Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

THÀNH PHỐ TUỔI THƠ TÔI tác giả LÊ VĨNH TÀI - CHƯ YANG SIN SỐ 333 THÁNG 5 NĂM 2020

Ngã Sáu Buôn Ma Thuột


Chuyên mục Đất và Người Đắk Lắk



1.
Tôi sinh ra ở Ban Mê Thuột, thức hay ngủ gì thì sông suối cũng rì rào ngay bên mình. Quê tôi miên man núi và rừng, xanh um một màu lá, chói chang một trời nắng bụi, lầy lội những trận mưa vào mùa. Từ thị xã đến làng quê, nhà cửa cũng theo thời gian mà ngả màu cùng đất đỏ, con người cũng phai màu trong đất đỏ, tử sinh cùng một màu đất đỏ. Màu đỏ của vùng đất như cái bánh sô-cô-la tuổi thơ, ngọt ngào cả một kiếp người.
Thị xã Ban Mê Thuột hình thành dọc theo con suối Tam. Phố núi trong tôi chính là những con suối của tuổi thơ. Khoan hãy nói về những tên người tên đất, ngay tên của những con suối thôi mà cũng đã nhầm lẫn những phận người. Nước suối trôi đi, nhưng những kỷ niệm với con suối thì đọng lại trong tuổi thơ nghèo khó. Ban Mê Thuột có bao nhiêu con suối, mà một thời tiểu học Nguyễn Công Trứ bao nhiêu thế hệ học trò đều nhúng chân xuống hoặc lội qua bắt cá lòng-tong.
Bài viết này xin bắt đầu bằng một con suối tại Ban Mê Thuột, mà thế hệ chúng tôi đã vô tình gọi sai tên là suối “BU-RI”, thay vì “MAURY” (tạm đọc là MU-RI), cái tên gọi mà sau này tôi mới biết nó đã có từ thập niên 1930.
Buri hay Maury?
Bắt đầu từ một con suối, như là một dẫn chứng về những nhầm lẫn khi lớp hậu sinh chúng tôi lớn lên và gọi tên cho vùng đất này. Cách gọi sai này đã góp phần làm biến mất một phần lịch sử của vùng đất. Không dám nhắc nhớ, chỉ là cái tên của một con suối nhỏ trong lòng thị xã Ban Mê Thuột, nay “xin gọi đúng tên người”. Vì bà Hồ Thị Thơm, vợ ông Maury, là chị gái của bà Ba-Lô (mẹ của nhạc sĩ Phan Ni Tấn), lại ở ngay trên đường Tôn Thất Thuyết, gần sát nhà tôi. (Một người em gái khác của bà, là bà chủ của quán cà phê Bâng Khuâng, giờ vẫn còn trên đường Phan Bội Châu.)
Bà Hồ Thị Thơm là ai?
Giống như Thác Nhà Đèn, suối bà Hoàng, suối Xanh… suối Mu-ri cũng có chỗ sâu ngập đầu. Những đoạn uốn lượn quanh hồ Piscine và đền ông Cảo trước khi chảy ra cầu Trắng, mùa mưa nước dâng cao, chảy xiết, ngầu đục. Nhưng dù mưa hay nắng, con suối này vẫn ít khi vắng mặt lũ trẻ chúng tôi. Khi tôi học tiểu học, khu vực này chỉ toàn người Tàu. Con suối Maury ngang qua đây đổi tên thành suối Tàu, những người Tàu-Nùng nấu rượu thơm lừng cả con suối và trồng bắp cải cung cấp cho cả thị xã, mà sau này tôi gặp lại trong thơ “cái người Tàu kỳ lạ / ngồi dầm bắp cải giữa đêm khuya…”
Vì sao Maury?
Ban Mê Thuột thành “đại lý” (thuộc Phú Yên 1904, được vẽ bản đồ 1905), nhưng đến năm 1923 tỉnh Daklak (người Pháp gọi là Darlac) mới được thành lập. Viên Công sứ đầu tiên của tỉnh là Sabatier. Ngay sau khi nhậm chức, viên Công sứ này đã có ý đồ “làm vua một cõi” nên cấm không cho người Kinh lên lập nghiệp, mặt khác ngăn các nhà tư bản Pháp lên lập đồn điền. Cho đến năm 1930, sau khi thuyên chuyển viên công sứ Sabatier đi nơi khác, các nhà tư bản Pháp mới lên Ban Mê Thuột khai thác đồn điền cà phê và trồng cây cao su. Thời kỳ này, người Kinh muốn lên lập nghiệp đều gặp nhiều khó khăn, trừ những ai đi lính như ba tôi.
Ngày nay, Nông trường cà phê Thắng Lợi đường đi Phước An, đồn điền cà phê bạt ngàn dọc hai bên đường, xưa là của ông Roger, sau này bán lại cho ông bà chủ tiệm sách Tia Sáng (giờ người cháu là anh Chánh, vẫn còn giữ được cái tên, tiệm “tạp hóa Tia Sáng” nhỏ bé 4m mặt tiền lặng lẽ trên đường Lê Hồng Phong). Còn ông Nicolas lại khai thác đồn điền gần suối ông Phán Lạc (tức tỉnh trưởng người Thượng tên là Y Say thuở đó) nay gần hồ Piscine dưới khu Trần Hưng Đạo. Cái đền Trần ở Buôn Hồ thành di tích mà đền Trần ở đây chỉ được những người dân (cả người Việt và người Tàu) gọi theo tên một người đàn ông (ông Cảo), lặng lẽ vô danh.
Riêng ông Jean Maury, sau khi khẩn hoang ở Buôn Tur, thì về ở đầu dốc cổng số 1 (khu Thăng Long bây giờ), ông cho cất một dinh thự bề thế (kiểu nhà sàn bằng gỗ, hai đầu nhà đều có cầu thang đi lên). Ông kinh doanh nhà hàng, mở phòng ngủ, phát triển đồn điền cà phê và trại chăn nuôi gia súc. Các cơ sở này đều mang cùng một tên Maury. Trong vùng đất ông Maury khai phá, phía dưới thung lũng chính là con suối Tàu đang vùng vẫy để ra cầu Trắng, những người Thượng làm công cho ông đã lấy tên ông đặt tên cho con suối, tức là suối Maury ngày nay mà chúng tôi đang gọi nhầm là suối Buri.
Năm 1936, ông Hồ Tống Hàm từ Huế lên Ban Mê Thuột làm bồi bếp cho nhà hàng Maury. Sau đó ông trở về Huế chịu tang ông anh Hồ Tống Huy, quan thất phẩm dưới triều vua Bảo Đại, bị bệnh qua đời. Lúc trở lại Ban Mê Thuột ông dẫn theo cháu gái Hồ Thị Thơm lên làm ăn sinh sống, sau này giới thiệu người cháu cho ông Maury. Năm 1940 họ trở thành vợ chồng sanh được 3 trai, 1 gái. Từ năm 1955, ba người con trai lần lượt sang Pháp ăn học và sinh sống bên đó cho tới ngày nay.
Năm 1945, thời thế thay đổi, ông Jean Maury trở về cố quốc, nhưng vẫn đi về giữa hai nước. Năm 59 – 60, ông bỏ đồn điền ở Buôn Tur vì tình tình an ninh. Sau Noel 1959 ông Maury bị tai biến, ngồi xe lăn trở về Pháp cho tới ngày ông qua đời. Tất cả sản nghiệp của ông đều giao lại cho ông Hồ Tống Hàm nhưng ông này từ chối vì bận khai thác nhà thầu thực phẩm ở Pleiku nên ông bà Võ Ngọc Huấn tiếp nhận. Ông bà Huấn cũng chính là người chủ lô đất tại vị trí khách sạn Sài Gòn – Ban Mê bây giờ. Trước 1975, ông bà Huấn đã bán một nửa cho tiệm vàng Thái Long xây khách sạn Anh Đào, còn một nửa vẫn là biệt thự của ông bà. Cái biệt thự kiểu Pháp có hai cầu thang hai bên dắt lên một cái sảnh, rồi mới vào trong nhà. Nó đã biến mất khi Khách Sạn Thắng Lợi (tên sau này của khách sạn Anh Đào) dời về Km5, nhường chỗ cho khách sạn bốn sao Sài Gòn – Ban Mê. Cái biệt thự mà hình như một thời giới kiến trúc sư Daklak tìm lại và tiếc nuối vì vẻ đẹp của nó. (Cái thứ hai song sinh với nó nằm sau Nhà thờ Quân Đội, khuôn viên Tỉnh ủy bây giờ, cũng đã mất.)
Ngày 01-09-1965, ông Jean Maury qua đời tại nguyên quán Talant, gần Dijon, nước Pháp. Ông Jean Maury tuy qua đời đã gần 55 năm nay, nhưng suối Maury muôn đời vẫn còn đó, vẫn âm thầm chảy qua thị xã và chảy mãi trong lòng những ai từng sống chết một thời với thị xã mang biệt danh: Bụi Mù Trời, Buồn Muôn Thuở. Không phải vô cớ mà giữa lòng thị xã phố núi lại có một con suối mang tên một người Pháp.
Vợ ông, bà Hồ Thị Thơm sau năm 1975 từ Sài Gòn về lại Ban Mê Thuột, ở nhà người em gái là bà Ba-Lô, và mất năm 1981 tại Ban Mê Thuột. Cũng năm đó, bà Huấn qua đời. Năm sau gia đình ông Huấn được con cái ông Delors (người hùn vốn khai thác đồn điền với ông Maury) bảo lãnh sang Pháp. Vườn cà phê chung quanh đã thành Trung Học Hưng Đức (trường Ngô Quyền bây giờ) và Nhà Thờ Quân Đội (Tỉnh ủy bây giờ) và khu dân cư.
2.   
Bà Hồ Thị Thơm vợ ông Maury (tên một con suối) thì tôi nhắc nhớ đã đành, còn em gái của bà là bà Ba-Lô, thì có liên quan gì? Đó là vì ông Ba-Lô, chồng bà, chính là một trong những người Thợ Săn Vô Danh Của Vua Bảo Đại.
Bạn hay nghe những giai thoại về ông Vua lên Daklak săn bắn mà quên rằng, ông Vua chỉ cưỡi voi (hay xe) trong đoàn giải trí, bắn hạ con thú còn là việc của những người thợ săn. Ngày đó Ban Mê Thuột là những cánh rừng, ban ngày hươu nai chạy ngờ ngờ, nhất là công rừng đậu từng bầy trên cây. Mãi sau này khi Ban Mê Thuột đã có sân bay, Công rừng còn bay rợp trời nên người ta mới gọi sân bay Ban Mê Thuột là Phi trường Phụng Dực (nơi những con chim Công bay lên).
Mùa hè là mùa săn bắn. Thợ săn ở Ban Mê Thuột không nhiều cũng không ít, nhưng ông Ba-Lô là tay thiện xạ khét tiếng. Mỗi lần đi săn về, ông Ba-Lô chia đều phần thịt cho bạn đồng hành và hàng xóm, ông ưu tiên lấy sừng. Nếu hạ nhầm nai có chửa thì mổ bụng tại chỗ lấy thai nai con về ngâm rượu hàm nàm. Ai đã từng ghé qua nhà ông Ba-Lô trên đường Tôn Thất Thuyết (Lê Hồng Phong bây giờ) sẽ ngợp vì thấy trong phòng khách nhà ông treo toàn gạc nai, sơn dương và sừng Min đủ loại. Hổ báo đã thuộc da quỳ phục trong nhà, (một cửa hàng trên đường Nơ Trang Long còn bày bán mọi thứ cho đến những năm 80 mới biến mất.)
Có lần ông Ba-Lô săn được một con cọp ngoại khổ, đuôi dài cả thước, nanh vuốt dài ngoằng, nhọn hoắt. Con nít tụi tôi nghịch ngợm nhổ râu cọp chơi bị rầy. Thì ra râu cọp để dành trộn với một loại lá rừng đựng trong hũ, lâu ngày biến thành một loài sâu rọm lông lá xanh lè. Họ lấy sâu giã nhuyễn làm thuốc độc tẩm mũi tên để săn thú rừng.
Ông vua Bảo Đại nổi tiếng là ông vua tân thời. Nhà vua rất hâm mộ các môn thể thao quí phái, thời thượng như bơi thuyền, cưỡi ngựa, đánh goft, chơi tennis, nhưng có thể nói săn bắn là môn "thể thao đường rừng" ông ưa chuộng nhất. Mỗi lần đi kinh lý trên Ban Mê Thuột, vua thường tổ chức đi săn. Và tháng 5/1950, nhân dịp lên Daklak thăm viếng đồng bào, ông vua sai cận thần triệu ông Ba Lô đi săn với vua. Thời trước, ông Ama Kông, vua săn voi cũng từng đi săn với Bảo Đại. Đi săn với vua chúa là niềm vinh dự hiếm có.
Những người thợ săn khét tiếng một thời ở Ban Mê Thuột, có thể nói họ như một loại huyền thoại, một biểu tượng sống động của thị xã núi cao. Nhưng rồi họ vẫn là những thợ săn vô danh, mãi mãi vô danh, dù có người đã từng đi săn với vua Bảo Đại. Thật ra, trong sử sách, không ai biết mà cũng không cần thiết nhắc đến tên tuổi của họ, trừ vua săn voi Ama Kông, một thợ săn ngoại hạng của núi rừng đại ngàn vào thế kỷ trước.
Săn bắn tài tình như vậy, mà một sớm một chiều ông Ba-Lô bất ngờ buông súng để bước vào cửa Phật. Những tiếng súng ác liệt của những người thợ săn năm xưa đã chìm trong tịch lặng, ông Ba-Lô cũng vậy. Ông mất năm 1983 tại Ban Mê Thuột.
3.
Những tiệm sách ngày xưa…
Cuối thập niên 1960, sách dịch rất thịnh hành, được giới yêu sách ưa chuộng. Trí thức thì chuộng triết học hiện sinh và mỹ học nặng về lý luận, hoặc truyện dịch. Bình dân thì đọc tiểu thuyết trinh thám, truyện đường rừng, truyện kiếm hiệp, hoặc truyện tình cảm, tâm lý xã hội… Chiến tranh làm phố núi có thêm nhiều trí thức, họ lên vì nhiều lẽ, và sách vở theo đó cũng bán được nhiều…
Thập niên 1960, ông Cao Trí là chủ nhân tiệm sách Cao Trí khai trương đầu tiên tại thị trấn miền cao Buồn Muôn Thuở. Tiệm sách này nằm trên đường Nguyễn Thái Học, cạnh nhà may Thừa Thiên. Ông Cao Trí tên thật là Y Tí, em song sinh với ông anh là Y Lý, chủ cà phê Đồng Xanh.
Vì sao tôi lại nhớ đến những tiệm sách, và kể tên nhà sách Cao Trí giữa muôn trùng nhà sách ở phố núi lúc bấy giờ? Là vì ông (và ông Đồng Xanh) là hai con trai song sinh của ông Y Say (ông chủ tỉnh của người Ê đê thời ấy), với người vợ thứ 7, người cung nữ mà Đức Từ Cung mang từ Huế vào gả cho ông. Khu đất mênh mông lượn từ đường Lê Hồng Phong bây giờ xuống Hồ Tùng Mậu ngày xưa là “nhà ông Phán Lạc”. Đâu có ngẫu nhiên khi ông được ở ngay kề bên Dinh Công Sứ? Gọi là Dinh Công Sứ vì Dinh này là nơi làm việc của công sứ Pháp. Ông Sabatier từng cùng các già làng ngồi đọc và dịch trường ca Damsan bên bập bùng bếp lửa ở đây. Theo Nguyễn Quang Tuệ, thì ông Sabatier mới là người “latinh” hóa chữ Ê đê (cũng như giáo sĩ Francesco de Pina đã “latinh” hóa tiếng quốc ngữ vậy.) Thầy giáo Y Jut và Y Ut chỉ là những người giúp sức cho ông. Sau năm 1954, người Pháp trao trả lại miền Nam cho Quốc Gia Việt Nam, các dinh thự ấy đồng loạt mang tên “Dinh Bảo Đại” vì lúc ấy Bảo Đại là Quốc Trưởng. Là Quốc Trưởng, nên những hình ảnh ngai vàng cùng xiêm áo trong dinh e rằng không hợp lý, vì ông Quốc Trưởng có phải / có còn là ông Vua nữa đâu? Ông đã đàng hoàng Vestone trắng và ngồi xe Jeep hàng ngày…
Quay lại ông Y Say. Ông Y say chính là ông Ama Lak, người Việt ở Ban Mê Thuột vẫn gọi ông là ông Phán Lạc (chữ “Lạc” từ chữ “Lak” mà ra). Ông là thư ký tòa Luật tục từ năm 1923, lúc đó ông Khun Jonop Y Thu (Vua voi) là chánh tòa. Ông Khun Jonob Y Thu sinh năm 1828, vậy lúc người Pháp “bổ nhiệm” ông đã 95 tuổi (?) Có lẽ vậy mà nhắc tới tòa Luật tục này, người ta chỉ truyền nhau cái tên ông Y Say. Ông mất năm 1945.
Tiếng Ê-đê, Jao còn có nghĩa là “cho”, Lạc Giao là cách của người Việt gọi vùng đất được ông Ama Lak “jao/cho”. Lạc Giao là vùng đất ông Ama Lak cho để bên vợ có nơi mà lên, mà sum vầy. Có lẽ vậy mà chúng ta mới có Trịnh Công Sơn đã sinh ra (1939) ở phố núi này chăng? Dù lên năm tuổi họ Trịnh về lại Huế học tiểu học do chiến tranh loạn lạc, nhưng nhiều người Huế ngày ấy theo chân người cung nữ vẫn còn ở lại. Để phố núi là nơi sinh ra và lớn lên của nhạc sĩ gốc Huế Hằng Vang, người nhạc sĩ của Phật giáo được biết đến tài năng qua những bài hát mang đậm tư tưởng nhà Phật. Ông sáng tác hơn 500 ca khúc, và ca khúc “Ánh Đạo Vàng” của ông được giới Phật tử cả nước thuộc lòng: “Từ ngàn xưa phương thành Ca Tì La Vệ. Tất Đạt Đa, Thái tử con vua Tịnh Phạn. Thời niên thiếu sống trong nhung lụa êm ấm. Thương chúng sanh lạc loài trong kiếp luân hồi…” Ông là niềm hãnh diện của giới văn nghệ Phật Giáo của cả nước, hiện vẫn trường chay và an nhiên tự tại với con cháu ở phường Thành Nhất.
Ngoài người nhạc sĩ đó, thế hệ chúng tôi còn được học môn Anh Văn do thầy Đặng Ngọc Thanh Hải dạy. Người thầy giáo này là cháu nội của một vị nhất phẩm Đặng Ngọc Oánh, tinh thông cả Pháp ngữ và Nho học, từng là thầy dạy vua Duy Tân và từng làm quan đến chức Hiệp tá Đại học sĩ. Ông Đặng Ngọc Oánh từng là Tuần Vũ Quảng Ngãi nên rạp hát “Bà Tuần” lừng danh ở Huế là cách người ta gọi rạp hát của vợ ông, cũng là bà nội thầy giáo dạy Anh văn của tôi. Những trâm anh thế phiệt đã trôi dạt và dừng lại trên phố núi, và vẫn đang nối tiếp nhau một đời sống thật thanh bình, làm như mình không từng tham dự vào “lịch sử” của một vùng đất.
Ngoài các nhà sách, thời ấy mỗi ngày còn có mấy chục tờ báo được xuất bản. Ngay góc đường Quang Trung – Y Jut (đối diện rạp LoDo) là một góc “văn học” nhộn nhịp nhất phố núi. Ở đó, giữa bao nhiêu người qua kẻ lại có một sạp báo tên là “Tia Sáng”. Bà chủ sạp báo đó cũng là bà chủ của khu Biệt Thự đường Hai Bà Trưng (khách sạn Đại Hùng bây giờ) và cũng là bà chủ của những vườn cà phê trên đường đi Phước An. Bà đã mất ở Pháp. Bà Tia Sáng là cô của tôi.
Đến sau này tôi mới nghe những giai thoại về Ông Ama Thuột, lúc thì tù trưởng Buôn Niêng, lúc thì ông ở buôn Ky về buôn Kosier làm rể. Giữa những Ama Jhao (Mé Sao), Nơ Trang Gưh đánh nhau với Pháp “chảy máu” thì ông lại bình an được người Pháp “tôn vinh”, lấy tên đặt cho vùng đất này thì kể cũng là điều lạ. Những Ama Jhao, Y Say, Y Thu… còn hình ảnh năm sinh tháng đẻ thì ông sương khói như cổ tích. Những gán ghép phận người… Hay là những sương khói vậy biết đâu lại làm phố núi thêm phần lãng mạn, như chàng Damsan còn yêu được cả con gái Mặt Trời cơ mà? Vừa mới đây, tôi lại lục tục xếp hàng khi loa ở sân bay Buôn-Ma-Thuột xướng lên: “Kính mời những hành khách đã có vé đi từ Ban-Mê-Thuột đến Hà Nội vui lòng ra cửa số 2…” Xứ Ban Mê ở ngay trong sân bay Buôn Ma, tôi ngồi vào máy bay rồi mà vẫn ngỡ ngàng…
Tiếng Thái-Lào, Mé là “thủ lĩnh”, vì vậy Ama Jhao mới là Mé Sao. Mé Kong là “con sông thủ lĩnh”. Vùng đất của những người thủ lĩnh ngày xưa đã trở thành quê hương của tôi. Đô thị trung tâm của cả vùng Tây Nguyên không chỉ có “cà phê cứt chồn” mà đã có nhà thơ, đã có trường ca và tiểu thuyết… Khi kể về con suối Maury, tôi không chen thêm vào suối Đốc Học vì sợ làm rối bạn đọc. Con suối mang tên ông quan Đốc người Việt lai Pháp về hưu mở trường gõ đầu trẻ. Đầu dốc xuống con suối ấy là một bến xe ngựa (tòa nhà Trung Nguyên trên Lê Hồng Phong bây giờ). Chéo qua bến xe ngựa ấy, nằm trên đường Nơ Trang Long, là tiệm vàng Kim Thịnh. Ông bà Kim Thịnh đã sinh ra nhà văn Nguyễn Thanh Việt (1971), người đoạt giải Pulitzer văn chương năm 2016 ở Mỹ, đã làm cho địa danh “Ban Mê Thuột” hiện ra trên website của trường Đại học Berkeley và viện Hàn Lâm tít xứ sở Hoa Kỳ. Vùng đất nào cũng vậy, không chỉ Amí Ama mà còn cần lắm những tuổi tên người.
                                                              Ban Mê Thuột, thành phố tuổi thơ tôi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI