Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

CỒNG CHIÊNG - XUẤT XỨ VÀ THỜI GIAN RA ĐỜI tác giả BÙI VĂN TRINH - CHƯ YANG SIN SỐ 333 THÁNG 5 NĂM 2020


“Cồng chiêng” là dùng để chỉ dàn nhạc thuộc bộ gõ gồm nhiều chiếc chiêng. Không phải dùng để chỉ từng cá thể chiếc chiêng. Trong thực tế, tùy theo từng vùng miền, từng dân tộc khác nhau mà người ta gọi “chiêng” bằng nhiều tên khác nhau. Người Êđê, M’nông, Ba Na gọi chiêng là “chinh” hay “ching”, người Mường gọi các loại chiêng nhỏ là “cồng”, loại có kích cỡ trung bình - đường kính khoảng từ 50 đến 65cm là “chiêng”, loại từ 70cm đến 100cm - có từ 2 đến 3 núm là “dàm” (dám)...

Tùy tên gọi của các dân tộc khác nhau, nhưng căn cứ vào hình dáng bên ngoài và âm thanh phát ra khi cùng ta gõ vào, đa số chúng đều đồng âm và có hình dạng đồng dạng như nhau (trừ một số chiêng bằng không có núm), do đó các nhạc cụ này được gọi chung bằng tiếng Việt (Kinh) là chiêng (loại có núm gọi là chiêng núm, loại không có núm gọi là chiêng bằng). Về kích cỡ cũng có nhiều loại khác nhau, loại nhỏ có đường kính khoảng 18 cm, loại lớn đường kính có khi đến một mét và có đến 3 núm (mỗi núm gõ vào chúng sẽ phát ra một âm thanh khác nhau). Cồng chiêng được đúc bằng đồng, để lâu sẽ ngả thành màu đen, chỗ thường gõ vào cho phát ra âm thanh sẽ lộ ra màu đồng thau (hợp kim đồng) vàng bóng. Với loại chiêng quý - chỗ núm chiêng được làm bằng hợp kim đồng pha vàng, khi sử dụng một thời gian, núm chiêng ngoài màu vàng bóng ra còn có nhiều tia ánh lên như tia mặt trời trông rất đẹp.

Qua khảo sát nhiều vùng miền, chúng ta thấy rằng, không chỉ các dân tộc ở Tây Nguyên như Êđê, M’nông, Ba Na, Sê Đăng, Mạ… hay các dân tộc như Mường, Thái, Tày ở các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ, Hà Nội... mới có cồng chiêng mà một số các dân tộc khác ở các nước châu Á như Trung Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, Lào, Thái Lan, Campuchia, Malayxia... cũng sử dụng cồng chiêng. Nhưng sử dụng cồng chiêng để làm nghi lễ hoặc nhạc cụ phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày, đạt đến độ trở thành bản sắc văn hóa và văn hóa cồng chiêng đã ăn sâu vào tâm hồn, từ đó trở thành một phần máu thịt của con người thì chỉ có ở Việt nam chúng ta mà thôi. Điển hình cho điều đó là chúng ta đã có Văn hóa Cồng chiêng Mường ở Thanh hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La, Hà Nội... Đặc biệt là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được cả thế giới biết đến.

Ở những miền đất ấy, khi có một em bé chào đời là lập tức có tiếng chiêng ngân lên như báo cho buôn gần buôn xa và núi rừng cỏ cây biết để chung vui cùng cha mẹ, ông bà và họ hàng của bé. Khi bé dược làm lễ “Thổi tai” hay được “Cúng vía đặt tên”, tiếng chiêng ngân lên báo cho buôn gần, bản xa và cả núi rừng, thần linh biết từ nay đã chính thức có thêm một con người có tên, có tuổi sống giữa cộng đồng. Ngày tháng trôi đi, đứa trẻ lớn lên thành chàng trai, cô gái, ngày dựng vợ gả chồng, trong niềm vui háo hức của cha mẹ, họ hàng, làng xóm, tiếng cồng chiêng lại tấu lên khúc nhạc rộn rã mừng hạnh phúc, giục mầm xanh mau chóng sinh sôi. Anh trí thức Êđê, Ba Na, M’nông tài giỏi, học cao đỗ đạt, ông Lang cun Mường được thăng quan tiến chức, anh sĩ quan người Thái được thăng cấp hàm... ngày liên hoan, các giàn chiêng núm chiêng bằng, cồng năm cồng bảy rồi cồng giàn lại tấu lên những khúc nhạc rộn ràng ngân xa bảy núi chín khe, báo cho buôn gần, bản xa biết để chung vui, chung niềm tự hào rằng quê mình có người tài giỏi đã làm rạng danh cho buôn làng. Ở vùng Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn Tây, Phú Thọ... trong những ngày vui xuân đón Tết, từng đoàn trai gái Mường lại theo các nghệ nhân đi hát sắc bùa đến hát chúc Tết các gia đình trong bản trong mường, làm cho không khí ngày xuân đã xuân rồi lại thêm xuân hơn nữa.

Trong cộng đồng người Mường, khi có người “trăm tuổi về già/ hóa tiên hóa rồng/ về chầu ông chầu tổ”, tức thì từng hồi cồng trống tấu lên từng nhịp vang vang cho “thấu thiên đình” và cũng là để báo cho anh em, họ hàng làng xóm gần xa biết hãy mau mau tập trung đến nhà có người vừa  quá cố để cùng nhau “tu phúc tu hiếu” theo cái lẽ của người Mường - và cả dân tộc Việt - đó là “Lúc sống là người một nhà/ khi chết làm ma cả làng”. Đêm ấy trong buổi tang lễ, tiếng trống lại tấu lên từng hồi… thùng… thùng… bôông... bôông... nghe như mây trôi nước chảy, tiễn đưa vong hồn người quá cố đi về cõi vĩnh hằng. Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng vậy, trong lễ bỏ mả thiếu thứ gì thì thiếu nhưng nhất thiết không thể thiếu được giàn cồng chiêng, bởi vì tiếng chiêng sẽ là khúc nhạc linh thiêng tiễn đưa linh hồn người quá cố đến với một cuộc đời khác theo quan niệm “sự tận cùng của cái này lại là sự khởi đầu cho cái khác sinh ra”.

Cồng chiêng gắn bó với con người là thế, vậy cồng chiêng được ra đời vào thời kỳ nào? Trên hoa văn trống đồng của thời kỳ Văn hóa Đông Sơn chúng ta không thấy hình ảnh người đánh chiêng - một số người xem đã lầm lẫn hình ảnh người đánh trống và người thủy binh bắn cung thành người đánh chiêng nhưng nếu xem cho kỹ thì không phải. Lần giở những trang sử đã nhuốm bụi thời gian chúng ta thấy năm 39 sau công nguyên, nước ta lúc bấy giờ nằm dưới ách đô hộ của nhà Đông Hán, vua Quang Vũ (nhà Hán) sai Tô Định sang làm Thái thú đất Giao Chỉ (nước Âu Lạc của ta bị nhà Hán đổi thành quận Giao Chỉ từ năm 111 trước Công nguyên). Thái thú Tô Định vô cùng tàn bạo tham lam, do đó gánh nặng thuế khóa luôn đè lên vai người dân Giao Chỉ. Chưa hết, Tô Định còn bắt dân ta vào rừng bẫy thú quý, xuống biển mò ngọc trai, đồi mồi nạp cho y. Khắp Giao Chỉ quằn quại trong cảnh lầm than khổ ải. Bấy giờ có con trai Lạc tướng Chu Diên là Thi Sách kết hôn với Trưng Trắc là con gái Lạc tướng Mê Linh. Bên ngoài là cuộc hôn nhân giữa con trai con gái của hai nhà Lạc tướng, nhưng bên trong là sự liên kết giữa hai vùng đất lớn để chuẩn bị khởi nghĩa chống giặc. Biết được ý định đó, Tô Định liền đem đại binh đột ngột kéo về Chu Diên bắt giết Thi Sách, hòng đánh phủ đầu, phá tan cuộc khởi nghĩa. Tin dữ từ Chu Diên đưa tới khiến Trưng Trắc vô cùng đau đớn và lòng giận quân giặc bốc lên ngùn ngụt. Bà cùng với em là Trưng Nhị ra lệnh “…Nổi trống đồng họp binh quyết trả thù cho chồng và giành lại giang sơn họ Hùng, rửa nhục cho nước. Nghe tiếng trống đồng thiêng liêng nổi lên giục giã, “ba hồi chín tiếng một” dân Mê Linh cầm cung nỏ, khiên mộc giáo lao, gươm đồng hai lưỡi cầm tay cuồn cuộn đổ về “nhà làng”. Trên bành voi, hai nữ chủ tướng mặc áo giáp vàng tóc cài trâm bạc rực rỡ, tay cầm gươm dài nhọn hoắt…”. Đọc đoạn sử ký trên, chúng ta không khỏi thắc mắc, tại sao trong cuộc khởi nghĩa chỉ có tiếng trống đồng mà không có tiếng cồng? Một viên tiểu tướng của Tô Định thời đó, sau khi chạy thoát về Trung Quốc đã có bài thơ, trong đó có câu: “Giao Chỉ vang lên tiếng trống đồng/ quân tướng Bắc phương đầu tóc bạc…” (ý nói lo sợ đến bạc tóc). Đành rằng đó là hiệu lệnh họp quân, nhưng kể cả sau này khi “…Một trận quyết chiến tối sầm cả trời đất giữa hai mươi vạn quân của Phục Ba Mã Viện (nhà Hán) với dân binh các làng chạ do Trưng Vương thống lĩnh diễn ra ở Lãng Bạc (từ Đông Triều - Quảng Ninh đến Yên Phong - Bắc Ninh ngày nay). Tiếng trống đồng vang lên giục giã, như có khí thiêng sông núi dồn phát trong mình, quân Hai Bà bắn tên rồi dũng mãnh xông vào quân giặc mà đâm mà chém. Nhưng Mã Viện là tên tướng già thiện chiến, hắn cho quân đóng trên các triền cao để chiếm lợi thế, hơn nữa quân của Mã Viện là quân chinh chiến nhà nghề nên thiện chiến hơn các dân binh của ta, hơn nữa chúng lại được trang bị toàn gươm sắt giáo dài tối tân hơn dân binh của ta rất nhiều. Thấy đánh ở Lãng Bạc lầy lội bị bất lợi, Trưng Vương ra lệnh khua trống đồng thu quân lui về Cấm Khê (Thạch Thất-Quốc Oai-Hà Tây ngày nay) để tiếp tục chống giặc…” Đọc đến đây ta có thể nghĩ rằng ở thời Hai Bà Trưng, cồng chiêng chưa được ra đời. Song về cuộc khởi nghĩa của Triệu Thị Trinh, sử cũ gọi Bà là “Triệu Ẩu”, lại viết: “Bà là người con gái có sức khỏe và võ nghệ cao cường, tài nghệ thu phục được cả bạch tượng (voi trắng). Trong hội thi võ, bà ngồi trên mình ngựa phi nước đại, chưa hết một hồi cồng hiệu đã bắn được ba phát tên và cả ba đã trúng vào giữa bia cách xa một trăm bước chân…”. Năm 19 tuổi bà cùng anh là Triệu Quốc Đạt hợp nghĩa quân,lập căn cứ Phú Điền (Hậu Lộc - Thanh hóa) để chống giặc Đông Ngô (năm 248). Bà dùng cồng làm hiệu lệnh luyện quân tập võ. Sử cũ chép: “Bà dóng lên ba tiếng cồng, quân sĩ múa giáo đồng lao tới, gươm đồng vung lên, đường gươm mũi giáo kín kẽ y như hùm beo…”. Cho tới ngày nay, vùng dân gian Thanh Hóa còn lưu truyền bài ca: “Ru con con ngủ cho lành/ để mẹ gánh nước rửa bành ông voi/ muốn coi lên núi mà coi/ coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng…” hoặc câu: “Lệnh ông không bằng cồng bà/ lệnh ông để trong nhà/ cồng bà đưa lên núi”. Câu này ngoài ý nói Bà Triệu có uy tín với quân sĩ hơn anh trai của bà là ông Triệu Quốc Đạt, còn có thêm một nghĩa khác là ông Triệu Quốc Đạt dùng trống đồng làm hiệu lệnh, vì trống to, nặng nên phải để ở nhà, Bà Triệu dùng cồng làm hiệu lệnh vì nhỏ nhẹ, gọn gàng nên cơ động hơn, do vậy mà bà đưa được cồng vào núi, nơi luyện tập quân sĩ. Mỗi lần xung trận, Bà Triệu mình mặc áo giáp vàng, chân đi guốc ngà, cưỡi voi đi đầu oai phong lẫm liệt. Tiếng cồng lệnh vang lên, quân của bà ào ào xông tới, quân Ngô kinh hồn bạt vía đến nỗi lũ tướng giặc phải thốt lên rằng: “hoành qua  đương  hổ dị, đối địch Vương Bà nan” (múa giáo đánh hổ dễ, đối địch Vua Bà rất nguy nan). Một viên quan nhà Ngô đã từng sống ở nước ta thời bấy giờ cũng đã viết: “Ở Giao Châu, mỗi khi lâm trận, quân sĩ mới nghe tiếng cồng đã run sợ hồn bay phách lạc, không còn nhuệ khí đánh trận nữa, nên vừa gặp quân Man (ý nói quân Bà Triệu) quân nhà đã bỏ chạy loạn cả lên…”. Sử sách nhà Ngô thời ấy cũng chép rằng: “Toàn thể Giao Châu chấn động, quân sĩ (nhà Ngô) mới nghe tiếng cồng đã hoảng sợ, quan Thứ sử bỏ trốn mất tích…” Từ các dữ liệu lịch sử trên, cho phép chúng ta có thể suy luận rằng: Vào khoảng cuối thế kỷ thứ 2 đầu thế kỷ thứ 3 sau công nguyên, cồng chiêng mới được sử dụng.

Vậy cồng chiêng có xuất xứ từ đâu? Một lần nữa chúng ta lại giở những trang thư tịch cổ và thấy rằng nền văn minh Hoàng Hà bước sang thời kỳ đồ sắt sớm hơn nền văn minh lúa nước sông Hồng, sông Mã. Tuy ở thời Hùng Vương, đất Âu Lạc đã có công cụ, vũ khí bằng sắt (truyền thuyết roi sắt, ngựa sắt trong truyện Thánh  Gióng là một ví dụ), nước ta đã có sắt nhưng chưa nhiều và đa số sắt ở nước ta thời ấy là do các thương nhân Trung Quốc đưa sang, do đó sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng, Mã Viện đã cho dựng cột đồng có dòng chữ: “Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt” (cột đồng đổ, Giao Chỉ bị diệt vong). Mặt khác các triều đình phương Bắc cấm lái buôn không được đưa sắt sang Giao Chỉ để bán. Không chịu khuất phục, các nghệ nhân con Hồng cháu Lạc đã sáng tạo để pha chế kim khí bằng đồng sẵn có của mình để chế tác ra các công cụ, vũ khí đồng tốt không kém gì đồ sắt của Trung Quốc. Đặc biệt là các nhạc cụ bằng đồng của ta như chuông, trống đồng, cồng chiêng của nước ta đúc ra đẹp và khi đánh lên có tiếng ngân vang xa và trong trẻo, hoặc trầm ấm hơn các nhạc cụ đồng của Trung Quốc rất nhiều. Sử cũ chép rằng: Tháng Hai năm Giáp tý (544) Lý Bí lên ngôi xưng là Lý Nam Đế (Tiền Lý) đặt tên nước là Vạn Xuân, vua cho xây một ngôi chùa lớn ở phường Vân Hòa (Yên Phụ ngày nay), lấy tên là Chùa Khai Quốc. Trong chùa có một quả chuông tuy không lớn lắm nhưng khi dóng lên, tiếng chuông vừa ngân nga trong trẻo lại vừa ấm đậm bao dung như lòng Phật, hơn hẳn “đại chung” (chuông lớn) trong các đại tự của Trung Quốc. Vua nhà Lương đã nhiều lần cho người đóng giả lái buôn sang tìm cách lấy cắp bí mật về kỹ thuật pha chế đồng (hợp kim đồng bạc, vàng để đúc thành đồng điếu) của nước ta mà không tài chi lấy được. Không chỉ có thế, các sử cũ còn ghi chép các sự kiện suốt từ thế kỷ thứ 6 cho đến thời kỳ Đinh - Lê, Trung Quốc luôn cho người sang nước ta dùng mọi thủ đoạn để mua chuộc, lấy trộm bí mật kỹ thuật pha chế và đúc đồng của nước ta nhưng vẫn không thành công. Tuy nhiên so với các nước khác trong khu vực (trừ nước ta) kỹ thuật đúc đồng của Trung Quốc vẫn hơn hẳn các nước khác, kể cả Ấn Độ và Thái Lan. Đến thế kỷ thứ 14, kỹ thuật pháo binh ra đời và đạt đến điểm cao của khoa học quân sự thời bấy giờ về vũ khí thuốc nổ. Tuy Trung Quốc là nước có kỹ thuật cao về tìm và chế ra thuốc súng nhưng kỹ thuật đúc đồng làm nòng đại bác của Trung Quốc lại kém hơn kỹ thuật của nước ta, do đó súng “thần cơ” do Hồ Nguyên Trừng nước ta chế tạo có tầm bắn xa và sức công phá mạnh hơn hỏa pháo của quân Minh rất nhiều. Ngày nay, để tìm hiểu kỹ thuật đúc đồng, nhằm khẳng định xuất xứ của cồng chiêng, chúng ta hãy làm một chuyến du lịch đến các vùng của đồng bào có sử dụng cồng chiêng ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Cămpuchia và cả vùng Tây Nguyên của Việt Nam, trực tiếp thử nghiệm “mắt thấy, tai nghe, tay sờ” vào những chiếc chiêng nhỏ chiêng to ở những nơi đó, ta sẽ được nghe đa số cồng chiêng ở những nơi đó khi đánh lên chúng phát ra cường độ âm thanh không cao, thanh sắc không trong, không ấm, đặc biệt là không có độ ngân, nếu hỏi ta sẽ được bà con người Choang hay Thái Hoa -Trung Quốc - đó là chiêng đúc do học được kỹ thuật của người Hán hoặc mua lại chiêng của người Hán hoặc người Hoa mà có. Ở Tây Nguyên ta sẽ được những người già cho biết: Người Tây Nguyên không đúc ra được chiêng mà phải mua của người Kinh ở Huế, Đà Nẵng hoặc Phú Yên mang lên bán, tuy vậy chiêng của người Kinh ở miền Trung khi đánh lên, tiếng không được trong và không ngân cao là mấy. Muốn có chiêng quý, màu đen đẹp, khi đánh lên tiếng chiêng trong và ấm, tiếng ngân dài và vang xa, phải mua ở Lào (do đó những chiếc chiêng quý mới có tên là Ching Lao). Đến nước Lào ta sẽ được bà con các bộ tộc Lào cho biết, họ cũng không tự đúc được ra chiêng, mà họ phải mua của người Kinh (Cân Keo) hoặc của người Mường (Cân Mọi) ở Việt Nam mang sang đổi hàng hoặc bán. Trở về miền Bắc Việt Nam, đến đất Mường, xách lên tay chiếc chiêng năm, chiêng bảy hoặc những chiếc Dàm có ba núm (lưu ý là chiêng ba núm ở đất Mường hiện nay còn lại rất ít, chỉ có ở vùng Hòa Bình mới còn). Khi chúng ta đánh những chiếc chiêng - bất kể là to hay nhỏ - ta sẽ được nghe tiếng chiêng ở xứ Mường, xứ Thái miền Bắc Việt Nam có tiếng ngân cao, trong trẻo nhưng ấm áp và vang xa. Đặc biệt ở những vùng này có những chiếc chiêng năm (tiếng Mường gọi là côồng răm) khi ta dùng tay xoa vào núm chiêng chừng 5 đến 7 phút, lấy tay ra tự nhiên chiêng phát ra tiếng kêu vo vo rất êm tai - điều đặc biệt này chỉ có chiêng ở xứ này mới có. Nhưng khi hỏi chiêng do đâu mà có, sẽ được các cụ già người Mường cho biết rằng: “…Người Mường không biết rèn sắt, không biết đúc chiêng, muốn có chiêng phải mua của người Kinh ở Phủ Thiệu (Thiệu Hóa - Thanh Hóa) hay phải ra mãi Đông Cổ Kẻ Chợ mới mua được…”. Đến đây thì chúng ta đã rõ và từ đó cho phép chúng ta có thể suy luận ra rằng: Cồng chiêng có nguồn gốc xuất xứ từ các làng nghề đúc đồng cổ truyền ở vùng châu thổ sông Hồng và sông Mã Việt Nam và cồng chiêng có thể được ra đời vào khoảng đầu thế kỷ thứ 3 sau công nguyên, từ đó cồng chiêng và kỹ thuật đúc cồng chiêng mới lan tỏa đi các miền đất khác.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI