CHÓT ĐỜI
Truyện ngắn
Lão Niệm đi đi lại lại trong nhà, nhìn lên nóc nhà đã thủng
vài chỗ, lại nhìn bốn vách tường trét đất đến hồi tu sửa, nhìn đông, rồi nhìn tây.
Và tự dưng lão thấy căn nhà sao mà mạt quá, dù từ khi giải phóng tới giờ, lão sống
ở đây cũng đã gần nửa cuộc đời. Lão bồn chồn, ngả lưng xuống chiếc phản cứng quèo,
vắt tay lên trán, nghĩ về giọng khẩn nài của thằng Thắng con mình khi đánh điện
thoại từ trên thành phố xuống nhắc lão bán đứt cái mảnh đất này rồi cầm tiền lên
để hưởng sự đoàn tụ với con cháu. Thực ra, lão cũng đã tính từ lâu rồi, mình thì
sắp chết, mảnh đất này ngoài căn nhà ọp ẹp với một mảnh vườn, cái ao cùng cái
chuồng lợn, chuồng gà nuôi cho đỡ tiền ăn thì nào có gì. Thời kinh tế thị trường,
như lão cũng tính là mạt rệp rồi, người nào người nấy chê ỏng chê eo. Lần này
con lão vừa có việc làm tốt, vừa lấy được vợ, vừa có hộ khẩu trên thủ đô, lão sẽ
chong mắt xem ai dám nói gì mình nữa.
Lão Niệm cười khì khì, mò dậy, tháo chiếc chiếu cói đầy
những con rệp ra ngoài sân, đứng dưới nắng mà rũ cho sạch. Lão nhón lấy một con
đương bò trên cánh tay, đưa ra trước mặt và nói: “Ông tống tiễn cho mày.” Rồi lão nhấn chết nó,
máu bung ra trên đầu ngón tay, đỏ tươi. Lên thành phố, lão sẽ thôi bị đám rệp
quấy nhiễu, dù không phủ nhận được rằng trong suốt những ngày tháng mồ côi, lão
chỉ có chúng làm bạn.
Lúc quay lại thì trông thấy bà Bôn hàng xóm, lão bảo:
- Lần này thì tôi lên thành phố nhớ, cho biết mặt, cho biết
mặt.
- Vâng, cũng mừng cho nhà bác! – Bà hàng xóm cách giậu mồng
tơi của lão bĩu môi, buông một câu chúc chua loét.
Ừ, thì quả có biết mặt thật, trong xóm nghèo này làm gì có
ai nuôi con ăn học mà xây được nhà, kiếm được hộ khẩu thủ đô đâu, nhất là trong
thời buổi kinh tế khó khăn thế này nữa. Nhưng mà bà vẫn thấy tức, con bà thì vẫn
đang nhong nhong xe ôm ngoài đường kìa. Tức thật! Nhổ toẹt bã trầu trong miệng xuống
đất, bà đứng dậy đi vào nhà. Bà Bôn rút ba nén hương, châm và khấn vái lầm rầm
trước bàn thờ chồng, không ai biết bà khấn những gì nhưng nom mặt có vẻ hả hê lắm.
- Lần này thì biết mặt nhớ! – Bà hướng về phía cửa, lên
giọng.
Lão Niệm nghe, lại cười khì khì. Và rồi, lão đi vào nhà.
Thuận tay, lão nhúm một nhúm đất vàng, bỏ vào cốc nước, định bụng để chút nữa
thì uống, coi như một nghi thức trước lúc rời quê. Xem nào, còn biết bao nhiêu
là việc, giờ lão phải lo liệu cho cái bàn thờ gia tiên, rồi còn phải thu xếp đồ
đạc và đi chào bà con xóm giềng cho phải phép. Lão Niệm chỉnh tề quần áo, vươn
thẳng lưng, khệnh khạng bước ra đường. Cốc nước pha đất bắt đầu lắng xuống.
***
Bằng với số tiền bán đất, con trai lão đã “chốt” được một
căn hộ chung cư khá rộng rãi và tiện nghi ở trung tâm thành phố. Thắng đón bố từ
bến xe về, lão Niệm lật đật bỏ dép ở ngoài, bước vào căn hộ phảng phất mùi nước
hoa ngai ngái, nom cửa rả, sàn, tường sạch bong sáng sủa, lại thấy khoan khoái
trong người.
- Bố đi nằm nghỉ rồi có tắm thì tắm, vợ con đến chiều mới
về cơ – Thắng vừa xách đồ đạc vào phòng vừa nói.
- Ừ - Lão cười.
- Con nấu gì cho bố ăn nhé? – Thắng hỏi.
- Anh cứ đi lo việc của anh. Mặc tôi.
Nghe được câu này, ông con trai lập tức “vâng” một tiếng
rõ gọn rồi đóng cửa phòng lại. Anh thở phào nhẹ nhõm một hơi, gọi điện cho vợ.
Hương bắt máy, anh nói:
- Anh đón bố lên rồi.
- Em đang bận lắm, lúc về nói sau nhé – Hương nhỏ giọng
thầm thì, bên cạnh còn có tiếng phụ nữ the thé giục cô nộp bản báo cáo.
- Anh biết rồi – Thắng gật đầu và cúp máy.
Trong kia, lão Niệm sải chân bước từ đầu phòng đến cuối
phòng, bước đi rồi bước lại, cần mẫn như một con sâu đo. Lão ngồi xuống giường,
chao ôi là êm! Vuốt lớp vải nệm mát rười rượi, móm mém cười thích chí, lão ngả
lưng và đánh một giấc ngon lành. Lần này, lão lại ngủ rất sâu, không mơ nữa. Tốt
lành thay khi không phải mơ nữa. Cho tới khi con dâu và cháu lão về, cho tới
khi Thắng vào gọi, trên môi lão vẫn nở một nụ cười.
Cháu lão - thằng Chiến năm nay lên lớp năm, cao vổng cao
vồng và xinh trai hệt lão hồi trẻ. Ấy là lão tự nhận xét như thế. Thấy lão, nó
lí nhí chào. Lão mắng:
- Tiên sư mày. Con trai ăn to nói lớn lên chứ!
Đứa cháu mím môi, ngoắc đầu lườm lão một cái. Lão thấy sợ
nó. Hương gượng gạo:
- Con xin lỗi bố, cháu còn nhỏ…
Mặt méo xẹo, lão thở dài. Thắng mời bố vào ăn cơm, lão chỉ
gật đầu lấy lệ. Nhấc đũa lên, lão Niệm trông mâm cơm và hỏi:
- Ai nấu cơm?
- Con nấu bố ạ - Hương cười, gắp cho ông một gắp rau muống
luộc - Nếu không hợp khẩu vị thì bố cứ bảo con.
- Lần sau luộc rau hay nấu cơm thì nhớ để mềm mềm chút,
tao móm rồi, không nhai được.
Buổi tối, trước khi đi ngủ, Hương càu nhàu với Thắng:
- Bố anh khó tính như ma.
***
Ở với con trai được dăm ngày thì lão lại sinh ra cái sự
buồn chân buồn tay. Không có việc gì làm, lại không quen biết ai nên đâm ra phiền
chán. Một dạo nọ, còn một mình ở nhà, lão bèn tháo hết chăn màn trong phòng ra để
giặt cho đỡ buồn. Con dâu về hỏi, lão chỉ bảo hình như nhà có rệp. “Rệp ư? Chỉ
dưới quê mới có chứ ở đây thì đào đâu ra? Nói dối mà cũng vụng!” - Lão tự mắng
mình như thế. Ấy vậy, chỉ vài ngày sau, rệp lại xuất hiện thật. Chính tay lão bắt
được hẳn hoi, còn giết nó nổ cái “tách”. Hằng ngày, chúng cắn lão đến sưng hết
cả chân tay lên. Thế mà khi lão mách với con trai thì anh lại nói:
- Có gì đâu mà bố, nhà mình lấy đâu ra rệp.
Con trai không tin lão, lão bèn quay sang mách với con dâu.
Hương là người kỹ tính, nghe thấy việc trong nhà có rệp hút máu thì hoảng quá,
bèn lật tung phòng ốc lên, xịt thuốc khắp nơi, nhưng rồi, đâu vẫn hoàn đấy. Lão
vẫn bị cái giống côn trùng ấy cắn đốt luôn. Một hôm, Hương bảo:
- Con tìm khắp rồi, không có đâu bố ạ. Chắc bố tưởng ra đấy
thôi.
“Tưởng tượng à?”, trong cuộc đời lão chưa từng xuất hiện
mấy từ này và rồi lão sôi máu, bắt một con rệp đương bò trên ngực áo, di chết nó
rồi bỏ vào lòng bàn tay, lão giơ lên cho con dâu xem:
- Đây, chị thấy chưa?
Hương gượng cười đầy ái ngại:
- Không có gì mà bố, bố nhìn lại xem.
Lão Niệm ngây ngẩn cả người, ngó lại lòng bàn tay. Ngoài
những đường chỉ tay vằn vện ngang dọc ra, quả không có gì thật. Hay mình điên rồi?
– Lão nghĩ, nhưng những cơn ngứa điên người là có thực, việc lão bắt được con rệp
no máu là có thực. Nhưng chúng đâu cả rồi? Lão tự hỏi mình, vẫn không có đáp án,
lão thẫn thờ trở về phòng. Thằng Chiến chòng:
- Ông già rồi, lẩm cẩm.
- Tao quật nát đít bây giờ! – Thắng quát.
Lão Niệm đóng cửa. Lão bắt đầu tìm lục khắp nơi, lão đi đi
lại lại trong phòng, và thẽ thọt bảo mình:
- Thành phố thì làm gì có rệp, chắc mình tưởng tượng thật…
Nhưng lão không tưởng tượng, lão có thể khẳng định chắc nịch
như vậy, bằng chứng là những vết cắn gây ngứa ran người tấy đỏ, bằng chứng là
chúng bám đầy lưng áo của lão mà mỗi lần cởi ra là nom thấy từng hàng, từng hàng.
Chúng nhìn kẻ chuẩn bị đến với nấm mồ với ánh mắt giễu cợt và uống máu thoả thuê.
Trông đám côn trùng nhung nhúc trên tấm ga tựa vừng đen, lão lại tháo hết chăn
màn ra. Lão như biến thành một cái máy dọn dẹp sống, không ngày nào ngơi nghỉ
trong việc giặt giũ, phơi phóng. Tối của tháng thứ hai kể từ khi lão Niệm tới,
sau bữa cơm, Hương bèn mở một cuộc họp gia đình. Cô bảo chồng:
- Ngày mai anh xin nghỉ làm đi, đưa bố đi khám.
Lão Niệm ngạc nhiên:
- Sao phải khám?
- Nhà mình đâu có rệp hả bố? – Hương nói.
- Ý chị là tôi bị điên phỏng?
Nghe lão quát, Thắng vội đỡ lời cho vợ:
- Vợ con thấy bố mệt đấy thôi, mai con đưa bố đi khám tổng
quát xem sao.
Lão Niệm nhíu mày, lắc đầu quầy quậy, rồi ngẩng lên mà gằn:
- Anh chị đuổi thì tôi về.
Thằng Chiến đang mải dán mắt vào màn hình tivi, chợt
reo lên hỏi ông:
- Bao giờ thì ông về quê hả ông?
Thắng quắc mắt, mắng con:
- Đi vào trong kia! Ai cho mày xen vào chuyện người lớn?
Rồi, anh lại khẩn nài:
- Bố cả nghĩ rồi.
Lão Niệm khoát tay thở dài, đứng dậy, lững thững đi vào
phòng. Lão không mấy khi nói đùa ai, lão sẽ về thật… Nhưng nhà còn đâu mà về? Về
đâu? Lão lại thở dài thườn thượt. Căn nhà quánh đặc lại, khiến cho ai nấy đều
khó thở. Hương thừ người nhìn Thắng, lát sau, cô nói:
- Em nói thật, em mệt mỏi lắm rồi. Anh tính sao thì tính,
bố muốn về cứ để bố về!
Tiếng của nàng dâu đanh gọn khiến lòng lão thấy buôn buốt,
lão cứ vắt tay lên trán mà nhìn chong chong lên trần nhà, đầu đau như búa bổ.
Ngày mai lão sẽ chuẩn bị đồ đạc... Lão Niệm lim dim mắt, để mặc đám rệp bò râm
ran trên lưng, trên ngực, trên bụng. Bốn bề tẻ ngắt, lão cảm tưởng như chiếc giường
êm ái đương hút dần mình xuống, sợ quá bèn gọi:
- Thằng Thắng đâu rồi?
Nửa đêm, không có ai đáp lời lão.
- Hương, lấy cho bố cốc nước!
Không một ai đáp lời lão. Đám rệp cắn vào người lão nghe
nhay nháy râm ran, dường như chúng muốn mượn cơ thể của kẻ già nua này để xây tổ.
Lão Niệm đưa tay lên gãi, nhưng có toét da rách thịt vẫn không hết ngứa. Lão mê
man cả đi, cơn khó thở di chứng từ cuộc chiến lại kéo tới. Hình như trước lúc
xa quê, lão đã quên mất cốc nước pha đất trên bàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI