Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 287- tác giả BÙI MINH VŨ

Nhà thơ BÙI MINH VŨ



BƯỚC CHÂN ĐẦU TIÊN VÀO VƯƠNG QUỐC THƠ



Hồ Hồng Lĩnh đến với thơ chậm, nhưng chắc:“Này em/ Chầm chậm bước
chân/ Cho anh lên với.” Năm 2013, tập thơ đầu tiên: Quá Giang (NXB Phụ nữ ấn hành) ra đời, đến nay xuất bản tập Sang Mùa, đánh dấu bước tiến trong quá trình sáng tác của anh. Người đọc dễ nhận ra chất giọng có thay đổi, gắn liền với chức trách xã hội công dân của thi sĩ được nâng lên.
Thơ anh không nặng tính thế sự nhưng chưa bao giờ nhạt nhòa, không bao biện, không cụ thể nhưng rất đời, gần với cuộc sống muôn quý ngàn yêu. Chưa thể tổng kết, đánh giá gì vội, nhưng rất mừng và hưng phấn khi đọc Sang Mùa, đọc từ từ, đọc chậm, chắc chắn những giá trị của thi phẩm sẽ mang đến cho người đọc một ý nghĩa nhất định.
Quê hương vẫn là mảng đề tài anh khá tâm huyết và trân trọng dành tình cảm thể hiện qua “Dòng sông, xóm dừa/ Tím lịm/ Ta mơ màng như tím nụ hôn.” Và “khi bãi bờ đã ngút/ Vẫn có một khoảng trời hoa lửa/ Tự ta say.” Cam Ranh với “Đáy nước gương xanh” khiến thi sĩ muốn tan trong trời, trong “Nước non bật hồn/ Ta là chồi xanh/ Nhú trên biển cả”. Và “Bình Ba. Bãi chướng bãi nồm bãi ngang” với “Gió khơi lòng đá. Đá hát tình ca” khiến anh thốt lên tình yêu tha thiết “Con sóng vô bờ/ Nỗi nhớ cầu tàu/ Nhớ bãi san hô/ Nhớ con nghê đá”. Tâm thức nhớ trong anh chừng như cồn cào, khôn nguôi về làng, nơi anh sống, vẫn cốt cách chung “Làng/ Đã hết ao chuôm vùng trũng/ Như phố thị nở hoa sen giữa vành đai xanh lúa/ Một không gian minh chứng đổi thay làng/ Mắt môi ta bỗng như no hạnh phúc.”
Đôi khi anh muốn quay lại, tìm về cái thời chân quê ngày xưa “muốn trở về/
giỏ cói chợ/ ngày xưa”; lại nhớ Hà Nội như gửi hồn vào nơi tin yêu và hy vọng “Vẫn hóng hồn ngoài đó/ Hà Nội ơi”. Và tháng tư, vẫn là thời khắc linh thiêng “Năm cánh quân/ Đạp cửa xông vào/ Thắp lửa vào sao/ Lâng lâng đất trời/ Lâng lâng biển/ Trọn vòng ôm.”.
Quê hương trong thơ Hồ Hồng Lĩnh gần như là gam màu chủ đạo, thể hiện ở nhiều khía cạnh, khi là một địa danh, lúc là những quý nhân gắn bó với tác giả cả cuộc đời. Mẹ là hình ảnh dung dị, bình thản, hy sinh vô bờ bến cho con:
Mẹ, một đời quên đi phận mình còn bao thua thiệt /Khâu vá tình yêu
Bằng trung hậu đời mình.
Một người bác cũng chân quê, chịu khó, một nắng hai sương, vượt qua những gian truân, cực nhọc:
Sống gần thế kỷ
Bác tôi
Vồng khoai cây lúa
Nặng vai một đời.
Bài thơ “Kể chuyện”, viết về người chú trở về từ chiến trường, tác giả kể lại
mối quan hệ chú - cháu bằng những kỷ niệm khó quên, gây xúc động. Bài thơ vừa có tính truyện, vắt dòng, ngôn ngữ hàng ngày, gần như hơi lạ trong thơ Hồ Hồng Lĩnh:
Có những đêm mưa đá đầu mùa
Chú lôi tôi nhét xuống gầm giường
Rồi bảo “chúng phản kích
Có cả cối và vua chiến trường trọng pháo”
Hết mưa. Chú lại cõng tôi đi
Bất thần như chớp
“Tản nhanh - chúng nó thể
Không chiếm được
B52 san phẳng”.
Vẻ đẹp của “khăn rằn” hay một nàng thôn nữ đã làm cho nhà thơ mê mẩn:
“Khăn rằn hương bén nôn nao/ Ếm trong vườn bưởi hé mào sầu riêng/…Tím chen một vệt mây dong/ Bồng bềnh ta vẫn khát mong bồng bềnh.”. Hồ Hồng Lĩnh có những rung động tinh tế: “Nha Trang đêm/ Những cặp tình nhân/ Ôm trăng/ Ôm biển/ Ta như đang/ Lơ lửng/ Cùng đêm.”; đôi khi “khuynh nữ”: “Bóng hồng bỗng đẹp chợ phiên/ Còn nghe hương thoảng lối riêng em về”. Nhờ tính “khuynh nữ”, nên thơ Hồ Hồng Lĩnh trẻ trung:
Giấc mơ tròn em mới qua đây
Màu phượng hồng hay má môi em ửng
Nghe nồng nàn như hạ rối vào thu
Nếu có thể
Em cứ đều như thế
Ban trưa nào em cũng ghé thăm ta.
Đôi khi trách bóng gió, khấn trời, xin mưa đừng ngăn cách “đôi tình”, đừng
làm tan biến giấc mơ trưa: “Hạ vẫn vào mưa/ xin thôi đừng rớt hạt/ lỡ vô tình/ lấm láp/ giấc mơ trưa.”.
Viết về đôi mắt người tình, nhiều nhà thơ đã viết, đến lượt anh, vẫn có những nét đáng yêu:
Mắt em đen màu đêm
anh xin uống thật nhiều đêm
để mắt em cực đen
cho cuộc tình chuốc trong màu đen huyễn hoặc.
Nghệ thuật trong tập thơ Sang mùa dường như có những bước chuyển mới so với tập Quá giang. Thi pháp mới hơn, giọng điệu lạ hơn, hình ảnh hay hơn, ngôn ngữ tinh tế hơn.
Hãy đọc:
Tháng bảy
Nỗi buồn trổ hoa
Đọc câu thơ thấy cơn khát rộp phồng, gãy bóng giấc mơ:
Tôi chạy trên cánh đồng điêu đứng
Những cơn mưa vô cảm vẫn đớn hèn.
Có câu thơ làm chau lòng cùng kiệt bằng hình ảnh đẹp:
Các em non như cây chuối lá lên ba
Cõng nhau qua ngày mưa tháng lụt.
Dùng phép điệp láy:
Hương thu ru rủ ủ duyên
rực vàng hoa lúa như yên phận người.
***
Hồ Hồng lĩnh bắt đầu đặt bước chân đầu tiên vào vương quốc thơ. Anh có đi xa hay không còn tùy sức lực, nhưng tôi tin với đam mê và nhiệt huyết của người lính, chắc chắn nhà thơ sẽ có những thi phẩm mới xứng đáng để chúng ta nâng niu, trân trọng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI