Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

DỌN LÒNG MÌNH CHO MƠ ƯỚC EM BAY lời bình của LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN số 332 tháng 4 năm 2020

Sổ tay Thơ:


Mỗi ngày


Mỗi ngày
tôi lặng lẽ ngắm cây trái trong vườn
lắng nghe tiếng nói mịn màng
của lá
gọi nhau vào cuộc chơi
ánh sáng.

đôi khi một tiếng chim trốn tìm
thả nhịp đôi vào ngọn gió
gọi nhau
yêu
cứu rỗi những đôi mắt
đong đưa bản tình ca
rớt giọng.

mỗi ngày
cây đã nói như thế
về hồn vía của đất
trái đã nói như thế
về bầu trời và cánh bay.

còn tôi
em biết không mỗi ngày
tôi đã dọn lòng mình
cho những giấc mơ
của em
chạy nhảy.
                                    TRẦN VĂN HỘI
LỜI BÌNH:
DỌN LÒNG MÌNH CHO MƠ ƯỚC EM BAY

Thế giới sẽ đẹp hơn qua con mắt nhà thơ, tình yêu sẽ hồn nhiên và thánh thiện nhiều lần qua cảm xúc của con tim biết hát. Thơ ca và tình yêu ngàn đời nay đã là bạn đồng hành của nhau, dâng hiến những đóa hoa tinh thần tuyệt mĩ, hòa kết khát khao ngọt ngào và những ước vọng xanh mơ. Bài thơ Mỗi ngày của thi sĩ Trần Văn Hội mang vẻ đẹp nhân bản về đời sống tự nhiên, là cảm xúc “thiền yêu” vẫy gọi từ đáy lòng thẳm sâu vô lượng.
“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” (Trịnh Công Sơn). Với nhà thơ Trần Văn Hội, niềm vui là được “lặng ngắm cây trái trong vườn”, thanh thỏa, an yên như một hiền triết. Khổ thơ mở đầu nhờ đó dẫn dụ hồn người đi tìm vẻ đẹp thiên nhiên giữa một vùng ánh sáng tự tình của lá hoa qua tiếng nói “mịn màng”, thuần khiết: “Mỗi ngày/ tôi lặng lẽ ngắm cây trái trong vườn/ lắng nghe tiếng nói mịn màng/ của lá/ gọi nhau vào cuộc chơi/ ánh sáng”.
“Cuộc chơi ánh sáng” là cuộc chơi mang vẻ đẹp diệu kì, vì nó rực rỡ đến siêu thực, loài người khó bề can dự. Tôi xem đây là ý thơ xuất thần mà trời cho nhà thơ trong giây phút tĩnh tâm hòa điệu hồn mình vào cõi tự nhiên. Mỗi giọt ánh sáng buông rơi là mỗi giọt thơ trào ra ngòi bút, hưng phấn, thánh thiện, chan hòa trên mặt giấy. Hình thức khổ thơ mở đầu được tác giả vắt dòng nên mỗi câu chữ đều long lanh, thơm tho như tiếng lá “mịn màng” từ vòm xanh rơi xuống.
Sau cuộc hội ngộ cùng lá trong “cuộc chơi ánh sáng”, nhà thơ lắng lòng mình để bồi hồi nghe “một tiếng chim trốn tìm thả nhịp đôi vào gió”. Ôi chao, cái nhịp đôi yêu mới dễ thương và thơ mộng làm sao. Cõi người yêu đủ chết lòng thi sĩ, cõi yêu của tự nhiên càng lãng mạn và nên thơ hơn rất nhiều. Đôi khi, chính sự hồn hậu, luyến ái và khát khao tìm nhau của lời chim muông kia đã cứu rỗi con người vượt qua nỗi niềm cô đơn, sầu muộn: “và/ đôi khi một tiếng chim trốn tìm/ thả nhịp đôi vào ngọn gió/ gọi nhau/ yêu/ cứu rỗi những đôi mắt/ đong đưa bản tình ca/ rớt giọng”.
Từ cuộc chơi ánh sáng và nhịp đôi trốn tìm của loài chim gọi nhau, nhà thơ đã có một cái nhìn thật yêu ái về sự sinh tồn của tự nhiên, về lẽ sống vĩnh hằng của vũ trụ. Hồn vía của đất đai là tạo ra ánh sáng nơi vòm xanh để ngàn năm ngân nga tiếng nói “mịn màng” của lá. Hồn vía của bầu trời - không gian của muôn loài cánh bay là gọi nhau trong yêu thương và khát khao ái tình hòa nhịp. Cũng như lòng thi nhân đây, mỗi ngày sống trên mặt đất này là luôn “dọn sẵn” lòng mình cho tình yêu thiết tha trở về trú ngụ. Ý thơ của khổ thơ cuối bài thật độc đáo, hay đến không ngờ và đồng thời cũng khép lại một tứ thơ trọn vẹn cho toàn bộ thi phẩm: “còn tôi/ em biết không mỗi ngày/ tôi đã dọn lòng mình/ cho những giấc mơ / của em/ chạy nhảy”.
Bài thơ Mỗi ngày được in trong thi tập Những giấc mơ trôi dạt của nhà thơ Trần Văn Hội, xuất bản năm 2019. Thông điệp nhân bản về cuộc sống tự nhiên, về tình yêu qua giọng thơ hồn hậu, thâm trầm của tác giả đã giúp người đọc có cái nhìn yêu ái và hướng thiện nhiều hơn trong cuộc sống. Đọc một bài thơ hay, tâm hồn mỗi người sẽ trở nên ngọt ngào, sáng trong và nhìn nhận thế giới không chỉ bằng đôi mắt mà bằng cả cảm xúc của con tim thiện lành. Chức năng thơ, chức năng văn nghệ nhờ đó càng to lớn, đẹp đẽ hơn.


Logo Văn học trong nhà trường


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI