Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

NGƯỜI GIỮ LỬA BUÔN TAI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 334 THÁNG 6 NĂM 2020


 

Một chiếc mẹt không lớn lắm được đan bằng nan tre đực dùng đã lâu, các nan chuyển qua màu vàng, trông rất đẹp mắt. Ami(1) Y Thịnh nhất định bắt hai cô gái ở lại ăn cơm chiều xong mới được về. Người Êđê mời thật bụng, không ở lại là giận luôn. Cả ba người bạn sau gần một ngày lên rừng khám phá, bụng đói meo, ngồi quanh chiếc mẹt. Ami lần lượt mang đồ ăn ra: Một xoong cà đắng nấu với nai khô; bốn miếng thịt heo hong khói; một nồi cá suối nấu với quả rừng; bốn xiên thịt nai nướng. Mỗi món ăn được múc vào một chén ăn cơm cho riêng từng người, không ai ăn chung với ai.

Lần đầu tiên Hồng được ăn cơm với một gia đình người Êđê, thấy gì cũng lạ: trong mâm có bốn món ăn thì phải có đủ mười sáu cái chén cho bốn người, giống như chia phần vậy. Riêng xoong cơm được ăn chung. Ami Y Thịnh dùng muỗng gỗ, xắn một miếng cơm từ trên miệng xuống tới tận đáy xoong, rồi khéo kéo đưa lên, đặt gọn vào chén; ai cũng được chia như thế. Nhìn mâm cơm đầy chén mà chỉ có bốn người ăn, Hồng ngơ ngác, không hiểu ra làm sao, tròn mắt nhìn H’Liêm. Như hiểu ý bạn, H’Liêm mỉm cười nói:

- Phong tục của người Êđê tiếp khách quý đấy, trong bữa ăn có bao nhiêu món thì mỗi người được chia bấy nhiêu chén, không ai ăn chung chén với ai. Trong xoong còn, ai ăn hết trước sẽ được múc thêm. Nồi cơm đã xới phải có hạt gạo từ trên miệng xuống tới đáy, không có hạt cơm dính đáy nồi để người ăn sau biết cơm người ăn trước dành lại cho mình, không phải cơm ăn thừa.

- Người Kinh ăn cơm cứ gắp thức ăn bỏ vào chén người khác, mất vệ sinh lắm. Món người ta không muốn ăn cũng gắp bỏ vào, sợ luôn.

Y Thịnh góp chuyện; ami nở nụ cười độ lượng, nói:

- Tập quán mỗi miền, mỗi dân tộc có chút khác nhau mà, các con ăn đi.

- Dạ, cháu mời cô!

Hồng cầm đũa, mời rồi ăn thử món cà đắng. Đúng như tên gọi: đắng, cay và chua chua nữa; cả ba hương vị ấy như muốn đốt luôn đầu lưỡi, nhưng mùi thơm của thịt, vị ngọt là lạ của quả cà buộc người ta phải nhai, nuốt; mặc cho nước mắt trào ra. Nhìn bạn ăn, Y Thịnh không nhịn được, phải lấy tay bịt miệng cho khỏi sặc. H’Liêm dùng tay vỗ vỗ vào lưng Hồng, động viên:

- Miếng đầu có cảm giác khó chịu như vậy, nhưng đến miếng thứ hai, thứ ba mới cảm nhận hết cái ngon của món canh cà đắng của người Êđê, ăn vài lần là nghiện luôn đó.

- Ngon, ngon nhưng mà… cay quá!

- Tập ăn cay cho quen để không bị ngã nước.

Ami Y Thịnh lại cười, nụ cười làm rạng rỡ khuôn mặt trái xoan, môi đỏ như được bôi son và… hàm răng, sao mà trắng, đều đến thế - Hồng ngồi nhìn quên luôn cả ăn. Ami bảo:

- Hồng ăn đi chứ?

- Dạ, cô ơi chú vì sao mà mất ạ?

Đôi mắt lá răm thường ngày đẹp là vậy, nghe câu hỏi của Hồng, bỗng như có đám mây đen bay qua, khuôn mặt tối lại.

- Chuyện đã qua lâu rồi, ngày đó Y Thịnh chưa tròn mùa rẫy…

***

Buôn Tua Srah bên dòng sông Krông Ana(2) có chàng trai mồ côi tên Y Duk rất giỏi săn bắn, bắt cá, nhưng vì không ai biết dòng họ của anh ta nên không ai bắt làm chồng. Còn buôn Tai – nép mình dưới chân dãy Chư Yang Sin(3) cũng có một người phụ nữ lưu lạc, không biết vì sao lại mang đứa con đỏ hỏn đến xin ở lại. Người phụ nữ xinh đẹp mới ngoài hai mươi tuổi, giỏi nghề dệt vải nên được mọi người yêu mến dựng cho chiếc nhà nhỏ cuối buôn làm nơi trú ngụ. Hai mẹ con họ sống hòa thuận với buôn, cung cấp cho người trong vùng váy, áo đẹp vì thế cuộc sống cũng không đến nỗi nào. Người mẹ cứ ở vậy nuôi đứa con gái được mười bảy mùa rẫy thì từ giã mọi người theo về rừng tổ tiên ông bà (4). Cô gái đến tuổi trưởng thành, nhưng nhà nghèo không có chiêng, ché, voi, trâu, bò… nên không dám bắt ai về làm chồng.

Sau ngày mẹ mất, một hôm đang ngồi bên bếp lửa, thấy ami về bảo đi hái vỏ cây về làm sợi dệt vải. Hai mẹ con đi theo con sóc vàng rất đẹp dẫn đường, ngược dòng Serepok một đoạn dài, qua một ngọn thác, không may cô gái trượt chân, lăn xuống dòng nước. Bất ngờ có chàng trai bắt cá gần đó trông thấy, lao ra cứu đưa lên bờ. Nhìn chàng trai trên người có mỗi chiếc khố rách, người mẹ hỏi:

- Người ở buôn nào?

- Buôn Tua Sar.

- Tên là gì?

- Y Duk!

- Ama ami còn khỏe không?

- Theo Yang cả rồi.

- Giờ sống với ai?

- Một mình.

- Con gái ta cũng chưa bắt chồng, ngươi đồng ý làm chồng nó không?

- Tôi con mồ côi, xấu lắm.

- Con gái ta cũng vậy, nó nghèo nhưng có trái tim nhân hậu, về làm chồng nó nhé.

Chàng trai gật đầu, cô gái thẹn thùng núp sau lưng ami. Ami rút chiếc vòng trên cổ tay mình trao cho cô gái và bảo:

- Đây là chàng trai tốt, con trao vòng cho nó đi.

Cô gái cầm chiếc vòng bước lại gần, tay run run đeo vòng cho chàng trai. Hai người nắm tay nhau, nhìn nhau như đã quen thân từ lâu rồi. Một cơn gió ào tới, phả hơi lạnh vào mặt, cô gái quay lại không thấy ami đâu mới thét lên: “Ami!”. Tay đập xuống sàn đau điếng, lúc đó cô gái mới biết mình mơ, ngồi dậy nhìn qua khe cửa thấy trời đã tờ mờ sáng.

Hôm sau, cô gái chuẩn bị đồ ăn bỏ vào gùi rồi ngược dòng sông Serepok như trong giấc mơ. Cô đi mãi, đi mãi đến một dòng thác lớn, nước réo ầm ầm, định leo lên hòn đá ngồi nghỉ. Không may, hòn đá nhiều rêu, trơn quá; cô gái ngã lăn xuống sông bị nước cuốn đi. Đang chới với giữa dòng nước, sắp chìm thì được một chàng trai lao ra, kéo vào bờ. Chàng trai trách:

- Đi phải nhìn cẩn thận chứ, ai lại leo lên hòn đá đầy rêu như thế!

Cô gái mở mắt, rồi ngồi dậy nhìn chàng trai chằm chằm chằm. Chàng trai nói:

- Sao nhìn tao như thế?

- Mày… mày… mày ở buôn Tua Sar phải không?

- Ừ!

- Y Duk!

- Ơ, sao mày lại biết tên tao?

- Tao đi tìm mày để bắt về làm chồng đấy!

- Tao con mồ côi xấu lắm.

- Tao cũng con gái mồ côi như mày, sống ở buôn Tai, nghèo lắm nhưng có trái tim người vợ. Mày ưng về làm chồng tao không?

- Cảm ơn Yang đã cho người đến hỏi làm chồng, tao bằng lòng.

Cô gái trao vòng cho Y Duk, họ vui lắm, nắm tay nhau cùng về buôn Tua Sar báo với già làng. Nghe chuyện của hai người, già làng vui lắm, nói với mọi người: Đây là ý Yang! Sai người buộc rượu, mổ bò, mừng Y Duk có người bắt làm chồng. Ba ngày sau đôi bạn trẻ đưa nhau về buôn Tai sinh sống.

***

Y Duk có sức khỏe hơn người nên mỗi chuyến đi rừng mang được nhiều vỏ cây về nhà cho vợ dệt vải, cuộc sống khấm khá, nhà đã có gà, có heo thành bầy. Vui hơn, nhà có đứa con trai chào đời. Y Duk vui lắm, khi lấy đủ vỏ cây cho vợ dệt vải thì vào rừng phát cây làm rẫy, trồng lúa, bắp, chuối…

Cuộc sống hạnh phúc của buôn Tai bỗng nhiên bị tai họa ập xuống. Không biết ở đâu, một con trăn khổng lồ xuất hiện. Từ đó thú trong rừng gần chạy hết qua rừng xa; người dân không còn gì để săn bắn, kiếm ăn. Hết thú, con trăn mò xuống bắt trâu, bò, heo… để ăn. Trai tráng của buôn Tai và cả mấy buôn lân cận tập trung lại quyết diệt trừ thú dữ. Nhưng, da của con trăn cứng như sắt, chặt chém không đứt; bắn tên, đâm giáo đều không lủng. Lúc tức giận, cái đuôi trăn có thể quất ngã cả chục người, cây to như đầu người cũng bị gãy luôn. Dân trong vùng lo sợ lắm: ngày không dám lên rẫy, đêm về ngủ không dám đốt lửa. Lão thầy cúng của buôn còn nói: Yang(5) giận nên trừng phạt, phải cúng xin chuyển buôn thôi.

Thấy mọi người sợ hãi, muốn bỏ buôn đi nơi khác ở, Y Duk đến gặp già làng xin đi giết trăn. Già làng hỏi:

- Mày có cách gì giết được trăn của Yang?

- Cho tôi một con trâu lớn, đưa vào rừng để trăn ăn; ăn xong nó sẽ ngủ một tuần mới thức dậy. Chờ nó ngủ say dùng dao nhọn đâm lủng mắt, nó đui không biết đường đi thì chết đói thôi.

- Ai dám lại gần trăn mà đâm mắt nó?

- Tôi.

- Y Duk giỏi lắm, để gọi trai làng đến giúp.

Hôm sau già làng chọn con trâu đực lớn nhất bầy nhà mình, dùng dây da voi buộc qua cổ trâu giao cho Y Duk và mười thanh niên khỏe mạnh nhất, can đảm nhất buôn đưa vào rừng. Dắt trâu lên lưng chừng núi, buộc vào một gốc cây gỗ hương to năm người ôm không hết. Y Duk leo lên ngọn cây ngồi đợi, còn đám thanh niên vội vã trở về buôn. Từ thung lũng phía tây dãy núi, con trăn ngửi thấy mùi thịt nên trườn đến tóm gọn con trâu, quấn chết rồi nuốt. Ngồi trên cành cây chứng kiến cảnh con trăn quấn con trâu đến chết rồi bắt đầu nuốt. Mắc chiếc dây da voi, nó phải gồng mình lên kéo làm cây cũng lung lay muốn đổ, nước miếng trong mồm trăn trào ra như đổ nước, hôi thối nồng nặc. Một lúc lâu sau dây đứt, con trâu có cái bụng to hai vòng tay người ôm không hết, cuối cùng cũng lọt thỏm vào miệng con trăn. Nuốt xong con trâu, trăn ngáp ngáp rồi nằm im. Đợi đến xế chiều, biết chắc trăn đã ngủ say, Y Duk mới bám dây tụt xuống đến ngang mắt trăn, đứng trên mũi nó; nó vẫn ngủ. Y Duk vung tay dùng hết sức lực cắm cây đinh ba vào mắt phải con vật. Con trăn đau đớn, quần quại làm Y Duk bắn lên cao rồi rơi xuống đúng vào cái miệng đang há ra của nó trôi dần vào bụng. Y Duk rút con dao nhọn đeo bên mình, đâm mạnh vào cổ họng con trăn. Trăn đau đớn cố nuốt Y Duk vào bụng, nhưng càng nuốt, thì lưỡi dao cành rạch toác cuống họng của trăn. Chắc đau quá, nó uằn mình làm Y Duk bắn ra ngoài, con trâu cũng bị nôn ra luôn.

Nghe tiếng con trăn quật cây cối gãy đỗ ầm ầm, dân trong buôn nổi trống, chiêng ầm ĩ như có giặc. Màn đêm buông xuống một lúc, thì chỉ còn nghe tiếng thì thào của gió. Vợ Y Duk gùi con ra sau lưng, đốt một bó đuốc thật to chạy đi tìm chồng. Dân trong buôn thấy vậy mới gọi nhau đốt đuốc chạy theo, khi qua con suối đầu buôn, mọi người người thấy một mùi tanh nồng nặc bay lên, dòng suối trong xanh nay đã thành đỏ lòm, toàn máu. Cả triền đồi nơi con trăn ăn con trâu, cây cối bị gãy, đổ tan hoang. Con trăn thân to đến hơn người ôm không hết quấn chặt cây gỗ hương bật tung gốc, ngả ngiêng. Cách miệng con trăn không xa, xác con trâu đực được bao phủ một lớp chất nhờn mắc kẹt vào một tảng đá.

Dân trong vùng ùn ùn kéo đến, cả quả đồi đuốc đốt sáng rực, vây quanh người phụ nữ lưng địu con, tay ôm chặt xác chồng ngồi như hóa đá. Già làng buôn Tai bước đến bên cạnh, cuối xuống đặt tay lên trán người chết rồi giơ hay tay lên trời:

- Cảm ơn Yang đã giúp đỡ. Cảm ơn Y Duk, người giữ lửa cho buôn Tai chúng tôi thoát kiếp nạn này!

Cánh thanh niên đưa xác Y Duk về làm lễ cúng đúng một tuần. Già làng mời những người tạc tượng nhà mồ giỏi nhất đến dựng tượng quanh ngôi mộ để tỏ lòng kính trọng.

***

Kể xong chuyện, hai hàng nước mắt ami Y Thịnh chảy dài trên má. Hồng và H’Liêm bỏ đũa từ lúc nào, tay nắm chặt tay ami, nước mắt lưng tròng. Qua phút xúc động, ami Y Thịnh nói:

- Các con ăn đi, đồ ăn nguội hết rồi.

- Cô!

Hồng nghẹn ngào thốt lên. Hình như ami mỉm cười, mặt tươi tỉnh trở lại:

- Mấy đứa bảo nhau học cho giỏi nhé. Chủ nhật đến đây cô dạy cho dệt vải.

Hai đứa không cùng hẹn mà “dạ” như hô đồng thanh. Ngoài đầu sàn, bóng núi xiên xiên đổ dài. Từ lưng chừng núi sau buôn, bầy vooc đi tìm chỗ ngủ, cất tiếng hú ngân dài như báo hiệu màn đêm sắp buông xuống.

 

        Nhà sáng tác Vũng Tàu, tháng 11 năm 2019

 

 

Chú thích:

Ami: mẹ - tiếng Êđê;

Krông Ana: sông Vợ - tiếng Êđê;

Chư Yang Sin: núi thần cọp – tiếng Êđê;

Rừng tổ tiên: nơi ở của người đã chết – tiếng Êđê;

Yang: thần linh – tiếng Êđê;


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI