Dựng xe vào chân cầu thang, Hồng cất tiếng gọi:
-Y Thịnh ơi, có
nhà không?
Lạ, cửa vẫn mở mà
sao gọi không ai trả lời. Sáng nay nghỉ học không lý do, giờ gọi không thưa hay
bạn ấy ốm. Thôi thì đã đến thì phải lên nhà xem sao. Đầu nghĩ, chân bước lên cầu
thang. Vào nhà thấy Y Thịnh ngồi bên bếp lửa ở phòng khách, mặt xị xuống như có
điều gì đó buồn lắm, khác hẳn thường ngày vui vẻ, hoạt bát. Hồng bước đến bên cạnh,
đặt tay lên vai bạn, hỏi:
-Y Thịnh bị bệnh
à?
Vẫn không có tiếng
đáp lại. Người bạn thân nhất lớp của Hồng hôm nay bị sao thế này. Hồng gặng hỏi:
-Bạn bị sao vậy,
có thể cho mình biết được không?
Vẫn im lặng, Y Thịnh
nhìn chăm chăm vào bếp lửa đã nguội lạnh từ lâu và hình như trong đôi mắt thông
minh, có dòng nước đang từ từ tràn ra. Hồng lắc lắc vai bạn:
-Nói đi nào, có
chuyện gì mà không đi học. Cô giáo và các bạn trong lớp nhắc bạn nhiều lắm đấy.
Ai cũng mong bạn đến lớp. Ami(1) đâu rồi?
-Hu, hu, hu…
Bất ngờ từ gian
cuối ngôi nhà tiếng khóc của người phụ nữ bật ra, uất nghẹn, đau đớn. Hồng nhận
ra tiếng của mẹ Y Thịnh. Người phụ nữ mới
hơn ba mươi tuổi, khỏe mạnh, có nét đẹp đặc trưng của người phụ nữ Êđê. Không
may, chồng mất sớm, cô ở vậy nuôi Y Thịnh
không đi bắt chồng khác. Có lẽ cô thương con trai, không muốn san sẽ tình cảm của
mình cho ai khác nữa. Đã hơn chục năm như vậy trôi qua, hai mẹ con cô sống
trong sự đùm bọc của người trong buôn. Vậy mà hôm nay có chuyện gì mà cô phải
khóc? Hồng chạy vội lại nơi phát ra tiếng khóc, thấy mẹ Y Thịnh ôm cây cột nhà,
gục đầu vào đó, khóc nức nở.
-Cô ơi, có chuyện
gì đấy cô?
-Hu, hu, hu…
Tiếng khóc lại
càng vang to hơn, hai bàn tay người phụ nữ ôm chặt lấy cây cột như muốn vật nó
ra, bẻ gãy nó đi. Hồng ào đến ôm ngang hông người đàn bà, nước mắt cũng ứa ra,
giọng ngèn ngẹn:
-Cô ơi, đừng khóc
nữa, có gì từ từ mà tính chứ khóc làm sao giải quyết được công việc ạ.
-Ới Yang(2) ơi
sao lại bắt tội tôi khổ thế này!
-Cô ơi, có chuyện
gì cho cháu biết với được không?
-Hu, hu, hu… Thầy
cúng nó nói cô là là… Ma Lai!
-Trời!
Hồng là người
Kinh, lại mới theo bố mẹ vào đây nhập học chưa trọn một học kỳ, nhưng cũng biết
được đôi nét về văn hóa, phong tục, tập quán của người Êđê. Trong số các tội mà
bị người trong buôn trừng phạt thì tội làm Ma Lai bị xữ nặng nhất.
*
Không biết từ bao
giờ, người Ê đê có quan niệm, nếu trong buôn có chuyện xảy ra không bình thườn
làm hại đến tài sản, hoa màu, tính mạng con người… đều do Ma Lai gây ra. Vậy là
người ta đi tìm Ma Lai. Họ tin rằng con Ma Lai độc ác từ trong rừng của tổ tiên,
ông bà(3) bay về nhập vào một người nào đó để làm hại buôn. Lúc này gia đình
nào cũng sợ bị lão thầy cúng bảo mình là ma lai; thậm chí có gia đình bất hòa với
nhau cũng nhân cơ hội vu cho người kia là Ma Lai.
Ma Lai thích uống
máu tươi của động vật và cả con người, vì thế mới xãy ra chuyện bị mất mùa, cây
trồng, vật nuôi chết và con người ốm đau, chết chóc... Người bị xem là Ma Lai bị
dân buôn xua đuổi, không giao tiếp; thậm chí có nơi còn bắt thiêu sống. Vì thế,
khi bị người trong buôn buộc tội cho nhà nào có người là Ma Lai thì gia đình đó
chỉ còn cách bỏ nhà tới buôn khác hoặc vào rừng sâu sinh sống.
Hồng quay ra bước
đến bên cạnh Y Thịnh, đập tay lên vai bạn, hỏi:
-
Ai
mà độc miệng vu vạ cho nhà mình thế?
-
Lão
thầy cúng đó.
-
Y
Thịnh có biết vì sao lão ta nói vậy không?
- Nhà ami Thanh có đàn vịt xiêm mười ba
con mới biết gọi bạn tình, bổng trong một đêm lăn ra chết hết. Thế là lão ta bảo
trong buôn có con Ma Lai nên mới có hiện tượng ấy và đi tìm rồi nói với mọi người:
con Ma Lai ấy là ami mình.
-Thế già làng, buôn trưởng cũng tin lão
ta à?
-Ừ!
-Đừng sợ, để mình về báo với cô giáo chủ
nhiệm, tìm cách giúp. “Cây ngay không sợ chết đứng”, chúng mình là học sinh lớp
bảy rồi, sao lại tin những chuyện vớ vẫn đó được.
Y Thịnh lặng ngắt, mắt vẫn nhìn vào chiếc
bếp tối om. Hồng bước xuống cầu thang, vớ lấy xe đạp, đạp về. Mọi ngày bọn trẻ
trong buôn thấy Hồng đến thì chạy theo, xúm lại đẩy xe, miệng ríu rít gọi: amai(4)
amai Hồng; còn hôm nay vừa nhìn thấy Hồng trong nhà Y Thịnh đi ra đã vội vã chạy
lên cầu thang như có ma đuổi, rồi đóng sầm cửa lại. Mấy đứa nhỏ chạy không kịp,
ôm cầu thang khóc thét lên như thấy quỷ.
*
Cô Thanh cùng với bốn thầy cô trong trường
đến thăm nhà Y Thịnh ngay buổi chiều khi nghe Hồng về báo. Các cô ngồi nói chuyện
với ami Y Thịnh, còn thầy Hiệu trưởng đi tìm buôn trưởng nói chuyện. Một lúc
sau thầy Hiệu trưởng quay lại nói:
-Ông buôn trưởng khẳng định: buôn vẫn
bình yên, không có chuyện gì xảy ra khác với bình thường. Ngày mai Y Thịnh đi học
nhé; còn việc của chị, chị cứ làm bình thường như mọi ngày, có gì chúng tôi sẽ
nhờ chính quyền can thiệp giúp.
-Chuyện này không ai giúp được đâu thầy
giáo ạ.
-Chị đừng sợ, phải tin vào chính quyền
nơi đây chứ.
-Dạ!
Các thầy cô chia tay ami Y Thịnh ra về.
Vừa bước chân xuống khỏi cầu thang, hình như có một hiệu lệnh thần bí nào đó
phát ra, nhà nào trong buôn cửa cũng
đóng chặt. Cả buôn vắng ngắt không còn thấy một bóng người nào lai vãng.
Cô Thanh, chủ nhiệm lớp 7A quay qua nói với thầy Hiệu trưởng;
-Tình hình này thì khổ mẹ con Y Thịnh rồi.
-Sáng mai cô bảo các em trong lớp ở gần
đây đến rủ Y Thịnh đi học, xem người trong buôn họ xữ thế nào.
- Sáng ngày mốt, chủ nhật, thầy cho lớp
em lao động dọn về sinh đường vào buôn và phát cây xung quanh nhà Y Thịnh nữa
nhé.
-Đúng rồi, nhà trường sẽ cho thêm hai lớp
chín nữa đi cùng lớp với lớp 7A.
-Dạ!
Các thầy cô đạp xe về trên con đường lỗn
ngỗn những tảng đá to như nắm tay, chiếc mũ. Dãy núi phía tây cao lên, ngiêng
bóng từ từ tràn xuống, đuổi ánh nắng vàng chạy mãi về phía đông rồi khuất hẵn.
*
Sáng chủ nhật, ba lớp hơn một trăm học
sinh cùng bốn thầy cô giáo kéo nhau đến buôn. Tất cả mọi người kéo lên nhà Y Thịnh
uống nước một lúc rồi mới chia nhau vác dao, cuốc và chổi ra làm vệ sinh con đường
chính giữa buôn.
Đám thanh niên hơn chục người, trên mình
mặc mỗi chiếc khố, lưng cởi trần khoe nước da đen bóng, tay cầm xà gạc (5) bước
ra từ nhà lão thầy cúng, chặn đám học sinh, nói:
-Chúng mày về đi, không được làm ở đây!
Bọn học sinh lau nhau ùa đến vây quanh,
tranh nhau nói:
-Chúng em đi lao động đấy.
-Chúng em đi giúp dân dọn vệ sinh, sao lại
phải về.
Một thanh niên trông mặt khá bặm trợn, mắt
xếch, tay dứ dứ cây dao nói:
-Chúng mày từ nhà con Ma Lai ra nên
không được ở đây.
Đa số các em học sinh là người Ê đê nên
khi nghe nói đến Ma Lai, hoảng hốt kêu thét lên:
-Yang ơi!
Có em còn làm rơi luôn cả dụng cụ lao động
cầm trên tay.
-Anh bảo nhà nào ở buôn mình là Ma Lai?
Không biết cô giáo Thanh đến từ lúc nào,
cất tiếng hỏi; đám thanh niên đứng lặng ngắt, mắt ngó cô chằm chằm. Người thanh
niên mắt lé nói:
-Buôn tao không cần cô giáo và bọn trẻ
giúp đâu, về đi.
-Anh không có quyền nói thế, chúng tôi
làm vệ sinh giúp buôn chứ không phải riêng nhà anh. Đây là việc tập thể, các
anh nên ra làm cùng chúng tôi mới đúng chứ.
-Buôn tao có chuyện nên cấm người lạ đến.
-Anh mời già làng và buôn trưởng ra đây
nói chuyện.
-Chúng nó còn bận công việc, không có thời
gian nói chuyện với cô giáo. Cô giáo dẫn học trò về đi, không được đến buôn này
nữa.
Nói dứt lời, anh ta giơ dao lên đầu như
định chém cô giáo, bọn học trò có đứa khóc ré lên, có đứa lao lại ôm chặt lấy
cô. Bỗng có tiếng reo lên:
-Thầy Hiệu trưởng đến, thầy Hiệu trưởng
đến.
Nhóm thanh niên đang hung hăng, nghe tiếng
reo, quay lại nhìn ra phía đầu buôn như thấy thiên thần, vội bỏ tay xuống, lũi
luôn vào nhà lão thầy cúng. Thầy Hiệu trưởng đi trước, phía sau có thêm ba chú
công an, đầu đội mũ, lưng đeo súng nhìn oai phong lắm. Tiếng thưa thầy, chào
chú của đám học sinh ồn ã vang lên, thầy Hiệu trưởng mĩm cười gạt đầu rồi nói:
-Các em làm đi, cô Thanh vào nhà già làng
cùng chúng tôi.
Đám học sinh vui vẻ hòa hét nhau, dọn dẹp,
vui như mở hội. Các ngôi nhà trong buôn lúc đầu đóng cửa im ỉm, sau đó mở hé, rồi
mở hẳn. Đám trẻ con lau nhau không nén được tò mò thò đầu qua cửa nhìn, lúc sau
đi ra đầu sàn xem các anh chị học sinh vừa hát hò vừa chia nhau chặt cây, quét
rác… Một lúc lâu sau thì không ai giữ được lũ trẻ trên sàn, chúng ùa xuống đất
cùng làm với đám học sinh một cách say sưa, các thầy cô giáo nhìn chúng, nở nụ
cười vui vẻ.
*
Chiều
hôm sau, dân toàn buôn kéo đến trước ngôi nhà dài của già làng họp. Lũ người
già trông ánh mắt long lanh ra chiều ưng ý lắm. Lũ thanh niên có đứa miệng cười
như hoa, có đứa mắt lấm lét nhìn xuống chân, không dám nhìn ai. Ngồi trên đầu
sàn, ngoài già làng còn có ông Chủ tịch xã, ông buôn trưởng và ba chú Công an
chính quy, trang phục màu xanh, có gắn bảng tên trên ngực áo. Lão thầy cúng cũng được hai anh công an viên
đi cùng, đưa tới bên chân cầu thang.
Ôi, cái oai phong của lão thầy cúng một
thời bay đâu mất cả. Lão không dám ngữa mặt lên trời gọi Yang hăm dọa người
trong buôn được nữa. Hình như chân lão có vấn đề nên mắt chỉ nhìn chân thôi.
Người trong buôn lặng ngắt, không ai nói thêm điều gì. Mấy em bé được gùi trước
bụng mẹ vẫn vô tư vừa sờ ty vừa bú trong khi mẹ chúng chăm chú nhìn lên phía
già làng.
Già làng sống đã nhiều mùa rẫy, tóc bạc,
lưng còng, trên mình mặc chiếc áo thổ cầm của người dân tộc Êđê màu đen có viền
đỏ, đứng dậy bước ra đầu sàn nhìn mọi người rồi thong thả nói:
-Nghe tao nói đây, mấy ngày qua buôn ta
có bầy vịt xim chết làm loang ra cái tin trong buôn có Ma Lai. Từ tin xấu đó
người ta nghi ngờ lẫn nhau rồi quy kết cho ami Thịnh là Ma Lai. Dân buôn ta đối
xữ không công bằng với mẹ con Y Thịnh như mấy ngày qua là không đúng; lỗi này
do Y Kit – thấy cúng của buôn ta nói ra. Buôn ta tin hắn, tin hắn, vậy mà…
Giọng già làng ngẹn lại như đau buồn lắm,
phải một lúc sau lại mới nói tiếp được:
-Ta thay mặt mọi người trong buôn cảm ơn
thầy cô giáo nhà trường, cảm ơn ba em học sinh nữ của trường đã giúp mọi người
biết sự thật. Y Kít, mày xấu như con thú hoang, biết lỗi chưa? Lên đây nói cho
mọi người biết vì sao lại giá họa cho ami Y Thịnh như thế.
Y Kít nặng nhọc bước lên cầu thang, rồi
quay mặt ra phía mọi người, tay vịn vào đầu cầu thang. Già làng nhắc:
-Cái bụng mày xấu, cái lưỡi mày ác độc,
làm hại người; giờ thì phải nói cho mọi người biết sự thật đi.
Y Kít cúi gằm mặt xuống, chắc trong đầu
hắn đang nghĩ lại chuyện xảy ra chiều hôm qua…
Gần trưa, đám học trò cùng cô giáo dọn vệ
sinh xong kéo nhau về trường. Đứng trong nhà, lão nhìn rõ Y Thịnh được cô giáo
cho ngồi sau xe chở đi. Buôn trở lại yên tĩnh, trẻ con ăn cơm rồi ngủ; người lớn
ở trong nhà không đi ra ngoài làm gì giữa cái nóng gay gắt. Thời cơ đến, lão nhảy
qua cửa sổ mò qua nhà ami Y Thịnh. Ami Y Thịnh ngồi tựa lưng vào vách nhà, mãi
mê dệt vải, hình như không biết có lão đã leo lên cầu thang, đi vào nhà. Người
phụ nữ một con có khuôn mặt như ánh trăng rằm từ lâu đã hút hồn lão. Lão muốn
được về ở trong ngôi nhà này từ lâu rồi, nhưng chưa có cách gì, nay thì…
-
Mi
Y Thịnh không thấy tao đến à?
-
Mày
đến có việc gì?
-
Tao
đã nói rồi, cái bụng tao thương mày mà, mày cho tao về đây ở nhé.
-
Tao
là con Ma Lai mà mày còn dám đến đây à?
-
Tại
mày từ chối bắt tao làm chồng thì mới vậy. Bây giờ mày cho tao làm chồng thì người
trong buôn không ai bảo mày là Ma Lai nữa đâu.
-
Không
được, tao còn là Ma Lai thì không thể bắt ai làm chồng được cả.
-
Dân
buôn này ngu lắm, tao nói gì chúng cũng nghe. Cho tao làm chồng mày nhé.
Nói dứt lời, lão bước đến cuối xuống định
hôn ami Y Thịnh thì…
Trong gian nhà làm phòng ngủ của ami Y
Thịnh bỗng vang lên tiếng chiêng, tiếng người hò hét:
-
Thầy
cúng giết người, thầy cúng giết người…
Lão sợ quá, co cẳng chạy ra ngoài, nhảy
xuống cầu thang. Người trong các nhà dài đang chìm vào giấc ngủ trưa bỗng bị tiếng
chiêng, tiếng người đánh thức dậy, chạy vội ra đầu sàn và vô tình chứng kiến cảnh
lão đang hoảng hốt chạy ra từ nhà ami Y
Thịnh…
Lão cay cú vì bị đưa ra kiểm điểm trước
dân. Lão hận vì thấp mưu, thua con bé
người Doan(6) tên Hồng cùng với mấy đứa bạn nó học cùng lớp với Y Thịnh núp sẵn
trong nhà làm hỏng chuyện lớn của lão. Nhưng từ sâu trong đầu lão, lão phải thầm
thừa nhận lũ trẻ tinh quái quá, giỏi quá; còn lão…!
Nhà
sáng tác Vũng Tàu, 3/11/2019
- Chú thích:
- 1. Ami:
mẹ – tiếng Êđê;
- 2. Yang:
thần linh – tiếng Êđê;
- 3. Rừng
của tổ tiên, ông bà: nơi ở của người chết – cách nói của người Êđê;
- 4. Amai:
chị - tiếng Êđê;
- 5. Xà
gạc: con dao đi rẫy của người Êđê;
- 6. Doan:
người Kinh – tiếng Êđê;