Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 289 -tác giả NGUYỄN VĂN THANH

Chào mừng 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9




TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP VỚI SỰ VIỆC GIỮ VỮNG ĐỘC LẬP CHỦ QUYỀN, THỐNG NHẤT,
TOÀN VẸN LÃNH THỔ HIỆN NAY



Cách đây 70 năm, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đây là văn kiện thể hiện sự kết tinh khát vọng độc lập mấy nghìn năm của dân tộc. Đó là mốc son chói lọi, góp phần làm rạng rỡ nền văn hóa Việt Nam, chấm dứt chính thể quân chủ chuyên đế và chế độ thực dân áp bức, mở ra kỷ nguyên mới dân chủ cộng hòa.
Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa truyền thống anh dũng, kiên cường, trí tuệ và hòa khí tinh anh của ông cha ta xưa, cộng với tư duy sáng tạo, thông minh, nhìn xa trông rộng; có sự tham khảo những quan điểm đúng đắn về chủ quyền quốc gia, quyền của con người trong hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của thế giới, đó là Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền của nước Pháp 1791.
Mở đầu Tuyên ngôn độc lập Bác viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Nếu như trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ có câu: “Mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng” chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh con người, thì Hồ Chí Minh đã tiến tới một bước xa hơn và cao hơn về tầm tư duy là khẳng định điều này ở phạm vi rộng hơn, sâu sắc hơn ở chỗ: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Ở đây Người đã thay thế  từ “mọi người” thành từ “tất cả các dân tộc”, những gía trị cá nhân vốn là đặc trưng của văn hóa phương Tây được thay thế  bằng những gía trị mang tính cộng đồng là đặc trưng của văn hóa phương Đông. Đó chính là sự sáng tạo tuyệt vời của Bác Hồ kính yêu.
Những quyền trên là thành quả chung của nhân loại trong cuộc đấu tranh hàng nghìn năm chống lại ách áp bức, bất công của chế độ nô lệ, phong kiến và thực dân tàn bạo đối với con người. Các quyền đó đã dần dần được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật của nhiều nước tư bản bản Âu-Mỹ. Nhắc lại những chân lý bất hủ đó để chứng tỏ rằng tư duy pháp lý Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam là thống nhất và liền mạch với tư duy pháp lý của nhân loại tiến bộ, không xa lạ với những chân lý phổ biến đã được coi là thành quả văn minh của loài người.
Bằng những lý lẽ sắc bén, lập luận đanh thép và lời văn hùng hồn, bản Tuyên ngôn đã khẳng định lại một lần nữa quyền của dân tộc Việt Nam phải được sống trong độc lập, tự do như bất cứ dân tộc nào khác, “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! dân tộc đó phải được độc lập!”. Trong hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Bản án chế độ thực dân Pháp” đã có từ 30 năm trước đây. Nhưng hôm nay mới chính là ngày chế độ thực dân Pháp bị đưa ra cho toàn dân Việt Nam công khai xét xử. Lịch sử đã sang trang. Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu: Kỷ nguyên Độc lập, Tự do, Hạnh phúc…cả dân tộc hồi sinh” .
Trong bối cảnh quốc tế và Việt Nam sau chiến tranh thế gới thứ hai, khi mà trật tự pháp lý quốc tế chỉ nhằm phục vụ quyền lợi ích kỷ của các nước lớn tư bản, đế quốc, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính là lời tuyên bố cáo chung của chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức, đồng thời cũng là lời báo hiệu mở đầu thời đại trỗi dậy của các dân tộc thuộc địa đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Chính vì vậy, nhiều nước Á-Phi đã thừa nhận đóng góp to lớn của của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sự xác lập một nền công pháp quốc tế mới, một nền công pháp đảm bảo cho các quyền tự do, bình đẳng của con người và quyền tự quyết, quyền bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc trong việc tự do lựa chọn con đường phát triển của mình về chính trị, kinh tế , văn hóa, …
Những câu kết thúc trong bản Tuyên ngôn độc lập chính là “lời thề độc lập” - lời thề bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước của nhân dân Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Đánh giá về ý nghĩa quốc tế, ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn độc lập  của nước ta, trong lễ trao bằng tiến sĩ luật khoa danh dự cho Chủ tịch Hồ chí Minh năm 1959, ông Giám đốc Trường Đại học Tổng hợp Băng-Đung (Indonesia) đã nói: “Đó là một đạo luật mới của nhân dân thế giới khẳng định quyền tự do, độc lập bất khả xâm phạm của các dân tộc bị áp bức.
Thực hiện lời thề trong Tuyên ngôn độc lập: Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”, cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã anh dũng đấu tranh suốt 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do” để giành độc lập, thống nhất với những chiến công hiển hách; đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ; tiến hành cuộc kháng chiến chín năm trường kỳ, đầy gian khổ, hy sinh, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp đó, trải qua 21 năm chiến đấu anh dũng, kiên cường đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, giành toàn thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay sau đó, nhân dân ta lại phải tiếp tục tiến hành các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Chỉ đến khi đó, nhân dân ta mới thực sự được sống trong hòa bình, xây dựng lại đất nước. Đến nay, qua 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố, tăng cường, lên tầm cao mới.
Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta tiến hành trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những thay đổi nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, tạo ra cả thời cơ và thách thức đan xen. “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới ; nguy cơ “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta,..” chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là những nhân tố gây mất ổn định, xâm phạm chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo Việt Nam vẫn đang diễn ra gay gắt; nguy cơ xung đột vũ trang, tranh chấp trên biển, đảo và thềm lục địa của nước ta chưa được loại trừ; còn tồn tại những vấn đề xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông.Biển Đông trở thành một trong những “điểm nóng”, mối quan tâm hàng đầu của thế giới. Trong thời gian qua, chính phủ, các nhà khoa học quân sự, chính trị, giới học giả và các hãng thông tấn báo chí trên thế giới, nhất là cộng đồng các nước ASEAN đã đồng loạt lên án các hoạt động mở rộng, bồi đắp phi pháp của Trung Quốc trên một số đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết vụ kiện giữa Cộng hòa Phi-lip-pin và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đây là phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở biển Đông. Toàn văn phán quyết của PCA gồm 497 trang, trong đó có một số nội dung đáng quan tâm, đó là: (1) PCA khẳng định yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); (2) Trung Quốc không có “tư cách lịch sử” đối với các vùng biển ở biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong “đường 9 đoạn”; (3) Theo PCA, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế; (4) Trung Quốc đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái san hô ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Phi-lip-pin tại bãi Scarborough (Hoàng Nham) trên biển Đông; (5) Những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc các bên đang nỗ lực để giải quyết vấn đề.
Sau phán quyết của PCA, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố trắng trợn:Trong bất cứ tình hình nào, chủ quyền lãnh thổ và các quyền, lợi ích hàng hải của Trung Quốc trên biển Đông đều không chịu ảnh hưởng từ phán quyết của Tòa Trọng tài. Trung Quốc không chấp nhận bất cứ chủ trương và hành động nào xuất phát từ phán quyết” (theo Thủy Thu/Soha.vn/Ttvn.vn.) Phản ứng của Trung Quốc tiếp tục gia tăng thêm các căng thẳng trên biển Đông. 
Trước tình hình phức tạp đó, quán triệt và kiên định tinh thần cơ bản của Tuyên ngôn độc lập, Đảng ta vẫn nhất quán khẳng định: “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, để phát triển bền vững đất nước. “Có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”.
Độc lập dân tộc hiện nay không chỉ xác định trong biên giới quốc gia, mà còn thể hiện thông qua vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, trong việc hợp tác giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu và đấu tranh, bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc bên ngoài biên giới lãnh thổ (biên giới mềm). Do đó, Đảng ta đã đổi mới mạnh mẽ tư duy đối ngoại với phương châm: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển.Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN”. Để có thể giữ nước từ khi chưa nguy, bảo vệ độc lập, chủ quyền, đặc biệt là chủ quyền trên biển Đông, phải thực hiện cho bằng được: “Kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh,thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị- xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất”.
Tuyên ngôn độc lập mãi mãi là một áng hùng văn bất hủ,  là cơ sở lý luận và phương pháp luận khoa học để chúng ta vận dụng vào quá trình hội nhập, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, xây dựng thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI