Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

CHIM ÉN VÀ MÙA XUÂN

Nhà văn Nguyễn Việt Nga - Đại biểu Quốc hội khóa XII


Tùy bút của HỒNG CHIẾN 

Làng Vân Trang quê tôi định cư dưới chân gò Chan, tất cả các ngôi nhà trong làng đều hướng ra phía đông có sông Thị Long - ranh giới của hai huyện Nông Cống - Tỉnh Gia chảy qua. Sông Thị Long cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho nhân dân sản xuất nông nghiệp trong vùng. Có lẽ do dòng sông bồi đắp hàng triệu năm nên hai bên bờ sông có nhiều cánh đồng trồng lúa rộng mênh mông. Thời nhỏ tôi thường theo chị dắt trâu đi qua đường sắt xuống bãi Cháy, cồn Mua, đồng Xoài… cho  ăn. Trên đường đi, hai bên là cánh đồng lúa trải dài từ làng chạy xa tới tận làng Kén – xóm đạo duy nhất của xã Tượng Sơn, có cây thánh giá hình chữ thập xây trên nóc nhà thờ in dấu trên nền trời xanh.
Mùa đông, chị em tôi khoác thêm chiếc áo tơi kè chống chọi với gió lạnh. Một hôm khi đi qua cánh đồng lúa, thấy những con chim bé nhỏ, cánh dài, lưng màu xám đen, bụng màu trắng bạc chao lượn trên các ruông lúa; chị tôi reo lên: “Én về rồi! Mùa xuân về rồi”! Tôi ngạc nhiên hỏi chị: “Chim én và mùa xuân có gì liên quan với nhau”? Chị bảo: “Ngốc thế, mùa đông lạnh giá chim én từ phương bắc phải bay về phương nam tránh rét, đến mùa xuân âm áp chúng lại bay về phương bắc, về nhà của chúng đấy; vì thế đang mùa đông mà thấy én bay về biết ngay thời tiết đã chuyển qua mùa xuân”. Ra thế!
Từ ấy trong tôi và lũ trẻ chăn trâu xóm núi khi mùa đông đến co ro vì lạnh thường tụm đầu nói với nhau niềm ao ước mong được thấy chim én bay về, xua đi lạnh giá, mang mùa xuân tới. Chim én bay về, hàng xoan sau vườn làm ranh giới với nhà hàng xóm không có một chiếc lá, cành cây gân guốc như đã chết, bỗng bung chồi, nảy lộc rồi khoe với đất trời từng chùm hoa tím rung rinh theo gió. Mà cũng lạ, không chỉ cánh chăn trâu chúng tôi, ngay cả người lớn cũng mong ngóng chim én về. Có lần sau những ngày mưa phùn gió bấc sáng ra thấy chim én bay về, cha tôi nói với mẹ: “Năm nay chim én về sớm chắc chắn được mùa”. Hình như sự xuất hiện của những con chim én ấy làm các gia đình trở nên đầm ấm hơn, vui vẻ hơn.
Hôm qua chương trình thời sự trên ti vi vừa giới thiệu kết quả bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, làm náo nức lòng người. Thắng lợi của cuộc bầu cử lần này thể hiện sự gắn bó giữa ý Đảng lòng dân chắc chắn sẽ đưa nước nhà tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới. Đắk Lắk, một tỉnh được suy tôn là “Thủ phủ Tây Nguyên” dù vừa bị hạn hán nặng nề, kinh tế nhiều gia đình bị ảnh hưởng vẫn nô nức đi bầu cử với tỷ lệ khá cao; điều ấy chứng tỏ Đảng bộ và Chính quyền địa phương đã làm tốt công tác vận động bầu cử, nhân dân tin tưởng tuyệt đối.
Nhà văn Lê Khôi Nguyên

Kết quả sơ bộ được thông báo tạo nên một trận “bão” thông tin, trên các quán cà phê, bên bàn nhậu, qua câu chuyện hàng ngày của các cụ bên ấm trà… ở đâu người ta cũng nói về kết quả bầu cử với những lời háo hức, tin tưởng, chờ mong… Trong không khí ấy, những người làm văn nghệ Đắk Lắk không đứng ngoài cuộc; họ còn vui hơn khi biết tin nhà văn Lê Khôi Nguyên – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tái đắc cử Hội đồng nhân dân tỉnh.  Anh em văn nghệ sỹ mong và hy vọng nhà văn Lê Khôi Nguyên tái đắc cử lần này sẽ có nhiều đóng góp vào những quyết sách phát triển chung về văn hóa xã hội tỉnh nhà và đặc biệt là Văn hóa Văn nghệ. Trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, trên cương vị Chủ tịch Hội Văn Nghệ tỉnh, mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng đã tập hợp được đội ngũ văn nghệ sỹ say mê sáng tạo, năm nào cũng có hội viên đạt giải cao trong các cuộc thi, liên hoan, triển lãm... chuyên ngành Khu vực, Quốc gia và Quốc tế. Hy vọng với kinh nghiệm tích lũy từ Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa trước, khóa mới này Nhà văn sẽ tham mưu cho Hội đồng nhân tỉnh ban hành những quyết sách để phát triển văn hóa xã hội nói chung và văn nghệ nói riêng sát với tình hình địa phương, có bước phát triển vượt bậc, đáp ứng được nhu cầu của công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh nhà.
Tin vui nối tiếp tin vui, tại cuộc họp do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại thành phố Đà Nẵng trong hai ngày 17 và 18 tháng 6 vừa qua lại được nghe nhà văn Đỗ Kim Cuông - Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam thông báo: nhà thơ Nguyễn Thị Việt Nga, Chủ tịch Hội Văn Nghệ tỉnh Hải Dương trúng cử Đại biểu Quốc Hội khóa XIV! Vui quá, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam có một đại biểu là nữ nhà thơ. Mừng cho Hội Văn Nghệ Hải Dương đã có người đại diện cho một vùng đất là nữ nhà thơ và mừng cho cả giới văn nghệ sỹ nước nhà lại có thêm một cán bộ nữ làm công tác quản lý văn nghệ thành đại biểu Quốc Hội. Chúng ta hy vọng trên cương vị mới, gánh vác trọng trách nặng nề, Nhà thơ sẽ có những đề xuất, kiến nghị với Quốc hội ban hành những chính sách phù hợp với đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng, khuyến khích Văn nghệ sỹ nước nhà tiếp tục có những tác phẩm đứng được với thời gian, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhà văn  Nguyễn Việt Nga

Văn nghệ sỹ được suy tôn là “chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn hóa văn nghệ của Đảng”, đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, bảo vệ biên cương của Tổ Quốc và công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Tiếc rằng thời gian qua còn có nơi áp dụng chính sách chưa phù hợp đối với giới văn nghệ sỹ như vận dụng Nghị định Số: 45/2010/NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 21 tháng 4 năm 2010 xếp Hội Văn học Nghệ thuật vào nhóm các hội đặc thù cùng chung với với các Hội: Người mù, Người tù, Chất độc màu da cam… là chưa được thỏa đáng.
Và lo, lo cho anh chị em Văn nghệ sỹ Hải Dương mất đi con chim đầu đàn vì phải nhận nhiệm vụ mới, người gách vác trách nhiệm thay thế sẽ là ai để tiếp tục giữ được phong trào văn nghệ tỉnh nhà như những năm trước đây! Ở Tây Nguyên đã có những bài học đau lòng về công tác bố trí cán bộ làm quản lý văn nghệ. Cách đây gần chục năm tôi có đi dự Đại hội Hội Văn Nghệ của một tỉnh bạn. Vào đại Hội chính thức, sau phần báo cáo kiểm tra tư cách đại biểu, bỗng có hội viên giơ tay xin phát biểu. Khi được phép của Đoàn Chủ tịch, vị hội viên nói: “Thưa Đại hội, cái ông ngồi ghế ở giữa Đoàn Chủ tịch kia là ai?” Tiếng hội viên cười ầm lên và có người trả lời: “Ông ấy đương là Chủ tịch Hội ta đấy!” Vị hội viên nói tiếp: “Ông ấy được Tỉnh cử sang làm Chủ tịch Hội từ giữa nhiệm kỳ, nay hết khóa phải trở về nơi cũ; còn đây là Đại hội của anh chị em văn nghệ sỹ tỉnh nhà, ông ấy không phải hội viên, không phải khách mời, thì không đủ tư cách dự Đại hội, sao lại ngồi trên ghế Đoàn Chủ tịch. Xuống!” Cả Hội trường lặng đi, trong khi ấy tại Đại hội có mặt lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính quyền tỉnh.
Lại có tỉnh, Đại hội không bầu Chủ tịch Hội để sau Đại hội, tỉnh mới điều một vị ở Ban Kiểm tra về làm Chủ tịch. Chưa được hai năm xảy ra đủ chuyện: kiện tụng, mât đoàn kết, vi phạm bản quyền… làm chấn động dư luận cả nước. Khi trả lời phóng viên ông Chủ tịch Hội “được điều động” đã nói rất thẳng thắn: Tôi học xong phổ thông thì đi bộ đội, xuất ngũ về làm công tác Đảng, đến khi tổ chức điều động thì về làm Chủ tịch Hội Văn Nghệ chứ tôi có biết văn nghệ là gì đâu"!?
Nhắc lại chuyện cũ tuy rất buồn nhưng đó cũng là bài học kinh nghiệm xương máu cho các cấp khi quy hoạch bố trí, cơ cấu lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật. Lãnh đạo Hội không những phải có TÂM, có TẦM mà còn có UY TÍN mới tập hợp được đội ngũ văn nghệ sỹ. Chúng ta đều biết Văn nghệ sỹ là những người được đất trời thiên phú cho những tài năng đặc biệt và lòng đam mê mà thành. Họ đam mê cái đẹp, đi tìm cái đẹp và bảo vệ cái đẹp dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc. Họ biết mình có tài nên để tập hợp họ phải là những người cùng giới và có cái “uy” về chuyên môn giỏi hơn người khác. Hội là nơi tập hợp đội ngũ văn nghệ sỹ cùng đi dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, dù những con người ấy là đảng viên hay chưa phải là đảng viên nhưng đã tự nguyện cống hiến sự nghiệp của mình cho Đảng, cho đất nước.
Những dấu hiệu tốt đẹp đã xuất hiện sau khi công bố kết quả bầu cử, nhân dân cả nước nói chung và giới Văn nghệ sỹ nói riêng trông chờ Quốc hội khóa mới hoạch định chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới sát với thực tế, hợp lòng dân, đúng theo ý Đảng. Để phát triển văn học nghệ thuật trong giai đoạn mới cần có những quyết sách phù hợp với chủ trương của Đảng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI  về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Những cánh én đã về báo hiệu mùa xuân mới sắp đến, mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái, cho một mùa bội thu. Và chúng ta tin nữ nhà thơ Nguyễn Thị Việt Nga – tân Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV sẽ có những đóng góp nhất định về hoạch định những chính sách phù hợp với tình hình hiện tại và định hướng phát triển trong tương lai, giúp anh em văn nghệ sỹ nước nhà siết chặt đội ngũ, vững bước dưới lá cờ quang vinh của Đảng, đóng góp công sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI