Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 287 - tác giả NGUYỄN VĂN THANH





BÁC VẪN LUÔN ĐỒNG HÀNH
CÙNG TƯƠNG LAI DÂN TỘC



Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới, Người đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc đã và đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Cứ mỗi mùa hạ bước vào tờ lịch tháng 5, mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều nhớ đến ngày sinh Bác Hồ kính yêu, chúng ta như thấy Bác đang hiển hiện đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc, chúng ta thấy rõ hơn giá trị to lớn về tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời Hồ Chí Minh. Ở Người, ngay từ khi đi tìm đường cứu nước cũng như lúc tìm thấy con đường đúng để cứu nước và giải phóng dân tộc qua bản Luận cương của Lênin, động lực cũng như nhân tố quyết định trực tiếp vẫn chỉ là một: Giải phóng dân tộc, độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào. Trong hành trình đấu tranh để đạt được khát vọng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hành động bằng những việc làm cụ thể: Truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam - trong phong trào công nhân và phong trào đấu tranh yêu nước; chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán; tập hợp, cổ vũ, động viên quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh cách mạng trong Mặt trận, trong các đoàn thể chính trị, các hình thức hội phù hợp yêu cầu từng giai đoạn cách mạng để nhân nguồn sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng xuất sắc, sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam với những thắng lợi vô cùng to lớn, đưa đất nước ta từ lầm than nô lệ, dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến đến độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh là người làm rạng rỡ non sông, đất nước Việt Nam.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến con người, chăm lo phát triển con người. Người tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.  Đó là thông điệp Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến quốc dân đồng bào mục đích phấn đấu suốt đời của mình là vì độc lập, tự do của dân tộc, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Người đã dành tất cả tình yêu thương cho đồng bào, đồng chí, cho già, trẻ, gái, trai, từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc đến Nam...Tư tưởng đó của Người mang bản chất cốt lõi là Đảng, Nhà nước không có lợi ích gì khác ngoài việc chăm lo cuộc sống hạnh phúc, ấm no trong độc lập, tự do, hòa bình thật sự của nhân dân. Vì vậy, chính sách của Đảng, quyết sách của Nhà nước; hành động của từng cán bộ, đảng viên đều phải hướng đến mục đích cuối cùng là vì nhân dân. Đó là giá trị nhân văn cao đẹp, là biểu hiện tiến bộ của xã hội xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.  Đã hơn 70 đất nước độc lập, gần 47 năm thực hiện Di chúc của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đã từng bước được xây dựng, phát triển, củng cố và hoàn thiện về các mặt: lập pháp, hành pháp và tư pháp; thật sự là công cụ quyền lực của nhân dân, đại diện cho ý chí, lợi ích và nguyện vọng của toàn dân tộc. Nhà nước ta đã thực hiện tốt chức năng quản lý xã hội theo pháp luật và tổ chức nhân dân đấu tranh giành thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành đổi mới, đạt được những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, chúng ta không bằng lòng, thỏa mãn với những kết quả đạt được, bởi vì  thực tế chúng ta còn không ít hạn chế, khuyết điểm như: Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là các vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả; còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội… Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại là: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ "diễn biến hoà bình" của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí…Những việc chưa làm được, những hạn chế khuyết điểm trên khiến cho dư luận xã hội còn nhiều bức xúc, nhân dân chưa yên lòng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải nỗ lực phấn đấu không ngừng để khắc phục, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Nhớ lời Bác dạy: “Mình có yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình”. Quan hệ mật thiết, gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân là cái bảo đảm cho sự tồn tại vững chắc của Đảng cũng như của chế độ xã hội chủ nghĩa.  Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn khẳng định: Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; không ngừng quan tâm chăm lo xây dựng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong đấu tranh cách mạng. Với chủ trương, chính sách đúng đắn, đáp ứng quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đến Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta đã tiếp tục hoàn thiện và khẳng định:“Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”.  Đặc biệt, qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Đảng ta cũng đã rút ra bài học kinh nghiệm quan trọng: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm "dân là gốc", vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc” (4). Bài học kinh nghiệm đó không chỉ là sự tổng kết của lịch sử dân tộc, của quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và của quá trình đổi mới đất nước, mà còn là kim chỉ nam cho định hướng phát triển trong tương lai của dân tộc.
Thiết thực kỷ niệm 126 năm Ngày sinh của Bác gắn với sự kiện 105 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2016), toàn Đảng, toàn dân kính dâng lên người triệu triệu đóa hoa tươi thắm, nguyện suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kiên quyết và kiên trì với quyết tâm chính trị cao tiếp tục đẩy mạnh thực hiện toàn diện Nghị quyết Trung ương 4 gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhằm tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI