Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 289 - tác giả KHÔI NGUYÊN





NGÀY ĐẦU TÔI ĐI HỌC
Hồi ức



Năm 1971.
Bữa ấy, anh em tôi đang chơi ngoài ngõ, cạnh một hố tăng – xê ẩn trong hàng rào ô rô, chúng tôi bứt lá ô rô, chấm cuống lá tre vào giọt nhựa tí ti tiết ra nơi cuống lá ô rô mới lìa cành, để thổi bong bóng (bấy giờ làm gì có xà – phòng cho trẻ nghịch chơi!) thì mấy đứa bạn cùng xóm đi ngang qua, í ới rủ: Đi học không? Trẻ quê, chơi với nhau, hơn vài ba tuổi vẫn xưng hô mày tao là chuyện bình thường. Chúng nó đã 6 hoặc 7, 8 tuổi, tôi 5 tuổi. Thấy chúng nó kéo nhau đi thành đàn thành lũ vui quá, tôi bảo thằng em: Mày về đi! Tao đi học đây! Rồi tót theo lũ bạn.
Dọc đường đi, chúng nó ríu rít cãi nhau về chuyện đi lên chùa hay ra đình hoặc đến Cầu chợ (nhà để bà con buôn bán đến cầu xin buôn may bán đắt). Chỉ đến khi thằng “to đầu” nhất nhóm đã 8 tuổi nói: “Đứa nào học lớp 2 thì lên chùa, đứa nào học lớp 1 thì ra đình, đứa nào vỡ lòng thì học ở Cầu chợ” thì chúng tôi mới thôi chí chóe.
Đến Cầu chợ thì chúng tôi phải đứng ngoài vì bọn lớp 3 đang học. Chúng nó đang tập dượt, ôn lại bài thể dục giữa giờ, mỗi động tác cổ, tay, lưng, bụng, chân... đều theo nhịp của lời đồng giao. Bài thứ nhất: Cúi mãi/ mỏi lưng/ viết mãi/ mỏi tay/ thể dục/thế này/là hết/ mệt mỏi; bài thứ hai: Em yêu/ mái trường làng/ em sẵn sàng/ tập thể dục./ Em cố/ gắng học hành/ để góp phần/ thắng giặc Mĩ. Những đứa lần đầu tiên biết đến trường lớp như tôi thì ngó vào nhìn với những cặp mắt ngưỡng mộ. Chỉ bọn 7, 8 tuổi coi đấy là bình thường vì trước đây cũng đã được học bài này, lý do nào đó mà phải bỏ học hoặc bị đúp, chúng nó nhẩn nha chơi bi ngoài sân dưới tán lá bàng rợp mát.
Rồi bọn lớp 3 cũng tan buổi học. Chúng nó a ê reo lên sau khi hát bài “Chào cô cháu về” theo kiểu “tháo khoán”. Một thằng nhảy đến trước mặt tôi, chỉ tay, hoạnh họe: “Phấn đâu, tòi ra!” khiến tôi hoảng hốt. Một thằng khác lao đến huých thằng kia: “Nó có họ với tao, cấm mày bắt nạt!” Thằng kia lùi lại với con mắt gườm gườm chứa đầy nuối tiếc. Thằng “có họ” với tôi bảo: “Nhà tao với nhà mày có họ với nhau, theo vai vế thì mày là chú tao. Lần sau có đứa nào bắt nạt thì mày cứ gọi cho tao...” Hóa ra “thằng kia” muốn tôi “nộp phấn” để cho nó có thứ viết vẽ lung tung, sau này tôi mới hiểu.
Bọn lớp 3 ra hết khỏi Cầu chợ, tôi nghe tiếng gõ thước. Lũ bạn tôi toáng toàng: Vào lớp!
Lớp tôi, 5 cái bàn có mặt bằng tre đập dập, 5 cái ghế cũng bằng 2 cây tre gác lên chân bằng 4 trụ tre đóng xuống nền gạch; bảng đen được ghép từ 5 phiến gỗ, rộng cỡ 1,5 mét, cao cũng không hơn. Bên trên bảng đen là đôi rồng phù điêu “lưỡng long chầu nguyệt” đắp nổi và được trang trí bằng những mảnh gốm mà Hợp tác xã trả bằng 5 công cày (1 công cày bằng 2 công cấy) nhưng cũng không ai dám phá (tôi chỉ cần mấy tích tắc là xong) vì tín ngưỡng của làng. Chi bộ Hợp tác xã ra nghị quyết, nhưng bà con thôn chỉ nói: “Mả bố đứa nào dám đập bỏ” thì lời nguyền rủa của dân làng vẫn quan trọng hơn.
Cô giáo tôi mặt tròn, mắt tròn, người cũng tròn. Xinh quá nhưng nhìn cũng nghiêm quá. Tôi suýt không nhận ra đó là cô họ của tôi. Hôm trước, trong đám giỗ tổ, cô mặc cái quần vải phíp đã nhiều chỗ phai thếch màu lông bò, chạy từ mâm nọ đến mâm kia lo thức ăn, nước, tăm... cho các cụ, rồi đến mâm tôi đã gắp cho tôi miếng dồi lợn béo ngậy khó quên. Hôm nay, cô đập cái thước xuống bàn, bọn bạn tôi cứ răm rắp. Tâm lý bầy đàn, tôi cũng răm rắp làm theo.
“Hôm nay, cô xếp chỗ ngồi cho các em. Sau này, ai hay nói chuyện hoặc nghịch ngợm trong giờ học là cô sẽ chuyển chỗ, cho ngồi xen kẽ con trai với con gái...” Chỉ cần lời đe dọa như thế, đứa nào đứa nấy ngoan ngoãn ngồi im thin thít theo sự sắp xếp của cô. (Vì con trai, con gái ngồi gần nhau thế nào chũng nó cũng gán ghép là hai vợ chồng).
“Từ giờ trở đi, ai muốn nói gì thì phải giơ tay xin phép. Nói với cô thì phải thưa cô và xưng em. Không được nói trống không với cô giáo và người lớn. Không được mày tao với bạn bè... Nghe rõ chưa?” Cô nói với cả lớp mà hình như chỉ nói với mình tôi vậy. Tôi chỉ biết ngồi khoanh tay lên bàn, gật đầu, đáp “vâng ạ”. Cô đến ghi tên tuổi và tên bố mẹ của từng đứa. Ngay cả tôi, cô cũng hỏi như thể chưa biết gì về tôi, cô lẩm bẩm: “Học trước tuổi rồi” và cô cười: “Ngoan nhất họ đấy!”.
“Từ ngày mai trở đi, đến lớp hay ra đồng đều phải đội mũ rơm và đeo túi cứu thương, nhớ chưa? Mũ rơm là để tránh bom bi và mảnh máy bay hoặc đạn rơi vào đầu. Túi cứu thương đựng bông, băng, thuốc đỏ để nếu có bị thương thì dùng...” Điều này thì bố mẹ, ông bà tôi cũng đã nhắc nhở thường xuyên, hôm nay vui theo lũ bạn nên quên, cứ để đầu trần (dĩ nhiên là quần đùi chân đất, tay không...) mà hùa cùng chúng nó. Cô bắt đầu phân công đứa làm lớp trưởng, đứa làm quản ca. Nhiệm vụ của lớp trưởng là cho lớp xếp hàng, kiểm tra vệ sinh trước khi vào lớp. Nhiệm vụ của quản ca là bắt nhịp bài hát trước giờ học và sau giờ ra chơi.
“Bây giờ, các em phải tập theo hiệu lệnh của cô. Cô gõ thước lên bàn ba tiếng, thì là nhắc các em trật tự. Cô gõ thước lên bàn nhiều tiếng có nghĩa là báo động, các em phải chạy ra ngoài hầm trú ẩn. Hầm bên phải là của các em trai, hầm bên trái là của các em gái...” Theo hướng thước của cô, giờ tôi mới để ý kỹ, lớp học của tôi – nhà Cầu chợ - vách tường đã bị khoét một lỗ lớn, bên ngoài là một hào giao thông chạy vào vườn tre; trong vườn tre, hào giao thông chia làm hai nhánh chạy đến hai căn hầm chữ A. Nếu có báo động, tôi sẽ chạy vào căn hầm ở gần bụi duối, bọn con gái sẽ chạy vào căn hầm ở gần rặng cúc tần.
Cô gõ thước 3 tiếng, tôi và lũ bạn thôi nhớn nhác bàn tán mình sẽ được chạy vào hầm nào. Cả lũ lại khoanh tay lên bàn, mắt chăm chú vào miệng cô để chờ nhắc nhở.
“Bây giờ, cô tập bài báo động, khi chạy dưới hào thì phải cúi thấp xuống để tránh mảnh bom mảnh pháo... Nhưng hết báo động là báo yên, cô vỗ tay, tất cả cùng vỗ tay để gọi nhau về lớp, nhớ nhé!” Nói xong, cô đập thước gấp gáp lên bàn, chúng tôi xô nhau chạy, chui qua lỗ khoét của lớp học, nhảy xuống hào giao thông... Thế mà vẫn có đứa vào nhầm hầm, nháo nhào chạy ngược trở ra.
Căn hầm chữ A được tạo bởi đôi hàng cọc tre bắt chéo vào nhau, phía bên trên là lớp đất được cha anh chúng tôi khéo léo đào để có màu xanh của cỏ che phủ cho căn hầm. “Có lươn. Chúng mày ơi!” - đứa nào đó reo lên phấn khích. “Hình như là rắn thì phải!” - đứa nào đó hốt hoảng kêu. “Đỉa, đỉa... không phải rắn, không phải lươn!” – có đứa trấn an. Tôi đang rúc trong hầm chợt thấy tiếng vỗ tay cùng nhiều tiếng hô vang phía hầm bên kia: “Về lớp, vào lớp!” Hầm bên bụi duối chúng tôi cũng vỗ tay và hô theo nhịp: “Về lớp, vào lớp”.
Cô lại gõ lên bàn 3 tiếng thước: “Các em nghe đây, nếu lỡ chạy nhầm hầm thì cũng không được chạy quay lại, nhưng tốt nhất là chạy đến đúng hầm của mình...” chúng tôi vừa kịp đáp vâng thì tiếng kẻng báo động của Xã đội vang lên. Nếu tôi đang ở nhà thì sẽ tọt xuống hầm dưới gậm phản của ông tôi, nếu tôi đang chơi ngoài ngõ thì sẽ nhảy vào hố tăng – xê gần nhất. Cô giáo đập thước lên bàn một hồi dài. Lần này thì phản xạ tự nhiên tìm đến sự an toàn của thời chiến khiến chúng tôi tìm chỗ trú ẩn nhanh hơn lúc cô tập báo động. Cô là người xuống hào giao thông sau cùng, vừa chạy vừa hô: “Không được thò đầu ra cửa hầm...” rồi chui vào hầm của bọn con gái. Bên hầm chúng tôi, mấy đứa lớn tuổi vẫn giành nhau ngó lên trời qua miệng hầm. Tôi rúc sâu vào trong, đứng khom lưng, bịt tai nhưng vẫn nghe được tiếng rít của máy bay phản lực, tiếng nổ ùng oàng của bom đạn, đất dưới chân tôi rung rinh... Kẻng báo yên vang lên, tôi lóp ngóp bước ra khỏi hầm với đôi chân nhoe nhoét bùn. Mấy thằng lớn còn bẩn hơn nữa, vì lúc thò đầu ra cửa hầm để xem đã ngã chồng đống lên nhau nên mặt mũi, chân tay, quần áo... ướt nhẹp bùn. Bầu trời xanh bị những vạch khói trắng cắt ngang dọc như chiếc gương vỡ được ghép lại. Quần áo của cô cũng lấm lem, có lẽ đứa nào đó sợ quá nên bíu lấy cô bằng cả chân lẫn tay đầy bùn đất? Chúng tôi chen nhau xuống cái cầu ao xây bằng gạch thẻ đầu chợ để rửa chân tay. Tôi cố rửa thật kỹ vì sợ thằng đầu to làm lớp trưởng không cho vào lớp (nó đã học 3 năm lớp vỡ lòng rồi nên thành thạo việc này lắm).
Giờ cô cho chuyển sang tập đội hình đi đều bước. Bé đứng trước, lớn đứng sau. Chúng tôi cùng hô vang “Mốt hai mốt”, dậm chân tại chỗ. Những đôi chân đất dậm lẹt bẹt xuống nền chợ, những cánh tay vung loạn xạ thấp cao, những manh áo quần vá chằng vá đụp reo lạch phạch. Chẳng cần quản ca bắt nhịp, mấy đứa lớn bắt đầu nghêu ngao đồng dao thay khẩu lệnh: “Mốt hai mốt/ củ cà rốt/ đốt cháy nhà/ ông cụ già/ kêu oai oái/ cô con gái/ lái ô tô/ ra thủ đô/ thăm Bác Hồ”, chán bài này chúng nó lại chuyển sang bài khác: “Mốt hai mốt/ học thì dốt/ mà cứ đòi lên lớp”. Những đứa lần đầu tiên đi học cũng nhanh chóng thuộc và hòa giọng theo. Sân chợ rợp bóng tán bàng nên cái nắng tháng tám rám vỏ bòng chẳng làm gì được chúng tôi. Sự vô tư và hồn nhiên đã làm chúng tôi quên bẵng tiếng rít của máy bay, tiếng đạn bom vừa xảy ra lúc nãy.
Kết thúc buổi học, cô dặn lại chúng tôi ngày mai 10 giờ đến lớp, nhớ đội mũ rơm, mang theo túi cứu thương và bảng đen cá nhân để tập viết. Rất ít nhà có đồng hồ, nhà tôi cũng không có đồng hồ. Nhưng tôi biết khi bóng nắng hắt lên hiên nhà tôi còn 3 viên gạch là đã đến giờ đi học. Ngày mai, tôi sẽ được viết vào bảng đen, ở lớp học hẳn hoi! (Thực tế, bố mẹ tôi là giáo viên nên tôi đã đọc thông viết thạo từ trước rồi; giấy tập viết của tôi ở nhà đã hóa máy bay, hóa pháo, hóa thuyền...).
Tan học, mấy đứa chúng tôi chẳng về nhà ngay. Vì đứa nào cũng biết bữa cơm trưa đã qua từ lâu, gọi là “cơm” nhưng có khi chỉ là củ khoai, củ sắn nên thế nào ở nhà cũng dành phần. Chúng tôi đến bãi cỏ sau đình tìm cỏ gà để chơi chọi, Chơi chán thì sẽ lên chùa, hoặc vào đình, hay về Cầu chợ để xem lớp của bọn học buổi chiều.
Ngày đầu tiên đi học của tôi là thế. Chẳng có sự nao nức của buổi tựu trường. Chẳng có mẹ dắt tay đến trường và được cô giáo tươi cười đón em vào lớp. Chẳng có màu thu rạo rực. Chẳng có háo hức với bộ quần áo mới và cặp cùng sách mới. Chẳng có tiếng trống báo năm học mới bắt đầu... Chỉ có lần đầu tiên đi học là do lũ bạn rủ rê, chuẩn bị bước chân vào lớp thì đã bị thằng lớn hơn bắt nạt nhưng đã có “quý nhân” phù trợ, cô giáo đầu tiên là người thân, hiệu lệnh vào lớp là tiếng thước đập lên bàn, bài học khắc sâu là kinh nghiệm sống trong thời chiến... Bầu trời xanh vỡ vụn, trường học sơ tán tản mát mỗi nơi một lớp, tuổi thơ dễ chấp nhận mọi hoàn cảnh...
Tôi biết, khi về nhà, ông tôi trừng mắt: “Bom đạn thế này, mày đi đâu mà giờ mới về...”; bà tôi chao chát: “Tổ cha thằng giặc Mĩ...”; bố tôi nhướng mi: “Mày đã đến tuổi đi học đâu!”; mẹ tôi lẳng lặng khâu cho tôi cái túi cứu thương và bỏ vào đó bông, băng, thuốc đỏ; cô chú tôi sẽ tíu tít tìm cái bảng đen để ngày mai tôi đi học...  
Bởi thế, đã ở cái độ U60, nhưng không thể nào quên bài học ở học kỳ II lớp vỡ lòng có tựa đề là “Đi học vui”: “Tay em cầm quyển sách hồng/ Em ra trường học vỡ lòng vui vui/ Lại thêm học hát học chơi/ Em chăm học tập nên người trò ngoan”.









1 nhận xét:

  1. Bữa ấy, anh em tôi đang chơi ngoài ngõ, cạnh một hố tăng – xê ẩn trong hàng rào ô rô, chúng tôi bứt lá ô rô, chấm cuống lá tre vào giọt nhựa tí ti tiết ra nơi cuống lá ô rô mới lìa cành, để thổi bong bóng

    KỶ NIỆM KHÓ QUÊN .

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI