Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 287 - tác giả PHẠM THỊ THÚY QUỲNH




MỘT ÁNH TRĂNG THỪA
Truyện ngắn


1.
Tới nửa đêm mưa mới ngừng lại, sau dinh thự quan Án, nước rỏ giọt đánh ting tang trên những ang nước nơi căn bếp lúp xúp, cũng là chốn ăn ngủ của mẹ con Lụa. Vì chuẩn bị chậm bữa cơm chiều, thị đã phải ăn mươi đòn phất trần của bà chủ. Bà cứ vụt thẳng tay, không nương tình, làm giờ này lưng thị rát đỏ như phải bỏng, chẳng nằm đàng hoàng được, cứ lật úp người mà rên hừ hừ.
Cái Gái đút từng thìa canh thừa mới giấu hâm lại vào miệng u, chốc chốc lại nấc lên. Lụa thấy mình như sắp chết đến nơi, người đã mỏi lắm mà không sao trở mình nổi.
- Con đỡ u ngồi dậy nhá? – Cái Gái bảo.
Lụa không nói gì, con thị đặt bát canh sang một bên rồi se sẽ vực u nó dậy.
- Con đi múc cho u gầu nước mưa, u xót ruột. – Lụa vuốt vuốt ngực.
- Con chẳng, nước mưa độc lắm.
- U biết, nhưng u nóng ruột quá, con cứ múc cho u một hớp thôi cũng được.
Cái Gái lắc đầu quầy quậy:
- U thương con, u gắng ăn nốt bát canh này cho ấm người.
Lụa thở dài thườn thượt, thị thực không thể đổ bệnh được, đổ bệnh ở đây chỉ có nước chết. Rồi ai sẽ cho con thị ăn?
Lụa bỗng giật mình đánh thót, phải, giờ thị cảm thấy mình yếu lắm, dù trước đây vẫn nghĩ bản thân là mạnh khỏe. Nhỡ thị chết rồi, cái Gái phải làm sao? Giờ nó đã mười bốn, vài tháng nữa thôi là bước vào độ trăng, càng ngày càng xinh xẻo, giờ đã biết ngượng rồi…
Lụa cầm tay con mình, ngắm nghía nó một lượt thật kỹ. Giá như con thị được gả vào một nhà tử tế thì tốt biết mấy. Nhưng thị nợ nhà cụ Án nhiều quá, biết làm sao được đây, dễ đời thị, đời cái Gái, đời con đời cháu cái Gái cũng không trả hết được. Lụa lại thở dài, không hiểu sao nước mắt cứ chực trào ra, nhưng đâu rơi xuống được, chỉ nghèn nghẹn tưng tức nơi cổ họng.
Ngày mừng thọ của quan Án, gia chủ quyết định làm theo sinh nhật lối Tây, mở một bữa tiệc thật to, thật lớn để cả Kinh thành biết mình là tân thời. Thiệp mời được đám người hầu gửi đi khắp các nhà quan lớn, hạng có máu mặt, thậm chí còn đăng một mẩu tin trên báo Hà Thành. Và người ta đồ rằng, ấy là sự kiện hiếm có, quan trọng.
Trước, một bản hòa tấu giữa kèn ta, kèn Tây, kèn Tàu không đáng để nhắc tới. Sau, một cuộc khiêu vũ của đám cậu ấm, cô chiêu với những bộ trang phục đầy màu sắc kèm vô vàn kiểu dáng lẫn hòa.
Trong lúc ánh sáng kinh thành thu hết về nơi đây thì trên tấm phản gỗ đã lên nước đen bóng, hai kẻ tới từ phố Khâm Thiên đã chuẩn bị xong đàn, trống, phách. Chờ tới khi cuộc tiệc tùng nhộn nhịp Âu hóa đã lắng, một góc kia mới bắt đầu nảy tiếng ngọc xuống sàn.
Kép đàn so dây, rồi gảy lên những hơi lạnh buốt. Khách khứa nghe, ai nấy đều rùng mình. Nhưng không dám đánh phiền vào chàng trai đang mải mê với tiếng cầm kia, khi trông thấy chàng rơi vào trạng thái của một kẻ bị thánh thần chọn nhập. Đào nương gõ phách, môi khép ngâm mấy tiếng thật dài rồi hát: “Kẻ về người ở…/ Bồi hồi thay… Lúc phân kỳ/ Khéo quấy người…Hai chữ… Tình si/Lửa ly biệt bừng… bừng không lúc nguội!” Giọng thánh thót đánh động cả thần tiên, tiếng tròn trịa khiến người ai nấy ngẩn. Gia chủ cùng khách khứa đều lim dim mắt, tưởng như trong vũ trụ phồn hoa một khoảnh riêng đây. Hát hết bài “Ca tự biệt”, quan khách mãi mới sực tỉnh cơn mộng, rồi đồng loạt vỗ tay tán thưởng.
Bấy giờ, quan Án mới đứng dậy, nâng ly rượu Tây khắp lượt mà rằng:
- Tiếng ca nương đã tròn, mà tiếng đàn lại thêm tuyệt diệu. Chư vị, buổi vui hôm nay mừng tôi mà cũng mừng cho một cổ vật đã tìm được nơi nương náu. Rồi, quan ngừng lại một lát để lấy hơi và tiếp lời:
- Truyền rằng về thời Lê – Trịnh có một nghệ nhân làm đàn Đáy mà tài đã được xếp vào bậc thần. Khắp ca lầu tửu quán trong Kinh, hễ cứ dùng đàn của ông thì nhất nhất đều nổi tiếng khó sánh kịp. Thế nhưng thói đời suy vi, lễ học băng hoại, cầm nghệ đi xuống. Dần dần, ông chán ngán thế sự, lui về Tản Viên ở ẩn, không rời khỏi đó nửa bước. Ngày nọ, chúa Trịnh nghe tiếng bèn cho quân lính đến đòi, nghệ nhân ấy chỉ lắc đầu không tuân mệnh. Chúa mới phát cuồng mà quát: “Lôi nó đến, không làm thì đập đầu nó, ta cho nó ăn cứt!”. Nghệ nhân biết khó mà thoát khỏi kiếp nạn, bèn quyết định làm cây đàn cuối cùng của đời mình. Rồi, ông lại nghĩ: Sử dụng chất liệu nào đây? Ta đã chán ngán những vật thể thường thường do chính tay mình tạo tác, ta phải tạo ra một chiếc Vô đề cầm(*) truyền kỳ độc nhất vô nhị. Thêm một hớp rượu, quan chỉ vào cây đàn Đáy mà bảo.
- Và, nghệ nhân ấy đã hiến mình cho người học trò bản thân yêu quý nhất…
Cổ vật này lưu lạc, thực không dễ kiếm chút nào…
Quan khách sực hiểu ra, ai nấy đều tái mặt, tránh mắt khỏi cây cầm. Song, tựa như một vật có uy lực, lát sau, họ buộc phải níu song nhãn – bấy giờ đã bị niềm nỗi tò mò làm cho đờ đẫn – trở lại với những dây gân. Không rõ là ai chợt thốt:
- Hay là hát thêm một khúc. Tắt hết tạp âm đi!
Hồ không nghe thấy, kèn Tây, Contrerbasse vẫn phát những âm inh tai, lơ lớ, nhai nhại. Chúng nhân bắt đầu nhao nhao, ép nhạc công dừng lại, thậm chí có kẻ còn buông lời thóa mạ, có lẽ đã vô tình tổn thương tới trái tim của kẻ kéo đàn(?).
Không gian chợt thu mình im ắng, trầm ngâm tựa cổ tự một gian. Đàn buốt não nùng âm vẳng, mãi mãi để cho nhân thế biết tới một mẩu cố sự tưởng như vô lí nọ.
Ca nương rùng mình, buông lời:
“Buồn sực nhớ đài trang cảnh cũ
Nhớ trượng phu trong dạ bàn hoàn
Mái tây sơn sương tỏa mấy lần
Thân cái nhện không vò mà cũng rối…”
Có ai cảm thán:
- Giá mà được nghe tiếng đàn này, giọng hát này thì hẳn cụ Bá sẽ tỉnh lại. Cụ vốn là người mê cô đầu…
“Chỉn tại tơ hồng trêu quấy nỗi
Há rằng dây đỏ ghét ghen chi…”(**)
Một kẻ khác gật đầu, đón lời:
- Quả vậy. Nghe đâu thầy bói phán năm nay nhà cụ gặp vận đen, đại hung đấy, vớ vẩn có tang như chơi! Nhưng cũng không phải không có cách, ấy là cụ phải cưới về nhà một bà vợ mới, may ra mới thoát được.
- Lại có chuyện như thế à?
- Chẳng biết con cái nhà ai vô phúc…
Song, biết mình lỡ lời, y vội vàng lảng sang chỗ khác, tránh khỏi cái nhìn của quan Án bấy giờ đã thoáng nét hoang mang. Vì cụ Bá thực gia cảnh rất khá, quyền thế không kém ai, nhưng ấy là trước kia, khi cụ còn mạnh. Hiện, cụ phải nằm một chỗ, mọi chuyện trong nhà đều do sáu bà vợ thay nhau gánh vác, đảm đương.
Quan Án ngắm nhìn con gái mình là tiểu thư Đan Khuê, cử chỉ lời nói đều toát ra vẻ Tây học. Mẫu gia đình đổi mới là điều quan mong ước, và nó đang làm ngài hài lòng. Thế nhưng… Không hiểu sao, ngài bỗng thấy lo lo.
- Lạy quan, bà cả nhà cụ Bá đã tới, bà đang ở ngoài cổng ạ. – Thằng hầu rón rén bước vào, báo tin.
Quan Án giật mình, hai mắt tối lại: “Dù trong Kinh, ngài được người Tây bảo hộ, nhưng liệu có chắc mình không bị nhắm tới? Giả như có kẻ nào khích tướng từ bên ngoài có phải hỏng cho gia đình này không!”
Quan luống cuống:
- Sao mày để bà lớn chờ ngoài ấy, mau ra mời bà vào, nhớ nói năng lễ phép, biết phỏng?
- Dạ.
Vầng trăng giờ đi vắng, dải Ngân hà chỉ còn lại là nỗi tiếc nhớ trong lòng những kẻ yêu đêm, để ngoài kia mưa giăng sụt sùi tỉnh thức, thằng hầu xòe chiếc dù che cho quý bà nọ. Mình mẩy nó ướt lướt thướt, cum cúp theo sau người nọ.
- Chào quan Án. – Bà cả mỉm cười.
Chủ nhân nâng một ly rượu, mời phu nhân nọ, cũng cười:
-  Chào chị. Tôi nghe nói mấy hôm nay cụ Bá không được khỏe, chẳng hay giờ
cụ đã được bằng cũ hay chưa?
- Cảm ơn quan đã hỏi thăm, nhà tôi vẫn đang chạy thuốc. – Bà cả lắc đầu, ra chiều buồn rầu nói. Nhưng rồi, khi rượu chạm môi, bà bỗng chững tay lại, ngước mắt nhìn về phía đám đông đối diện và hỏi. – Không hay con cái nhà ai kia?
Quan Án ngạc nhiên, song liếc nét mặt của bà cả, không hiểu vì sao lại vui vẻ bảo:
- Nó là con sen Gái.
Ngoài kia, cái Gái đương thoăn thoắt bưng bê, dọn dẹp, không mảy may sai sót hay thất thố. Bà cả mỉm cười, lại rời mắt nhìn tiểu thư Đan Khuê. Quan Án giật mình đánh thót, con gái ngài mới bước vào tuổi mười sáu...
Bà cả tươi cười bảo:
- Tôi có việc này muốn nhờ quan, chẳng hay có được hay chăng?
Đã mấy ngày nay, cái Gái vẫn bần thần về việc mình sẽ bị gả đi để làm thiếp của cụ Bá, mặc dù tuổi nó không phải dành cho những suy nghĩ ấy, không phải dành cho những lo toan ấy.
- U ơi, sao lại vô lý thế hở u? – Gái nức nở hỏi.
Lụa ôm con vào lòng, lau nước mắt cho nó.
- Không sao đâu con.  – Lụa vuốt tóc cái Gái.
Mặc dù cụ Bá đương lâm cơn ác bệnh, nhưng biết đâu, nếu lời thầy bói là đúng thì đời nó sẽ thay đổi.  Nó có thể thay u trả món nợ kiếp kiếp cho quan Án. Và cũng biết đâu đấy, vợ quan vốn hay ỷ thế sẽ phải lễ phép mà kính trọng u nó, kính trọng nó. Biết đâu đấy…
Lụa bật cười.
Gái về nhà cụ Bá vào chiều mưa hai hôm sau.
Trong nhà bếp,  Lụa lấy trang sức phấn son mà bà Án gửi đưa để điểm trang cho nó. Xong việc, thị hết cân chỉnh mảnh gấm trên tóc con, lại vuốt phẳng bộ áo tấc. Mặt thị đỏ gay, môi mím chặt lại. Vì là cưới lấy may nên không có đám cưới rình rang, nhất là giờ ở nhà chồng, con gái thị chỉ nhận lấy cái danh mợ bảy và không biết cụ Bá – giờ đang rên hừ hừ trên giường vì chứng ho lao kia sẽ theo chầu tổ tiên lúc nào.
- Lạy u, con đi… – Cái Gái rơm rớm, quỳ xuống lạy u nó. – Con đi rồi con sẽ về.
- Ừ…
Chần chừ một lát, Gái cắp chiếc nón quai thao và bị vải, đi một mạch. Ra khỏi cổng sau, anh đầy tớ nhà cụ Bá đang đợi. Đường vắng tanh, mấy cành cây khô gãy chỏng chơ dưới đất, đám lá chuối thì đập phần phật vào thân. Gái che chiếc nón thật thấp. Thấy nó, người đầy tớ liếc cái bọc vải, hỏi:
- Cái gì đấy?
- Quần áo của tôi.
- Thôi, lạy cô, vứt hết đi! – Người đầy tớ ngoẹo đầu nói. – Trời thì mưa, mang đồ lỉnh kỉnh làm gì? Tới nhà cụ chủ thì gì cũng có, mời cô cứ việc dùng.
Gái rơm rớm:
- Tôi xin anh, giữ cho tôi làm kỷ niệm.
Anh đầy tớ sốt ruột, đảo mắt một cái, buộc lại cái sợi dây chuối trên chiếc áo tơi rồi bảo:
- Nào, đưa đây, không cụ bà mắng. Đi nhanh!
- Đội ơn anh. – Gái không dám khóc, nó đi theo người kia, không dám ngoái lại.
Xung quanh, ngoài tiếng mưa, không một tiếng động nào khác, Lụa bấy giờ mới dám mở mắt ra. Thị ngơ ngác nhìn cánh cửa trống hoác trông ra bụi cây um tùm, đứng dậy đóng chặt cửa bếp. Chặn thêm vào đó chiếc ghế mây, đẩy lại đống rơm, nhen lửa nấu bữa chiều. Nước mắt vòng quanh mi rỏ xuống cổ, chan vào niêu cơm. Thị ôm ngực, ngồi bệt xuống, lửa vẫn cháy bừng bừng.
Mưa tạnh, đầu trời thừa một ánh trăng.
Ngoài kia, anh đầy tớ thoăn thoắt dẫn đường cho người vợ lẽ mới của cụ Bá mà sau này cả thiên hạ sẽ phải gọi là bà bảy. Gái chốc chốc ngoái lại phía sau, chỉ thấy một vùng mênh mông nước. Bước chân xa mãi, nhà cũ không về được. Phân trâu bết vào đám cỏ hai bên đê. Đường trơn như mỡ chỉ mong kéo người trượt ngã. Anh đầy tớ - nhân một lúc Gái không để ý, đã len lén quẳng bọc vải đi. Vật ấy lăn tròn, mắc phải một cành củi khô liền bung ra, đám quần áo nâu lăn lóc xuống ruộng, bê bết bùn đen…
Ngay sau khi cưới vợ bé được hai hôm thì cụ Bá cũng cưỡi hạc về Tây, thảy mọi người đều bàn tán người vợ mới này là điềm xấu. Dần dà, một tháng, hai tháng, họ cũng quên mất cô. Bà cả bấy giờ nghiễm nhiên nắm trong tay mọi quyền hành, toàn bộ gia sản và ruộng đất do chồng để lại – trở thành nỗi ganh tị của hầu hết phụ nữ kinh thành.
Trời tối rồi, trăng tạt nghiêng hắt xòa trên nền đất đã khô đi nhiều. Lụa cắp thúng rau cho lợn ăn bên hông, chân thoăn thoắt trở về. Không rõ tự bao giờ, con gái thị đã đứng trước cổng sau để đợi. Thị vui mừng khôn xiết, hai tháng chưa gặp con, thị nhớ nó chừng nào. Nhưng, trái lại, vừa trông thấy Lụa, mợ bảy đã nhào ra ôm lấy thị, rơi nước mắt:
- U ơi!
Cánh tay của Lụa vòng ra sau lưng con, song không dám ôm tì nó vào người mình, chỉ để hờ như vậy:
- Con về, bà cả có biết không?
Mợ bảy không trả lời, chỉ nức nở:
- U ơi, u cho về với u, u nhớ!
Lụa buông con ra, đặt thúng rau xuống, lau nước mắt cho nó:
- Mày làm sao thế hả con, về thế nào được mà về!
- Con trốn ra…
- Mày điên rồi con ạ. Bà cả mà biết thì mày rục xương. Về, về ngay! – Lụa giật mình, thốt lên.
Mợ bảy càng gào khóc dữ dội, vạch tay áo lên, chỉ thấy trên đó đầy những vết lằn roi tấy ửng. Ruột Lụa buốt buốt.
- Lạy u, u cho con về.
- Giờ mày là con người ta rồi, u muốn cũng chẳng đặng.
- Con sẽ tới xin quan Án… Làm trâu làm ngựa con cũng chịu.
Lụa ngoảnh mặt, đẩy con gái sang một bên. Tiếng mợ bảy tắc nghẹn, không còn nghe rõ. Mợ vẫn níu chặt lấy áo mẹ, búi tóc xổ ra, dưới ánh trăng, lại trông như ma quỷ hiện hình. Lụa rảy không được, bèn cầm dao chặt một nhành cây mỏng bên tường rào. Thị quay đầu, tay cứ thế quất thẳng vào người mợ bảy. Tiếng kêu ré xé toạc màn đêm, nó buông thị ra, rồi lại bấu chặt lấy. Lụa càng đánh tợn hơn:
- U bảo rảnh rỗi thì sẽ tới thăm mà mày còn giở thói hư đốn. Bây giờ mày có đi không thì bảo!
Tiếng roi xé gió vun vút. Mợ bảy nấc nghẹn, thả vạt áo của Lụa ra, nhìn u mình một cái rồi bỏ chạy. Lụa thẫn thờ vứt roi đi, mọi âm thanh lắng xuống – im lặng tuyệt đối – không còn ai, không còn ai nữa cả. Thị lau một giọt nước ấm nơi hốc mắt, đi vào nhà.
Đầu trời thừa một ánh trăng, đổ lên tấm thân xiêu vẹo của mợ bảy đang lê gót trên vỉa hè. Đàn ca vang lên giữa không gian, giờ này cũng chỉ còn phố Khâm Thiên là nhộn nhịp. Mợ bảy ngẩng đầu, vô thức bước về hướng phát ra tiếng phách, bóng lưng mất hút vào giọng ca nương.
Ba hồi trống vang lên dõng dạc, mây nhiễm bẩn là là liệng đường cung lướt sát trên các ngọn cây cổ thụ, tạt ngang đầu thành, chạy trốn đi mãi. Để rồi, một tiếng nổ bất đồ rền vang. Sấm đấy. Mà chớp đây. Sấm chớp cùng nhau kéo tới, xé nát bầu trời, đánh tan những đám mây đen nhơ nhớp, và rồi, thoáng chốc, cơn mưa rào đã đổ xối xả. Mưa tanh ngập ngụa một mùi khăn khẳn kéo lê dọc vỉa hè, kéo tràn bờ đê, cuốn trôi mọi vật cản đường, làm sạch hết thảy các kênh mương, con lộ.
Cố chạy cho kịp trận giở mặt của trời, Lụa lập cập cắp cái nón rách cố chạy tới nhà cụ Bá. Song, mưa to quá, thị đành ghé vào hiên trước của một tiệm may tân thời. Tiệm đóng cửa vắng tanh, ngoài treo biển báo “Hôm nay xin nghỉ”. Thấp thoáng sau tấm rèm xanh màu lục ngọc che chắn, mỗi dịp ánh chớp lóe lên là mỗi dịp những đường riềm, đường may tỉ mẩn lượn trên các tấm vải sặc sỡ nhân cơ hội hiện ra mà khoe khéo với đời.
Lụa kéo cao hai ống quần thụng nâu, ngồi bệt xuống đất, cắp nón che lên đôi bàn chân nứt toác với những móng chân bết bùn cáu bẩn. Nước từ chỗ dột thủng trên mái chìa cứ thế rỏ xuống, khiến đầu thị ướt nhẹp, từ hai bên gò má xuống tới cổ hằn những vệt nâu vằn vện.
Hai bên vệ - Nơi giao nhau giữa vỉa hè và cái quan giờ đã biến thành đôi dòng suối nhỏ, róc rách chảy xuống cống. Trước mặt kia là tòa soạn báo Hà Thành, bên cạnh có một quán phở.  Phở ở đây, loại có thịt thì một hào một bát, còn loại không thịt thì năm xu một bát, trong quán lác đác mấy đầu người lố nhố hít hà bát nước dùng nóng bốc mùi thơm của quế và đại hồi hòng ấm người. Lụa nuốt nước bọt rồi ngoảnh sang chỗ khác.
Đã một năm kể từ khi cái Gái theo cụ Bá, đã tám tháng kể từ cái đêm ấy, nhưng Lụa lại không nghe được bất kỳ một tin tức nào từ con. Thân phụ nữ về nhà chồng như bát nước đổ đi, thị đành phận tới thăm lén cũng được.
Ngoài đường, mấy mụ vừa tan chợ chiều buộc váy đụp lên ngang bắp chân, đội thúng tất tả chạy về. Âm thanh của bánh xe khẽ cuộn, lão xích lô cúi mặt nhìn đường, chân trần sũng nước, đưa một quý phu nhân về dinh thự. Thế nhưng mưa to quá, chiếc ô trên tay mợ cứ chực bay mất, tấm áo dài gấm dính bết vào cơ thể gần như phô bày tất cả.
- Dừng, dừng ở đây cho bà.
Lụa sững người, lập tức ngước mắt nhìn lên, vì giọng nói này sao mà quen thuộc đến thế?
- Dạ. – Lão xích lô khựng đường kéo, thưa một tiếng rất vang.
Nhanh chóng, lão dạng hai chân ra làm trụ, đôi cánh tay gầy tựa khúc cây chùng thấp, khẽ đặt tay kéo xuống đất để khách khỏi hãi vì bất ngờ. Mợ bảy, khác hẳn với đêm tới tìm mẹ  – Với vẻ điệu đàng nhất – bước khỏi xe, tránh mình vào hiên tòa soạn báo Hà Thành, cất giọng hỏi:
- Hết bao nhiêu?
- Dạ, con xin bà sáu hào.
- Sáu hào? – Mợ giật giọng – Lão định cứa cổ nhà tôi phỏng? Thuê con sen thạo việc, lương tháng nhiều lắm cũng chỉ bảy hào. Hai hào, có lấy thì lấy!
Lụa giơ tay định vẫy con, song bỗng thừ người ra, cánh tay trượt xuống. Lão xích lô vuốt mặt, ngoẹo cổ khum lòng bàn tay lại khẩn khoản:
- Bẩm, con còn phải trả tiền cho ông cai xe đầy đủ, không thì chết.
- Ba hào.
- Lạy bà, mong bà thương cho. Bình thường chạy từ Khâm Thiên về đây đã ngót đồng hai, huống chi con hộ tống bà từ tận Gia Lâm.
- Bốn hào, được chưa? Lằng nhằng mãi thế!
Lão xích lô chắp tay vái lấy vái để, nước mắt nước mũi trào cả ra, cái nón bị gió tạt nhưng vướng dây nên cứ vướng ở cổ, lão luôn miệng:
- Lạy bà, con còn cháu nhỏ. Lạy bà, lạy bà…
Mợ bảy nhíu mày, lắc đầu chặc lưỡi, liếc mắt cau có nhìn lão xích lô một hồi,
cuối cùng cũng móc trong túi ra sáu hào, rồi vừa đẩy vừa xua:
- Đây, đi đi!
Lão cập rập xin tạ rồi lại lọc cọc kéo xe đi. Bỗng nhiên, một chàng nào bước ra từ tòa soạn, ôm lấy mợ bảy. Không rõ y rót vào tai những gì mà mợ ra chiều thích thú lắm, tủm tỉm níu theo cánh tay ấy vào bên trong.
Nụ cười trên môi Lụa đông cứng lại, thị ngửa cổ, lồng ngực tưng tức, nước bẩn lại tuôn đầy mặt. Lạnh quá. Hình như cũng một đêm khác, khi quằn quại ở ổ rơm nhà quan Án để sinh cái Gái, trời cũng trí trá đầy ác tâm như vậy.
Nước luồn vào mắt Lụa, cay xè, chảy xuống môi đượm vị mặn chát và luồn vào cổ áo, thấm vào xương tủy hòng làm người ta lên cơn sốt.
Đến nửa đêm, người trong tòa soạn đã về hết, mợ bảy và người nọ bắt xích lô.
Xe ngoặt lại, thẳng hướng Khâm Thiên mà chạy.  Lụa vơ vội cái nón che mặt. Cô vợ mới của cụ Bá ném xuống chân Lụa ba hào, trước khi tiếng lọc cọc mất hút vào màn đêm, tiếng hát ngọt vẫn đọng lại:
“Đời người… Đời người thử ngẫm mà hay/ Trăm năm là ngắn… Một ngày dài ghê!”(***)
Đầu trời thừa một ánh trăng tuôn tràn nhờn nhợt, xé một vệt dài kéo đến chân trời.

Chú thích:
(*) Đàn Đáy hay còn có tên khác Vô đề cầm.
(**) Trích “Lời tiểu thiếp tự tình” của Nguyễn Công Trứ.

(***) Hai câu trong bài “Đời đáng chán” của Tản Đà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI