Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

LỜI NGUYỀN truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 339 THÁNG 11 NĂM 2020

 


Tiếng chiêng từ bãi tha ma của buôn bên cạnh lan tỏa trên mặt sông, vọng về nghe não nùng, bi ai. Ông Thạch phi xe máy đến khu vực người ta đang tổ chức làm lễ bỏ mả tìm hỏi tin con. Bọn trẻ nói cho ông biết, con trai ông đi cùng con gái già làng buôn Pao bơi thuyền ngược sông từ sáng mà chưa thấy về. Lòng nóng như có lửa đốt, ông Thạch chạy vội vào đám lễ tìm già làng – ama(1) H’Uyên. Thấy ông Thạch đến, già làng đang ngồi vít cần rượu giữa đám đông, mắt sáng lên, bảo:

- Bác sỹ đến à, vào đây đi.

- Mình không uống rượu đâu, già làng có biết H’Uyên mất tích chưa?

- Cái gì?

Dù đang ngà ngà say, khi nghe nhắc đến cô con út yêu quý như một báu vật Yang ban, già làng cũng giật mình trợn mắt lên, hỏi lại. Ông Thạch nhắc lại:

- Sáng nay nó đi ngược sông đến giờ vẫn chưa về.

- Ngược sông, lên rừng Yang(2)?

Miệng hỏi lại, nhưng mắt già làng trợn tròn, đứng bật lên nắm lấy vai ông bác sỹ, hỏi dồn:

- H’Uyên đi một mình hay còn ai đi cùng nữa không?

- Bọn trẻ bảo đi cùng con trai tôi và Y Nhớ.

- Nó đi ngược sông thật à?

- Bọn trẻ nói thế!

- Yang ơi!

Già làng đưa hai tay lên trời, kêu lên một tiếng nghẹn ngào rồi gục luôn xuống mặt đất như cây chuối bị chặt gốc. Không biết do ai báo, hay tại tiếng chiêng bỗng nhiên dừng lại mà người từ phía trước, phía sau ngôi mộ bước đến; người từ các lùm cây trong bãi tha ma kéo ra, đứng xung quanh ông bác sỹ và già làng từ lúc nào, đông kín.

Một người đàn bà mặc độc chiếc váy mới, mặt nhàu nhĩ, rẽ đám người bước vào, nắm tay già làng lắc lắc:

- Đi tìm H’Uyên đi, chắc nó bị lạc trong rừng Yang rồi.

- Rừng Yang, lạc trong rừng Yang… lời nguyền…

Già làng quỳ xuống, rồi ngửa mặt nhìn lên trời, hai tay giơ cao như muốn nói với trời cao sự bất lực của con người trước thánh thần. Người đàn bà vừa đến là amí(3) của H’Uyên, chồm lên nắm lấy hai tay già làng kéo xuống, miệng rên rỉ:

- Dậy, dậy, đứng lên đi tìm H’Uyên, mấy đứa chúng nó mới sống qua có mười ba mùa rẫy(4) thôi, Yang không hại nó đâu.

Lão thầy cúng mặt bôi đầy những vạch ngang màu đen, đỏ, trắng, vàng, trông như con quỷ dữ, say ngất ngưởng bước đến bên già làng nói:

- Lời nguyền của rừng Yang không thể trái được, ai vào đó sẽ bị trừng phạt.

Người phụ nữ nói như khóc:

- Đi, đi tìm bọn trẻ kẻo không kịp. Chắc chúng lạc trong rừng Yang thôi. Một ngày rồi, chúng ăn gì, uống gì để sống đây. Khổ!

Người phụ nữ nói chưa dứt câu, lão thầy cúng đã phán:

- Không vào đó được đâu, ai vào đó sẽ không bao giờ về nhà nữa; lời nguyền của Yang có trong khan(5) vậy đấy .

Nghe đến đây cả đám người đến mấy trăm người vội quỳ xuống, giơ hai tay lên trời vái lạy. Ông Thạch đứng bên cạnh túm tay già làng kéo đứng lên, bảo:

- Nhưng nếu chúng nó không vào rừng mà đi trên sông, bị lật thuyền bây giờ đang lang thang trên bờ sông tìm đường về thì sao? Chúng đói, khát, kiệt sức và thú dữ rình rập nữa đấy. Ông không đi thì tôi đi một mình vậy.

- Lời nguyền, Yang sẽ trừng phạt cả buôn ta; không ai được đi!

Lão thầy cúng đứng bên nói xong vung tay lên như múa, làm cả đám người lại quỳ xuống vái, lạy lão. Già làng đứng dậy nhìn lão thầy cúng, nhìn đám người xung quanh rồi nói với ông bác sĩ:

- Tao phải đi tìm lũ trẻ, không còn chúng nó thì ta sống để làm gì?

Già làng loạng chọang bước đi, hướng ra bến sông. Cánh đàn ông đang quỳ lạy nghe thấy thế cũng đứng bật cả dậy nhìn lão thầy cúng rồi nhìn theo ông Thạch, vẻ mặt ngơ ngác.

 Tin H’Uyên – con gái út già làng biến mất khi ngược sông lên rừng Yang lan nhanh hơn ngọn gió thổi, mạnh hơn bão lớn ập về; người ta bỏ đám cúng lễ bỏ mả, bỏ nghĩa địa nơi có nấm mộ đang được cúng tế để ra bến lấy thuyền đi tìm. Ai cũng biết, từ lâu, lâu lắm rồi, lâu như trong lời khan kể lại rằng thượng nguồn dòng sông trước buôn có khu rừng của Yang cấm con người đặt chân tới; thế mà con gái già làng lại cùng bạn Doan(6) tìm đến đó… lành ít, dữ nhiều. Có lẽ mọi người tin già làng nên dũng cảm bước qua lời nguyền lên thuyền, ngược sông tìm người. Nhiều phụ nữ đã không cầm được nước mắt khi nhìn đoàn thuyền của cánh đàn ông trong buôn hối hả bơi đi, lòng nghĩ đến kết cục xấu nhất.

Hơn ba chục chiếc thuyền, thuyền nào cũng chở bốn hoặc năm người bơi ngược dòng, mắt nhìn đăm đăm về phía trước, khuôn mặt đầy lo lắng. Màn đêm ập xuống rất nhanh, người ngồi trên mũi thuyền bật lửa đốt đuốc làm sáng rực cả khúc sông, giống một con rồng lửa chạy về phía đông.

***

Đẩy thuyền xuống nước, Vân ngồi phía mũi, H’Uyên ngồi giữa, Y Nhớ đẩy một cái thật mạnh cho thuyền lao ra sông rồi đu người nhảy lên.

- Cốp!

Con thuyền như húc vào hòn đá, dội ngược trở lại làm Y Nhớ vừa nhảy lên thuyền, đạp ngay vào người H’Uyên, ngã quay xuống thuyền. Vân ngồi mũi thuyền kêu lên:

- Cá sấu đấy!

Y Nhớ đứng dậy được thì con thuyền đã bị đẩy ngược trở lại, lên bờ đúng chỗ vừa đẩy thuyền ra. Mặt sông đen sì, không nhìn thấy con vật quái ác đâu cả. Y Nhớ nhảy xuống cát định đẩy thuyền ra sông lần nữa, H’Uyên bảo:

- Không ra được đâu, nó đợi ta ngoài ấy rồi.

Vân cũng nhảy xuống, góp ý:

- Trời tối lắm, không nhìn thấy nó đâu cả làm sao bắn được. Thôi đêm nay chúng ta phải ngủ lại đây, sáng mai hãy về cho an toàn. Nếu nó dám nổi lên, Y Nhớ bắn một phát trúng mắt thì xem như… xong.

- Ta kéo thuyền lên xa mặt nước một tý đề phòng đêm cá sấu bò lên tấn công.

H’Uyên đề nghị, cả ba làm theo, kéo thuyền cách mép nước đến ba chục bước chân. Vân nhìn mặt sông rồi quay nhìn khu rừng tối đen trước mặt lo lắng, nói:

- Đêm nay ta ngủ ở đây không củi lửa gì cả, lỡ hổ đến thì làm thế nào?

- Không sợ đâu, đêm nay ta ngủ ngồi trên thuyền. Y Nhớ ngồi canh, đề phòng cá sấu mò lên phía bờ sông. Vân ngồi giữa thuyền. H’Uyên ngồi phía đuôi thuyền nhìn vào rừng, canh hổ.

- Vân không đồng ý!

- Tại sao?

H’Uyên ngạc nhiên hỏi lại, Vân nói:

- H’Uyên - con gái ngồi giữa, để Vân ngồi đuôi thuyền phía rừng canh hổ cho.

- Thôi đừng tranh nhau nữa, chốc nữa Vân ngủ trước đi một lúc rồi thức dậy đổi cho H’Uyên ngủ, thay nhau cho đỡ mệt. Khi nào Vân buồn ngủ lại gọi H’Uyên dậy gác thay. Vậy được chưa?

Y Nhớ nói xong, cả ba cùng nắm chặt tay nhau. Gió lùa đến nô đùa với cành cây nghe ầm ầm như có đàn voi chạy qua. Xung quanh tối đen, bầu trời đầy sao nhỏ li ty, nhấp nháy, nhấp nháy như giễu cợt. Vân chợt nghĩ: đúng là rừng của Yang chất chứa bao nhiêu điều bí mật như đang thử thách lòng người, đành chấp nhận vậy. Thế là hôm nay trọn ngày theo bạn đi chơi, ngược sông vào rừng Yang bị lạc, đói, khát… nhưng cuối cùng cũng ra được đến sông, đúng ngay chỗ để thuyền. Những tưởng chỉ cần đẩy thuyền ra, leo lên ngồi là dòng nước đưa ba đứa về đến buôn trước khi trời tối. Không ngờ con cá sấu khổng lồ, chặn đường gây sự, cố tình húc để làm đắm thuyền nên mới dạt vào đây. Chiều nay bố đi họp về không thấy mình chắc lo lắm.

Thời gian cứ chầm chậm trôi qua. Gió lại ào đến, rừng đêm rền rĩ với những tiếng kêu của lá cây va vào nhau. Tiếng côn trùng kêu rả rích làm cho ba cái bụng chỉ còn nước sông trong đó réo lên ong óc. Cái lạnh bất chợt mò đến, H’Uyên ngồi bệt buống đất, dựa lưng vào thuyền nói:

- Bây giờ mà có tý lửa đốt lên cho ấm là sướng nhất.

- Nếu có lửa phải ra bờ sông bắt mấy con cá, nướng ăn cho ấm bụng.

Y Nhớ chép miệng góp lời, Vân cũng nói thêm:

- Tại con cá sấu ác nhơn húc nghiêng thuyền làm rơi gùi xuống sông chứ không bây giờ ta vẫn có lửa nướng thịt heo rừng ăn tạm rồi.

- H… ù… m!

Bỗng tiếng của con hổ ngay sát bìa rừng phía trước mặt vang lên, cả ba đứng bật dậy, nép sát lại với nhau. Trước mặt, hai bên chỉ có một màu đen đặc quánh. Sau lưng sóng vẫn vỗ bờ ì ọp, ì ọp! Vân tay nắm chặt cây lao, thì thầm:

- Phải quay ngang con thuyền song song với bờ sông, úp xuống; nếu cá sấu bò lên không tấn công bất ngờ phía sau được. Chúng ta ngồi tựa lưng vào thuyền, quay mặt vào rừng đề phòng con hổ mò ra.

- Vân nói đúng đấy, H’Uyên cầm lao để Y Nhớ với Vân quay thuyền.

Xoay được con thuyền độc mộc như ý muốn xong, Y Nhớ nói:

- Đưa cây lao cho Y Nhớ, vì Y Nhớ khỏe nhất. H’Uyên và Vân mỗi người cầm một mũi tên làm vũ khí, nếu con hổ đến Y Nhớ sẽ ra đâm nó trước.

- Như thế không ổn đâu.

- Sao Vân nói vậy?

Y Nhớ ngạc nhiên hỏi lại, Vân nói:

- Y Nhớ phải chuẩn bị cung tên, thấy hổ là bắn ngay, còn mình sẽ lao ra đâm vào mặt nó như thế mới có cơ hội thắng được.

- Không ngờ Vân hôm nay dũng cảm lên nhiều thế, lại nói đúng. Giờ Vân ngồi giữa cầm lao dựng đứng lên, Y Nhớ một bên, mình một bên sẽ không sao đâu.

- Tại sao lại dựng đứng mà không cầm ngang cho đễ đâm?

- Vân không biết à, con hổ mà vồ mồi bao giờ cũng nhảy lên cao mới lao xuống cắn con mồi. Thấy cây lao dựng đứng lên nó không dám vồ đâu.

Y Nhớ trả lời, H’Uyên nói thêm:

- Người già dạy thế mà.

- H… ù… m!

Tiếng hổ gầm nghe gần lắm, cả ba ngồi tựa lưng vào thuyền, mình sát vào nhau, mắt cố mở to nhìn vào bìa rừng, chờ đợi…

Bỗng H’Uyên nắm áo Y Nhớ giật giật, thì thào:

- Hình như nó đang đi đến phía trước mặt đấy, bắn đi.

- V… út!

- H… ừ… m!

 -Hừm!

Tiếng mũi tên xé gió lao đi, liền ngay theo đó là tiếng gầm của con hổ chỉ cách thuyền vài chục bước chân; tiếng thét của H’Uyên đáp lại tiếng hổ gầm. Vân nắm chặt áo Y Nhớ thì thào:

- Bắn trượt rồi thì phải.

- Ừ, mình cố tình bắn cho nó sợ thôi. Nếu bắn trúng, nó bị đau, liều lao đến thì ba đưa chúng mình sao đánh lại.

- Thông minh.

Vân hết sợ, buông tay khỏi áo bạn, khen; H’Uyên cũng đứng lên, nói:

 - Con hổ này sợ mất vía rồi, không dám quay lại đây nữa đâu.

 - Sao bạn biết?

- Con thú nào trong rừng không sợ người, nhất là khi nghe tiếng tên bay.

- Có thuyền đến kìa, chắc ama mình đi tìm đấy.

H’Uyên vui vẻ reo lên chỉ về phía tây, ánh lửa đỏ một góc trời. Cả ba lại nắm chặt tay nhau, tiếng cười lan tỏa lên mặt sông rồi cùng thi nhau gào lên:

- H… ú!

- H… ú!

- H… ú!

***

Đoàn thuyền như một con rồng lửa nối tiếp nhau bơi ngược sông. Những người cầm đuốc đứng nơi mũi thuyền giơ cao, thỉnh thoáng lại gào lên:

- H’Uyên ơ… i!

- Y Nhớ  ơ… i!

- Vân ơ… i!

Đêm về khuya, hai bên bờ sông là những cánh rừng đại ngàn huyền bí trải dài, nhại lại tiếng kêu nghe rờn rợn. Người đàn ông đứng mũi thuyền đi đầu kêu lên:

- Có tiếng hổ gầm phía trước mặt, nhanh tay lên nữa đi, chắc lũ trẻ ở đó rồi.

Già làng ngồi giữa thuyền ngửa mặt lên trời khấn vái cầu mong Yang rủ lòng thương. Mấy người ngồi trên thuyền bơi phía sau nhất loạt cùng hô ầm lên như để xua đuổi mãnh thú:

- H… ú! H… ú! H… ú!

- H… ú! H… ú! H… ú!

Vượt qua khúc quanh, bỗng ông Thạch kêu lên:

- Bọn trẻ, hình như có tiếng bọn trẻ phía trước.

- Vân ơ… i!

- Bố ơi, con ở đây.

- Nhanh lên, bọn trẻ trước mặt kia kìa.

Đoàn thuyền bơi ngược dòng mà lao vun vút rồi trườn luôn lên bãi cát, va vào nhau cốp, cốp, trước khi ngừng lại. Thuyền già làng cập bến trước, ba Vân nhảy lên bãi cát ôm chầm lấy con. Già làng loạng choạng bước lên sau, tay nắm lấy vai H’Uyên, mắt nhìn con gái không chớp, hỏi:

- Y Nhớ đâu rồi?

- Đây!

Tiếng Y Nhớ phía sau con thuyền vọng lại, mấy người vội giơ cao bó đuốc chạy đến. Y Nhớ đứng tựa vào thuyền quay lưng lại dòng sông; trên tay, cây cung lắp mũi tên dương lên, mắt vẫn hướng vào phía bìa rừng.

- Con làm gì thế?

Ama Y Nhớ thấy con đứng như chuẩn bị bắn thú, ngạc nhiên hỏi, Y Nhớ trả lời:

- C… on, con chỉ còn mũi tên cuối cùng này thôi ạ.

- Giờ thì không sao rồi, không việc gì phải sợ nữa, có lửa đây rồi.

- Ama!

Y Nhớ kêu lên một tiếng, rồi ôm chầm lấy ama. Cả đám đông quây quần lại, đốt một đống lửa to bên bờ sông để ba đứa trẻ ăn tối. Bọn chúng tranh nhau kể chuyện đã gặp hôm nay trong rừng Yang.

- Rừng trong ấy giống nhau lắm nên không nhớ nổi đâu là phía bắc, đâu là phía nam nên mới bị lạc.

- Vào rừng toàn cây to, không nhìn thấy mặt trời luôn.

- Đất trong rừng bằng như sân nhà mình ấy, chỗ nào cũng giống nhau.

Vân nói thêm:

- Trong rừng Yang có một gốc cây si to lắm, to đến mức phải ba chục già làng ôm chưa hết. Giữa gốc cây có một ngọn tháp giống tháp của người Chăm in trong sách ấy.

- Thật không?

Không biết ông thầy cúng ở đâu hiện ra, bỗng nhiên chen lại gần, giật tay H’Uyên hỏi.

- Vân nói đúng đấy, lại có cả bầy khỉ biết hái quả cây ném cho chúng con ăn nữa.

Nghe H’Uyên nói vậy, ông thầy cúng hỏi giật giọng:

- Còn nhớ đường vào đó không?

- Không ạ!

- Y Nhớ, có biết đường vào lại tháp không?

 -Con biết đường trở lại cái tháp ấy.

Vân bất ngờ lên tiếng, lão thầy cúng chân không giày dép, vội bước lên đống lửa, dẫm cả lên trên những cục than hồng, đến bên cạnh, hỏi:

- Làm sao biết còn nhớ được đường vào tháp?

- Cháu đi sau cùng, đi một đoạn cháu lại chặt vào thân cây một nhát làm dấu, nếu ông muốn vào, mai cháu dẫn đi.

Lão thầy cúng bỗng nhiên quỳ lên trên đám than hồng, rồi đưa hai tay lên trời:

- Yang ơi, lời nguyền, lời nguyền đã bị lũ trẻ này phá bỏ rồi. Ngọn tháp trong gốc cây ấy chính là tháp Yang Prong(7).

- Sao, trong rừng có tháp thật à?

Mọi người ồ lên, hỏi dồn. Lão thầy cúng không trả lời, giơ hai tay lên trời, ngửa mặt nhìn lên các vì sao nhỏ bé xa xăm, miệng không ngớt lầm rầm những câu cầu khấn không ai hiểu nổi. Một lúc sau lão mới đứng dậy nói với mọi người:

Ngày xưa, lâu lắm rồi, có một tộc người lạ chạy loạn tránh giặc từ phía mặt trời mọc lên đây sinh sống. Họ giỏi làm nghề trồng lúa, nuôi tằm, dệt vải nên cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc. Họ xây một ngọn tháp làm nơi thờ cúng. Không thờ Yang, không thờ cha mẹ, ông bà mà chỉ thờ bộ phận sinh dục của người đàn ông và người đàn bà. Ngày tháng trôi đi, không ai biết bao nhiêu mùa rẫy đã qua. Một ngày kia, tự nhiên lũ trẻ mới sinh ra không đứa nào sống được, bỏ đi theo Yang hết. Lũ người lớn chưa làm đã thấy mệt, tay không nhấc nổi cây lao, miệng không ăn nổi miếng thịt... Yang hiện về mách bảo lũ chúng: phải đi về phía mặt trời mọc, nơi tổ tiên xưa kia từng sống; đến bên con sông lớn không có bờ, nước mặn như muối, uống nước đó sẽ khỏi bệnh, trẻ con sinh ra mới sống được. Theo ý Yang, bọn chúng đốt hết nhà cửa rồi bỏ đi, duy nhất ngọn tháp để lại với lời nguyền: Kẻ nào bước vào khu rừng nơi có ngọn tháp sẽ không được trở về nhà nữa. Chỉ khi nào có một đôi nam nữ người Êđê đi cùng Doan đến được bên tháp rồi trở về bình an thì lời nguyên sẽ được hóa giải. Nay ba đứa trẻ này vào rừng Yang rồi trở về bình an đã ứng với lời nguyền đó rồi.

Ông thầy cúng vừa nói dứt lời, bỗng trong rừng vọng đến tiếng một con hổ gào lên như khóc:

-H… ù… m!

                                                   Nhà sáng tác Đại Lải, tháng 11 năm 2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI