. Căn cứ này trước đây trong “Chiến tranh cục bộ” là hậu cứ của Sư đoàn 25 Mỹ - sư đoàn “Tia chớp nhiệt đới”. Khi “Việt Nam hoá chiến tranh”, Mỹ giao lại Đồng Dù cho Sư đoàn 25 nguỵ. Căn cứ rộng khoảng 7 cây số vuông nằm giữa cánh đồng như con mắt cú vọ gườm gườm nhìn về  Trảng Bàng, nhìn lên Hố Bò, Nhuận Đức - những căn cứ du kích nổi tiếng của Tây Ninh, Củ Chi, và của vùng ven.
Căn cứ được rào kín bằng 11 lớp dây thép gai vòng ngoài 300 mét, phía trong là một hệ thống công sự phòng thủ, cứ 50 mét lại có một lô cốt, 10 mét lại có một hố bắn cá nhân. Trong căn cứ có cả sân bay, trận địa pháo lớn tới 15 khẩu, một thiết đoàn khoảng 20 xe thiết giáp, một trường huấn luyện hạ sĩ quan. Quân số địch đóng trong căn cứ lúc ấy có chừng 3.500 tên do Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư đoàn 25 chỉ huy.
Theo hồi ký của Chính ủy Đinh Hữu Tấn, tôi hiểu hơn về vị trí người chỉ huy lúc ấy: “Đồng Dù là một miếng “mồi” không dễ nuốt tí nào cả đối với chúng tôi là những người lính hết sức bỡ ngỡ, lại chân ướt chân ráo mới từ cao nguyên tới. Trước khi nhận lệnh đánh Đồng Dù, Trung đoàn tôi từng tham gia chiến dịch Tây Nguyên, tiến đánh đồn Cư Sê trên đường 14, tấn công quận lỵ Thuần Mẫn, Cheo Reo, trận truy kích địch bỏ chạy trên đường số 7 có một không hai trong lịch sử chiến tranh… góp phần cho trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột, mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nếu trận đánh Buôn Ma Thuột là một vết tử thương cho chế độ Thiệu, một đột phá khẩu để dân tộc ta đi vào vòm cửa khải hoàn, thì đường số 7, tôi muốn ví von như kiểu thầy thuốc, là nơi nguỵ mất nhiều máu nhất để đến nỗi cái cơ thể Việt Nam Cộng Hoà đang bề ngoài phì nộn ấy bị choáng cấp, thực sự đổ ụp xuống để rồi ngày 30 tháng 4 năm 1975 nó thở hắt ra giãy đành đạch.
Giờ đây chúng tôi nhận lệnh đánh Đồng Dù, mở cánh cửa sắt phía tây bắc Sài Gòn cho quân ta tràn vào dứt điểm cuộc chiến tranh trường kỳ của dân tộc. Trong lúc chờ đơn vị bạn qua cầu trước, tôi tranh thủ kéo cậu Niên công vụ xuống sống tắm. Vì muốn tẩy sạch bụi đường cũng có, mà vì để thỏa tính lãng mạn của mình cũng có. Từ đây chúng tôi đã nhìn thấy quầng sáng của thành phố Sài Gòn hắt lên nền trời đêm một thứ ánh sáng nhờ nhờ mông lung và lạ lẫm quá, tôi cứ thấy chộn rộn trong lòng.
Đêm 24 tháng 4 Trung đoàn vượt sông Sài Gòn về tập kết ở Phú Mỹ Hưng thuộc huyện Củ Chi. Pháo ở Trảng Bàng, Tân Trung Hòa, Đồng Dù có thể bắn về đây, nơi có những đơn vị chủ lực của ta tập kết chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng. Cán bộ đi trinh sát, chiến sĩ gói bộc phá, người lo làm đường kéo pháo, tất cả chuẩn bị hết sức khẩn trương, nhộn nhịp như đêm giao thừa vậy. Tôi chưa sống ở Vĩnh Linh, mới dừng chân ở địa đạo Củ Chi, tôi đã cảm thụ được chất anh hùng ca của lời hát: “Mẹ vẫn đào hầm”. Lúc này những người mẹ bằng xương bằng thịt chứ không phải hình ảnh trong ca từ bài hát, các mẹ thương những người lính từ rừng Tây Nguyên gian khổ biết chừng nào:
- Út ơi. Bổ dưa mời chú Hai ăn con!
Chúng tôi, cả Sư đoàn, mười mấy sư đoàn mang tinh thần cho trận đánh cuối cùng này làm thế nào để thỏa lòng mong ước của người dân trong lòng địch đang mong đợi. Chờ đợi là vậy nhưng cái mục tiêu mà Trung đoàn tôi đảm nhận phải mở bằng được cánh cửa sắt Đồng Dù cho đại quân ta tiến về giải phóng Sài Gòn. Ông già Năm ở Phú Mỹ Hưng khuyên tôi bằng chất giọng đặc Nam bộ:
- Qua khuyên thằng Hai, có phải bọn bay định đánh Sân Dù, hổng ăn đâu. Đánh vào đấy bỏ lại con nghen!
- Chúng con còn giải phóng cả Sài Gòn ấy chứ ba.
- Hầy! Sài Gòn toàn lính kiểng. Chúng bay đánh được Sân Dù thì Sài Gòn không đánh khắc tan. Sức mấy nó giữ được.
Đảng ủy và cán bộ chỉ huy Sư đoàn tôi đã được nghe quân báo, cán bộ địa phương, cùng một thượng sĩ nội tuyến trong căn cứ Đồng Dù về bố phòng trong căn cứ của địch. Cần phải làm tốt công tác chuẩn bị. Quân đoàn trưởng Vũ Lăng ra lệnh cho chúng tôi tổ chức một đợt kiểm pháo. Nếu tính tất cả trận địa pháo của địch trong vùng có đến 80 đầu khẩu. Phải hết sức thận trọng không được xảy ra sơ sót.
Chiều 28.4, Sư đoàn chúng tôi làm lễ xuất quân bên bờ sông Sài Gòn đúng lúc nước lên, đôi bờ sông mênh mông. Máy quay phim của các phóng viên chiến sĩ  bám theo đơn vị bắt đầu xè xè quay. Lá cờ Quyết thắng được giao cho Tiểu đoàn chủ công, chiến sĩ Phạm Văn Lệ được vinh dự vác cờ. Suốt cuộc đời chiến sĩ của tôi, trên 20 năm đi đánh giặc, chưa bao giờ thấy người lính ra trận khuôn mặt lại trang nghiêm và rạng rỡ như lần này.
20 giờ địch bắn pháo. Có ai đó nói: “Người lính chỉ chết một lần. Người chỉ huy phải chết nhiều lần”. Chỉ một quả phảo 105 mm rơi trúng đội hình có khi mất đứt cả đại đội như chơi. Cách cứ điểm chừng một cây số, tôi nhận được điện báo của sư đoàn, phải khẩn trương vào chiếm lĩnh vị trí chiến đấu, có thể địch bỏ chạy.
2 giờ sáng ngày 29.4, trời đêm mông lung, chúng tôi tới chỉ huy sở, nói chỉ huy sở cho oai, thực ra chỉ là một bờ ruộng hoang, các chiến sĩ công binh đào sâu một cái hầm cho chỉ huy. 3 giờ 30 phút thông tin hoàn thành mạng hữu tuyến, chúng tôi thay nhau trực và đi kiểm tra bộ đội sẵn sàng mở cửa.
5 giờ sáng, phía đông trời đã ửng hồng, pháo ta bắn. Đến 30 phút đầu, căn cứ của địch chết lặng, không một tiếng súng bắn trả. Tôi băn khoăn nói với Trung đoàn trưởng Lê Quang Bình: “Hay nó chạy?”. Bình chưa kịp trả lời thì con “nhím” Đồng Dù xòe hết lông, xe tăng chạy hỗn loạn, 4 cái xông ra bịt cửa. Tất cả các lô cốt, các ụ súng cá nhân thay nhau nhả đạn, tôi không còn phân biệt nổi những tiếng nổ gì nữa. Một trận đọ súng núi lở long trời, y như có trận động đất. Đạn bay ra phía chúng tôi như bầy ong sắt nổ tung tóe ngay trước mặt, sau lưng, đất đá bay rào rào. Ta bắn pháo đến 7 giờ thì bộ binh tràn lên mở cửa. Hướng C3 mở của rất gọn nhưng vẫn chưa lên được. Hai chiếc xe tăng địch nép hẳn vào bờ tường đất, đổ như vãi đạn 12,8 ly vào cửa mở mỗi lần xung kích nhô lên. Hướng thứ yếu do trung đoàn bạn đảm nhiệm cũng chưa lên nổi. Trong căn cứ, Lý Tòng Bá điều thêm một tiểu đoàn bảo an ở Hiệp Phước đánh thúc sau lưng trung đoàn bạn. Qua chiếc bộ đàm PRC 25 giọng Lý Tòng Bá điều quân túi bụi:
- Các chiến hữu cứ yên tâm, mấy thằng Bắc kỳ bụng toàn rau muống, để rồi xem nó làm được gì. Tôi đã xin được sự yểm trợ tối đa của không quân rồi.
Sau đó 5 phút, quả thật có tiếng gầm rú của máy bay, hai chiếc phản lực F5 bay tới lấc láo ném 4 quả bom cách chỗ chúng tôi chừng hai trăm mét. Pháo cao xạ của ta kịp thời lên tiếng, hai chiếc phản lực hình như không ưa cái chuyện nhảy vào khu “hỏa diệm sơn”, chúng dướn mình lên cao rồi tuốt thẳng về Tân Sơn Nhất. Chỉ còn một lớp cánh cửa cuối cùng vẫn chưa mở được, nòng súng đại liên của địch bên kia bờ đất sẵn sàng trút đạn, tôi hình dung cả đội hình chủ lực của quân đoàn đang chờ đơn vị mở được cánh cửa sắt này. Chúng tôi ra lệnh điều thêm pháo, xe tăng vào tăng cường cho mũi đột kích chủ yếu. Trung đội trưởng Vũ Thanh Sơn (sau này được tuyên dương anh hùng) nằm ép mình xuống bờ đất bò lên cửa mở. Dọc đường tới cửa mở có gần 30 chiến sĩ hy sinh nằm đó. Anh nhặt lấy khẩu B41 của một đồng chí xạ thủ vừa trúng đạn 12,8 của địch. Bất ngờ, Sơn bật đứng dậy trước cửa mở, chĩa khẩu B41 vào sườn chiếc xe tăng đang ép mình bên bờ đất. Chiếc xe tăng địch bốc cháy như đúc bằng nhựa thông. Những chiếc còn lại hoảng loạn vội vàng biến vào phía trong mất hút. Chúng tôi thường nói vui, đấy là quả phạt đền 11 mét; sau cú sút đó, trọng tài nổi hiệu còi chấm dứt trận đấu.”
*
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 29.4.1975, các chiến sĩ Tiểu đoàn Đống Đa giật lá cờ vàng sọc đỏ xuống đất, trịnh trọng treo lá cờ đỏ sao vàng lên. Cánh cửa sắt phía tây bắc Sài Gòn được mở. Tôi ra lệnh tìm bằng được tên Lý Tòng Bá, nhưng hắn đã lẩn trốn mất. Buổi chiều, du kích Củ Chi dẫn tới một người mặc thường phục đang đợi xe đò chạy về Sài Gòn, nói hắn là chỉ huy căn cứ này. Ngồi trước Chính ủy Đinh Hữu Tấn, hắn khúm núm trả lời:
- Tôi là người dân đi làm thầu xây dựng.
- Chính hắn là Lý Tòng Bá đấy - Du kích Củ Chi khẳng định.
- Tôi cứ hình dung ông phải là một người bản lĩnh như cuốn sách ông từng viết “Từ Điện Biên Phủ đến Plei Ku”, không ngờ trong lúc hoạn nạn ông lại bỏ mặc lính, cố chạy trốn giữ bản thân. Tôi nghi ông không phải là Lý Tòng Bá.
Nghe Chính ủy Đinh Hữu Tấn nói, người mập ụ ngồi đối diện thầm nghĩ thì ra mình cũng được phía bên kia biết tới, lại còn đọc cả sách của mình; ông ta vội vàng khẳng định:
- Chính tôi là Lý Tòng Bá đây.
Sợ ông chỉ huy Việt cộng không tin, ông ta còn mở túi áo lấy ra tờ căn cước đưa ra để chứng minh.
Đại quân ta nhanh chóng tiến về giải phóng Sài Gòn. Chỉ có điều, sau chiến thắng, người ta thấy Chính ủy Đinh Hữu Tấn khóc đỏ mắt. Để mở được cánh cửa sắt này phải đổi bằng máu của cán bộ chiến sĩ quá lớn, trận đánh chỉ diễn ra mấy tiếng đồng hồ, sự mất mát hy sinh của bộ đội ta bằng cả một chiến dịch giải phóng Tây Nguyên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI