Cầm tờ giấy mời về dự lễ đón bằng công nhận trường đạt
chuẩn quốc gia, lòng tôi bồi hồi xúc động. Thế là đã hơn 22 năm rồi. Thời gian
trôi đi nhanh quá. Ngày 10 tháng 8 năm 1986, thầy Vũ Thế Hiển - Trưởng phòng Giáo dục, mời tôi lên trao quyết định của UBND huyện
Ea Kar thành lập trường Phổ thông cơ sở (PTCS) Nguyễn Văn Trỗi đóng trên địa
bàn Nông trường 52 và bổ nhiệm tôi làm Hiệu trưởng cùng hai hiệu phó: Nguyễn
Thị Thanh Hương phụ trách chuyên môn cấp II và Nguyễn Thị Thanh phụ trách
chuyên môn cấp I. Thời bấy giờ trường PTCS bao gồm cả mẫu giáo, cấp I và cấp
II. Cơ sở vật chất của trường tuy mới thành lập nhưng so với các trường khác
trong toàn huyện không nhất cũng nhì. Được Nông trường 52 đầu tư xây dựng cơ sở
vật chất, nên ngoài sáu phòng học xây cấp bốn, mái ngói đỏ tươi, các phòng học
khác đều được lợp tôn, thưng ván;
bàn ghế học sinh, giáo viên được trang bị đầy đủ theo yêu cầu. Ông Cao Văn Hùng
– Giám đốc nông trường 52 thời ấy đã nói với tôi: Mình lo nhất là con em công nhân đi học xa vất vả, mong có được ngôi
trường ở gần để các cháu có điều kiện theo học. Có văn hóa mới có tri thức để
nhận thức đúng và làm việc tốt hơn. Công nhân có thể vất vả thêm một tý, nhưng con cái được học hành đến nơi
đến chốn thị họ sẽ an tâm công tác. Thầy xem có cần gì cứ đề xuất, nếu Nông
trường giúp được gì sẽ giúp!
Phòng
làm việc của Hiệu trưởng chung tường với phòng họp hội đồng, rộng 3,5m, dài
5,5m; được trang bị bàn ghế, tủ hồ sơ đóng bằng gỗ sao và hương; ấm, chén,
phích nước Trung Quốc mới tinh. Trong thời gian ấy nhiều trường ở huyện Ea Kar,
học sinh phải học trong các phòng tạm bợ mái gianh, vách đất, bàn ghế đóng bằng
những tấm bìa gỗ hoặc hai cây tre
ghép lại; Ban giám hiệu có trường phải ở tạm nhà dân, không có chỗ làm việc.Tôi
thấy mình có cơ ngơi như vậy là quý lắm rồi nên chỉ đề xuất: Nếu được, anh cho trường 10 ngàn đồng mua
cho anh em ở tập thể một tay lưới đánh cá cải thiện. Khi ấy các hồ chứa
nước của nông trường cá rô phi nhiều lắm, ai muốn bắt bao nhiêu thì bắt. Ông
Giám đốc cười: Thế thôi à! Thầy cho người sang phòng Tài vụ nhận 15
ngàn đồng, mai tôi cho xe chở lên Buôn Ma Thuột mua luôn. Nhờ có tay lưới
ấy hơn chục cán bộ giáo viên trường ở tập thể không phải mua thức ăn. Chiều
chiều, sau khi tan trường, khu tập thể chỉ để lại hai người nấu ăn, số còn lại
kéo nhau đi thả lưới, bắt ốc. Sau hơn nửa giờ thu lưới, hôm nào có ít cũng được
vài ký, hôm nhiều phải năm sáu ký. Bữa cơm nào cũng có ít nhất ba món cá:
chiên, kho, canh chua; hôm nào các thầy cô siêng một chút có thêm món ốc xào
chuối. Thời bao cấp có cuộc sống vật chất như vậy quả là nhiều trường mơ cũng
không được. Đầu tháng 10, ông Giám đốc Cao Văn Hùng đến văn phòng nói với tôi: Ăn thế nào làm thế ấy! Ăn cơm dạy cơm, ăn
khoai dạy khoai. Người ta lo chạy ăn từng bữa làm sao dạy chất lượng được. Tôi đã bàn với Đảng ủy và Ban giám đốc rồi,
Nông trường sẽ cấp cho mỗi thầy cô 500m2 đất làm nhà ở khu phía sau trường, gần
suối thuận tiện sinh hoạt. An cư mới lạc nghiệp được. Mời thầy đi xem.
Có lẽ làng giáo
viên đầu tiên của huyện Ea Kar đã ra đời như vậy. Ngẫm ra cái ông Giám đốc Cao
Văn Hùng, nguyên là Trung đoàn trưởng quân đội nói chí phải. Từ thực tế các
phong trào trường PTCS Nguyễn Văn Trỗi qua từng năm tháng là một minh chứng cho
nhận xét mộc mạc nhưng thật đúng của ông. Vì công việc tổ chức phân công, thời
gian sau tôi chuyển công tác đi nơi khác, nhưng những kỷ niệm ngày đầu thành
lập trường còn in đậm trong trái tim.
Sáng ngày 18 tháng 12 năm 2008, tôi trở lại ngôi
trường thân yêu tham dự lễ đón bằng công nhận “Trường đạt chuẩn Quốc Gia”. Từ
đường quốc lộ 26A rẽ vào trường, con đường đất khi xưa nay đổ bê tông phẳng lì,
được cắm cờ hai bên. Trường cũ còn đây nhưng cảnh đã khác xưa quá nhiều, trên
khuôn viên 1,2 ha khi xưa, nơi từng có sáu phòng học cấp 4 lợp ngói, một thời
là niềm tự hào của trường nay đã sừng sững mọc lên ngôi trường hai tầng, 8
phòng học. Phía bên trái cổng trường ngày xưa có 4 phòng học lợp tôn thưng ván,
nền đất; nay được thay vào đó một dãy 12 phòng học cấp 4, mái ngói đỏ tươi. Sát
bên hồ, nhà Hiệu bộ xây chuẩn theo
quy định của ngành, soi bóng xuống nước. Phía bên trái sân trường, nhà đa chức
năng cao lồng lộng, nước sơn còn tươi rói, đứng nguy nga như khẳng định sự
trưởng thành của một vùng đất. Sân trường rợp bóng cây xanh, bao xung quanh
những gốc cây ấy là hoa, ta có thể nhầm sân trường với một hoa viên ở thành phố.
Tôi ngỡ ngàng trước những đổi thay như trong chuyện cổ tích. Bàn đón khách đặt
ngay tại cổng chào, hai cô giáo trẻ thướt tha trong tà áo dài, cài lên ngực tôi
bông hồng đỏ thắm. Bất ngờ tôi gặp lại người đồng nghiệp, người Hiệu phó năm
xưa Nguyễn Thị Thanh Hương. Thời gian 22 năm có để dấu ấn trên khuôn mặt mỗi
người, nhưng nụ cười rạng rỡ thì hầu như không đổi. Hai mươi hai năm qua cô
giáo Thanh Hương vẫn gắn bó với ngôi trường thân yêu, chăm sóc cho những chủ
nhân tương lai của đất nước và góp phần xây dựng phong trào giáo dục địa
phương.
Bắt tay rồi ôm nhau thật chặt, Hiệu trưởng đương nhiệm
Nguễn Đại Hành nói với tôi: Cứ tưởng anh
không về được. Anh em giáo viên nhắc anh nhiều lắm đấy, Tôi thấy sống mũi
mình cay cay. Bao năm xa cách và không còn trong nghề dạy học nữa, nhưng bạn bè
đồng nghiệp vẫn nhớ tới mình thì còn gì hạnh phúc hơn. Người đồng nghiệp, người
bạn cùng có thời làm quản lý với nhau và là Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn
Trỗi hôm nay đã trưởng thành từ những ngày gian khó. Trước đây khi đang làm
Hiệu trưởng trường tiểu học Võ Thị Sáu, Thầy Nguyễn Đại Hành được điều về làm
Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Đình Chinh, một trường xa nhất vừa thành lập của
huyện Ea Kar. Có một lần đi công tác tôi tiện thể tìm đường vào thăm trường,
lúc về đến cơ quan còn sợ. Từ thị trấn huyện vào đến trường khoảng hơn 30 km thôi nhưng đoạn gần 10 km từ Nông
trường 714 vào trường mới đáng khiếp. Con đường duy nhất vào trường chỉ là lối
mòn và phải đi qua hai chiếc cầu, một chiếc
được làm bằng hai cây gỗ đại thụ, mỗi cây to chừng một vòng tay người lớn,
dài hơn chục mét; một chiếc khác được bắc bằng hai thanh tà vẹt cầu, bề mặt mỗi
thanh chừng 0,30m. Mùa khô bụi mù, vào đến trường chỉ còn thấy hai con mắt
không phủ bụi nhưng còn đỡ, mùa mưa đi trên con đường ấy là một cực hình vì đất
bết vào xe, đi không được, dắt cũng không xong. Không ít lần người Hiệu trưởng
còn trẻ ấy trở về sau một ngày làm việc qua
được cây cầu thứ nhất đến cây cầu thứ hai để về nhà với người vợ cũng là người
bạn đồng nghiệp và các con ở Nông trường 714, lại phại dừng lại đợi nước rút để
qua cầu. Không biết bao nhiêu lần chỉ một đoạn ngắn khoảng 7m thôi, nhưng đành
nhịn đói, chịu rét gần trắng đêm bên chiếc cầu thứ hai chờ nước rút để trở về
nhà. Có lần liều chạy qua bị nước hất cả người và xe xuống suối; may biết bơi
mới thoát chết và phải ba ngày sau mới tìm thấy chiếc xe nằm dưới lòng suối.
Khi nhà nước làm đường, bắc cầu kiên cố, việc đi lại thuận tiện thì thầy lại
phải vào nhận công tác tại trường THCS Hoang Hoa Thám, giúp ngành cũng cố lại
nhà trường đang trên đà xuống dốc. Vực dậy được phong trào, thầy lại được cấp
trên điều về làm Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Trỗi. Thế là thấm thoắt hơn
năm năm trên cương vị Hiệu trưởng, một cơ ngơi khang trang đã được dựng lên,
đội ngũ giáo viên không những được chuẩn hóa mà còn vượt chuẩn. Từ cái nôi
trường PTCS Nguyễn Văn Trỗi đã góp phần đào tạo cho huyện Ea Kar một đội ngũ cán
bộ lãnh đạo ưu tú đương chức như: Vũ Thị Hoài Nghiêm – Phó ban Tuyên giáo huyện
ủy, Dương Văn Vượng – Hiệu trưởng trường
THCS Chu Văn An, Bùi Văn Tác – Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú huyện, Đặng
Trần Thuần – Hiệu trưởng THCS Nguyễn Khuyến… những thầy cô ngày ấy và hôm nay
trên cương vị mới đang hoàn thành suất sắc nhiệm vụ của mình.
Trong buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo một số ban
ngành của tỉnh và lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện Ea Kar, Ông Lê Ngọc Anh - Phó
chủ tịch UBND huyện phát biểu nêu rõ: Trường
THCS Nguyễn Văn Trỗi là đơn vị thứ hai của xã Ea Đa, là đơn vị thứ 4 bậc THCS
của huyện đón nhận bằng công nhận trường THCS đạt chuẩn Quốc gia… Kết thúc năm
học 2007 – 2008, toàn Quốc có 1195 trường THCS đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ
11,05%, Dak lak có 14 trên 180 trường THCS đạt chuẩn, riêng huyện Ea Kar có 4/15
trường đạt tỷ lệ 26,66%, qua đó mới thấy rõ sự nỗ lực của Đảng bộ, UBND huyện,
xã và ngành Giáo dục là hết sức đáng trân trọng.
Trường đạt chuẩn Quốc gia, vui lắm; nhưng càng vui hơn
khi thấy tập thể cán bộ công nhân viên trường THCS Nguyễn Văn Trỗi thật sự là
một gia đình lớn, đoàn kết thương yêu và có những sáng kiến giúp đỡ nhau như xây
dựng quỹ tình thương để giải quyết cho cán bộ công nhân viên vay khi gặp khó
khăn. Chi bộ - Ban giám hiệu cùng đồng tâm nhất trí cao trong các kế hoạch vạch
ra và biện pháp thực hiện nên kết quả luôn luôn đạt được như mong đợi; bên cạnh
đó việc thực hiện xã hội hóa giáo dục đã được nhà trường vận dụng hết sức sáng
tạo và đạt kết quả mỹ mãn. Năm học vừa qua Hội cha mẹ học sinh đóng góp được
240 triệu đồng để làm đường bê tông từ Quốc lộ 26A vào trường. Việc xây dựng
nhà đa chức năng, nhà nước chỉ hỗ trợ 200 triệu đồng trong tổng dự toán 1,2 tỷ.
Nhờ biết tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương và Hội cha mẹ học sinh đã
huy động được 1 tỷ đồng, kịp thời hoàn thành công trình. Còn nhiều lắm những
việc làm hết sức sáng tạo của Hội đồng giáo dục nhà trường từng bước tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện từng hạng mục
công trình theo mục tiêu đề ra từng năm và sự góp gió thành bão đã gặt hái được thành quả như hôm nay. Trả lời
câu hỏi của tôi về bí quyết gì để xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, Thầy
Nguyễn Đại Hành, Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Không có bí quyết gì đâu, trường chúng tôi
được sự quan tâm của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện và Phòng Giáo dục tạo điều
kiện thuận lợi, để lãnh đạo Đảng bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã Ea
Đa kết hợp với Hội cha mẹ học sinh nhà trường trong công tác xây dựng cơ sở vật
chất. Nếu không có sự quan tâm đúng mức của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là thầy
Lê Ngọc Anh – nguyên Trưởng phòng Giáo dục, nay là Phó chủ tịch UBND huyện thì
không thể xây dựng được cơ sở hạ tầng như hôm nay. Bên cạnh đó việc “đỏ hóa”
đội ngũ cũng góp phần quan trọng nâng cao ý thức của mỗi cán bộ giáo viên, từ
đó chất lượng giáo dục cũng được tăng theo từng năm. Giáo viên dạy giỏi, sống
mẫu mực, học sinh học giỏi, biết vâng lời thầy cô thì tất yếu xã hội phải kính
trọng người thầy và như anh biết đấy mọi việc nhà trường đề ra được cha mẹ học
sinh ủng hộ. Đó chính là nguyên nhân của thành công.
Trường đạt chuẩn Quốc gia, đó là công sức của cả một
tập thể và nhân dân địa phương cùng chung sức góp vào, nhưng vai trò của người
Hiệu trưởng hết sức quan trọng. Sự nghiệp giáo dục huyện Ea Kar trong khoảng
mười năm trở lại đây có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng,
trở thành lá cờ đầu không chỉ của tỉnh mà của cả nước; là huyện vùng cao đầu
tiên của Tây Nguyên đã xây dựng được 19 trường đạt chuẩn trên tổng số 66 trường
ở cả ba câp học (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) đều có trường đạt chuẩn.
Trong niềm vui chung, khi mùa xuân sắp về, một năm mới đang gõ cửa, xin được
chúc trường THCS Nguyễn Văn Trỗi nói riêng và ngành Giáo dục huyện Ea Kar nói
chung, giữ vững phong trào và ngày một phát triển tốt đẹp hơn nữa trong tương
lai.
Câu chuyện rất hay anh à.Năm mới sắp đến, em sang chúc tết anh trước nha.
Trả lờiXóaCUNG kính mời nhau chén rượu nồng.
CHÚC mừng năm đến, tiễn năm xong.
TÂN niên phúc lộc khơi vừa dạ.
XUÂN mới tài danh khởi thỏa lòng.
VẠN chuyện lo toan thay đổi hết.
SỰ gì bế tắc thảy hanh thông.
NHƯ anh, như chị, bằng bè bạn.
Ý nguyện trọn đời đẹp ước mong.
Happy New Year 2013 !
Cảm ơn Hoacomay đã đến thăm và chúc tết chủ nhà.
XóaNăm mới chúc bạn luôn vui vẻ, mạnh khỏe, vạn sự như ý!
Anh làm một tập truyện ngắn anh nhé!
Trả lờiXóaCảm ơn lời khuyên của bạn. Sang năm có dịp đến xứ nhãn nhất định H.C sẽ liên lạc với bạn đấy!
XóaANH HÃY HOÀN THIỆN TRANG ĐI.
Trả lờiXóaVào "thiết kế",theo hướng dẫn,làm thử nhiều lần,sẽ tốt.
Chúc anh thành công!
Cảm ơn bạn, để H.C thử xem thế nào!
Xóa