Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

CHUYỆN LẠ BÊN SÌNH truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - VĂN NGHỆ PHÚ YÊN SỐ 216 THÁNG 7 NĂM 2016




          Cây mai già đứng bên bến nước nghiêng mình tung những chiếc lá vàng cuối cùng theo cơn gió quay cuồng gào thét bước qua. Những cành cây không còn một chiếc lá đong đưa vờn theo gió báo hiệu sáu tháng mùa mưa đã qua, chuẩn bị đón một mùa khô nữa sẽ đến. Mùa khô cũng là những ngày bắt đầu của một năm mới và lũ học trò phổ thông lại được nghĩ mấy ngày xã hơi sau những kỳ thi hết học kỳ căng thẳng, vất vã.
          Lẽ ra H’Chí không phải vào rừng một mình, nhưng Ama đi công tác xa, Amí đang mệt mà người đau nhiều quá. Amí phàn nàn mãi chuyện người lớn bây giờ nhậu nhiều quá, lại uống toàn rượu tây nồng độ quá cao làm cho gan không chịu nổi nên nó hư. Vì cái gan hỏng làm cho da người vàng như nghệ, bụng to như đàn bà có bầu. Thuốc tây tốt đó nhưng gặp căn bệnh này bó tay không chữa được, vì vậy họ mới cần đến amí giúp đỡ. Từ lâu rồi, không biết các cụ tổ từ đời nảo, đời nào truyền lại cho con gái trong dòng họ những lá, vỏ, rễ, củ... của các loại cây mọc quanh nhà hoặc trong rừng có thể cứu được con người khỏi bệnh. Có lẽ chỉ ở rừng Tây Nguyên này mới có loài cây chữa được bệnh về gan. Nhiều người ở thành phố đi ôtô đẹp như trong tranh đến xin thuốc chữa bệnh gan. Nhưng ông to bụng nhiều quá, cây thuốc ở gần không còn nên đành phải đi rừng xa.
          Dòng họ Niê biết khu rừng phía sông Hai, sông Ba có nhiều cây thuốc quý nhưng không ai dám vào vì sợ không tìm được đường ra. Người trong vùng vẫn gọi cánh rừng ấy là “rừng lạc”, “rừng thiêng”. H’Chi có lần hỏi thầy giáo chủ nhiệm về hiện tượng lạ của khu rừng này; thầy bảo: do rừng nhiều cây cổ thụ che lấp cả ánh mặt trời, đất rừng bằng phẳng, không có đồi núi cao xen vào, khe suối lại ít; vì vậy người ta vào rừng không biết mặt trời ở đâu, không biết phương hướng Đông - Tây ở phía nào nên dễ bị lạc. Nhưng mọi người quên một điều, gió quê ta thổi theo mùa; mùa mưa gió thổi từ tây qua đông, còn mùa khô ngược lại. Nếu vào rừng không tìm được hướng thì đốt thuốc lên, nhìn hướng khói bay sẽ biết phương hướng mà về. Tin cái lời thầy nói và cũng muốn làm vui cái bụng của amí, làm đẹp cho cái bụng cánh đàn ông ham nhậu, H’Chi quyết định vào rừng thiêng hái thuốc.
          Người dân tộc Ê Đê vào rừng như người ra ruộng, ra rẫy nhà mình vậy thôi, sau lưng đeo chiếc gùi đan bằng tre, mây, song kết hợp có thể gùi được bốn chục ký, trên vai bao giờ cũng có cây xà gạc. Ama mua cho H’Chi con dao này được nửa mùa rẫy rồi. Ama bảo: con gái được mười lăm mùa rẫy là lớn rồi đấy, đi rừng phải có xà gạc mới cho phù hợp.
          Cây xà gạt của người Ê Đê, lưỡi thép dài độ hai lăm, ba mươi xăng - ti-mét, tra vào cán lằm bằng cây song dài độ một mét, đó là vật bất ly thân của tất cả mọi người dân khi vào rừng. Cây xà gạt không chỉ là dụng cụ lao động bình thường mà còn là thứ vũ khí tùy thân quan trọng. Khi di chuyển trong rừng xà gạt luôn luôn được vác trên vai và điều đó làm cho các loài thú dữ như: Hổ, Báo, gấu... không dám tấn công con người từ phía sau. Loài thú dữ ăn thịt bao giờ cũng rình, chờ con mồi đi qua bất ngờ lao ra để vồ, tư thế bổ từ trên trời xuống. Vì vậy với chiếc xà gạt vác trên vai, lưỡi dao quay về phía sau lưng giống như một cái rừng nên chúng sợ không dám vồ.
          H’Chi bật cười một mình khi nghĩ tới những điều sơ đẳng, đơn giản nhưng thật quý giá mà cha ông truyền lại. Mãi nghĩ, đặt chân vào rừng lúc nào không biết. Cánh rừng thật đẹp, cây mọc từ bao đời như được người gieo trồng xòe tán che kín mặt trời, hiếm hoi lắm mới có được giọt nắng rơi xuống nền đất rừng ẩm ướt, mát lạnh. Càng đi, càng thấy rừng đẹp quá, đẹp hơn cả những trang sách thầy cô đã dạy. Vừa đi, vừa quan sát tìm cây thuốc chặt bỏ vào gùi, H’Chi vừa ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng. Bổng có tiếng la hét ồn ào ở phía trước vọng lại, làm H’Chi tò mò lần tới.
          Khu rừng có cây cối to cao là vậy mà bổng nhiên như có một bàn tay khổng lồ nào đó vét sạch đi một mảng rừng rộng lớn, để trơ lại một khu sình lầy thụt sâu xuống tới hơn hai mét so với mặt đất xung quanh, mặt sình mọc toàn một loài cỏ chỉ xanh rờn. Vây quanh khu sình, một bầy khỉ khá đông có bộ lông xám đen, đuôi ngắn tí tẹo; con rung cây, con đu cành, con nhảy chồm chồm trên mặt đất la hét inh ỏi cổ vũ cho mấy con khỉ khác không biết bằng cách nào đang ngồi vắt vẻo trên mấy hòn đá giữa sình. Bầy khỉ mãi chơi không biết H’Chi đến bên cạnh và phát hiện ra điều lạ: dưới đám sình cứ hai con khỉ ngồi lên một hòn đá đen bóng to hơn chiếc chiêng. Khác với đàn khỉ trên bờ, những chú khỉ ngồi trên mấy hòn đá hoàn toàn im lặng ra vẽ suy tư, hai tay bám chặt xuống hòn đá. Lạ chưa, hòn đá tự di chuyển được. Bốn hòn đá mang theo tám con khỉ, mỗi con phải trên hai chục ký chứ không nhỏ hơn đang nhích dần, nhích dần ra giữa sình nơi mọc một đám cây nhìn qua giống cây rau răm nhưng lá to và cao hơn nhiều. Hòn đá đầu tiên tiến đến sát bụi cây giống cây, hai con Khỉ vội vã giơ tay vơ lá, giật cây nhét vào mồm cho đến lúc cây và lá chống hai hàm lên để lộ những chiếc răng vàng khè, cáu bẩn. Lúc đó “hòn đá” mới từ từ quay vào bờ nhường chỗ cho “hòn đá” sau tiến đến. Nhìn hai con khỉ mồm nhét đầy lá cây thò cả ra ngoài; mắt trợn ngược, trông đến buồn cười. “Hòn đá” di chuyển vào gần bờ trong tiếng reo hò của bầy khỉ. Những con khỉ trên các cành cây đều vội vã xuống đất cố chen lấn ra sát mép sình đón hai con khỉ trở về.
          H’Chi không tin vào mắt mình khi nhìn thấy hai con khỉ vừa được kéo lên khỏi mặt sình vội móc lá trong mồm đưa cho một con khỉ đực to lớn, có bộ râu trắng như cước, con này cầm từng lá chia cho cả đàn. Bầy khỉ đông là thế, ồn ào là thế mà không con nào tranh giành của nhau những ngọn lá được lôi ra từ trong mồm hai con khỉ vừa đi lấy về. Mồm khỉ nhìn nhỏ chỉ bằng một nắm tay, vậy mà đựng được nhiều lá quá. Lạ thật, không biết vì sao chúng lại chia nhau những chiếc lá ấy nhỉ?
-         H... óc !
Bổng có tiếng khỉ thét lên có vẽ đau đớn làm H’Chi giật mình. Ngay sát mép sình, một con khỉ có lẽ vô tình trượt chân, liền bị một con rắn từ dưới đám cỏ bất ngờ lao lên cắn đúng vào chân lôi xuống. Con rắn da đỏ như lửa, đầu có mào như mào gà, màu vàng óng ả đang cố sức lôi con khỉ tội nghiệp xuống sình cỏ. Sau lúc bị bất ngờ, lũ khỉ vội quay lại, con này bám vào chân con kia như người Kinh chơi trò kéo co cố gắng cứu con khỉ bị nạn. Có lẽ do sức kéo của cả bầy khỉ quá lớn nên con rắn phải nhã mồi, con Khỉ bị kéo mất một mảng da chân, máu chảy ròng ròng, mắt trợn ngược, bọt mép xùi ra cả cục; chắc nọc độc con rắn đã ngấm vào thân. Bầy khỉ chí chóe, xô đẩy, chen nhau vào gần con khỉ bị thương, nhả lá trong miệng nhét vào mồm, đắp vào vết thương. Như có phép mầu, máu ngừng chảy, chỉ một lát sau con khỉ bị thương đã ngồi dậy, được đàn công kềnh kéo lên ngọn cây cao. Mấy con khỉ ngồi trên các hòn đá biết đi được bầy khỉ sắp hàng thành một dây khỉ, con này nắm chân con kia treo từ ngọn cây cao sát mép sình xuống gần mặt cỏ kéo lên. “Thang” làm bằng dây khỉ quả là một sáng kiến tuyệt vời của khỉ. Con ở dưới quay người lại leo qua thân các con khỉ khác lên cây và cứ tuần tự như vậy chỉ một chốc chúng đã tản ra trên các cành cây chia nhau những ngọn lá hái dưới sình rồi kéo nhau bỏ đi.
          Chờ bầy Khỉ đi khỏi, H’Chi lại chỗ con khỉ bị thương nằm lúc trước nhặt được mấy mảnh lá vương vãi và kêu lên thích thú .
-         Zàng ơi, cây này ở rẫy mình nhiều lắm mà!
Thật may mắn và bất ngờ tìm thêm được cây thuốc quý, H’Chi lại sát mép sình quan sát mấy “hòn đá” biết đi đang xúm lại ngay gần chỗ con rắn đỏ bất ngờ cắn khỉ lúc nảy. Lại thêm một điều ngạc nhiên nữa, những “hòn đá” biết đi đen bóng chính là những con rùa, trên mai của chúng có những ô như hình cánh hoa sen và đặc biệt hơn mai rùa cũng có hình như được một nhà điêu khắc tài ba chạm trỗ, đường viền quanh mai rùa là những hình cánh hoa sen hết sức cân đối. Bầy rùa đang xúm vào đống quả mít rừng ăn ngon lành. Chắc những quả mít rừng to như nắm tay người lớn được bọn khỉ mang đến đây tặng rùa đấy! Chúng khôn thật, vậy lá cây ấy có tác dụng gì nữa mà bầy khỉ phải liều lĩnh đến đây hái như vậy? Phải về hỏi amí mới được!

          Bật lửa châm que hương mang theo, H’Chi đi ngược theo làn khói để ra khỏi rừng, vì lúc vào đi xuôi gió mà. Vui cái bụng vì hái được nhiều cây thuốc  như ý lại còn vô tình tìm thêm được cây thuốc mới, H’Chi tự nhủ ngày mai đến lớp nếu kể chuyện này cho các bạn nghe chắc chả ai có thể tin trong rừng thiêng lại xảy ra chuyện lạ đến thế. Nhưng nếu bạn không tin xin hãy đến đó một lần cho biết, vì đó là rừng thiêng mà!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI