Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 286 - tác giả NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT


Tác giả NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT


CẢM VỀ THƠ HÀN MẶC TỬ



Pôn Valeri ngậm ngùi mà thốt lên rằng: “Cái đẹp là cái làm ta tuyệt vọng” và có lẽ thơ Hàn Mặc Tử là định nghĩa đáng sợ về cái vẻ đẹp ấy. Trong nỗi niềm tuyệt vọng, u mê nơi thôn Vĩ, thấp thoáng ảo giác về một thực tại xa vời, một hiện tại sao quá đỗi ngắn ngủi, kiếp người quá phù du! Tất cả những cảm giác này thấm vào điệu thơ khiến âm điệu trở nên da diết, ám ảnh lòng người…
Giải mã hồn thơ lạ nhất, bí ẩn nhất và cũng đầy bi ai của làng Thơ mới,  ta rất cần một hướng đi đúng đắn mà theo Chu Văn Sơn đó chính là “sơ đồ chỉ dẫn, một thứ chìa khóa then chốt bao trùm mạch tình ai oán”. Và có lẽ, không mấy xa lạ, chìa khóa ấy là kết tinh của một “tình yêu tuyệt vọng”, một lối “thơ điên” và “lớp trầm tích những biểu tượng”. Nếu “tình yêu tuyệt vọng” quyết định điệu nhạc tâm hồn, thì lối thơ điên chi phối khung cảnh và cấu tứ không gian... Trong lúc ấy “lớp trầm tích biểu tượng” đan cài dệt nên hệ thống ngôn từ, hình tượng đặc sắc, tạo nên cái không khí ám ảnh, ma mị. Nhưng có lẽ hơn hết, cái ám ảnh lòng ta mãi chẳng rời chính là chất men tình si của một tâm hồn tuyệt vọng. Tuyệt vọng là khép lại hi vọng, là chấm dứt, kết thúc trong chán chường, đớn đau vô bờ, thế nhưng tình yêu vượt xa quy luật ấy, ai bắt ép tình yêu cứ phải oằn mình đớn đau trong mọi khuôn khổ hà khắc. Đâu phải bất cứ nỗi tuyệt vọng nào cũng đủ sức tàn phá, quật ngã lòng người, còn đó bao phút si say nâng tình thăng hoa trên địa phận bi ai, tuyệt vọng…
Sống trong cái dự cảm khôn cùng, khắc khoải về phút giây chia lìa, Hàn Mặc Tử đẩy mình tới điểm chót cùng của đớn đau để mà cô đơn níu đời, nuối đời, tiếc tình rồi hối hả chạy đua. Lạ thay! Qua lăng kính não nề của tuyệt vọng, cảnh sắc lại ánh lên vẻ đẹp ảo diệu. Người xưa có nói “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Thế mà ô hay! Lòng Hàn Mặc Tử buồn thế, sầu vấn vương mà cảnh lại đẹp như cõi mộng, lộng lẫy, thanh khiết, trinh nguyên tột cùng. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên bởi càng đẹp thì lòng người lại càng tuyệt vọng thêm bội phần, càng bi ai cảnh càng rực rỡ. Vậy mới đáng bàn khi Hàn Mặc Tử đã buông mình phá bỏ quy luật tình cảm ngàn xưa để hướng về cảm quan mới mẻ, tình và cảnh không còn ở trạng thái tĩnh, chuyển dịch đồng thuận mà thành ra thế đối lập, mâu thuẫn mà hòa hợp, vô nghĩa lí mà lại hợp tình… Đó là cái tài của hồn thơ! Điều oái oăm thay là tuyệt vọng, bi ai tự giờ khắc nào đã trở thành cảm quan, một cách đến với đời riêng có của Hàn Mặc Tử. Ẩn sâu trong mỗi dòng thơ tươi vui mà cả một nỗi u hoài, có quá lời chăng khi khẳng định “Đây thôn Vĩ Dạ là lời tỏ tình với cuộc đời của một tình yêu tuyệt vọng”. Không chỉ dừng lại ở bề mặt, tình tuyệt vọng thâm nhập, can thiệp vào tầng sâu hơn nữa, tình yêu, nỗi niềm khát khao giao cảm với đời đã hóa thân thành nỗi mặc cảm sâu xa, chia lìa chạm ngõ. Trước tiên, nó đổ bóng chi phối cách cảm không gian, dàn dựng nên cấu trúc thơ đầy hứng khởi. Hàn Mặc Tử tuyệt giao với tất cả, thu mình nơi lãnh địa lạnh giá, tối tăm, thèm lắm chứ thế giới tươi mới ngoài kia. Tiếc thay! Sợi tơ lòng ngăn cách hai thế giới “trong này” và “ngoài kia” quá rõ ràng, phân định rạch ròi địa phận tử - sinh, giữa tâm cảnh và ngoại cảnh… Buồn làm sao khi lấp ló, thoắt ẩn thoắt hiện sau bức rèm ngăn cách ấy là một “ngoài kia” thanh sắc rộn ràng, một mùa xuân tràn đầy niềm trăng, ý nhạc, tràn trề nhựa sống, rạo rực ánh ban mai, ấy là nơi cuộc đời bừng tỉnh. Hãy xem nơi lãnh cung Hàn Mặc Tử thu mình còn gì khác hơn ngoài tâm hồn lẻ loi, đơn chiếc. “Trong này” buồn lắm, chẳng có mùa đâu, xuân qua, hạ đến, thu về, đông sang có là chi khi lòng người nhuốm sầu quá đậm. Hàn Mặc Tử yêu trăng, yêu cái nét “trăng sõng soài trên cành liễu đợi chờ” vậy mà đời ác lắm thay khi nàng trăng cũng chả thể âu yếm, an ủi chàng. Trăng không có, trăng thuộc về miền xa, nơi chàng chẳng thể với tới được. Không trăng rồi, ánh sáng cũng không, nhạc nơi đâu sao chẳng cất lời xua đi cái không gian u mê, tăm tối, mờ mờ nhân ảnh này. Ôi lãnh cung! Ôi trời sâu, khổ hạnh tràn về…
Thế đó! Trong này, chỉ có thể giao thoa với trăng, với thế giới lung linh sắc bằng ước vọng thầm kín không biết giãi bày cùng ai, khắc khoải và xa xăm mãi… Hàn Mặc Tử mơ về Vĩ Dạ, khao khát thêm một lần đặt chân lên bờ đất thân thương, đồng nghĩa là chàng thèm đời tươi, thèm hương nhụy cuộc sống tràn đầy… Không gian tương phản rõ nét, không chỉ là mặc cảm về sự sống mà còn là sự bủa vây của ám ảnh chia lìa đôi ngả…
Mặc cảm chia lìa khiến Hàn Mặc Tử tự lạc mình hóa thân thành kẻ lữ khách, một “kẻ đứng ngoài”, “kẻ đi ngang qua cuộc đời đẹp tươi”, “kẻ tự nguyện chia lìa cõi đời”, “kẻ dám kìm lòng rời khỏi cuộc vui”… Kẻ ấy chỉ biết đứng lặng nhìn cuộc đời qua lăng kính bi thương, phả màu tiếc nuối…!
Tình cảm có sức lay động diệu kì, mạch thơ, cấu tứ cũng từ đó mà đổi thay, mới khi nao không gian ngập tràn sắc nắng hàng cau “xanh mướt quá” gợi cuộc sống hạnh phúc, ấm êm mà giờ cuộc sống ấy đâu rồi, phải nhún mình nhường tình tuyệt vọng, sầu ứ đọng bấy lâu tự lòng người chảy tràn đong đầy sông trăng. Thực tại phiêu tán… Tất cả dường như đang cất bước vội đi ngay: gió bay mất, mây cũng trôi về phía cũ, nước cũng cố mà chuồi xa mãi… có gì ngang trái, trớ trêu thay! Tựa như thuyền và nước của chàng Huy Cận, gió – mây làm sao có thể tách rời, gió thổi thì mây bay ấy thế mà sự chia lìa đã nhẫn tâm chia cắt vả những thứ vốn chẳng thể rời xa. Dòng nước buồn vì tự mang trong tâm trạng hay chứng kiến khoảnh khắc tống biệt của mây gió mà lòng buồn tự nhặt sầu thả lòng sông sâu? Dòng nước trôi đi rồi có bao giờ trở lại được đâu, buồn làm gì nữa, có cố ngược dòng mà níu đời, níu vẻ đẹp hương sắc cũng có được chăng?
Hàn Mặc Tử ơi! Trong lãnh cung Hàn Mặc Tử có hay chăng nàng trăng đang theo thuyền vội cập bến tương ngộ cùng chàng. Thuyền lênh đênh sông nước và thuyền chở trăng. Thuyền ngả nghiêng bên sông nước, lững lờ giữa bến sông trăng như đợi “bốc” trăng lên đi du ngoạn nơi bến khác. Ta bắt gặp trong hình ảnh con thuyền dáng dấp của Hàn Mặc Tử, phải chăng chàng đang hóa thân để hồn buông theo gió, vượt lãnh cung mà giao cảm với đời? Thuyền cũng lẻ loi nương theo bờ Hương giang, mải mê, nao nức cùng điệu hò vút cao, ngọt ngào xứ Huế… Liệu có chở trăng về kịp tối nay với những hẹn thề, nguyện ước tháng năm xưa cũ? Kịp mà làm gì và rồi trăng sẽ trôi về phương nao? Hàn Mặc Tử khao khát mang trăng về Vĩ Dạ mà giấu cho riêng mình nhưng thời khắc trôi nhanh lắm đã hơn một lần phụ tình chàng thi sĩ si trăng. Gió và mây cứ trôi nhẹ trên nền trời, dòng nước lẫn hoa bắp lay vẫn nhẹ nhàng đung đưa… Tất cả chìm trong mộng ảo, hư thực khó định phân, thế giới mộng lấn át thế giới thực. Thị giác cũng đành bất lực bởi cảnh thiên nhiên đâu còn như xưa nữa mà đã hóa cảnh tâm tình... Thuyền đắm trong sầu, ngụp lặn với muôn vàn mộng ảo để rồi đưa trăng lỡ chuyến… “Tối nay” khoảng thời gian phiếm định nào thế? Phải chăng chàng đang cố thốt lên “chạy đua với thời gian”. Quỹ tích nhựa sống đang vơi đi từng giây, từng khắc, đang vĩnh viễn lên đường lìa bỏ chàng đấy, gắng gượng lên hỡi chàng! Nỗi mặc cảm vẫn cứ bủa vây mãi thế, áo em trắng quá lóa mắt tôi hay em trong sáng, trinh khôi quá, lại thêm sương khói mờ nhân ảnh, cao xa quá tôi chẳng thể vời? Đã lóa mắt vì sắc trắng, lại không rõ dáng hình phải chăng vì lẽ đó mà thi nhân lo sợ? Lối dùng từ cực tả thật chuẩn xác “áo em” sao mơ hồ mông lung quá, là hiện thân của nhân vật trữ tình hay thôn Vĩ, cho xứ Huế hay là thế giới “ngoài kia”… không rõ nữa, đến ngay cả thi nhân cũng ngờ ngợ hoài nghi chính dòng xúc cảm chảy tựa hồn mình…
Thôi! Đành vậy đi, mong mỏi, đau thương để làm gì, đừng cố níu những thứ chẳng thuộc về mình. Thả trăng trôi đi có được chăng? Cảm phục chàng đã để lại cho thi đàn Việt Nam khúc thơ xinh “Đây thôn Vĩ Dạ”, một nỗi sầu đời duyên dáng, tinh tế, một nét đặc trưng điển hình nhưng cũng rất mới mẻ trong vô vàn nỗi sầu thời thế, sầu thân thế, sầu nhân thế của Thơ mới. Dòng thơ băng mình chảy chệch quỹ đạo ấy sẽ sống mãi cùng thế nhân, đọng lại ám ảnh nỗi niềm muôn thế hệ…



1 nhận xét:

  1. Đọc bài viết này chắc chắc nhiều người không thể tin tác giả chỉ là cô gái người dân tộc ít người học lớp 12 trường chuyên Nguyễn Du, thành phố Buôn Ma Thuột và cũng là trại viên Trại sáng tác Thơ - Văn HƯƠNG RỪNG!

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI