Tôi chỉ nói chuyện với tảng băng đó.
Dứt khoát không phải ai khác (hoặc một thứ
gì khác), ngoài tảng băng đó.
Tôi đã ngắm nghía nó khá lâu. Rồi lại cất đi. Giấu giếm
nó đi trong một ngăn chứa vừa bí mật vừa lộ lộ từng
lớp. Ấy thế mà, không phải ai cũng có thể nhìn thấy, dễ dàng nhìn thấy. Tôi thực
tình không muốn ai thấy. Vì vậy mà nó mới bị giấu đi.
Vì vậy mà nó (đôi lần) chẳng cần đến sự giấu giếm của tôi, nó tự mình biến mất, tự mình lẩn trốn trong lau lách của thế giới buồn tẻ cô độc của loài
người.
Tôi đã cố tình chối từ thứ lạnh lùng
này. Nhưng, thản nhiên, nỗi buồn, sự ám ảnh chúng mặc
định tồn tại, không chịu di dời. Chúng xâm nhập tôi hằng ngày hằng giờ, mọi lúc
mọi nơi. Một người bạn ở xa vừa nhắn hỏi rằng, “tại sao tớ luôn cảm thấy lo lắng
cho cậu”. Tất nhiên, tôi không trả lời đủ đầy. Tôi nói, trong người tôi có một tảng
băng. Tôi đặt tên cho nó là Eva. Tảng băng Eva này, tàn nhẫn lắm. Giống hệt như tôi tự làm tôi tổn thương vậy. (hoặc là một ai đó từng
làm tôi đau đớn, thời ấu thơ, thời tuổi trẻ).
Mấy mùa xuân hè hoặc thu đông năm ngoái,
khi tôi đang phiêu bạt ở bên kia bờ đại dương, (xứ người chỉ ấm áp vào hè và
băng giá buốt lạnh cả ba mùa còn lại). Những khoảnh khắc mà tôi nhận biết được
sự tồn tại của nó, thì đồng thời nó cũng dịch chuyển tôi về với khoảng thời
gian trước kia, khi tôi còn ở Huế. Mùa đông, mưa
dầm, bầu trời dày đặc màu sắc u ám lê thê kéo dài. Tuổi trẻ của tôi ở đó. (Tuổi
trẻ đầy buồn tủi của tôi). Tôi nhớ, tôi còn nhớ hình bóng tôi co rúm lại trong bộ xương gầy đỏng đảnh suốt cả bốn mùa xuân - hạ - thu - đông.
Tôi nghĩ, tảng băng của tôi đã mê dụ tôi đi
hoang từng tiềm thức trôi ngược về những tháng năm
xa xôi hơn nữa.
Năm, mười, mười lăm, hai mươi. Không
phải một trò chơi trốn tìm với đám trẻ con trong xóm, với những kí ức lạnh lẽo. Đó là tôi,
chính tôi, một tảng băng đang lạc trôi dưới ánh sáng nguyệt bạch những đêm tối
trời. Tôi nhớ thế này, rồi tôi lại nhớ là thế kia, cái hoạt cảnh vừa xa vừa gần
ấy chúng thật đáng sợ. Chúng níu lấy bàn tay tôi cười ha hả. Chúng cợt nhả,
trêu đùa bắt tôi phải đau khổ vừa muốn tung hê nó ra, vừa muốn giấu giếm đi thật kỹ lưỡng
trong một ngăn chứa bí mật của riêng tôi, chẳng để ai phát hiện.
Có nhiều lần, khi đối diện với bóng tôi, hoặc
một vài cơn say dại dột thời tuổi trẻ, tôi đã
khóc, đã hét lên với sự tồn tại của nó rằng, “mày chỉ là một tảng băng vô tích sự, không hơn
không kém. Eva”. Tuy nhiên, tôi lại thấy dường như nó cười cợt lại và thì thầm mỉa mai, “cô cũng chỉ là một thứ cố chấp, lì lợm".
Năm tôi hai mươi tám tuổi.
Lần thứ ba tôi thử tự sát sau chưa đầy ba
ngày làm cô dâu. Nhận thức về việc tự sát của tôi lúc đó, chẳng khác gì một đứa trẻ. Tôi quen nuông chiều cảm xúc.
Chơi
đùa
với nó, quên mất sự tồn tại của lý trí. Chồng tôi, anh ấy cũng là một tảng băng,
rất lạnh. May mắn thay, trước sự bướng bỉnh của tôi, tảng băng của anh ấy bắt buộc phải
tan chảy, để bảo bọc tôi, che chở tôi, sưởi ấm cho tôi.
Bây giờ, mỗi ngày, tôi thấy nó tan, thực sự
thì nó vẫn tan ra rất đều đặn, từng chút một. Tôi nghĩ, nó có thể cũng đang tan
ra như thế giới ngoài kia, nó sẽ hoá thành nước rửa trôi mọi âm thanh bẩn thỉu,
kể cả những giọt nước bọt chứa đầy virus văng
tứ phía trong lời nói của ma quỷ. Tôi biết, nó vẫn đang tan. Nhưng kỳ lạ thay, nó tan và tiếp tục ngấm sâu vào tim tôi hơn. Lạnh. Tôi không phải
nói mê. Giữa mùa hè đổ lửa, tôi vẫn rên rẩm về một cơn buốt lạnh - buồn
bã nào đó mãi bám riết trong cơ thể mình. Rồi, tôi tự đánh lừa tri giác tôi, rằng
đó không phải là tảng
băng Eva. Tôi tự đánh lừa trái tim tôi, rằng tôi vẫn ấm áp và yếu đuối như bản
thể quen thuộc của loài người.
Tôi mơ về một thế giới khác. Có những đêm
tôi chỉ sống trong giấc mơ. Không phải đời
thực. Tôi không muốn thoát ra khỏi giấc mơ đó. Mộng cảnh là thứ có thể tạm thời giấu giếm bớt nỗi đau của tôi. Vài thứ mà tôi không tài nào chấp nhận
được trong cuộc sống đời thực chẳng hạn. Tôi mơ về một thế giới khác. Và cái thế
giới đó đã biến thành một tảng băng nữa, một tảng băng nữa.
Nó - Chúng. Chúng - Nó. Thể nào cũng trêu đùa tan nát trái tim tôi
thôi.
Tôi kể với ai đó về một cơn đau. Không phải
tảng băng ấy. Cơn đau này rất sâu, rất sâu, hệt như muốn vùi lấp tôi trong những
ký ức cũ kỹ, và kể cả thứ mới vừa xảy ra ngay trước mắt tôi lúc này, ngày mai nó
cũng trở thành ký ức thôi. Nhưng giá như, thứ ký ức
đó tươi tắn, đẹp đẽ như mộng cảnh. Cơn đau không bị kích hoạt, tôi trơ mắt
đứng nhìn và cười thật to. Hình như tôi có chửi thề nữa. Thỉnh thoảng, cũng nên chửi thề một chút. Biết đâu đó cũng là một
liệu pháp chữa bệnh.
Tôi nghe có tiếng gió gào bên ngoài cánh cửa.
"Chôn sống. Chôn sống. Chôn sống". "Bắn đi. Bắn đi. Bắn
đi". "Chết. Chết. Chết".
Ai? Dĩ nhiên chẳng có ai ngoài tiếng gió.
Chẳng có ai ngoài chính tôi đối diện với những bức tường lạnh trong bóng tối.
Tôi nhớ một đoạn phim có những tiếng hét như thế. (đó là năm tôi hơn ba mươi tuổi).
“Hẳn là, em nên trở về tìm kiếm tảng băng
không chịu tan của mình”, tôi nói với chồng như thế.
Anh ấy bảo, “chúng ta không nên tự mình
nhân đôi số lượng nỗi buồn làm gì, thế giới vốn dĩ đã quá nhiều đau đớn”. Tôi
không nghe lời chồng, tôi vẫn thích chiều chuộng cảm xúc như thời trẻ tuổi. Và
tiếp tục tự nhốt mình trong mọi hoang cảnh.
Mùa hè gần hết. Thu - đông sắp chạm gót
chân tôi trong từng ký ức ngắn ngủi ở xứ người. Tôi sợ mùa đông. Tôi sợ những tảng
băng tích tụ trong cơ thể tôi. Nhưng lúc này tôi lại nhớ mùa thu, nhớ những
hàng cây lá đỏ, lá vàng trên con đường quen ở Symond St, muốn rớt nước mắt.
"Tôi không thể rớt nước mắt một cách dễ
dãi như ngày xưa được". Tôi nói.
Vẫn không có ai ngoài tôi với bức tường lạnh.
Tiếng của tôi im bặt ngay sau một câu nói nhảm. Tôi nghĩ. Tảng băng trong chiếc hộp pandora cũng lỳ lợm phong tỏa nước
mắt của tôi. Vậy thì tôi sẽ tiếp tục trò chơi này, trò chơi giấu giếm một tảng băng ở nơi nào đó sâu kín nhất. Bất quá, cô độc quá tôi sẽ mời Lão ấy
chơi cùng. Ông già khó tính bị réo gọi mỗi lần con người yếu
đuối gục khóc. “Thượng đế hỡi”, tôi gào tên lão,
tôi không cầu nguyện xin xỏ, tôi sẽ gào tên lão hết đêm nay.
Liệu ngài có nhìn thấy tảng băng nặng trĩu
này của tôi trong đêm mùa hè buốt lạnh? Thượng đế hỡi, liệu ngài có nghe thấy
tiếng nhân sinh muôn loài đang kêu cầu van
xin được cứu rỗi? Thượng đế hỡi, đêm hôm qua cha tôi đã vô tình cất cao giọng đòi chôn sống mẹ tôi bằng
những lời chót lưỡi đầu môi cay độc.
Hơn ba mươi lăm tuổi. Khi tôi trở về từ xứ
người.
Trong một đêm không vui vẻ, tối trời. Tôi
ngồi đó. Ngay chính giữa một nấm mồ hoang lạnh. Không phải được vùi lấp bằng đất
đá, mà bởi bốn bức tường ngột ngạt. Tôi ngồi đó. Ngay chính giữa hai thực thể còn sống, đã tạo tác ra tôi. Một thực thể Eva khác
đang lặng im gục xuống như một tảng băng lạnh buốt. Một thực thể Adam, bội phản,
tàn nhẫn vừa hóa thân thành thứ gì đó thật xấu xí, không phải là một câu chuyện
giống loài của Thượng đế. Tôi là cái gì vậy, hỡi Thượng đế? Có khi nào ngài nhầm lẫn, sai sót khi chơi trò nặn tượng với tôi, với
thế giới đầy u mê dục vọng này?
"Chôn sống. Chôn sống. Chôn sống".
"Đi chết. Đi chết. Đi chết đi".
Bất giác tôi muốn chửi thề. May sao, tôi kiềm
chế lại được. Tảng băng Eva trong tôi co cụm. Lạnh
buốt. May mắn thay, tôi không chiều chuộng cảm xúc của tôi như thời tuổi trẻ nữa. Chồng tôi, anh ấy đã dạy cho tôi cách tiết chế,
cách nhìn nhận chân - giả, cách yêu thương. Dù rằng, tôi vẫn còn run rẩy trước
những âm thanh vang
vọng bên tai tôi lúc này. “chôn sống, đi chết…”.
Thật kinh khủng.
Tôi muốn mở miệng, tôi muốn chửi thề với
Thượng đế.
Không
ai cất một lời đáp lại. Chỉ có tiếng gió gào thét trong đêm mùa hè, chỉ có một tiếng
chim lạ não nề bên ngoài cánh cửa sắt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI