Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

TIẾNG-THƠ-SIÊU-THỰC-CHÍNH NGỌ tác giả DU TỬ LÊ - CHƯ YANG SIN SỐ 333 THÁNG 5 NĂM 2020


 

Bùi Minh Vũ, cũng giống như rất nhiều người làm thơ hôm nay trăn trở, quyết liệt (nếu không muốn nói là giãy giụa), để thoát khỏi bóng rợp, phủ rêu nhiều chục năm của thể thơ ấn tượng, tượng trưng, trừu tượng… Hay theo trào lưu hiện thực đang được nhiều người tìm đến - Như một lối thoát khác, một hình thái tự khẳng định sự có mặt của thơ mình trong giai đoạn đất nước có quá nhiều biến động…

Tuy nhiên, không phải người làm thơ nào cũng thành tựu trong nỗ lực có được cho mình, một mặt trời riêng, lẻ. Bùi Minh Vũ qua thi phẩm “Tình Yêu Muộn” mới ấn hành, theo tôi, đã sớm có cho thơ họ Bùi một chọn lựa khác. Không tượng trưng. Không trừu tượng. Mà siêu thực. 

Tôi muốn gọi cõi thơ của họ Bùi là “Tiếng-thơ-Siêu-thực-chính-ngọ.”

Đọc kỹ toàn bộ thi phẩm mới của Bùi Minh Vũ, tuy người ta vẫn bắt gặp rải rác đây đó, trong cõi giới thi ca của họ Bùi, những câu thơ mang tính biểu tượng. Nhưng toàn thể trái tim của thi phẩm, thịt, xương thi ca của Bùi, vẫn ở vị trí “chính ngọ” của tiếng thơ siêu thực, qua hầu hết những bài thơ, dài, ngắn của ông.

Tôi vẫn quan niệm, đọc một bài thơ, dù được tác giả sáng tác theo thể loại nào, tượng trưng hay siêu thực… thì người đọc cũng không nên bận tâm, tìm hiểu ý nghĩa rốt ráo của câu thơ (bài thơ ấy). Nhất là với những bài thơ mang tính siêu thực. Cũng giống như khi đứng trước một bức tranh trừu tượng, ở vị trí người thưởng ngoạn, chúng ta chỉ nên tự hỏi mình, có cảm thấy cái đẹp của bức tranh hoặc, bài thơ ấy có làm ta rung động với những câu thơ lạ hay không mà thôi. 

Việc tìm hiểu ý nghĩa rốt ráo của câu thơ (bài thơ) kia, đó là công việc của các nhà phê bình, của những thức giả nghiên cứu thi ca.

Y cứ trên tiêu chí vừa nêu trên, ở vị trí của một người đọc bình thường (không phải là một nhà phê bình) thì, ngay nơi bài thứ nhất, mở đầu thi phẩm, tựa đề “Tình yêu muộn” khá dài, có tới 9 khổ của Bùi Minh Vũ, với tôi, đã là một bài thơ mới, lạ, bất ngờ từ hình ảnh, tới những so sánh, liên tưởng…

Tôi trộm nghĩ, nếu không chọn cho mình con đường thơ siêu thực, họ Bùi sẽ rất khó (nếu không muốn nói là không thể) có được những câu thơ mới, lạ như: “… bóng đen đốt cháy mặt trời ngâm rượu lòng vòng trong ánh mắt ngày thẫn thờ trong hơi thở cay ta nhìn em bằng sợi tóc lẻ loi bằng sợi tóc lẻ đôi.”

Hoặc:

“Ta thấy em như con kiến trên ngón tay áp út ngậm linh hồn vẫn không qua được vỏ ốc tiếng não nề dội vào má…”

Hoặc:

“Rướn thân trổ vào đôi má mùa xuân em lại mới lần đầu mặt trời chưa từng chạm đến…”

Hoặc:

“Một hôm  ta trôi vào vô biên khao khát em xúng xính bước đi ta quăng mình vào bờ rìa tăm tối lò cò tái tạo một cơn going trên đỉnh trời tròn…” thổi bóng em hun hút.” (Trích “Tình yêu muộn”, các khổ thơ 1, 4, 7)

Hoặc nữa:

“… như trái tim bị giày xéo chung quanh cái nắp chụp một ngày tạo ra vô số ngày đáng yêu thách thức quyền năng của thời gian điếc gió bập bùng xuyên không gian câm…” (Trích “Một ngày không có trong giấc mơ”)

Và: 

“Một hôm ta thấy mình mọc nhiều đôi tay nhặt hết nội tạng và cái đầu của giấc mơ đè bẹp những linh hồn nhỏ  đặt lên đĩa bay  về xứ…” (Trích “Một hôm ta thấy”)

Tôi cho họ Bùi có tinh thần tự giác rất cao, khi viết những bài thơ nghiêng nặng siêu thực. Ông đã hạn chế tối đa việc sử dụng tính từ  - một khía cạnh đặc thù, vốn tiêu biểu cho sự phong phú, giàu có của từ ngữ Việt.

Tính khô, cứng tới độ có thể “vênh, cong” trong thơ Bùi Minh Vũ, với tôi, cũng là một điểm son khác nữa, của họ Bùi, để thơ ông, tự thân có được cho riêng nó, một chỗ đứng.

Chỗ đứng mang tên Bùi Minh Vũ: Tiếng-thơ-siêu-thực-chính-ngọ.

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI