BÀI THƠ NHỎ CHỨA TÂM HỒN LỚN
(Nhân đọc lại bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc của Hồ Chí
Minh)
Nhớ lại chuyện của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh kể cho chúng
tôi khi thầy dạy chuyên đề “Phương pháp tìm hiểu thơ văn Hồ Chí Minh” năm
1985, hồi tôi đang học Cao học tại trường ĐHSPVinh. Câu chuyện đại khái: Năm
1960, nhân kỉ niệm 70 năm sinh nhật Bác Hồ, Viện Văn học quyết định xuất bản tập
thơ “Nhật kí trong tù” của Người. Bấy giờ giáo sư Đặng Thai Mai là
viện trưởng. Trước khi xuất bản tập thơ, giáo sư Đặng Thai Mai có đến gặp Bác để
xin “ý kiến” của tác giả. Bác nói: Công việc chuyên môn các chú cứ làm theo kế
hoạch, nhưng Bác nói thật: Đó là tập nhật kí của Bác chứ thơ phú gì đâu! Còn nếu
vì Bác là Chủ tịch nước mà xuất bản thì không nên. Với lại, Bác với chú là “đồng
hương” càng phải khách quan thận trọng… Giáo sư Mai nói: Thưa Bác trong tập “nhật
kí” có rất nhiều chất thơ – Bác đã vô tình “đánh rơi” nhiều bài thơ trong tập
nhật kí… Và thế là tập thơ “Nhật kí trong tù” của Bác được dịch và
xuất bản. Câu chuyện về sự ra đời tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí
Minh là một bài học về đức tính khiêm tốn tự trọng, trong sáng cho tất cả chúng
ta. Bây giờ xin được nói sang những bài
học lớn, sâu sắc của tâm hồn Hồ Chí Minh qua bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc
của Người.
Bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc được Bác Hồ viết vào đầu
năm 1947 tại chiến khu Việt Bắc –thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp vô
cùng gian khổ thiếu thốn. Nói như vậy để thấy được nghị lực và tinh thần lạc
quan cách mạng đến độ nào của Người. Bài thơ làm theo thể thất ngôn bát cú Đường
luật như sau:
Cảnh rừng Việt bắc thật là hay,
Vượn hót chim kêu
suốt cả ngày,
Khách đến thì mời ngô nếp nướng,
Săn về thường chén
rừng quay,
Non xanh, nước biếc tha hồ dạo,
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say
Kháng chiến thành công ta trở lại,
Trăng xưa, hạc cũ
với xuân này.
Trước hết ta thấy cách nhập đề của Bác Hồ rất tự nhiên đến
mức “nôm na” tưởng không giản dị hơn: “Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay”.
Bác không chọn “vui” mà chọn “hay” rất đắc địa. Vì trong “hay” đã có “vui” rồi.
Với lại từ “hay” có cái gì đó là lạ thế nào đó. Câu tiếp theo: “Vượn hót
chim kêu suốt cả ngày”. Thành ngữ Việt Nam có câu “chim kêu vượn hú”.
Câu thơ sau đã như giải thích cho việc dùng từ “hay” vì là thông thường thì
“chim kêu vượn hú” hoặc “vượn hú chim kêu”. Bác Hồ sáng tạo lại thành ngữ Việt
cho phù hợp với không gian Việt Bắc bấy giờ đã thành “thủ đô kháng chiến” rất đông
vui, rộn ràng nên mới có cảnh kì thú “Vượn hót chim kêu suốt cả ngày”.
Thơ Đường luật ưa sự đài các, trang trọng, thích bút pháp ước lệ, tượng trưng, ở
đây Hồ Chí Minh đã “dân dã hóa”, “Việt hóa” thể thơ này bằng bút pháp tả thực rất
mộc mạc.
Sang hai câu thực, Người viết tiếp:
Khách đến thì mời ngô nếp nướng
Săn về thường chén thịt rừng quay.
Bút pháp tả thực lại được Bác Hồ sử dụng rất tinh tế. Lương
thực chủ yếu ở chiến khu Việt Bắc là ngô cũng là lương thực chính của đồng bào
các dân tộc Việt Bắc. Câu thơ của Bác gợi nhớ đến hình ảnh bà mẹ Việt Bắc nặng
tình với cán bộ trong thơ Tố Hữu: “Nhớ người mẹ nắng cháy lưng/ Địu con lên
rẫy bẻ từng bắp ngô”. Thế đấy. Đến cả lãnh tụ còn ăn ngô. Nên khách quý đến
nhà “thì mời ngô nếp nướng” – rất
trân trọng và “bình đẳng”. Cuộc sống bấy giờ của Bác Hồ và cán bộ ở chiến khu
Việt Bắc quá khó khăn đến mức cán bộ, bộ đội nhiều khi ăn quả trám thay cơm ăn
măng thay rau, nên Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc đã nhắc nhủ cán bộ về
xuôi “Trám bùi để rụng, măng mai để già” hoặc “Miếng cơm chấm muối, mối
thù nặng vai”. Thành ra, lâu lâu cán bộ, bộ đội cũng “cải thiện” bằng những
cuộc săn thú rừng. Nên mới có câu thơ hóm hỉnh “Săn về thường chén thịt rừng
quay”. Sự tếu táo là ở từ “chén”. Nghe nó dân dã, mộc mạc làm sao! Người ta
thường nói “chén tạc chén thù” hoặc “chén chú chén anh” để diễn tả những cuộc
vui say khi gặp gỡ. Kháng chiến gian khổ là thế, cuộc sống thiếu thốn vất vã là
vậy mà Người vẫn vui say, đủ thấy Bác Hồ yêu đời lạc quan đến chừng nào! Cũng có
thể hiểu hai hình ảnh “ngô nếp nướng” và “thịt rừng quay” là cách nói mang ý
nghĩa tượng trưng cho một vài bữa cơm có thịt sung túc vui vẻ ở chiến khu Việt
Bắc gian khổ thiếu thốn chăng?
Đến hai câu luận Bác
viết tiếp:
Non xanh, nước biếc tha hồ dạo
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say.
“Đặc sản” của núi rừng Việt Bắc không chỉ có “ngô nếp nướng,
thịt rừng quay” mà còn nhiều sản phẩm khác. Đó là “non xanh, nước biếc” là “rượu
ngọt, chè tươi”. Phép đối của thơ Đường làm cho cảnh vật chẳng khác gì chốn “bồng
lai tiên cảnh”. Người ta quên mất Việt Bắc là xứ “rừng thiêng nước độc” là chốn
“vượn hú chim kêu” hoang sơ rùng rợn. Ai lạc vào chốn ấy không cưỡng lại lòng mình,
không làm chủ được bản thân, cứ “tha hồ dạo – mặc sức say”. Bút pháp trữ tình kết hợp với cảm hứng lãng mạn khiến câu thơ bồng
bềnh, ngây ngất… Tự nhiên ta nhớ đến những câu thơ tuyệt bút của Người trong bài
thơ Cảnh khuya cũng tả cảnh ở Việt Bắc:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Hoặc:
Xem sách chim rừng vào cửa đậu,
Phê văn hoa núi ghé nghiên soi.
(Tặng Bùi Bằng Đoàn)
Trở lại nội dung hai câu luận. Ở chiến khu Việt Bắc rõ ràng
“non xanh nước biếc” thì có thừa. Nhưng “rượu ngọt, chè tươi” thì làm gì có sẵn,
làm gì có nhiều để mà “mặc sức say”? Rõ ràng là lối nói phóng đại, ngoa ngữ bông
đùa cho vui để quên đi những thiếu thốn, khó khăn thường nhật trong đời sống, để
vui sống trong khó khăn như kiểu các nhà Nho ngày xưa vui cảnh thanh bần trong
“Hàn Nho phong vị phú” của Cao Bá Quát. Đây chính là vẻ đẹp của khí tiết thanh
cao “một cách di dưỡng tinh thần, một quan niệm thẩm mĩ về cuộc sống, có khả năng
đem lại hạnh phúc thanh cao cho tâm hồn và thể xác”. Đến đây ta đã hình dung ra chân dung nhà thơ –chiến sĩ Hồ
Chí Minh ngây ngất trong “bồng lai –tiên cảnh” của Việt Bắc nhưng cũng rất thực
tế, rất đời thường. Hồ Chí Minh là vậy đấy!
Hai câu kết, Người khẳng định :
Kháng chiến thành công ta trở lại
Trăng xưa, hạc cũ, với xuân này.
Có người nói Bác là nhà tiên tri, là người dự báo tài tình.
Tôi nghĩ thêm: Bác của chúng ta là người nắm vững quy luật vận động của tạo vật,
của thời thế. Cho nên ngay những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp gian
khổ khó khăn là vậy, mà Người đã cầm chắc thắng lợi “Kháng chiến thành công
ta trở lại”. Câu thơ mở ra nhiều suy tưởng: Bác Hồ trong bản chất luôn lạc
quan tin tưởng ở tương lai tốt đẹp, kiểu như “Hết mưa là nắng hửng lên thôi/
Hết khổ là vui vốn lẽ đời”. Bác Hồ là con người trọng tình nghĩa thủy chung
“ta trở lại” như người Việt Nam
vẫn nhắc nhủ “Đêm nằm hơn năm ở” “Uống nước nhớ nguồn”. Bởi chiến khu Việt Bắc
với Bác, với dân tộc Việt Nam là “Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa”; là nơi
nuôi dưỡng cưu mang Người: “Mười lăm năm ấy ai quên” – từ mùa xuân 1941 đến
1954, với bao địa danh đi vào lịch sử: Hang Pắc Bó, núi Các Mác, suối Lê-nin, cùng
cháo bẹ rau măng, bàn đá chông chênh, những cơn sốt rét rừng…
Câu thơ cuối: “Trăng xưa, hạc cũ, với xuân này” cũng
gợi nhiều liên tưởng. Trước hết nó gợi ra cảnh đẹp “bồng lai tiên cảnh” của núi
rừng Việt Bắc bởi nghệ thuật đối ngẫu khéo léo “trăng xưa - hạc cũ - xuân này”.
Mặt khác, Bác hàm ý: Kháng chiến thành công Người nhất định sẽ quay lại Việt Bắc
không phải với tư cách lãnh tụ kháng chiến, mà là một thi nhân để tận hưởng thật
mãn nguyện cảnh đẹp thơ mộng của chốn lâm tuyền, để làm thơ về những người bạn
thân thiết một thuở như cố nhân “trăng xưa - hạc cũ” ở chốn tiên cảnh – bồng
lai. Vậy là chiến khu Việt Bắc sau ngày kháng chiến thắng lợi sẽ đón những người
bạn tri âm trở lại – trong đó có thi nhân
Hồ Chí Minh thời chiến khu thường hẹn hò say đắm với người bạn trăng: “Trăng
vào cửa sổ đòi thơ”, hoặc “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.
Xưa trăng đã là bạn của “thi tiên” Lý Bạch
“Ngẩng đầu ngắm trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương”, của Ức Trai tiên sinh
“Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén” hoặc “Nước biếc non xanh thuyền gối
bãi/ Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu”. Hạc - loài chim đứng đầu trong họ
lông vũ, được gọi là “nhất phẩm điểu” – là loài chim đẹp biểu tượng cho sự may
mắn và trường thọ” – mang ý nghĩa tượng
trưng hơn là tả thực xuất hiện nhiều trong thơ cổ đặc biệt là ở Trung Quốc. Bài
thơ nổi tiếng “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu có hai câu mở đầu:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu ?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
(Bản dịch Tản Đà )
Bác Hồ ôm ấp dự định là kháng
chiến chống Pháp thành công, Người sẽ trở lại Việt Bắc để vui với cảnh xuân, để
thả hồn với “trăng xưa – hạc cũ” mà bấy lâu vì bận việc quân, việc nước Bác còn
“mắc nợ”: “Việc quân đang bận xin chờ hôm sau”! Qua đó đủ thấy Bác ân tình
tri âm với cảnh vật thiên nhiên Việt Bắc đến nhường nào.
Đọc bài thơ chúng ta nhận ra nhiều vẻ đẹp trong tâm hồn Bác.
Đó là vẻ đẹp của một tâm hồn vĩ đại giàu tình yêu thương: Yêu thiên nhiên tạo vật.
Đó là một con người có lối sống giản dị mộc mạc, tự tại, chan hòa với thiên nhiên.
Đó còn là con người yêu đời lạc quan cách mạng, luôn vượt lên hoàn cảnh để vui
sống để “di dưỡng tinh thần”. Đó còn là con người rất mực trong sáng, thủy
chung, luôn tin tưởng ở tương lai tươi sáng của kháng chiến. Ở Bác, tâm hồn người
chiến sĩ hòa quyện trong tâm hồn người nghệ sỹ đã làm nên cốt cách, phong thái
Hồ Chí Minh. Nghệ thuật vào bài tự nhiên giản dị, cách sử dụng từ ngữ mộc mạc mà
sáng tạo, hình tượng thơ vừa dân dã gần gũi vừa trang trọng ước lệ, sự hài hòa
thống nhất giữa bút pháp vừa hiện thực vừa lãng mạn, cổ điển mà rất hiên đại, đã
tạo ra sức liên tưởng, tưởng tượng phong phú cho từ ngữ, hình ảnh bài thơ. Có
thể khẳng định “Cảnh rừng Việt Bắc” của Hồ Chí Minh sẽ bất tử như Bác
trong tâm hồn chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI