Thứ Ba, 9 tháng 6, 2020

BƯỚM VÀNG ĐI ĐÂU? truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - NÂM NUNG SỐ 165 THÁNG 6 NĂM 2020




Ông mặt trời thức giấc, đứng trên đỉnh núi phía đông, thả những sợi nắng vàng như tơ xuống mặt đất làm mọi vật bừng tỉnh sau một đêm dài. Chim cu gáy Em giật mình thức giấc ngó ra xung quanh, hình như quá ngỡ ngàng với sự thay đổi chỉ qua một đêm, liền hỏi chị:

            - Hình như sáng nay khác chiều hôm qua nhiều quá chị ơi!

            -Chuyện, hôm qua là hôm qua, hôm nay là hôm nay khác nhau là phải chứ có gì mà phải ngạc nhiên.

            -Em không nói về thời gian mà nói về cảnh vật xung quanh nhà mình ấy.

            -Xì, cảnh vật có gì thay đổi đâu?

            -Chị không nhận ra hôm nay các lá phượng cũng mượt mà hơn. Trên đầu các cành, hoa đã bung ra những cánh đỏ rực rỡ chứ không phải nụ như hôm qua.

            -Ừ nhỉ, đúng vậy thật.

            -Ô, chị nhìn kìa. Bướm, bướm vàng sao mà nhiều đến thế. Chắc là cây phượng nở hoa, hoa sinh ra bướm lúc đêm mà chị em mình không biết rồi.

            Cu gáy Chị cũng ngỡ ngàng nhìn về phía bắc, một đám mây bướm vàng không biết bao nhiêu con đang bay lượn tiến dần về phương nam. Cành cây phượng bỗng rung lên nhè nhẹ, rồi một giọng ồm ồm vọng đến:

            -Cu gáy Em nói sai rồi.

            -A, bác Phượng cũng biết nói à, sao bác bảo cháu nói sai?

            -Chiều hôm qua có trận mưa lớn, đúng vậy không?

            -Đúng rồi bác, không những mưa mà còn gió và sấm chớp ầm ầm nữa đấy!

            -Sau gần sáu tháng mùa khô không một hạt mưa rơi xuống làm cây cối khát nước, xơ xác; khi mưa xuống khí hậu mát lành nên cây cối mới bung nụ, nở hoa ăn mừng.

            -Đúng vậy rồi.

            Cu gáy Chị nghe cây phượng nói xong gật gù xác nhận. Cu gáy Em không nén được tò mò hỏi thêm:

            -Thế không phải hoa phượng sinh ra bướm vàng thì ai sinh ra mà chúng nhiều thế?

            -Cái này thì, cái này thì…

            Cây Phượng lúng túng trước câu hỏi của cu gáy Em mất một phút rồi bất ngờ reo lên:

-Ta biết rồi, lũ bướm vàng năm nào cũng cứ khoảng thời gian này sẽ bay qua đây đấy. Trước khi chúng đến, trời đều nổi cơn thịnh nộ, giáng sấm sét đe dọ mọi vật rồi sai bà Gió trút nước xuống để cây cối nở hoa đón chúng.

-Thế lũ bướm ở xa bay đến đậy ạ?

Không nén nổi tò mò, cu gáy Chị buột miệng hỏi, cây Phượng trả lời:

-Đúng thế!

-Sao bác khẳng định chắc chắn thế?

Cu gáy Em láu táu chen ngang, hình như cây Phượng thoáng mĩm cười làm các cành cũng rung theo, rồi trả lời:

-Ta đã ở đây mấy chục năm rồi đấy. Thời gian nhiều như thế mà năm nào cứ khoảng vào cuối tháng hai, đầu tháng ba là lũ bướm vàng lại bay từ phương bắc xuống phương nam, khi qua đây bao giờ cũng ghé thăm ta, vui đùa với các bông hoa của ta.

-Sao bướm vàng lại chỉ bay một chiều như vậy thôi?

-Các cháu mới sinh ra nên không biết, thầy giáo trong lớp học năm nào cũng dạy học sinh quả đất tròn, tròn… như quả trứng chim cu gáy; vì thế lũ Bướm bay xung quanh quả đất mất đúng một năm đấy.

-Hay quá, quả đất tròn như quả trứng chim cu Gáy, Bướm vàng bay quanh trái đất một vòng đúng một năm tròn. Điều này chưa chắc ba má đã biết đâu nhé, chốc nữa phải khoe mới được.

Cu gáy Em sướng quá cũng thò đầu lên khỏi tổ khoe mấy cọng lông tơ còn dính trên đám lông màu xám đỉnh đầu, vẫy vẫy đôi cánh như muốn bay lên không trung. Cu gáy Chị đầu gật gù ra vẻ đàn chị, nói:

-Bác Phượng sống lâu, lại ở gần lớp học được nghe thầy cô giáo dạy nên cái gì cũng hiểu biết tường tận. Không ngờ bướm vàng, cánh mỏng mảnh thế kia, lại không có lông mà bay được xa như thế.

-Xì, các cậu trẻ con thì biết cái gì, cánh dày hay mỏng đâu phải là điều quyết định bay gần hay bay xa.

Hai chị em chim cu gáy giật mình nhìn lại nơi vừa phát ra tiếng nói dưới cành phượng lớn, một anh ve sầu đầu như đầu ruồi phóng to đến trăm lần, trên lưng đôi cánh mỏng dính che khắp cả thân, cắm miệng hình chiếc kim khâu vào thân cây Phượng.

-Ừ nhỉ, cánh của anh ve Sầu, chị Chuồn Chuồn hay mấy con Ruồi, Muỗi… đều mỏng mảnh như vậy mà bay rất nhanh, lạ nhỉ!

Cu gáy Em buột miệng nói, được thể ve Sầu ra vẻ anh chị, khẽ rung đôi cánh, ca lên bản nhạc mùa hè rồi bay vút đi. Cu gáy Chị tỏ vẻ khâm phục, nói:

-Anh Ve này lạ thật, miệng như cái kim khâu bé tí thế kia mà sao hát hay thế.

-Ô, cháu không biết thật à?

Cây Phượng lại vui vẻ giảng giải:

-Loài ve sầu hát không phải bằng miệng mà bằng… bụng đấy, dưới dụng ve còn có một cái miệng nữa, chúng hát từ đó đấy. 

-Ha, ha, ha…

-Hi, hi, hi…

Hai chị em cu gáy cười ngã nghiêng khi khám phá ra thêm một điều kỳ lạ, khác thường ở loài ve sầu – bụng chúng có miệng.

Vừa lúc đó gió ào đến, một giọng nói êm ái vang lên:

-Ve Sầu không có miệng ở bụng đâu.

-A, bà Gió, tại sao lại nói ve Sầu không có miệng ở bụng, rõ ràng âm thanh từ bụng phát ra mà?

-Đúng rồi, âm thanh phát ra từ bụng ve Sầu nhưng do hai vật tròn dưới da, khi cọ vào nhau tạo nên âm thanh.

Nghe bà Gió nói vậy, cả hai chị em cu gáy đều reo lên:

-Tài quá, tài quá!

-Còn lũ bướm vàng do loài sâu xấu xí sinh ra đấy.

Bà Gió lại nói thêm một câu nữa trước khi bay đi, cây Phượng có vẻ ngượng ngập nên các cành đứng im phăng phắc, cánh hoa đỏ rực cả lên như e thẹn. Vừa lúc đó chim cu gáy Mẹ mang đồ ăn sáng bay về, hai chị em tíu tít khoe với mẹ những điều vừa học được. Cu gáy Em hỏi mẹ:

-Tại sao bà Gió bảo những con bướm vàng xinh đẹp kia là do sâu sinh ra?

-Đúng thế, lũ sâu lúc mới nở ra nhỏ xíu, ăn lá cây mãi rồi lớn dần lên, khi chúng trưởng thành, nhả tơ bọc mình lại tạo thành kén. Con sâu ngủ trong kén lâu ngày biến đổi thành con nhộng. Gặp điều kiện thời tiết thuận lợi con nhộng mới cắn kén chui ra, lột xác thành con bướm bay đi tìm bạn, tạo thành đàn.

-Thế mà bác Phượng nói chúng bay vòng tròn quanh quả đất mất một năm để trở lại nơi xuất phát.

Cu gáy Em thắc mắc hỏi lại, cu gáy Mẹ trả lời:

-Bác Phượng tuy sống lâu nhưng chỉ ở mãi một chỗ, không biết lũ bướm bay đi đâu mà hàng năm cứ vào cuối tháng tư hoặc đầu tháng năm, khi mưa đầu mùa đổ xuống lũ bướm vàng trên Tây Nguyên lại lũ lượt bay về theo cùng một hướng nên mới nhầm.

-Má biết chuyện lũ bướm ạ?

-Ừ, lũ sâu thích ăn lá cây gỗ muồng trồng trên các bờ lô cà phê, vì thế khi lột xác thành bướm, chúng kết đôi rồi gửi trứng lại các cây muồng trước khi bay về phương nam. Chúng chỉ bay về phương nam mà không đi hướng nào khác nữa là vì, là vì…

-Vì sao ạ?

Hai chị em cu gáy đồng thanh hỏi lại, cu gáy Mẹ chưa biết trả lời các con thế nào, vừa may bà Gió ào đến trả lời hộ:

-Đó là do tác động của ông mặt trời nữa đấy. Cuối mùa khô Tây Nguyên đồng nghĩa với mùa hè miền bắc, khí hậu khắc nghiệt hơn nên lũ bướm khôn  ngoan chỉ chọn cách bay về phương nam, độ ẩm nhiều hơn. Chúng bay mãi, bay mãi đến khi gặp rừng già hoặc ao hồ thì cùng xếp cánh ngủ luôn, không dậy nữa; khép lại một vòng đời ngắn ngủi trong một tuần thôi.

-A, thì ra thế!

Cây Phượng già reo lên rồi vội vã đưa tất cả các cành lá của mình hướng về phía tây muốn giữ bà Gió lại như một lời cảm ơn. Chim cu gáy bố không biết về từ lúc nào, đứng trên cành phương cao nhất thả vào không gian tiếng reo vui:

-Cúc cù cu, cúc cù cu, cúc cù cu…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI