(Kính tặng
hương hồn nghệ nhân sử thi tài danh
Y Nuh Niê và tặng Cậu Vàng thương nhớ)
Y Nuh Niê
cùng con Chó nhỏ chừng 6 tháng tuổi ngồi bên cầu thang lên xuống ngôi nhà sàn.
Cậu bé nóng lòng chờ ông mình về để theo đến nhà Y Bhiêng nghe khan (lối hát kể
sử thi). Dường như hiểu được tâm trạng của chủ, Chó con đặt cái cằm âm ấm lên cánh tay cậu bé, như để
vỗ về, an ủi. Y Nuh Niê vừa xoa nhẹ đầu con Chó vừa nựng “bạn Chó đẹp trai, bạn
Chó đẹp trai…” (bing asâo siăm êkei…). Con Chó áp chặt cằm vào cánh tay cậu bé
như tỏ ra thích thú với lời khen này.
Vào những
năm đầu thế kỉ 20, Y Bhiêng, người giàu có nhất vùng Krông Pach – Buôn Ma Thuột, mời Y Bhi Byă – ông của
Y Nuh Niê – đến nhà để khan trong lễ cúng sức khỏe (Preh bua asei) cho vợ mình
là bà (Hơ) Âng. Bấy giờ là đầu “mùa ăn năm uống tháng” (Huă mnăm thun), ông của
Y Nuh Niê đi dự lễ cúng Rước thần Lúa vào kho ở nhà bạn về. Vừa nhìn thấy ông,
Y Nuh Niê đã hỏi với giọng trách
móc:
- Tai ông không còn nhớ đêm nay
người ta mời ông đi khan Dam San sao ông?
Byă mỉm cười
trả lời cháu:
- Ông nhớ
cháu ạ!
Y Nuh Niê giục:
- Nhanh lên
ông!
- Ơ thằng cháu, mày ham nghe
khan, định không cho ông uống ngụm nước à? Họng ông rượu làm khát khô đi đây
này. Byă nói lớn.
- Để cháu lấy
nước cho ông uống.
Y Nuh Niê vừa
nói vừa chạy vào bếp, cầm bầu nước ra đưa cho ông. Bước lên cầu thang, Byă cầm bầu nước uống vài
hơi rồi đưa lại cho cháu. Cậu ta cầm bầu nước đi nhanh vào bếp, đặt vào chỗ cũ,
rồi chạy ra gian ngoài, giục:
- Đi thôi
ông!
Hai ông cháu
bước qua bốn bậc cầu thang xuống đất và đi ra cổng. Thấy vậy, chú Chó chạy lướt qua các bậc cầu thang để
theo chủ. Khi qua cầu thang, thân hình thon thả và bộ lông tứ sắc (đen,
trắng, vàng, nâu) của nó tự tạo ra một khuôn hình tuyệt đẹp, đáng để cho các
nhiếp ảnh gia mơ ước có được khoảnh khắc cận cảnh đầy thi vị này!
Trời xế chiều.
Những làn gió mát mang theo hương hoa cúc quỳ dìu dịu làm cho hai ông cháu Y
Nuh Niê phấn chấn hẳn lên. Còn chú Chó con chạy tung tăng trước mặt hai người.
Ông Byă nói “chú Chó giỏi, tốt, ngoan hiền” (Asâo knhơ, jăk-ênang). Dường
như con Chó hiểu được lời chủ khen, nó vừa chạy vừa liếc mắt nhìn hai ông
cháu Y Nuh Niê.
Từ nhà ông
Byă đến nhà ông Bhiêng chỉ cách một buôn làng. Hai ông cháu Y Nuh Niê và con
Chó nhỏ đi trên con đường đất đỏ. Những bông hoa cúc quỳ dọc hai bên đường mỗi
lần có cơn gió thổi qua lại ngả thành vệt vàng theo chiều gió. Có lúc các bông
hoa dập dờn trước gió tựa như điệu múa chim gru (một điệu múa trong nghi lễ của người Êđê). Hai ông
cháu thích thú nhìn hoa cúc quỳ nghiêng nghiêng trong gió. Bất chợt Y Nuh
Niê hỏi:
- Khan Dam
San có dài không ông?
- Khan bảy
ngày bảy đêm mới hết, cháu ạ!. Y Byă trả lời cháu.
- Dài lòng vòng
thế sao cháu thuộc hết được?. Y Nuh băn khoăn.
- Đầu tiên
cháu phải thuộc duê, rồi học nhiều thứ, nhiều như rễ cây đa đầu bến nước thì mới thành pô khan (người giỏi
hát kể khan) như ông bây giờ. Ông Y Byă khuyên cháu.
- Khó thế mà
ông cũng thạo à?. Y Nuh khâm phục ông.
Hai ông cháu
Y Nuh mải nói chuyện với nhau nên cảm thấy không lâu đã đến buôn làng ông
Bhiêng. Hai ông cháu và con Chó dừng bước trước cổng làng. Các bông hoa làm bằng vải có màu đỏ và
vàng treo trên sợi dây rừng buộc vào hai đầu phía trên của cọc cổng làng. Thấy
có người, ba chàng trai khoảng 16, 17 tuổi đang cãi nhau ngừng lại. Chúng bước
từ trong cổng làng ra hỏi:
- Ơ bác, bác là người già thì
chúng tôi gọi bằng ông! Ơi trẻ nhỏ, bạn là người nhỏ tuổi thì chúng tôi gọi
bằng em! Hai người đến nhà ông, bà nào vậy?
- Bác đến
nhà Y Bhiêng khan Dam San, cháu ạ!. Y Bhi Byă nói.
Nghe ông Byă
nói vậy, các chàng trai đi cùng ông cháu Y Nuh đến nhà ông Bhiêng. Khi mọi người
đến cầu thang, Y Nuh trầm trồ: “Nhà này to dài như nhà Dam San!”.
Cửa chính
lên nhà Y Bhiêng có hai cầu thang. Cầu thang chính rộng, làm bằng gỗ cây dầu đá
liền thân, có bốn bậc, phần cuối phía trên được đẽo gọt uốn lượn về phía trước,
phía dưới chạm hình mảnh trăng lưỡi liềm, bên dưới là hình cặp vú phụ nữ. Cầu
thang phụ nhỏ hơn được đặt song song với cầu thang chính. Hai cầu thang như vậy, rất
tiện cho các thanh niên cùng khiêng nước lên nhà sàn đổ vào ché rượu cần. Hôm
nay, nhà ông Bhiêng có ăn uống lớn, dân làng đến ăn cơm, uống rượu chật kín
gian khách. Ông cháu Y Nuh và các chàng
trai bước lên cầu thang, tới đứng ở sàn hiên (adring gah). Thấy đông người, con
Chó nhỏ thân như co rúm nhưng vẫn cố bám theo sát chân ông cháu Y Nuh. Chó nuôi
trong các gia đình Êđê thường quen với mọi người trong buôn làng vì chúng đã
quen hơi họ trong các buổi uống rượu cần và các sinh hoạt cộng đồng khác của
con người. Còn con Chó này mới ở trong gia đình ông Byă được sáu mùa trăng. Nó thuộc dòng
Chó Phú Quốc, được một người Pháp đem từ đảo về Buôn Ma Thuột phối giống với loại
Chó có lông ngắn, chân dài, giỏi săn bắt, vốn rất quen thuộc với người Êđê. Ông
Byă được người Pháp nọ tặng khi ông hát kể khan cho ông này sưu tầm, tìm hiểu.
Y Nuh chăm
chú nhìn ché tuk, ché tang bày thành hàng dài, dàn cồng chiêng to nhỏ đặt trên
kpan dài. Ông Bhiêng mặc áo mới, hai nền đỏ trên ngực áo đỏ đậm làm ông như to
béo thêm ra. Thấy Y Byă, ông ra cửa đón và nói: “ Ôi! Hôm nay chuột leo lên giàn bếp, cá chui vào nồi!”
(ý nói như “Hôm nay rồng đến nhà tôm”). Y Bhi Byă đối đáp: “Ông đừng lấy cành
cây chắn lối, đừng dùng bụi gai chắn đường” (ý nói “Nói như
vậy chi bằng như bạn đuổi tôi đi!”).
Nghe hai người
bạn nói với nhau, những ai am hiểu duê (lối nói có vần, nhịp, nhiều ví von, bóng gió) thấy vui vẻ, thích
thú. Họ nhìn ông Bhiêng và Byă cười vui. Ông Bhiêng gọi
tôi tớ trong nhà:
- Ơ hlun đi lấy áo kriên để bạn
Byă mặc! Sau lễ cúng thân thể cho vợ tôi, bạn Byă sẽ khan Dam San cho mọi
người nghe.
Tôi tớ
(hlun) nhà Y Bhiêng vào buồng lấy cái áo dài có màu đỏ và đen từ trong chiếc gùi
ra đưa cho ông Byă. Ông này cầm áo đặt lên jhưng, nơi ông sẽ nằm hát kể Dam San đêm nay.
Gian khách
(gah) nhà ông Y Bhiêng dài rộng hơn rất nhiều gian khách của các ngôi nhà sàn khác. Kpan dài khoảng hơn
mười sải tay, nằm sát vách phía Tây, cái trống (hgơr) bịt da trâu to tướng đặt
trên đầu kpan. Cồng chiêng, phèng la đủ bộ sẵn sàng cho việc diễn tấu.
Lễ cúng sức
khỏe cho vợ ông Bhiêng lần này được tổ chức lớn hơn mọi năm trước. Thầy cúng cảm
ơn các thần đã ban sức khỏe cho (bà) Hơ Âng. Ông mời thần linh về uống rượu chia vui cùng
bà, cùng gia đình, dòng họ và buôn làng. Thầy cúng dứt lời
cầu khấn, Hơ Âng cầm cần uống rượu. Sau đó, mọi người theo “ngôi thứ” thay nhau đến
các ché rượu cần cột sẵn uống mừng vợ ông Bhiêng. Tiếng trống từng đợt vang lên
dồn dập, làm không khí trong ngôi nhà dài náo nhiệt hẳn lên.
Ăn cơm, uống
rượu xong, ông Byă đến ghế jhưng ngồi. Ông lấy áo kriên mặc và nói: “Tôi khan
chuyện người anh hùng Dam San cho bà con, cho các cháu nghe!”.
“Khan đi
bác!” – Mấy thanh niên nhanh nhẩu nói.
Ông Byă nằm
trên ghế jhưng, một cánh tay ông đặt lên trán, còn tay kia đặt cạnh hông, ông đằng
hắng lấy giọng và bắt đầu khan “Hơ… bu lăng lăng yơh, Hơ Nhi, Hơ Bhi ami
djiê ming mda, ama djiê diêt, kthih ktônh jih eea kli dook mă eedai kdiêng,
tiêng phit, linh anak eerrin yơh nhu dua Hơ Nhi hăng Hơ Bhi… (Ôi hãy trông
kìa! Hơ Nhi, Hơ Bhi, mẹ mất từ lúc còn nhỏ, cha mất từ lúc còn thơ. Cây rthih, ktuônh
bên bờ suối đã bị lũ cuốn. Hai chị em như con bê non. Anh em của họ đã đi lấy vợ cả rồi …).
Bấy giờ là
lúc nông nhàn, mùa mưa đã hết, mùa khô bắt đầu. Đất đai khô ráo. Đi đâu, bàn chân
không còn bị bám đầy đất màu nâu đỏ đặc quánh và dính chẳng kém gì nhựa cây đa
dùng bẫy chim. Từng nhóm người có đủ già trẻ, nam nữ tiếp tục đến nhà ông Bhiêng
để nghe ông Byă khan. Gian khách nhà Y Bhiêng rộng thế mà đêm nay chật kín người.
Mọi người thích thú với các chi tiết, sự việc vui vẻ, hóm hỉnh trong khan, chia
sẻ, cảm thông với hoàn cảnh riêng éo le của nhân vật trong truyện. Còn Y Nuh
Niê chăm chú vào lời duê trong khan, cách thể hiện giọng đối với người
phụ nữ xinh đẹp, cảnh sắc buôn làng, bến nước, tiếng gọi voi của chủ… Có những lúc
Y Nuh Niê khan cùng ông mình. Nhưng việc làm của nó còn khó hơn cả của
ông. Bởi vì, ngoài việc khan, Y Nuh Niê còn phải chú ý xem lời khan, sự việc mà
nó khan có chỗ nào không đúng so với ông để ghi nhớ, lần sau khan cho đúng. Lúc
này, có sự hòa âm của hai giọng hát. Song song với giọng trầm của Y Byă, là giọng
trong, lanh lảnh của Y Nuh Niê. Mọi người đều hướng về cậu bé 11 tuổi
đang khan Dam San với sự ngạc nhiên, thán phục. Nhiều người bỏ chỗ ngồi cũ,
chen đến ngồi cạnh Y Nuh Niê, người “có môi thần cho, miệng thần tạo, tai dính
chặt với đầu…” để nhìn thật rõ mặt cậu ta.
Đêm ấy con
Chó nhỏ của nhà ông Byă gần như không ngủ. Lần đầu tiên trong đời nó thức trong
đêm lâu như vậy. Lúc thì nó dụi dụi cái mũi lạnh như những giọt sương mai vào chân Y Nuh, lúc thì
lấy móng chân trước cào nhẹ vào lưng áo chủ. Một phụ nữ bế con Chó ôm vào lòng,
nó nhìn chủ với ánh mắt cầu cứu. Thấy vậy, Y Nuh bế nó
khỏi tay người phụ nữ và đặt trước mặt mình. Con Chó nằm xuống gối cằm lên chân
Y Nuh ngủ ngon lành.
***
Chú Chó càng
lớn càng đẹp. Nó mang vẻ đẹp cân đối, hài hòa. Thân nó thon gọn, lông đầu đen
biếc, phần lông trước ngực trắng muốt, hai chân trước lông màu trắng (điểm xuyết
vào đó là những đốm vàng), nửa phần lưng phía đầu lông cũng trắng, tiếp về phía đuôi lông màu
đen, rồi nhạt dần đến đuôi là màu nâu, đùi và chân sau lông có màu trắng xám.
Đôi mắt con Chó màu nâu đen. Nhìn nó, nhất là khi ngủ, người
ta không thể không nghĩ tới sự thánh thiện!
Y Nuh và con
Chó thân thiết nhau như hai bạn thân. Đêm đêm, nó thường đến chỗ Y Nuh ngủ để nằm cạnh. Khi nó phạm
lỗi nào đó, Y Nuh cầm roi dọa, con Chó liền nằm xuống vẫy đuôi nhận lỗi, có khi
nó còn biết chủ không bao giờ đánh.
Chú Chó giúp
nhà ông Byă chăn dắt đàn lợn không ủi đất trong vườn, cùng ông bà già canh giữ
thóc, không cho đàn gà bới tung thóc phơi trong nia. Sáng sớm, ăn cơm xong, nó liền ra nằm ở sàn
hiên trước chờ sẵn để dẫn người nhà lên rẫy… Lúc Y Nuh nằm chơi, chú Chó lại đến
bên cạnh. Cậu ta nằm ngửa, hai tay cầm hai chân chú Chó, còn hai chân để vào
khoảng hở hai chân sau của con Chó, nâng lên trời rồi đặt ngực con Chó áp
vào ngực mình. Y Nuh Niê vừa làm như vậy vừa nói: “Asâo knhơ, hơ, asâo jăk – ênang”
(chú Chó giỏi nào, chú Chó ngoan hiền …).
Những lúc
như vậy, chú Chó tỏ ra thích thú, sung sướng, hạnh phúc. Y Nuh có cảm nhận như vậy. Mùa nông nhàn, ông
Byă thường dậy sớm, đốt sáp ong cho ánh sáng để vót nan đan gùi, chú Chó tới ngồi
cạnh ông như để chia sẻ với chủ. Khi ông cháu Y Nuh xuống vùng người Kinh đổi mật
ong, trầm hương lấy muối, thời gian vắng nhà của hai người đến cả tháng. Trong
thời gian đó, chú Chó vẫn ra ngoài sàn hiên trước ngồi ngóng đợi. Khi hai người
trở về, chú Chó lao tới lấy hai chân trước lần lượt ôm ghì lấy hai ông cháu. Vừa
ôm nó vừa kêu ửa ửa... Ông Byă
xoa, vuốt ve đầu nó một lúc nó mới
thôi kêu.
***
Mười hai năm
sau, kể từ ngày chú Chó về ở với gia đình ông Byă, nếu tính theo vòng đời tự nhiên
của loài Chó thì nó đã quá thượng thọ rồi. Màu lông đã nhạt, mắt không còn tinh
anh như trước, nhưng nó vẫn tỏ ra lanh lợi.
Vào một buổi
sáng, vợ chồng ông Nuh Niê lấy gùi để lên rẫy. Khi họ ra đến sàn hiên trước đã
thấy chú Chó nằm đợi. Biết là nó lại dẫn đường người trong nhà lên rẫy, ông Byă gọi:
“Đi vào trong nhà. Yếu rồi không phải lên rẫy nữa, con ạ!”. Tuy vậy, chú Chó vẫn
từ từ đi xuống cầu thang dẫn vợ chồng ông Nuh Niê lên rẫy. Hai người nhắc nó trở về
nhà, nhưng nó vẫn hăm hở đi trước. Đây là lần đầu tiên trong đời nó không nghe
theo lời chủ.
Đi gần tới rẫy,
con Chó dừng lại. Bỗng nó dừng hết sức lực chồm lên, dùng hai chân giẫm chặt và
dùng mồm cắn thật mạnh vào cổ con rắn hổ mang có hình dáng rất kì dị: thân con
rắn to bè, ngắn cũn. Đã thế, phần đầu và miệng con rắn trề ra quá cỡ, càng làm
cho nó thêm phần quái dị. Bị cắn thục mạng và giữ chặt bởi chú Chó, con rắn quật
đuôi bành bạch lên mặt cỏ. Vửa lúc đó, vợ chồng ông Nuh Niê chạy tới đập chết
con rắn. Lúc đó con Chó bị tia độc mà con rắn phun ra ngấm vào người, làm nó
ngã xuống. Một lát sau, mở mắt nhìn thấy chủ, con Chó dùng hết sức lực
đứng dậy nhưng bốn chân không trụ nổi, nó ngã nhào xuống. Rất may là ông Nuh
Niê kịp đỡ và bế nó về nhà. Dọc đường thỉnh thoảng con Chó lại lên cơn co giật.
Vợ chồng ông Nuh Niê thay nhau bế con Chó với lòng thương cảm, biết ơn con vật
đã quên mình cứu mạng họ.
Khi hai người
mang con Chó vào nhà, những người có mặt bàng hoàng, sửng sốt. Ông Byă vội vàng khấn: “Ơ Yang! Asâo
kao mao klei suaih tlai kơ dleh. Kâo mao êsei, am brei kơ ih Yang!” (Ơ thần!
Cầu thần giúp cho con Chó nhà tôi tai qua nạn khỏi. Tôi sẽ có cơm, thịt tạ
ơn thần!”. Nghe tiếng ông Byă, đang trong cơn co giật, nhưng con Chó vẫn cố mở
to mắt nhìn về hướng ông. Sau đó mắt nó nhòa đi và nhắm lại.
Từ đó con
Chó bị liệt, mồm không há được. Vợ chồng ông Y Nuh Niê và hai cô con gái thay
nhau nấu cháo, một người dùng hai tay kéo cho mồm con Chó mở ra để người khác đổ cháo cho nó ăn. Mỗi
khi nằm lâu mỏi, con Chó lại kêu ửa, ửa... Người nhà ông Byă lại vào bế trở thế
nằm cho nó. Con Chó nằm bất động, mắt nhắm nghiền, nhưng người trong gia đình
ai vào thăm, nghe tiếng nó đều nhận ra. Mỗi lúc như vậy nó lại kêu ửa, ửa…
Cho đến khi người vào thăm sờ vào đầu nó nựng: “Chú Chó ngoan hiền…” thì nó mới
im.
Tin con Chó
nhà ông Byă liều mình cứu chủ lan truyền trong các buôn làng Êđê. Bà con gần xa
đến thăm nó. Năm đó, vùng người Êđê có dịch lớn. Kể từ ngày bị con rắn kì dị cắn, bảy ngày sau thì
con Chó tắt thở. Cả gia đình ông Byă đau đớn, gánh chịu tổn thất
to lớn này. Mọi người đứng nhìn con Chó với vẻ mặt u buồn. Ông Nuh Niê vừa ve
vuốt trán con Chó vừa nói trong tiếng nấc: “Asâo knhao, asâo siăm êkei, asâo
jăk-ênang, asâo myang… (chú Chó thông minh, chú Chó đẹp trai, chú Chó ngoan
hiền, chú Chó linh thiêng…).
VĨ THANH: Sau một ngày con Chó ra đi, mới sáng sớm của một ngày mới, nắng
đã bừng lên
chiếu sáng khắp nơi. Trận nắng sớm đầu mùa khô đã thiêu chết loài vi rút khốn
kiếp, giúp người Êđê tránh được nạn dịch khủng khiếp. Dân làng đồn rằng nhờ con
Chó có linh thiêng mà có trận nắng sớm đầu mùa. Còn ông Nuh Niê đêm nằm
mơ thấy con Chó và mình đang cùng nhau đi trong cánh rừng, nương rẫy lúc còn mờ
sương, cùng bơi trên dòng suối nước trong vắt, chu du trên trời cao, mây trắng.
Tỉnh dậy ông mới biết là mình nằm mơ. Ông tiếc nuối, lòng mong con Chó
nhà ông sau khi mất sẽ biến thành giọt sương để đầu thai và gia đình ông sẽ được gặp
lại nó trong cuộc đời này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI