Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 287- tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO

VĂN CHƯƠNG LÀ TRÒ CHƠI KHÓ!



 Nhà văn Nguyễn Anh Đào

Nguyễn Văn Thiện sinh năm 1975, quê Nghệ An, hiện là giáo viên dạy văn tại Đắk Lắk. Anh đến với văn chương như một “nghiệp”, có hi sinh, có đánh đổi cảm xúc riêng mình để tìm một lối đi, một thế giới riêng biệt để không lẫn vào ai khác. Không phải là tác giả có những đầu sách bán chạy với vài chục nghìn bản in, nhưng nhà văn Nguyễn Văn Thiện để lại dấu ấn đặc biệt với lối hành văn ẩn dụ sâu sắc, kể về những mảng sáng - tối của cuộc đời qua lăng kính lạ lùng, khó đoán. Sau tập truyện ngắn “Nắng trước cửa thiên đường” (2011), rồi đến tiểu thuyết “Nước mắt màu xanh thẫm” (2015) và “Chơi trò đồng xanh” vừa mới ra mắt (tất cả do NXB Hội nhà văn ấn hành), Nguyễn Văn Thiện khẳng định một điều rất rõ ràng, anh thuộc nhóm tác giả cho ra đời những tác phẩm không thể chỉ đọc một lần.
Nhân dịp Nguyễn Văn Thiện vừa ra mắt tập truyện ngắn “Chơi trò đồng xanh” chúng ta cùng trò chuyện với tác giả.
“Văn chương là trò chơi, bạn cũng có thể chơi cùng!”
Nhà văn Nguyễn Văn Thiện

- Chào anh Thiện, anh có thể nói qua về tác phẩm “Chơi trò đồng xanh” vừa ra mắt của anh với độc giả? Về thời gian ấp ủ, hoàn thành bản thảo chẳng hạn? Và, tại sao lại là cái tên “Chơi trò đồng xanh” - một cái tên không phải gây tò mò, thắc mắc mà rõ ràng là một sự đánh đố độc giả?
Nếu bạn để ý, sẽ thấy trong tập truyện này, có nhiều truyện ngắn bắt đầu bằng “Chơi trò…”, Chơi trò đồng xanh, Chơi trò đế vương, Chơi trò chui bao… Có lẽ bạn đọc đã quen với suy nghĩ, rằng tác phẩm văn học, đặc biệt là văn xuôi, phải là một câu chuyện gì đó thật mạch lạc, nghiêm túc, để sau khi đọc, người ta kể lại cho nhau nghe, để rút ra bài học về xã hội chẳng hạn. Tôi làm việc khác, từ việc coi văn chương là một trò chơi, tôi tham dự trò chơi ấy và kể lại cho bạn nghe trò chơi ấy, nếu cảm thấy hào hứng, bạn có thể tham dự, bằng trí tưởng tượng của mình, vui lắm đấy!
- Anh nói sao khi có những độc giả của anh cũng là người cầm bút, vẫn đánh giá văn anh quá khó để hấp thụ?
Nếu bạn nhiệt tình tham dự trò chơi với tôi, bạn sẽ hiểu điều tôi muốn nói, không bí hiểm lắm đâu, toàn là những hình ảnh của cuộc đời thực, khúc xạ qua trái tim, qua trí tưởng tượng, và sự nhảy múa của con chữ. Nếu bạn phát huy trí tưởng tượng một chút, cuộc chơi sẽ rất vui, và cũng không thiếu những bài học nhân sinh.
- Xu thế văn học hiện tại đang có vẻ “chiều chuộng” thị trường và độc giả, anh dường như đang đi con đường ngược lại, điều này với anh thực chất là thế nào? Có phải đó là cách anh tạo sự khác biệt với các tác giả khác?
Không có cách viết nào là dễ dàng, không có con đường nào là bằng phẳng. Tôi đi một con đường riêng bởi vì tôi có một không gian riêng, một câu chuyện riêng và trò chơi riêng của mình, gian nan nhưng thú vị! Nếu tôi giống người khác thì tôi có còn là tôi không?
“Văn học mà né tránh vấn đề nhạy cảm, thế văn học nói chuyện gì?”
- Được biết anh là một giáo viên dạy Văn, việc đứng bục giảng có ảnh hưởng gì đến sáng tác của anh không, khi mà chắc chắn anh sẽ bị học trò và cả phụ huynh “soi”?
Học trò rất thích trò chơi chữ nghĩa của thầy!
- Nhưng rõ ràng, mỗi ngày làm việc của anh đều tiếp xúc với nhóm tuổi dễ thương học trò, tại sao anh lại không nghĩ đến việc viết về những xúc cảm thật mà anh đối diện hàng ngày đó?
Không ai là không phải đối diện với hiện thực, dù hiện thực có đau buồn hoặc dở dang đến mấy. Đừng nghĩ tuổi học trò là không biết suy tư, các em trăn trở theo kiểu của các em. Có nhiều khi, mình chỉ là người diễn đạt giùm. Học trò của tôi đa số là người dân tộc Êđê, tâm hồn chưa vết gợn. Các em vẫn đọc truyện của tôi mỗi ngày trên facebook, và hiểu điều tôi muốn nói, về núi Chư Mang, về mảnh đất Tây Nguyên thân thương. Có nhiều em, sau khi đọc truyện, cũng tập tành viết, cũng muốn trở thành người kể chuyện của buôn làng.
- Sau “Nước mắt màu xanh thẫm”, nay đến “Chơi trò đồng xanh”, sự dữ dội ẩn sau văn phong tưởng rất nuột của anh khiến độc giả có phần e ngại, vậy liệu nếu có một lời đề nghị anh viết theo thể khác đi, về đề tài, về văn phong - có thể là rõ ràng hơn, thực tế hơn - thì anh sẽ nói gì?
Biết nói làm sao để bạn đọc đừng bỏ đi mà mình vẫn là mình nhỉ? Tôi biết, không chỉ bạn đọc bình thường đâu, kể các các nhà văn cũng phàn nàn truyện Nguyễn Văn Thiện khó hiểu. Thôi thì nói thế này vậy, tôi bày ra một trò chơi vui vẻ, bạn có thể tham dự, nếu không, bạn có thể đứng ngoài quan sát, hoặc bạn có thể bĩu môi, sau đó, tham dự một trò chơi khác, vui hơn! “Đời, chẳng qua là một cuộc rong chơi”, tôi đã từng viết thế!
- Độc giả nhạy cảm sẽ nhận ra ngay những vấn đề thời sự trong “Chơi trò đồng xanh”, có những thứ khá là nhạy cảm, anh không ngại việc này gây khó khăn trong quá trình xuất bản hay phát hành sách của anh sao?
Cái nguy hiểm nhất của người viết là tự kiểm duyệt mình, chưa viết mà đã nghĩ viết thế này rồi ai đăng, ai in, thì làm sao mà viết? Văn học mà né tránh vấn đề nhạy cảm, thế văn học nói chuyện gì?
- Khá riêng tư và cũng khá nhạy cảm, nhưng vẫn muốn hỏi anh nghĩ gì, khi rõ ràng xét về mọi mặt, văn anh có tính đầu tư rất cao, nhưng nhìn số lượng bản in lại rất “khiêm tốn” so với những tác giả trẻ còn non tay?
Chuyện ấy thực ra không quan trọng lắm đâu. Tôi không nghĩ viết văn để in nhiều, nhuận bút cao, thu nhập khá… Chỉ là chơi trò chữ nghĩa thôi mà! Nếu lấy tiêu chí ấy mà sáng tác, thì trò chơi này e rằng sẽ mất vui.
- Anh nói qua một chút về thứ khiến anh hài lòng và không hài lòng trong “Chơi trò đồng xanh” được không?
Điểm hài lòng nhất, là chính tác giả, sau khi cầm quyển sách trên tay, đọc lại một lần nữa với tư cách là độc giả thấu hiểu nhất, vẫn thấy, trò chơi này quả thật rất vui!
Nếu phải nói điểm không hài lòng, thì chắc chắn phải nói rằng, tuy trò chơi vui thật, nhưng sẽ kén người chơi, ít người hưởng ứng, điều đó, có một phần lỗi ở tác giả! Nhưng tôi vẫn tin, thời gian sẽ rất công bằng.
Chân thành cảm ơn nhà văn!
NGUYỄN ANH ĐÀO thực hiện


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI