Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 289 - tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN




 Tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN

CHỮ “TH” TRONG CHỮ “THỜI GIAN”

Truyện ngắn
           

Nếu thời gian là một cô gái thì cô gái ấy phải cực kỳ đỏng đảnh và trắc nết. Khi ta cần thời gian trôi mau thì nàng ấy thướt tha xiêm áo lượn vòng sốt ruột, khi ta muốn dừng lại một chút để thở, để nghỉ ngơi, để cảm nhận vẻ đẹp của cõi người sắc sắc không không thì nàng lại ra vẻ vội vàng cuống quýt chân nọ đá chân kia. Nếu ta là thượng đế hiền minh, ta sẽ mặc định, thời gian là một cụ già, điềm tĩnh bước đi, không nhanh, không chậm, mặc cho phàm trần vội vã hoặc khoan thai.
Nếu thời gian có mùi có vị thì chắc chắn thời gian rất thơm tho, đôi khi ngọt ngào. Những sợi tơ mong manh kéo nhẹ từ sáng qua chiều từ ngày qua đêm từ tuần trăng này sang mùa khác, thỉnh thoảng lại tỏa hương. Không tin bạn hãy ngồi im bên vách núi mùa thu tĩnh lặng, nhắm mắt lại và lè lưỡi ra xem. Thời gian sẽ đi qua đầu lưỡi, mơ hồ như cơn gió thoảng, như nụ hôn xa, thơm mùi thảo mộc. Cũng có khi tháng ngày ẩm mốc đợi chờ, mặt trời lặn rồi mặt trăng lên mặn chát dối gian. Biết làm sao được, khi thời gian cũng có mùi vị, có dáng hình, có cả đôi mắt hoặc chân tay...
Chiều nay, trên con đường quen thuộc núi nọ sông kia, mình bắt gặp một chú bé con cởi trần đi ngược nắng, làn da nâu quen thuộc nhưng đôi mắt sáng rực, long lanh lạ thường. Mình băn khoăn, không biết đó có phải là con mắt của thời gian không, sao mà bồn chồn, mà thăm thẳm xa mờ khát vọng. Mình đưa tay vẫy vẫy, như vẫy người thân, nhưng đôi mắt thời gian ấy, sau khi bắt gặp ánh mặt trời già nua chiếu ngược, đã vội vàng ngoảnh đi, ra vẻ chẳng hề quen, rồi tiếp tục di chuyển bên sườn đồi nhạt nắng. Những tia mắt gãy vụn ra phủ rợp trời chiều.
Nếu bạn đang vui, đang hạnh phúc, thời gian sẽ vuốt ve mơn trớn bạn, trước mặt bạn sẽ là một vũ điệu đáng yêu. Nhưng nếu bạn đang buồn đang thất vọng hoặc nhục nhã ê chề, thì ngay lập tức nàng ấy sẽ trở mặt, hành xử lạnh lùng, có khi hơi côn đồ nữa là khác. Bạn sẽ nhận được những cái tát nảy đom đóm mắt hoặc những cái giật tóc lệch đầu sấp mặt. Thời gian đấy, nếu thời gian cũng có tay chân. Nó không hề vô sắc vô hương vô thủy vô chung như các nhà vật lý khẳng định. Thời gian, chẳng qua là sự hóa thân của hồn người yếu đuối và manh động giữa cõi trần ai bất trắc rộng dài...
Bạn đã bao giờ tự hỏi, thời gian có phải là người bạn đồng hành tốt bụng nhất hay không? Khi tất cả những chia lìa đổ vỡ, ta đổ thừa cho thời gian, rồi những vết thương, cũng nhờ thời gian khâu vá? Sáng nay, ta hỏi Nietzche, này, triết gia thông thái, nếu thời gian là một miếng bánh thơm tho, liệu người có ăn nó không, ngay ở đây, lúc này? Nietzche, như thường lệ, vẫn cười khinh khỉnh, đưa tay khuấy vũng nước bên đường. Ta tò mò ghé mắt nhìn, trong vũng nước ấy, có bóng mây trời, có ngựa xe cơm áo, có súng đạn gươm đao, và có hình bóng một người, thương lắm! Rồi đột nhiên, tất cả vỡ tan, thay hình đổi dạng, không tài nào nguyên vẹn nữa...
Có vẻ như công việc viết lách đã có tác động không hay đến tế bào não bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến các giác quan. Mình nói cho mình nghe, lẩn thẩn như gã khùng cô độc trong cổ tích: "Này, vậy thì mi sống đây để cảm nhận thời gian hay mi chính là miếng mồi để thời gian nhai và nuốt hoặc vuốt ve như con hổ sắp vồ mồi?". Chú bé mắt sáng da nâu đã bước đi với con mắt thời gian rực sáng, gã triết gia cô độc đã nhẫn tâm khuấy nát tấm gương thời gian vỡ vụn. Ta thì vẫn chưa thôi lẩn thẩn đêm nọ ngày kia với câu chuyện bất tận của xứ Chư Mang hoang vắng.
Bóng trăng vỡ vụn, nắng đổ mưa chan, đôi môi xa ngái, không gian mịt mờ. Thời gian có mùi vị ngọt ngào bây giờ bỗng nhiên đổi ra vị đắng cay, như nước biển của thế kỷ rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc. Ta ngồi đánh vần tên của chính mình Thờ - i– ê- n – iên – nặng. Vậy tên ta có tấm thân này, có đôi chân này, bàn tay này, đi trên khoảng thời gian nặng trĩu, phải không? Tên ta và tên nàng ấy – Thời gian, bắt đầu bằng cùng một chữ cái, chỉ khác dấu thanh thôi!
Bạn đã khi nào hứng một vốc thời gian trĩu nặng trên tay chưa? Thời gian có sức nặng khủng khiếp. Có những buổi đêm mưa gió nhạt nhòa, ta trăn trở mãi trên chiếu giường đơn độc, nghiêng bên này chân tay tê buốt, nghiêng bên kia nghe lệch bão giông. Thời gian đấy, và càng nằm đếm bước đi của nàng, ta càng thấy nặng, tưởng cả thế giới xô nghiêng đè xuống thân mình.
Cũng may cho những con chữ yếu mềm, chúng tràn đầy sức sống, nhảy múa hào hứng say mê như chưa hề bị thời gian nhuộm kín. Ta ngồi đánh vần với chúng, như thầy giáo say mê tận tụy với nghề trong lớp học hồn nhiên. Nào, bắt đầu nhé: Thờ - ơ –i- ơi…huyền…
Thời gian.



Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 289 - tác giả PHẠM THỊ THÚY QUỲNH





CHÓT ĐỜI
Truyện ngắn



Lão Niệm đi đi lại lại trong nhà, nhìn lên nóc nhà đã thủng vài chỗ, lại nhìn bốn vách tường trét đất đến hồi tu sửa, nhìn đông, rồi nhìn tây. Và tự dưng lão thấy căn nhà sao mà mạt quá, dù từ khi giải phóng tới giờ, lão sống ở đây cũng đã gần nửa cuộc đời. Lão bồn chồn, ngả lưng xuống chiếc phản cứng quèo, vắt tay lên trán, nghĩ về giọng khẩn nài của thằng Thắng con mình khi đánh điện thoại từ trên thành phố xuống nhắc lão bán đứt cái mảnh đất này rồi cầm tiền lên để hưởng sự đoàn tụ với con cháu. Thực ra, lão cũng đã tính từ lâu rồi, mình thì sắp chết, mảnh đất này ngoài căn nhà ọp ẹp với một mảnh vườn, cái ao cùng cái chuồng lợn, chuồng gà nuôi cho đỡ tiền ăn thì nào có gì. Thời kinh tế thị trường, như lão cũng tính là mạt rệp rồi, người nào người nấy chê ỏng chê eo. Lần này con lão vừa có việc làm tốt, vừa lấy được vợ, vừa có hộ khẩu trên thủ đô, lão sẽ chong mắt xem ai dám nói gì mình nữa.
Lão Niệm cười khì khì, mò dậy, tháo chiếc chiếu cói đầy những con rệp ra ngoài sân, đứng dưới nắng mà rũ cho sạch. Lão nhón lấy một con đương bò trên cánh tay, đưa ra trước mặt và nói:  “Ông tống tiễn cho mày.” Rồi lão nhấn chết nó, máu bung ra trên đầu ngón tay, đỏ tươi. Lên thành phố, lão sẽ thôi bị đám rệp quấy nhiễu, dù không phủ nhận được rằng trong suốt những ngày tháng mồ côi, lão chỉ có chúng làm bạn. 
Lúc quay lại thì trông thấy bà Bôn hàng xóm, lão bảo:
- Lần này thì tôi lên thành phố nhớ, cho biết mặt, cho biết mặt.
- Vâng, cũng mừng cho nhà bác! – Bà hàng xóm cách giậu mồng tơi của lão bĩu môi, buông một câu chúc chua loét.
Ừ, thì quả có biết mặt thật, trong xóm nghèo này làm gì có ai nuôi con ăn học mà xây được nhà, kiếm được hộ khẩu thủ đô đâu, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn thế này nữa. Nhưng mà bà vẫn thấy tức, con bà thì vẫn đang nhong nhong xe ôm ngoài đường kìa. Tức thật! Nhổ toẹt bã trầu trong miệng xuống đất, bà đứng dậy đi vào nhà. Bà Bôn rút ba nén hương, châm và khấn vái lầm rầm trước bàn thờ chồng, không ai biết bà khấn những gì nhưng nom mặt có vẻ hả hê lắm.
- Lần này thì biết mặt nhớ! – Bà hướng về phía cửa, lên giọng.
Lão Niệm nghe, lại cười khì khì. Và rồi, lão đi vào nhà. Thuận tay, lão nhúm một nhúm đất vàng, bỏ vào cốc nước, định bụng để chút nữa thì uống, coi như một nghi thức trước lúc rời quê. Xem nào, còn biết bao nhiêu là việc, giờ lão phải lo liệu cho cái bàn thờ gia tiên, rồi còn phải thu xếp đồ đạc và đi chào bà con xóm giềng cho phải phép. Lão Niệm chỉnh tề quần áo, vươn thẳng lưng, khệnh khạng bước ra đường. Cốc nước pha đất bắt đầu lắng xuống.

***

Bằng với số tiền bán đất, con trai lão đã “chốt” được một căn hộ chung cư khá rộng rãi và tiện nghi ở trung tâm thành phố. Thắng đón bố từ bến xe về, lão Niệm lật đật bỏ dép ở ngoài, bước vào căn hộ phảng phất mùi nước hoa ngai ngái, nom cửa rả, sàn, tường sạch bong sáng sủa, lại thấy khoan khoái trong người.
- Bố đi nằm nghỉ rồi có tắm thì tắm, vợ con đến chiều mới về cơ – Thắng vừa xách đồ đạc vào phòng vừa nói.
- Ừ - Lão cười.
- Con nấu gì cho bố ăn nhé? – Thắng hỏi.
- Anh cứ đi lo việc của anh. Mặc tôi.
Nghe được câu này, ông con trai lập tức “vâng” một tiếng rõ gọn rồi đóng cửa phòng lại. Anh thở phào nhẹ nhõm một hơi, gọi điện cho vợ. Hương bắt máy, anh nói:
- Anh đón bố lên rồi.
- Em đang bận lắm, lúc về nói sau nhé – Hương nhỏ giọng thầm thì, bên cạnh còn có tiếng phụ nữ the thé giục cô nộp bản báo cáo.
- Anh biết rồi – Thắng gật đầu và cúp máy.
Trong kia, lão Niệm sải chân bước từ đầu phòng đến cuối phòng, bước đi rồi bước lại, cần mẫn như một con sâu đo. Lão ngồi xuống giường, chao ôi là êm! Vuốt lớp vải nệm mát rười rượi, móm mém cười thích chí, lão ngả lưng và đánh một giấc ngon lành. Lần này, lão lại ngủ rất sâu, không mơ nữa. Tốt lành thay khi không phải mơ nữa. Cho tới khi con dâu và cháu lão về, cho tới khi Thắng vào gọi, trên môi lão vẫn nở một nụ cười.
Cháu lão - thằng Chiến năm nay lên lớp năm, cao vổng cao vồng và xinh trai hệt lão hồi trẻ. Ấy là lão tự nhận xét như thế. Thấy lão, nó lí nhí chào. Lão mắng:
- Tiên sư mày. Con trai ăn to nói lớn lên chứ!
Đứa cháu mím môi, ngoắc đầu lườm lão một cái. Lão thấy sợ nó. Hương gượng gạo:
- Con xin lỗi bố, cháu còn nhỏ…
Mặt méo xẹo, lão thở dài. Thắng mời bố vào ăn cơm, lão chỉ gật đầu lấy lệ. Nhấc đũa lên, lão Niệm trông mâm cơm và hỏi:
- Ai nấu cơm?
- Con nấu bố ạ - Hương cười, gắp cho ông một gắp rau muống luộc - Nếu không hợp khẩu vị thì bố cứ bảo con.
- Lần sau luộc rau hay nấu cơm thì nhớ để mềm mềm chút, tao móm rồi, không nhai được.
Buổi tối, trước khi đi ngủ, Hương càu nhàu với Thắng:
- Bố anh khó tính như ma.

***

Ở với con trai được dăm ngày thì lão lại sinh ra cái sự buồn chân buồn tay. Không có việc gì làm, lại không quen biết ai nên đâm ra phiền chán. Một dạo nọ, còn một mình ở nhà, lão bèn tháo hết chăn màn trong phòng ra để giặt cho đỡ buồn. Con dâu về hỏi, lão chỉ bảo hình như nhà có rệp. “Rệp ư? Chỉ dưới quê mới có chứ ở đây thì đào đâu ra? Nói dối mà cũng vụng!” - Lão tự mắng mình như thế. Ấy vậy, chỉ vài ngày sau, rệp lại xuất hiện thật. Chính tay lão bắt được hẳn hoi, còn giết nó nổ cái “tách”. Hằng ngày, chúng cắn lão đến sưng hết cả chân tay lên. Thế mà khi lão mách với con trai thì anh lại nói:
- Có gì đâu mà bố, nhà mình lấy đâu ra rệp.
Con trai không tin lão, lão bèn quay sang mách với con dâu. Hương là người kỹ tính, nghe thấy việc trong nhà có rệp hút máu thì hoảng quá, bèn lật tung phòng ốc lên, xịt thuốc khắp nơi, nhưng rồi, đâu vẫn hoàn đấy. Lão vẫn bị cái giống côn trùng ấy cắn đốt luôn. Một hôm, Hương bảo:
- Con tìm khắp rồi, không có đâu bố ạ. Chắc bố tưởng ra đấy thôi.
“Tưởng tượng à?”, trong cuộc đời lão chưa từng xuất hiện mấy từ này và rồi lão sôi máu, bắt một con rệp đương bò trên ngực áo, di chết nó rồi bỏ vào lòng bàn tay, lão giơ lên cho con dâu xem:
- Đây, chị thấy chưa?
Hương gượng cười đầy ái ngại:
- Không có gì mà bố, bố nhìn lại xem.
Lão Niệm ngây ngẩn cả người, ngó lại lòng bàn tay. Ngoài những đường chỉ tay vằn vện ngang dọc ra, quả không có gì thật. Hay mình điên rồi? – Lão nghĩ, nhưng những cơn ngứa điên người là có thực, việc lão bắt được con rệp no máu là có thực. Nhưng chúng đâu cả rồi? Lão tự hỏi mình, vẫn không có đáp án, lão thẫn thờ trở về phòng. Thằng Chiến chòng:
- Ông già rồi, lẩm cẩm.
- Tao quật nát đít bây giờ! – Thắng quát.
Lão Niệm đóng cửa. Lão bắt đầu tìm lục khắp nơi, lão đi đi lại lại trong phòng, và thẽ thọt bảo mình:
- Thành phố thì làm gì có rệp, chắc mình tưởng tượng thật…
Nhưng lão không tưởng tượng, lão có thể khẳng định chắc nịch như vậy, bằng chứng là những vết cắn gây ngứa ran người tấy đỏ, bằng chứng là chúng bám đầy lưng áo của lão mà mỗi lần cởi ra là nom thấy từng hàng, từng hàng. Chúng nhìn kẻ chuẩn bị đến với nấm mồ với ánh mắt giễu cợt và uống máu thoả thuê. Trông đám côn trùng nhung nhúc trên tấm ga tựa vừng đen, lão lại tháo hết chăn màn ra. Lão như biến thành một cái máy dọn dẹp sống, không ngày nào ngơi nghỉ trong việc giặt giũ, phơi phóng. Tối của tháng thứ hai kể từ khi lão Niệm tới, sau bữa cơm, Hương bèn mở một cuộc họp gia đình. Cô bảo chồng:
- Ngày mai anh xin nghỉ làm đi, đưa bố đi khám.
Lão Niệm ngạc nhiên:
- Sao phải khám?
- Nhà mình đâu có rệp hả bố? – Hương nói.
- Ý chị là tôi bị điên phỏng?
Nghe lão quát, Thắng vội đỡ lời cho vợ:
- Vợ con thấy bố mệt đấy thôi, mai con đưa bố đi khám tổng quát xem sao.
Lão Niệm nhíu mày, lắc đầu quầy quậy, rồi ngẩng lên mà gằn:
- Anh chị đuổi thì tôi về.
Thằng Chiến đang mải dán mắt vào màn hình tivi, chợt reo lên hỏi ông:
- Bao giờ thì ông về quê hả ông?
Thắng quắc mắt, mắng con:
- Đi vào trong kia! Ai cho mày xen vào chuyện người lớn?
Rồi, anh lại khẩn nài:
- Bố cả nghĩ rồi.
Lão Niệm khoát tay thở dài, đứng dậy, lững thững đi vào phòng. Lão không mấy khi nói đùa ai, lão sẽ về thật… Nhưng nhà còn đâu mà về? Về đâu? Lão lại thở dài thườn thượt. Căn nhà quánh đặc lại, khiến cho ai nấy đều khó thở. Hương thừ người nhìn Thắng, lát sau, cô nói:
- Em nói thật, em mệt mỏi lắm rồi. Anh tính sao thì tính, bố muốn về cứ để bố về!
Tiếng của nàng dâu đanh gọn khiến lòng lão thấy buôn buốt, lão cứ vắt tay lên trán mà nhìn chong chong lên trần nhà, đầu đau như búa bổ. Ngày mai lão sẽ chuẩn bị đồ đạc... Lão Niệm lim dim mắt, để mặc đám rệp bò râm ran trên lưng, trên ngực, trên bụng. Bốn bề tẻ ngắt, lão cảm tưởng như chiếc giường êm ái đương hút dần mình xuống, sợ quá bèn gọi:
- Thằng Thắng đâu rồi?
Nửa đêm, không có ai đáp lời lão.
- Hương, lấy cho bố cốc nước!

Không một ai đáp lời lão. Đám rệp cắn vào người lão nghe nhay nháy râm ran, dường như chúng muốn mượn cơ thể của kẻ già nua này để xây tổ. Lão Niệm đưa tay lên gãi, nhưng có toét da rách thịt vẫn không hết ngứa. Lão mê man cả đi, cơn khó thở di chứng từ cuộc chiến lại kéo tới. Hình như trước lúc xa quê, lão đã quên mất cốc nước pha đất trên bàn.

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 289 - tác giả KHÔI NGUYÊN





NGÀY ĐẦU TÔI ĐI HỌC
Hồi ức



Năm 1971.
Bữa ấy, anh em tôi đang chơi ngoài ngõ, cạnh một hố tăng – xê ẩn trong hàng rào ô rô, chúng tôi bứt lá ô rô, chấm cuống lá tre vào giọt nhựa tí ti tiết ra nơi cuống lá ô rô mới lìa cành, để thổi bong bóng (bấy giờ làm gì có xà – phòng cho trẻ nghịch chơi!) thì mấy đứa bạn cùng xóm đi ngang qua, í ới rủ: Đi học không? Trẻ quê, chơi với nhau, hơn vài ba tuổi vẫn xưng hô mày tao là chuyện bình thường. Chúng nó đã 6 hoặc 7, 8 tuổi, tôi 5 tuổi. Thấy chúng nó kéo nhau đi thành đàn thành lũ vui quá, tôi bảo thằng em: Mày về đi! Tao đi học đây! Rồi tót theo lũ bạn.
Dọc đường đi, chúng nó ríu rít cãi nhau về chuyện đi lên chùa hay ra đình hoặc đến Cầu chợ (nhà để bà con buôn bán đến cầu xin buôn may bán đắt). Chỉ đến khi thằng “to đầu” nhất nhóm đã 8 tuổi nói: “Đứa nào học lớp 2 thì lên chùa, đứa nào học lớp 1 thì ra đình, đứa nào vỡ lòng thì học ở Cầu chợ” thì chúng tôi mới thôi chí chóe.
Đến Cầu chợ thì chúng tôi phải đứng ngoài vì bọn lớp 3 đang học. Chúng nó đang tập dượt, ôn lại bài thể dục giữa giờ, mỗi động tác cổ, tay, lưng, bụng, chân... đều theo nhịp của lời đồng giao. Bài thứ nhất: Cúi mãi/ mỏi lưng/ viết mãi/ mỏi tay/ thể dục/thế này/là hết/ mệt mỏi; bài thứ hai: Em yêu/ mái trường làng/ em sẵn sàng/ tập thể dục./ Em cố/ gắng học hành/ để góp phần/ thắng giặc Mĩ. Những đứa lần đầu tiên biết đến trường lớp như tôi thì ngó vào nhìn với những cặp mắt ngưỡng mộ. Chỉ bọn 7, 8 tuổi coi đấy là bình thường vì trước đây cũng đã được học bài này, lý do nào đó mà phải bỏ học hoặc bị đúp, chúng nó nhẩn nha chơi bi ngoài sân dưới tán lá bàng rợp mát.
Rồi bọn lớp 3 cũng tan buổi học. Chúng nó a ê reo lên sau khi hát bài “Chào cô cháu về” theo kiểu “tháo khoán”. Một thằng nhảy đến trước mặt tôi, chỉ tay, hoạnh họe: “Phấn đâu, tòi ra!” khiến tôi hoảng hốt. Một thằng khác lao đến huých thằng kia: “Nó có họ với tao, cấm mày bắt nạt!” Thằng kia lùi lại với con mắt gườm gườm chứa đầy nuối tiếc. Thằng “có họ” với tôi bảo: “Nhà tao với nhà mày có họ với nhau, theo vai vế thì mày là chú tao. Lần sau có đứa nào bắt nạt thì mày cứ gọi cho tao...” Hóa ra “thằng kia” muốn tôi “nộp phấn” để cho nó có thứ viết vẽ lung tung, sau này tôi mới hiểu.
Bọn lớp 3 ra hết khỏi Cầu chợ, tôi nghe tiếng gõ thước. Lũ bạn tôi toáng toàng: Vào lớp!
Lớp tôi, 5 cái bàn có mặt bằng tre đập dập, 5 cái ghế cũng bằng 2 cây tre gác lên chân bằng 4 trụ tre đóng xuống nền gạch; bảng đen được ghép từ 5 phiến gỗ, rộng cỡ 1,5 mét, cao cũng không hơn. Bên trên bảng đen là đôi rồng phù điêu “lưỡng long chầu nguyệt” đắp nổi và được trang trí bằng những mảnh gốm mà Hợp tác xã trả bằng 5 công cày (1 công cày bằng 2 công cấy) nhưng cũng không ai dám phá (tôi chỉ cần mấy tích tắc là xong) vì tín ngưỡng của làng. Chi bộ Hợp tác xã ra nghị quyết, nhưng bà con thôn chỉ nói: “Mả bố đứa nào dám đập bỏ” thì lời nguyền rủa của dân làng vẫn quan trọng hơn.
Cô giáo tôi mặt tròn, mắt tròn, người cũng tròn. Xinh quá nhưng nhìn cũng nghiêm quá. Tôi suýt không nhận ra đó là cô họ của tôi. Hôm trước, trong đám giỗ tổ, cô mặc cái quần vải phíp đã nhiều chỗ phai thếch màu lông bò, chạy từ mâm nọ đến mâm kia lo thức ăn, nước, tăm... cho các cụ, rồi đến mâm tôi đã gắp cho tôi miếng dồi lợn béo ngậy khó quên. Hôm nay, cô đập cái thước xuống bàn, bọn bạn tôi cứ răm rắp. Tâm lý bầy đàn, tôi cũng răm rắp làm theo.
“Hôm nay, cô xếp chỗ ngồi cho các em. Sau này, ai hay nói chuyện hoặc nghịch ngợm trong giờ học là cô sẽ chuyển chỗ, cho ngồi xen kẽ con trai với con gái...” Chỉ cần lời đe dọa như thế, đứa nào đứa nấy ngoan ngoãn ngồi im thin thít theo sự sắp xếp của cô. (Vì con trai, con gái ngồi gần nhau thế nào chũng nó cũng gán ghép là hai vợ chồng).
“Từ giờ trở đi, ai muốn nói gì thì phải giơ tay xin phép. Nói với cô thì phải thưa cô và xưng em. Không được nói trống không với cô giáo và người lớn. Không được mày tao với bạn bè... Nghe rõ chưa?” Cô nói với cả lớp mà hình như chỉ nói với mình tôi vậy. Tôi chỉ biết ngồi khoanh tay lên bàn, gật đầu, đáp “vâng ạ”. Cô đến ghi tên tuổi và tên bố mẹ của từng đứa. Ngay cả tôi, cô cũng hỏi như thể chưa biết gì về tôi, cô lẩm bẩm: “Học trước tuổi rồi” và cô cười: “Ngoan nhất họ đấy!”.
“Từ ngày mai trở đi, đến lớp hay ra đồng đều phải đội mũ rơm và đeo túi cứu thương, nhớ chưa? Mũ rơm là để tránh bom bi và mảnh máy bay hoặc đạn rơi vào đầu. Túi cứu thương đựng bông, băng, thuốc đỏ để nếu có bị thương thì dùng...” Điều này thì bố mẹ, ông bà tôi cũng đã nhắc nhở thường xuyên, hôm nay vui theo lũ bạn nên quên, cứ để đầu trần (dĩ nhiên là quần đùi chân đất, tay không...) mà hùa cùng chúng nó. Cô bắt đầu phân công đứa làm lớp trưởng, đứa làm quản ca. Nhiệm vụ của lớp trưởng là cho lớp xếp hàng, kiểm tra vệ sinh trước khi vào lớp. Nhiệm vụ của quản ca là bắt nhịp bài hát trước giờ học và sau giờ ra chơi.
“Bây giờ, các em phải tập theo hiệu lệnh của cô. Cô gõ thước lên bàn ba tiếng, thì là nhắc các em trật tự. Cô gõ thước lên bàn nhiều tiếng có nghĩa là báo động, các em phải chạy ra ngoài hầm trú ẩn. Hầm bên phải là của các em trai, hầm bên trái là của các em gái...” Theo hướng thước của cô, giờ tôi mới để ý kỹ, lớp học của tôi – nhà Cầu chợ - vách tường đã bị khoét một lỗ lớn, bên ngoài là một hào giao thông chạy vào vườn tre; trong vườn tre, hào giao thông chia làm hai nhánh chạy đến hai căn hầm chữ A. Nếu có báo động, tôi sẽ chạy vào căn hầm ở gần bụi duối, bọn con gái sẽ chạy vào căn hầm ở gần rặng cúc tần.
Cô gõ thước 3 tiếng, tôi và lũ bạn thôi nhớn nhác bàn tán mình sẽ được chạy vào hầm nào. Cả lũ lại khoanh tay lên bàn, mắt chăm chú vào miệng cô để chờ nhắc nhở.
“Bây giờ, cô tập bài báo động, khi chạy dưới hào thì phải cúi thấp xuống để tránh mảnh bom mảnh pháo... Nhưng hết báo động là báo yên, cô vỗ tay, tất cả cùng vỗ tay để gọi nhau về lớp, nhớ nhé!” Nói xong, cô đập thước gấp gáp lên bàn, chúng tôi xô nhau chạy, chui qua lỗ khoét của lớp học, nhảy xuống hào giao thông... Thế mà vẫn có đứa vào nhầm hầm, nháo nhào chạy ngược trở ra.
Căn hầm chữ A được tạo bởi đôi hàng cọc tre bắt chéo vào nhau, phía bên trên là lớp đất được cha anh chúng tôi khéo léo đào để có màu xanh của cỏ che phủ cho căn hầm. “Có lươn. Chúng mày ơi!” - đứa nào đó reo lên phấn khích. “Hình như là rắn thì phải!” - đứa nào đó hốt hoảng kêu. “Đỉa, đỉa... không phải rắn, không phải lươn!” – có đứa trấn an. Tôi đang rúc trong hầm chợt thấy tiếng vỗ tay cùng nhiều tiếng hô vang phía hầm bên kia: “Về lớp, vào lớp!” Hầm bên bụi duối chúng tôi cũng vỗ tay và hô theo nhịp: “Về lớp, vào lớp”.
Cô lại gõ lên bàn 3 tiếng thước: “Các em nghe đây, nếu lỡ chạy nhầm hầm thì cũng không được chạy quay lại, nhưng tốt nhất là chạy đến đúng hầm của mình...” chúng tôi vừa kịp đáp vâng thì tiếng kẻng báo động của Xã đội vang lên. Nếu tôi đang ở nhà thì sẽ tọt xuống hầm dưới gậm phản của ông tôi, nếu tôi đang chơi ngoài ngõ thì sẽ nhảy vào hố tăng – xê gần nhất. Cô giáo đập thước lên bàn một hồi dài. Lần này thì phản xạ tự nhiên tìm đến sự an toàn của thời chiến khiến chúng tôi tìm chỗ trú ẩn nhanh hơn lúc cô tập báo động. Cô là người xuống hào giao thông sau cùng, vừa chạy vừa hô: “Không được thò đầu ra cửa hầm...” rồi chui vào hầm của bọn con gái. Bên hầm chúng tôi, mấy đứa lớn tuổi vẫn giành nhau ngó lên trời qua miệng hầm. Tôi rúc sâu vào trong, đứng khom lưng, bịt tai nhưng vẫn nghe được tiếng rít của máy bay phản lực, tiếng nổ ùng oàng của bom đạn, đất dưới chân tôi rung rinh... Kẻng báo yên vang lên, tôi lóp ngóp bước ra khỏi hầm với đôi chân nhoe nhoét bùn. Mấy thằng lớn còn bẩn hơn nữa, vì lúc thò đầu ra cửa hầm để xem đã ngã chồng đống lên nhau nên mặt mũi, chân tay, quần áo... ướt nhẹp bùn. Bầu trời xanh bị những vạch khói trắng cắt ngang dọc như chiếc gương vỡ được ghép lại. Quần áo của cô cũng lấm lem, có lẽ đứa nào đó sợ quá nên bíu lấy cô bằng cả chân lẫn tay đầy bùn đất? Chúng tôi chen nhau xuống cái cầu ao xây bằng gạch thẻ đầu chợ để rửa chân tay. Tôi cố rửa thật kỹ vì sợ thằng đầu to làm lớp trưởng không cho vào lớp (nó đã học 3 năm lớp vỡ lòng rồi nên thành thạo việc này lắm).
Giờ cô cho chuyển sang tập đội hình đi đều bước. Bé đứng trước, lớn đứng sau. Chúng tôi cùng hô vang “Mốt hai mốt”, dậm chân tại chỗ. Những đôi chân đất dậm lẹt bẹt xuống nền chợ, những cánh tay vung loạn xạ thấp cao, những manh áo quần vá chằng vá đụp reo lạch phạch. Chẳng cần quản ca bắt nhịp, mấy đứa lớn bắt đầu nghêu ngao đồng dao thay khẩu lệnh: “Mốt hai mốt/ củ cà rốt/ đốt cháy nhà/ ông cụ già/ kêu oai oái/ cô con gái/ lái ô tô/ ra thủ đô/ thăm Bác Hồ”, chán bài này chúng nó lại chuyển sang bài khác: “Mốt hai mốt/ học thì dốt/ mà cứ đòi lên lớp”. Những đứa lần đầu tiên đi học cũng nhanh chóng thuộc và hòa giọng theo. Sân chợ rợp bóng tán bàng nên cái nắng tháng tám rám vỏ bòng chẳng làm gì được chúng tôi. Sự vô tư và hồn nhiên đã làm chúng tôi quên bẵng tiếng rít của máy bay, tiếng đạn bom vừa xảy ra lúc nãy.
Kết thúc buổi học, cô dặn lại chúng tôi ngày mai 10 giờ đến lớp, nhớ đội mũ rơm, mang theo túi cứu thương và bảng đen cá nhân để tập viết. Rất ít nhà có đồng hồ, nhà tôi cũng không có đồng hồ. Nhưng tôi biết khi bóng nắng hắt lên hiên nhà tôi còn 3 viên gạch là đã đến giờ đi học. Ngày mai, tôi sẽ được viết vào bảng đen, ở lớp học hẳn hoi! (Thực tế, bố mẹ tôi là giáo viên nên tôi đã đọc thông viết thạo từ trước rồi; giấy tập viết của tôi ở nhà đã hóa máy bay, hóa pháo, hóa thuyền...).
Tan học, mấy đứa chúng tôi chẳng về nhà ngay. Vì đứa nào cũng biết bữa cơm trưa đã qua từ lâu, gọi là “cơm” nhưng có khi chỉ là củ khoai, củ sắn nên thế nào ở nhà cũng dành phần. Chúng tôi đến bãi cỏ sau đình tìm cỏ gà để chơi chọi, Chơi chán thì sẽ lên chùa, hoặc vào đình, hay về Cầu chợ để xem lớp của bọn học buổi chiều.
Ngày đầu tiên đi học của tôi là thế. Chẳng có sự nao nức của buổi tựu trường. Chẳng có mẹ dắt tay đến trường và được cô giáo tươi cười đón em vào lớp. Chẳng có màu thu rạo rực. Chẳng có háo hức với bộ quần áo mới và cặp cùng sách mới. Chẳng có tiếng trống báo năm học mới bắt đầu... Chỉ có lần đầu tiên đi học là do lũ bạn rủ rê, chuẩn bị bước chân vào lớp thì đã bị thằng lớn hơn bắt nạt nhưng đã có “quý nhân” phù trợ, cô giáo đầu tiên là người thân, hiệu lệnh vào lớp là tiếng thước đập lên bàn, bài học khắc sâu là kinh nghiệm sống trong thời chiến... Bầu trời xanh vỡ vụn, trường học sơ tán tản mát mỗi nơi một lớp, tuổi thơ dễ chấp nhận mọi hoàn cảnh...
Tôi biết, khi về nhà, ông tôi trừng mắt: “Bom đạn thế này, mày đi đâu mà giờ mới về...”; bà tôi chao chát: “Tổ cha thằng giặc Mĩ...”; bố tôi nhướng mi: “Mày đã đến tuổi đi học đâu!”; mẹ tôi lẳng lặng khâu cho tôi cái túi cứu thương và bỏ vào đó bông, băng, thuốc đỏ; cô chú tôi sẽ tíu tít tìm cái bảng đen để ngày mai tôi đi học...  
Bởi thế, đã ở cái độ U60, nhưng không thể nào quên bài học ở học kỳ II lớp vỡ lòng có tựa đề là “Đi học vui”: “Tay em cầm quyển sách hồng/ Em ra trường học vỡ lòng vui vui/ Lại thêm học hát học chơi/ Em chăm học tập nên người trò ngoan”.









Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 289 -tác giả NGUYỄN VĂN THANH

Chào mừng 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9




TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP VỚI SỰ VIỆC GIỮ VỮNG ĐỘC LẬP CHỦ QUYỀN, THỐNG NHẤT,
TOÀN VẸN LÃNH THỔ HIỆN NAY



Cách đây 70 năm, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đây là văn kiện thể hiện sự kết tinh khát vọng độc lập mấy nghìn năm của dân tộc. Đó là mốc son chói lọi, góp phần làm rạng rỡ nền văn hóa Việt Nam, chấm dứt chính thể quân chủ chuyên đế và chế độ thực dân áp bức, mở ra kỷ nguyên mới dân chủ cộng hòa.
Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa truyền thống anh dũng, kiên cường, trí tuệ và hòa khí tinh anh của ông cha ta xưa, cộng với tư duy sáng tạo, thông minh, nhìn xa trông rộng; có sự tham khảo những quan điểm đúng đắn về chủ quyền quốc gia, quyền của con người trong hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của thế giới, đó là Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền của nước Pháp 1791.
Mở đầu Tuyên ngôn độc lập Bác viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Nếu như trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ có câu: “Mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng” chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh con người, thì Hồ Chí Minh đã tiến tới một bước xa hơn và cao hơn về tầm tư duy là khẳng định điều này ở phạm vi rộng hơn, sâu sắc hơn ở chỗ: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Ở đây Người đã thay thế  từ “mọi người” thành từ “tất cả các dân tộc”, những gía trị cá nhân vốn là đặc trưng của văn hóa phương Tây được thay thế  bằng những gía trị mang tính cộng đồng là đặc trưng của văn hóa phương Đông. Đó chính là sự sáng tạo tuyệt vời của Bác Hồ kính yêu.
Những quyền trên là thành quả chung của nhân loại trong cuộc đấu tranh hàng nghìn năm chống lại ách áp bức, bất công của chế độ nô lệ, phong kiến và thực dân tàn bạo đối với con người. Các quyền đó đã dần dần được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật của nhiều nước tư bản bản Âu-Mỹ. Nhắc lại những chân lý bất hủ đó để chứng tỏ rằng tư duy pháp lý Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam là thống nhất và liền mạch với tư duy pháp lý của nhân loại tiến bộ, không xa lạ với những chân lý phổ biến đã được coi là thành quả văn minh của loài người.
Bằng những lý lẽ sắc bén, lập luận đanh thép và lời văn hùng hồn, bản Tuyên ngôn đã khẳng định lại một lần nữa quyền của dân tộc Việt Nam phải được sống trong độc lập, tự do như bất cứ dân tộc nào khác, “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! dân tộc đó phải được độc lập!”. Trong hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Bản án chế độ thực dân Pháp” đã có từ 30 năm trước đây. Nhưng hôm nay mới chính là ngày chế độ thực dân Pháp bị đưa ra cho toàn dân Việt Nam công khai xét xử. Lịch sử đã sang trang. Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu: Kỷ nguyên Độc lập, Tự do, Hạnh phúc…cả dân tộc hồi sinh” .
Trong bối cảnh quốc tế và Việt Nam sau chiến tranh thế gới thứ hai, khi mà trật tự pháp lý quốc tế chỉ nhằm phục vụ quyền lợi ích kỷ của các nước lớn tư bản, đế quốc, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính là lời tuyên bố cáo chung của chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức, đồng thời cũng là lời báo hiệu mở đầu thời đại trỗi dậy của các dân tộc thuộc địa đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Chính vì vậy, nhiều nước Á-Phi đã thừa nhận đóng góp to lớn của của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sự xác lập một nền công pháp quốc tế mới, một nền công pháp đảm bảo cho các quyền tự do, bình đẳng của con người và quyền tự quyết, quyền bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc trong việc tự do lựa chọn con đường phát triển của mình về chính trị, kinh tế , văn hóa, …
Những câu kết thúc trong bản Tuyên ngôn độc lập chính là “lời thề độc lập” - lời thề bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước của nhân dân Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Đánh giá về ý nghĩa quốc tế, ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn độc lập  của nước ta, trong lễ trao bằng tiến sĩ luật khoa danh dự cho Chủ tịch Hồ chí Minh năm 1959, ông Giám đốc Trường Đại học Tổng hợp Băng-Đung (Indonesia) đã nói: “Đó là một đạo luật mới của nhân dân thế giới khẳng định quyền tự do, độc lập bất khả xâm phạm của các dân tộc bị áp bức.
Thực hiện lời thề trong Tuyên ngôn độc lập: Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”, cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã anh dũng đấu tranh suốt 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do” để giành độc lập, thống nhất với những chiến công hiển hách; đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ; tiến hành cuộc kháng chiến chín năm trường kỳ, đầy gian khổ, hy sinh, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp đó, trải qua 21 năm chiến đấu anh dũng, kiên cường đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, giành toàn thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay sau đó, nhân dân ta lại phải tiếp tục tiến hành các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Chỉ đến khi đó, nhân dân ta mới thực sự được sống trong hòa bình, xây dựng lại đất nước. Đến nay, qua 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố, tăng cường, lên tầm cao mới.
Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta tiến hành trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những thay đổi nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, tạo ra cả thời cơ và thách thức đan xen. “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới ; nguy cơ “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta,..” chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là những nhân tố gây mất ổn định, xâm phạm chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo Việt Nam vẫn đang diễn ra gay gắt; nguy cơ xung đột vũ trang, tranh chấp trên biển, đảo và thềm lục địa của nước ta chưa được loại trừ; còn tồn tại những vấn đề xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông.Biển Đông trở thành một trong những “điểm nóng”, mối quan tâm hàng đầu của thế giới. Trong thời gian qua, chính phủ, các nhà khoa học quân sự, chính trị, giới học giả và các hãng thông tấn báo chí trên thế giới, nhất là cộng đồng các nước ASEAN đã đồng loạt lên án các hoạt động mở rộng, bồi đắp phi pháp của Trung Quốc trên một số đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết vụ kiện giữa Cộng hòa Phi-lip-pin và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đây là phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở biển Đông. Toàn văn phán quyết của PCA gồm 497 trang, trong đó có một số nội dung đáng quan tâm, đó là: (1) PCA khẳng định yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); (2) Trung Quốc không có “tư cách lịch sử” đối với các vùng biển ở biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong “đường 9 đoạn”; (3) Theo PCA, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế; (4) Trung Quốc đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái san hô ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Phi-lip-pin tại bãi Scarborough (Hoàng Nham) trên biển Đông; (5) Những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc các bên đang nỗ lực để giải quyết vấn đề.
Sau phán quyết của PCA, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố trắng trợn:Trong bất cứ tình hình nào, chủ quyền lãnh thổ và các quyền, lợi ích hàng hải của Trung Quốc trên biển Đông đều không chịu ảnh hưởng từ phán quyết của Tòa Trọng tài. Trung Quốc không chấp nhận bất cứ chủ trương và hành động nào xuất phát từ phán quyết” (theo Thủy Thu/Soha.vn/Ttvn.vn.) Phản ứng của Trung Quốc tiếp tục gia tăng thêm các căng thẳng trên biển Đông. 
Trước tình hình phức tạp đó, quán triệt và kiên định tinh thần cơ bản của Tuyên ngôn độc lập, Đảng ta vẫn nhất quán khẳng định: “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, để phát triển bền vững đất nước. “Có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”.
Độc lập dân tộc hiện nay không chỉ xác định trong biên giới quốc gia, mà còn thể hiện thông qua vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, trong việc hợp tác giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu và đấu tranh, bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc bên ngoài biên giới lãnh thổ (biên giới mềm). Do đó, Đảng ta đã đổi mới mạnh mẽ tư duy đối ngoại với phương châm: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển.Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN”. Để có thể giữ nước từ khi chưa nguy, bảo vệ độc lập, chủ quyền, đặc biệt là chủ quyền trên biển Đông, phải thực hiện cho bằng được: “Kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh,thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị- xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất”.
Tuyên ngôn độc lập mãi mãi là một áng hùng văn bất hủ,  là cơ sở lý luận và phương pháp luận khoa học để chúng ta vận dụng vào quá trình hội nhập, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, xây dựng thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh.



Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 287- VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Slawomir Mrozek sinh ngày 29 tháng 6 năm 1930 tại Borzecin, Ba lan. Ông là nhà văn, kịch tác gia, và cũng là một họa sĩ chuyên vẽ biếm họa.
Năm 1963 Mrozek di cư đến Italy rồi Pháp, trở thành công dân Pháp vào năm 1978. Sau khi sống tại Mexico từ 1989 đến 1996, ông trở về Ba lan sống nhiều năm, định cư tại Krakow, nhưng đến năm 2008 ông lại trở về Pháp và mất ngày 15 tháng 8 năm 2013 tại Nice, thọ 83 tuổi.
Là một trong những nhà văn châm biếm, trào phúng hàng đầu của châu Âu trong nửa sau thế kỷ 20, Mrozek vạch trần nhiều sự việc vô nghĩa của thời hiện đại.
Truyện ngắn dưới đây được Halina Arendt dịch từ tiếng Ba lan sang tiếng Anh. Bản dịch tiếng Việt theo bản tiếng Anh của Halina Arendt.


CON VOI

                                               
Ông giám đốc vườn thú hóa ra là một kẻ cơ hội. Ông ta dùng những con thú để làm những bậc thang tiến lên trong sự nghiệp của ông. Ông ta cũng không quan tâm nhiều đến việc phát triển chức năng giáo dục của vườn thú. Con hươu cao cổ trong sở thú của ông có cái cổ ngắn ngủn, thậm chí con chồn lửng chẳng có được cái hang cho nó, những con chim hót thì bị thờ ơ, nên hót quá thất thường và có vẻ miễn cưỡng. Những thiếu sót này đúng ra không nên có, vì sở thú thường xuyên được các nhóm học sinh đến tham quan. Đó là một sở thú tỉnh lẻ, thiếu nhiều động vật căn bản, ví dụ như không có con voi nào. Để thay thế cho voi, nhiều nỗ lực được thực hiện và một giải pháp tạm thời là nuôi rất nhiều thỏ. Tuy nhiên, khi đất nước phát triển, những thiếu sót dần dần được khắc phục thông qua một kế hoạch trọng điểm của trung ương.
Rồi cũng đến lúc giải quyết về con voi. Vào dịp kỷ niệm ngày  Giải phóng Ba lan, 22 tháng 7, sở thú nhận được thông báo sẽ được phân phối một con voi. Nhân viên của sở thú là những người hết lòng tận tụy với sự nghiệp chung, hết sức vui mừng với quyết định này. Nhưng họ còn ngạc nhiên hơn nhiều khi biết rằng Giám đốc đã viết một văn bản gửi trung ương từ chối sự phân phối và đưa ra một kế hoạch để có được một con voi theo một cách tiết kiệm. “Toàn thể nhân viên và tôi” – ông ta viết “nhận thức rằng chi phí cho một con voi đè nặng lên vai của người công nhân hầm mỏ và công xưởng thép của Ba lan. Để làm giảm chi phí của chúng ta, tôi đề nghị thay con voi đã đề cập trong thư thông báo bằng một con voi của chúng tôi tự làm. Chúng tôi có thể sản xuất được một con voi với đầy đủ các bộ phận bằng cao su, thổi phồng nó lên bằng không khí và đặt nó ở sau hàng rào cách ly. Một khi được sơn phết cẩn thận, người ta sẽ không thể nào phân biệt được nó và con voi thật, ngay cả khi xem xét kỹ. Xin nhớ rằng voi là một con vật chậm chạp, lờ phờ, không thể nhảy, chạy hay lăn trên đất. Chúng tôi sẽ gắn một tấm bảng lên hàng rào thông báo rằng đây là một con voi hết sức chậm chạp. Như thế tiền tiết kiệm được có thể chuyển sang cho việc chế tạo một máy bay phản lực mới hay bảo trì các nhà thờ di tích lịch sử. Xin lưu ý rằng đề nghị này, cũng như việc thiết kế dự án thể hiện sự đóng góp khiêm tốn của tôi trong công tác chung. Tôi luôn luôn là người đầy tớ khiêm tốn của nhân dân”, ký tên.
Chắc hẳn văn bản này đã rơi vào tay của một cán bộ làm việc quan liêu vô cảm, đã không đánh giá đúng sự việc và chỉ biết theo nguyên tắc chỉ đạo về sự tiết giảm chi phí, nên đã chấp nhận dự án. Được chấp thuận, giám đốc vườn thú ra lệnh làm một con voi cao su vĩ đại, sẽ được thổi phồng bằng không khí. Nhiệm vụ thổi voi này sẽ do hai nhân viên thực hiện bơm hơi từ hai phần đầu và đuôi. Để giữ bí mật, toàn bộ công việc phải được hoàn thành trong đêm. Trong khi đó cư dân của thị trấn đã biết là có một con voi thật đang được đưa đến và háo hức muốn xem voi. Ngoài ra, giám đốc vườn thú đang hối thúc công việc, vì ông ta hy vọng được tưởng thưởng một khi ý tưởng của ông ta thành công. Hai người nhân viên nhốt mình trong gian nhà xưởng chứa con voi giả, và bắt đầu thổi. Sau hai giờ nỗ lực họ thấy rằng con voi xám giả chỉ đầy hơi một phần, tạo thành một hình thù như củ hành nhũn nhão chẳng giống gì với một con voi thật.
Khi đêm xuống, những giọng nói của con người đã im bặt và chỉ còn nghe tiếng chó rừng tru trong sở thú, hai nhân viên, đã khá lớn tuổi và không quen với những việc thế này, cảm thấy mệt và nghỉ làm việc một lúc, nhưng vẫn bảo đảm không khí bên trong con voi giả không thoát ra ngoài. “Nếu mình cứ tiếp tục như thế này, sẽ phải mất thời gian đến sáng” – một người nói. “Tôi không biết phải nói gì với vợ khi về nhà. Cô ấy sẽ không tin nếu tôi nói rằng tôi phải bơm hơi cho một con voi suốt đêm”. “Chắc vậy rồi, đâu có ai ngày nào cũng thổi những con voi đâu” – người kia đồng ý. “Tất cả chỉ vì ông giám đốc của chúng ta.” Sau nửa giờ làm việc khác hai người lại mệt. Thân con voi giả đang phồng lên, nhưng còn lâu mới đạt tới kích cỡ đầy đủ của nó. “Việc càng lúc càng mệt hơn” – người nhân viên thứ nhất buột miệng. “Công việc thật là mệt nhọc và buồn tẻ” – người kia đồng ý. “Mình nghỉ một chút đi.” Trong khi đang nghỉ thì một người thấy một vòi hơi ga treo trên tường. Ông ta chợt nghĩ rằng có thể thổi đầy con voi giả bằng hơi ga. Ông trao đổi ý tưởng này với bạn và họ đồng ý thử nghiệm. Bằng việc nối vòi hơi ga vào con voi giả, chẳng bao lâu con vật đã có đầy đủ hình dáng ở giữa nhà xưởng trước niềm vui của họ. Con voi trông như thật. Thân voi to lớn, chân như cột nhà, tai to đùng và vòi voi hiện rõ. “Nhất hạng” – người đã đưa ra sáng kiến dùng hơi ga tuyên bố. “Bây giờ mình có thể về nhà.”
Khi bình minh ló dạng, con voi được đưa tới một bãi ở khu vực trung tâm của sở thú, kế bên chuồng khỉ. Con voi có vẻ chân thật nổi bật trên bối cảnh là một mỏm đá tự nhiên. Một tấm bảng được gắn phía trước nó: “Voi đặc biệt chậm chạp – không hề chạy”. Số khách đầu tiên của ngày hôm đó là một nhóm học sinh ở trường học địa phương, được thầy giáo đưa đến để dạy cho chúng một bài học về voi. Thầy cho cả nhóm dừng lại trước con voi và bắt đầu bài giảng: “Voi là động vật không ăn thịt. Nó rứt những cây non ra khỏi mặt đất bằng vòi và ăn các lá.” 
Các em học sinh tập họp phía trước con voi, nhìn nó với sự ngạc nhiên. Chúng chờ đợi nó rứt lên một cây, nhưng nó chỉ đứng đó, bất động, phía sau hàng rào. “Voi là hậu duệ trực hệ của voi ma mút khổng lồ, ngày nay đã tuyệt chủng. Nên chẳng ngạc nhiên lắm khi nó là một trong những động vật lớn nhất sống trên cạn.” Nhiều học sinh siêng năng đang ghi chép. “Chỉ có cá voi là nặng hơn voi, nhưng cá voi sống ở biển. Vì thế người ta có thể nói mà không e ngại rằng voi là vua trong thế giới động vật hoang dã.” Một làn gió nhẹ thổi qua vườn. “Trọng lượng của một con voi trưởng thành từ bốn đến sáu ngàn ký lô.”
Ngay lúc đó con voi rùng rình bay lên. Trong thoáng chốc nó chòng chành phía trên mặt đất, rồi gió bốc nó lên cao hơn làm nổi rõ thân thể to lớn của nó trên nền trời xanh. Voi bay lên càng lúc càng cao, sau một lúc nó quay lại, phô ra cho những người từ bên dưới nhìn lên bốn bàn chân tròn dang rộng, cái bụng tròn trĩnh và đầu vòi voi. Rồi, được gió đưa ngang, nó bay qua bên trên hàng rào và biến mất phía sau hàng cây cao. Những con khỉ sửng sốt nhìn lên trời. Sau đó con voi được tìm thấy ở Vườn Thực vật, ở đó nó nổ tung, vì đâm vào một cây xương rồng khi đang hạ xuống. Các em học sinh ở sở thú lần đó, trở lại trường và trở nên hung hăng. Hình như chúng uống rượu vodka và phá các cửa sổ. Chúng không tin chút nào về loài voi.

                                                VÕ HOÀNG MINH dịch
                                                            (Từ “The Elephant”)


Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 287- tác giả BÙI MINH VŨ

Nhà thơ BÙI MINH VŨ



BƯỚC CHÂN ĐẦU TIÊN VÀO VƯƠNG QUỐC THƠ



Hồ Hồng Lĩnh đến với thơ chậm, nhưng chắc:“Này em/ Chầm chậm bước
chân/ Cho anh lên với.” Năm 2013, tập thơ đầu tiên: Quá Giang (NXB Phụ nữ ấn hành) ra đời, đến nay xuất bản tập Sang Mùa, đánh dấu bước tiến trong quá trình sáng tác của anh. Người đọc dễ nhận ra chất giọng có thay đổi, gắn liền với chức trách xã hội công dân của thi sĩ được nâng lên.
Thơ anh không nặng tính thế sự nhưng chưa bao giờ nhạt nhòa, không bao biện, không cụ thể nhưng rất đời, gần với cuộc sống muôn quý ngàn yêu. Chưa thể tổng kết, đánh giá gì vội, nhưng rất mừng và hưng phấn khi đọc Sang Mùa, đọc từ từ, đọc chậm, chắc chắn những giá trị của thi phẩm sẽ mang đến cho người đọc một ý nghĩa nhất định.
Quê hương vẫn là mảng đề tài anh khá tâm huyết và trân trọng dành tình cảm thể hiện qua “Dòng sông, xóm dừa/ Tím lịm/ Ta mơ màng như tím nụ hôn.” Và “khi bãi bờ đã ngút/ Vẫn có một khoảng trời hoa lửa/ Tự ta say.” Cam Ranh với “Đáy nước gương xanh” khiến thi sĩ muốn tan trong trời, trong “Nước non bật hồn/ Ta là chồi xanh/ Nhú trên biển cả”. Và “Bình Ba. Bãi chướng bãi nồm bãi ngang” với “Gió khơi lòng đá. Đá hát tình ca” khiến anh thốt lên tình yêu tha thiết “Con sóng vô bờ/ Nỗi nhớ cầu tàu/ Nhớ bãi san hô/ Nhớ con nghê đá”. Tâm thức nhớ trong anh chừng như cồn cào, khôn nguôi về làng, nơi anh sống, vẫn cốt cách chung “Làng/ Đã hết ao chuôm vùng trũng/ Như phố thị nở hoa sen giữa vành đai xanh lúa/ Một không gian minh chứng đổi thay làng/ Mắt môi ta bỗng như no hạnh phúc.”
Đôi khi anh muốn quay lại, tìm về cái thời chân quê ngày xưa “muốn trở về/
giỏ cói chợ/ ngày xưa”; lại nhớ Hà Nội như gửi hồn vào nơi tin yêu và hy vọng “Vẫn hóng hồn ngoài đó/ Hà Nội ơi”. Và tháng tư, vẫn là thời khắc linh thiêng “Năm cánh quân/ Đạp cửa xông vào/ Thắp lửa vào sao/ Lâng lâng đất trời/ Lâng lâng biển/ Trọn vòng ôm.”.
Quê hương trong thơ Hồ Hồng Lĩnh gần như là gam màu chủ đạo, thể hiện ở nhiều khía cạnh, khi là một địa danh, lúc là những quý nhân gắn bó với tác giả cả cuộc đời. Mẹ là hình ảnh dung dị, bình thản, hy sinh vô bờ bến cho con:
Mẹ, một đời quên đi phận mình còn bao thua thiệt /Khâu vá tình yêu
Bằng trung hậu đời mình.
Một người bác cũng chân quê, chịu khó, một nắng hai sương, vượt qua những gian truân, cực nhọc:
Sống gần thế kỷ
Bác tôi
Vồng khoai cây lúa
Nặng vai một đời.
Bài thơ “Kể chuyện”, viết về người chú trở về từ chiến trường, tác giả kể lại
mối quan hệ chú - cháu bằng những kỷ niệm khó quên, gây xúc động. Bài thơ vừa có tính truyện, vắt dòng, ngôn ngữ hàng ngày, gần như hơi lạ trong thơ Hồ Hồng Lĩnh:
Có những đêm mưa đá đầu mùa
Chú lôi tôi nhét xuống gầm giường
Rồi bảo “chúng phản kích
Có cả cối và vua chiến trường trọng pháo”
Hết mưa. Chú lại cõng tôi đi
Bất thần như chớp
“Tản nhanh - chúng nó thể
Không chiếm được
B52 san phẳng”.
Vẻ đẹp của “khăn rằn” hay một nàng thôn nữ đã làm cho nhà thơ mê mẩn:
“Khăn rằn hương bén nôn nao/ Ếm trong vườn bưởi hé mào sầu riêng/…Tím chen một vệt mây dong/ Bồng bềnh ta vẫn khát mong bồng bềnh.”. Hồ Hồng Lĩnh có những rung động tinh tế: “Nha Trang đêm/ Những cặp tình nhân/ Ôm trăng/ Ôm biển/ Ta như đang/ Lơ lửng/ Cùng đêm.”; đôi khi “khuynh nữ”: “Bóng hồng bỗng đẹp chợ phiên/ Còn nghe hương thoảng lối riêng em về”. Nhờ tính “khuynh nữ”, nên thơ Hồ Hồng Lĩnh trẻ trung:
Giấc mơ tròn em mới qua đây
Màu phượng hồng hay má môi em ửng
Nghe nồng nàn như hạ rối vào thu
Nếu có thể
Em cứ đều như thế
Ban trưa nào em cũng ghé thăm ta.
Đôi khi trách bóng gió, khấn trời, xin mưa đừng ngăn cách “đôi tình”, đừng
làm tan biến giấc mơ trưa: “Hạ vẫn vào mưa/ xin thôi đừng rớt hạt/ lỡ vô tình/ lấm láp/ giấc mơ trưa.”.
Viết về đôi mắt người tình, nhiều nhà thơ đã viết, đến lượt anh, vẫn có những nét đáng yêu:
Mắt em đen màu đêm
anh xin uống thật nhiều đêm
để mắt em cực đen
cho cuộc tình chuốc trong màu đen huyễn hoặc.
Nghệ thuật trong tập thơ Sang mùa dường như có những bước chuyển mới so với tập Quá giang. Thi pháp mới hơn, giọng điệu lạ hơn, hình ảnh hay hơn, ngôn ngữ tinh tế hơn.
Hãy đọc:
Tháng bảy
Nỗi buồn trổ hoa
Đọc câu thơ thấy cơn khát rộp phồng, gãy bóng giấc mơ:
Tôi chạy trên cánh đồng điêu đứng
Những cơn mưa vô cảm vẫn đớn hèn.
Có câu thơ làm chau lòng cùng kiệt bằng hình ảnh đẹp:
Các em non như cây chuối lá lên ba
Cõng nhau qua ngày mưa tháng lụt.
Dùng phép điệp láy:
Hương thu ru rủ ủ duyên
rực vàng hoa lúa như yên phận người.
***
Hồ Hồng lĩnh bắt đầu đặt bước chân đầu tiên vào vương quốc thơ. Anh có đi xa hay không còn tùy sức lực, nhưng tôi tin với đam mê và nhiệt huyết của người lính, chắc chắn nhà thơ sẽ có những thi phẩm mới xứng đáng để chúng ta nâng niu, trân trọng.