Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

KẾT QUẢ TRẠI SÁNG TÁC VHNT EA SÚP NĂM 2016 tác giả HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 292 THÁNG 12 NĂM 2016







Theo kế hoạch, Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp tổ chức Trại sáng tác VHNT Ea Súp năm 2016, từ ngày 25.11 đến ngày 4.12; tham dự Trại có 11 văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành: Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Văn học, Văn nghệ dân gian và Sân khấu – Điện ảnh
Đến với Ea Súp là đến với vùng đất có nhiều thắng cảnh có thể khai thác du lịch mà còn ít người biết đến hoặc chưa được khai thác để phát triển du lịch – nền công nghiệp không khói như: Tháp Yang Proong, hồ Ea Súp Thượng, Hồ Ea Súp Hạ, sông Ea H’Leo… Một vùng đất có diện tích rộng lớn, dân số gồm 27 dân tộc từ mọi miền đất nước hội tụ về đây sinh sống.
Dưới góc nhìn của các văn nghệ sĩ (VNS), sự cảm nhận và dự báo tương lai cho một vùng đất là hết sức cần thiết, góp phần cùng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Ea Súp phát hiện, nhân rộng những điểm sáng trong công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa, giữ gìn an ninh chính trị xã hội ở địa phương; đồng thời tìm ra hướng khắc phục những khó khăn, trở ngại để đưa vùng đất đầy tiềm năng nơi đây ngày càng phát triển, biến vùng quê nghèo thành trù phú, mọi gia đình đều có cuộc sống ấm no hạnh phúc, tiến lên làm giàu.
Sau 10 ngày dự Trại, một quãng thời gian không nhiều, nhưng với lòng nhiệt tình và say mê công việc, các VNS đã đến thăm và làm việc với một số cơ quan ban ngành của địa phương như: Đồn Biên phòng 735, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, UBND thị trấn Ea Súp, UBND xã Ea Lê; đi thực tế 5 buôn người dân tộc bản địa trên địa bàn thị trấn; thăm một số danh thắng như: Tháp Chăm Yang Proong, hồ Ea Súp thượng, hồ Ea Súp hạ, sông Ea H’Leo và thăm các mô hình sản xuất giỏi như: Gia đình ông Đặng Hoàng Long - quê Tiên Long, Châu Thành, Bến Tre di cư tự do lên thôn Thịnh Phú, xã Ia Lốp với mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ xen cây ăn quả; anh Phan Đăng Phúc, thôn 8, xã Ea Lê với mô hình trồng chuối và chanh không hạt; thăm một số trang trại chăn nuôi bò trên địa bàn xã Ea Lê. Đoàn cũng đã đến thăm thôn Bình Lợi, xã Cư M’Lan – một điểm dân cư vùng khó khăn của huyện với đặc điểm nhiều “không” như: Không điện lưới Quốc gia, không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân, không sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất…
 Qua các buổi tiếp xúc, làm việc với đảng, chính quyền địa phương các nơi Đoàn đến; gặp gỡ trao đổi với cán bộ, nhân dân, thầy cô giáo… đã có thêm tư liệu quý giá để phục vụ sáng tác của mình. Bước đầu VNS tham dự trại đã gặt hái được những thành công thể hiện qua các tác phẩm của mình đã hoàn thành tại trại: Nhà văn, nhạc sỹ, nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Tây Nguyên - Linh Nga Niê Kdam đã kịp hoàn thành một bản nhạc mới “Ea Súp – một bài ca” và một tác phẩm ký “Chuyện làm giàu của Chu Đăng Phúc”; nhạc sỹ Y Phôn Ksor hoàn thành bản nhạc “Tháp Yang Proong”; nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Lộc đã trình làng ngay tại buổi tổng kết hai tác phẩm “Hoàng hôn Cao nguyên” và “Ký ức Yang Proong”; nhà thơ Lê Vĩnh Tài hoàn thành một bài thơ; nhà thơ Nguyễn Đức Khẩn, đã sáng tác tại trại ba bài thơ: “Ea Súp Thượng”, “Ký ức Yang Proong”, “Lặng lẽ biên cương”; nhà văn nữ Nguyễn Anh Đào hoàn thành ba truyện ngắn ngay tại trại: “Bông điên điển nơi triền suối”, “Ngôi sao xanh” “Gió chiều xao xác”; nhà văn Nguyễn Văn Thiện hoàn thành một tác phẩm ghi chép “Ốc đảo Bình Lợi ngày ấy, bây giờ...”; nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Thu Hương hoàn thành bài bút ký: “Tháp Yang Proong: hồn Chăm giữa Tây Nguyên”; nhà văn Hồng Chiến tuy bận rộn với công việc quản lý nhưng cũng kịp hoàn thành truyện ngắn “Hội thi”; nghệ sỹ, nhà báo Công Việt đã hoàn thành một phóng sự dài về vùng đất Ea Súp có tựa đề: “Trại sáng tác VHNT về đề tài nông thôn”; tiến sỹ Lương Thanh Sơn – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cũng hoàn thành một bài nghiên cứu: “Ẩm thực truyền thống của người Gia Rai, một trong những tiềm năng để phát triển du lịch cho huyện Ea Súp”
Ngoài ra, Thường trực Hội đã tổ chức một đêm ca nhạc chào mừng thành công của Trại với sự tham gia của các VNS là hội viên Hội VHNT Đắk Lắk được nhân dân trên địa bàn thị trấn Ea Súp đón nhận, cổ vũ nhiệt tình. Đó là thành công của Trại lần này.

 Đạt được kết quả như trên là do đa số các trại viên đam mê với sáng tác, cố gắng tận dụng tối đa thời gian ở Trại để hoàn thành kế hoạch vạch ra. Các tác phẩm sáng tác tại Trại chỉ là bước đầu. Tin tưởng rằng sau khi bế mạc Trại, các VNS với vốn sống thực tế thu được sẽ có thêm tác phẩm chất lượng cao, phản ánh được những cái hay, cái đẹp của huyện Ea Súp – một vùng đất đang mời gọi.

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 292 THÁNG 12 NĂM 2016 tác giả NGUYÊN HƯƠNG





BAY KHÔNG CÓ CÁNH
Truyện ngắn


Vinh gọi tôi bằng chị, quen miệng rồi mới biết Vinh và tôi bằng tuổi. Khi đó tôi sinh viên đại học năm ba, Vinh học trò lớp chín. Mù bẩm sinh, tới khi Vinh mười hai tuổi bà mẹ mới biết có trường dạy người mù.
Nhóm sinh viên tình nguyện tới dạy kèm, phần tôi là tiếng Anh. Giờ học môn tiếng Anh rất nhộn vì học trò đã lớn, có những câu bằng tiếng Việt thì đố dám mà lấy cớ thực hành kỹ năng nói thì hô vang và cười vang. Cả lớp rất thích  mục ba đứa xung phong đứng lên, đứa này chọn bất kỳ một đại từ nhân xưng, đứa kia chọn bất kỳ một động từ và phần của đứa còn lại là hoàn chỉnh câu.
Đáp lại cho câu “I love her” khiến cả lớp cười khoái chí là câu trả đũa đích đáng “He is a chair”. Không được là cái bàn đặt để sách vở và bình hoa lên đó đâu nghe, chỉ là cái ghế cho người ta ngồi lên thôi.
Cô quản lý đi ngang cửa lớp, nhìn thấy cảnh giơ tay nhao nhao xung phong đặt câu, cô mỉm cười hài lòng lắm.
Câu điều kiện còn thú hơn nữa.
- Nếu là chim, em sẽ bay.
Đúng ngữ pháp nhưng chim bay thì có gì đáng nói. Sao cho đáng là ước mơ. Đã đời luôn đi.
- Nếu trời không mưa em sẽ bán được nhiều chổi hơn.
Đã nói là sao cho đáng mà.
- Nếu trời mưa thì em cũng vẫn sẽ đi chơi.
Ừ, tạm được. Chỉ là cơn mưa mà khiến mình đổ vỡ kế hoạch đi chơi thì mình dở quá sao.
- Nếu có tiền em sẽ du lịch khắp thế giới.
Được đó. Khắp thế giới bao la.
- Nếu là Bộ trưởng Bộ Giáo dục em sẽ cho nghỉ hè tăng lên sáu tháng.
Ừm…, nhưng mơ trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì cũng đáng là một ước mơ.
- Nếu em được sáng mắt, thì em sẽ là thầy giáo dạy tiếng Anh.
Ồ… Có phải học trò thần tượng tôi không?
Ờ, ai cấm người mù dạy tiếng Anh đâu.
***
Vinh học tiếp lớp mười rồi lớp mười một trong khi các bạn cùng nhóm chỉ đợi lấy được tấm bằng tốt nghiệp phổ thông cơ sở là nghỉ. Hội Đông y thành phố mở lớp dạy mát xa miễn phí cho người mù với điều kiện ít nhất phải có chứng nhận tốt nghiệp tiểu học, tấm bằng phổ thông cơ sở là quá ngon lành rồi.
Suốt hai năm, những buổi học chỉ một cô một trò biến Vinh và tôi thành bạn bè. Tôi kể Vinh nghe về công ty nước ngoài mà tôi đang làm việc, sếp Tây chẳng những rành tiếng Việt mà rành luôn tiếng lóng. Vinh sốt ruột:
- Biết khi nào em nói được tiếng Anh như vậy hả chị?
Tiếc là Vinh không luyện bằng cách xem phim được, may mà có karaoke. Ông trời bù cho Vinh giọng hát hay và trí nhớ đặc biệt. Không nhìn được dòng chữ chạy trên màn hình nhưng nghe vài ba lần là Vinh thuộc. Quán cà phê hát cho nhau nghe thu phụ phí mỗi ly hai chục ngàn, tối nào ít khách hát, chủ quán nhờ Vinh lên sân khấu lấp khoảng trống, miễn phụ phí và có khi miễn luôn cả tiền cà phê. Lại còn cho Vinh được mò mẫm cây đàn piano nữa. Chủ quán tắc lưỡi khen Vinh có đôi bàn tay ngón dài.
Lui tới quán cà phê được chục lần, Vinh  hỏi nhỏ tôi, giọng hồi hộp:
- Em thành ca sĩ được không?
Sao lại không. Ca sĩ mù hát tiếng Anh trên đời này có mấy người?
***
Cô quản lý gọi tôi lên văn phòng. Tôi không phải giáo viên chính hiệu. Và cũng đã qua rồi thời sinh viên theo đoàn tới đây. Tôi chỉ là một người bạn riêng của Vinh mà thôi.
Gọi tôi lên văn phòng thì hẳn là nghiêm trọng. Tôi rà soát lại mình có sơ suất gì không. Chẳng biết. À, có lẽ vì quán xá. Karaoke và cà phê. Với cô quản lý nghiêm khắc, và già nữa, thì ác cảm với hai nơi đó là cái chắc.
-Vinh sẽ dạy ai? – Cô quản lý thở một hơi dài thật dài - Bao nhiêu đứa chịu làm học trò của ông thầy giáo mù? Rồi bây giờ còn mộng ca sĩ nữa.
 Cô gõ đầu ngón tay liên tiếp xuống bàn. Trong khi tôi hồi hộp sợ móng tay của cô gãy cụp thì cô nói nhanh hơn, cứ như cô sợ tôi nổi cáu vì sao đến lúc này cô mới nói, khi tôi đã mất ba năm kèm cặp cật lực.
-Cô nghĩ là khi đi làm rồi em hiểu biết hơn để mà đừng có ủng hộ Vinh hão huyền nữa.
Tôi nhớ nụ cười hài lòng của cô khi đi ngang lớp chín hồi đó. Vậy mà tôi cứ tưởng cô muốn có một đứa nổi trội để mà…
Tại tôi suy bụng ta ra bụng người.
Thật ra tôi không tiếc công sức kèm cặp của mình để mà cố chấp, tôi công nhận cô có lý. Số lượng học trò của thầy giáo mù dạy tiếng Anh chắc là đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng…
- Thưa cô – Tôi cả quyết - Làm ca sĩ thì Vinh hoàn toàn có thể. Khi nào cô thử tới quán nghe Vinh vừa hát vừa đàn…
Cô quản lý ngắt lời tôi bằng cú xòe năm ngón tay đập xuống bàn mạnh đến nỗi cái chặn giấy hình con thuyền nảy tưng lên rồi rớt ịch xuống.
Tôi thấy trong hai con mắt ngao ngán nhìn tôi là hình ảnh một người đàn ông gầy gò đeo kính đen đứng giữa chợ, tay này cầm mic tay kia cầm cái mũ chìa ra…
Tôi đầu hàng ngay lập tức. Trách nhiệm quá lớn. Tôi không muốn mình bị buộc tội là người dẫn Vinh tới con đường ăn mày hát rong đó. Ừ, người sáng mắt đẹp xinh mà chọn con đường ca hát còn khó nữa là.
***
Học nghề mát xa xong, Vinh về Nha Trang.
Công sức học tiếng Anh không uổng phí vì phố biển có nhiều khách du lịch mà khách du lịch thì rất khoái người biết nói chuyện bằng tiếng Anh. Khách giới thiệu bạn bè quen biết tới đòi đúng Vinh mát xa mới chịu.
Cơ sở có mười thợ. Quy định là quay vòng lần lượt. Những thợ được khách gọi đích danh thì không phải chịu cảnh ngồi chờ tới lượt mình. Vinh kể có ngày tám cú điện thoại gọi tới hẹn giờ để được Vinh mát xa. Có ngày Vinh làm tới chín người khách, mỏi nhừ tay. Đến người thứ mười chủ tiệm phải nói xạo là Vinh về quê. Chỉ với lý do Vinh về quê thì khách mới chịu để thợ khác làm.
Mỗi người làm trong một tiếng đồng hồ nếu không có yêu cầu thêm. Xoa bóp cho chín người khách trong một ngày đáng gọi là kỷ lục. Những cuộc điện thoại Vinh gọi cho tôi thường bị cắt đứt bằng câu “Hẹn chị lát nữa. Em có khách rồi.” Lát nữa, có khi là tới tận ngày hôm sau và cuộc gọi đó có khi cũng bị ngừng đột ngột vì có khách.
- Tiền để đâu cho hết hả Vinh? – Tôi nửa đùa nửa thật.
- Em cũng chẳng biết tiền để đâu.
Câu trả lời khiến tôi nín lặng. Đứa em khuyết tật tưởng là gánh nặng hóa ra kiếm được tiền nhiều hơn ông anh và bà chị làm nông. Em bị mù đi làm xa nhà mà giữ tiền lỡ mất biết hỏi ai, chi bằng để anh chị giữ giùm cho. Khi nào dồn được một cục thì gửi ngân hàng.
Rồi thì chị ruột khóc sụt sùi và chị dâu cũng khóc sụt sùi, lỡ lấy tiền đó đem ra hùn hạp làm ăn bị người ta lừa…
Nghe Vinh kể, tôi muốn nói chính Vinh mới là người bị lừa. Đầu óc tôi đen tối quá đi.
Muốn bứt ra khỏi đề tài này, tôi nói:
- Hát một bài tiếng Anh đi Vinh.
- Lâu quá không hát em quên… Chị nhắc thử một bài đi
-  Còn nhớ Flying without wings không?
***
Tôi nghe qua điện thoại, còn ông chủ của Vinh thì… nghe nhạc sống. Tôi hình dung ông kinh ngạc khi biết trong tiệm của mình có giọng hát trời cho mà bấy lâu không hay.
Bay lên mà không có cánh là định mệnh của Vinh.
-Thằng Vinh cho tôi số điện thoại của cô. Nó nói chuyện ca hát thì bàn với cô mới được. Thiệt tình, giọng hát này mà không xài thì phí quá. Để tôi ghi tên nó thi Got Talent nghe cô. Biết đâu…
Giọng nhiệt tình hồ hởi của ông chủ tiệm mát xa khiến tôi nhớ lại mình cũng từng mà thất bại. Nhưng bây giờ thì Vinh đã tự lập rồi.
- Tôi cũng có chút háo danh đó cô à – Giọng ông chủ cười vang khoái chí – Dắt thằng Vinh đi thi thì tôi cũng được lên ti vi. Nó mà thành ca sĩ thì người ta cũng biết tới công của tôi.
***
Trước đây Vinh cũng như những thợ khác ăn ở ngủ nghỉ luôn tại tiệm. Cái giường mát xa cho khách cũng là giường ngủ của thợ, ai có thói lăn qua lăn lại sợ té thì trải chiếu xuống nền mà nằm.
Gần tới ngày thi, ông chủ đưa Vinh về nhà để trốn khách quen đòi Vinh mát xa và để Vinh được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất có thể. Vợ của ông chủ cũng nồng nhiệt không kém, bà ép Vinh ăn uống và may sắm áo quần đẹp. Buổi chiều Vinh được đưa đi tắm biển, nằm dài trên bờ cát hứng từng đợt sóng trào.
- Có lần em định đi tới mấy bước thử ra sao, ông chủ la quá trời.
Vinh vừa kể vừa cười. Rồi giọng Vinh nghèn nghẹn vì xúc động, Vinh nói nhất định không phụ lòng người thương mình.
Nào ngờ… Cô con gái ông chủ từ trước tới nay không ngó ngàng gì tới tiệm mát xa mà nay bỗng hay bị nhức đầu và hay nhờ Vinh day huyệt. Cô nói những ngón tay Vinh như đang chơi đàn.
Chuyện này sau này tôi mới biết còn ngay khi đó thì Vinh không kể tôi nghe. Tâm sự với tôi đủ chuyện trên đời dưới đất mà chuyện quan trọng nhất thì Vinh bí mật. Khi tôi biết thì đã tanh bành.
Bà chủ bưng ly nước cam vô phòng cho Vinh gặp lúc đôi bàn tay ngón dài đang chơi đàn trên mái tóc lụa là. Ly nước cam rơi vỡ tóe lóe. Bà chủ nguyền rủa giọng hát ma mị của Vinh quyến rũ con gái mình, bà giận dữ bắt ông chồng đuổi Vinh ngay lập tức, không chỉ đuổi khỏi nhà mà đuổi khỏi tiệm mát xa luôn. Tận cùng hơn vợ, ông chủ bắt Vinh thề không chuyển qua làm cho bất cứ cơ sở mát xa nào ở thành phố này, ông thân chinh chở Vinh ra bến và đợi cho chiếc xe lăn bánh để chắc chắn là Vinh đã rời xa.
***
Đột ngột nhận cú điện thoại mắng vốn của ông chủ và đồng thời cũng là “trả người”, tôi ra bến xe đợi đón Vinh.
Thất thểu lần mò xuống xe là một chàng trai gầy gò bơ phờ, hai má hốc hác trũng sâu như hai hố mắt, râu ria lởm chởm, mái tóc bệt dính vô đầu. Cả cái ba lô áo quần cũng lép kẹp như chủ nhân của nó.
Tình yêu có lúc thật dễ sợ.
- Chuyện này không dính dáng gì tới cuộc thi Got Talent, chị sẽ xin nghỉ phép để đưa Vinh đi – Tôi cương quyết nói – Về thăm nhà một ngày rồi ngày mai mình lên đường.
-  Em không bao giờ hát nữa – Vinh nói, giọng khàn đặc.
Tôi tưởng Vinh khóc nhưng không phải. Tôi nhớ có cuốn sách nào đó nói về chấn thương tâm lý suốt đời. Vinh là người chết đi sống lại và kiếp này còn vấn vương ký ức của kiếp trước mà thôi.
Tôi cầm tay Vinh, lục lọi trong đầu mình kinh nghiệm của những vụ thất tình mà tôi đã đọc khá nhiều, của cả chính tôi nữa.
-Được nếm mùi vị tình yêu là vui rồi – Tôi nói, cố lấy giọng hài hước – Ông bà già ngăn cấm con gái là chuyện thường tình. Mối tình đầu thường chỉ là kỷ niệm mà thôi.
Rồi tôi lấy giọng khiêu khích;
-Đàn ông con trai mới gặp chút khó khăn đã chịu thất bại thì sau này sao làm chỗ dựa cho vợ con được?
Vinh cười nhợt nhạt:
-  Em làm chỗ dựa được sao?
***
Vinh về nhà ông anh, sau hai ngày thì Vinh điện thoại nói đang xếp áo quần đi tới ở nhà chị. Nghe là biết thôi rồi.
Tai tiếng dính dáng tới con gái của người ơn là nỗi nhục không ai muốn dính dáng, lý do thật chính đáng để vợ chồng ông anh mặt nặng mày nhẹ. Đầu óc đen tối của tôi nghĩ bà chị cũng sẽ như vậy. Kẻ thất tình nằm bẹp biết đến bao giờ, không làm ra tiền thì Vinh chỉ là gánh nặng.
Một buổi khuya, điện thoại của tôi reo vang. Giọng Vinh dè dặt:
- Em sẽ tự mở tiệm mát xa. Chị thấy được không?
Rất hợp lý là đi làm xa để học hỏi rồi quay về trên mảnh đất của mình mà làm ăn. Tôi thấy nhẹ lòng vì tiệm mát xa choán hết tâm trí Vinh, không còn chỗ cho nỗi buồn thất tình và những nỗi buồn khác.
- Cứ cho là ba tháng đầu em bị lỗ tiền thuê nhà, đến tháng thứ tư thứ năm thì vừa huề vốn, bắt đầu tháng thứ sáu thì có thu nhập. Chị thấy được không?
-  Ừ, được đó – Tôi trả lời. Miễn là Vinh đừng nằm bẹp nữa.
-  Em sẽ rủ mấy đứa bạn có tay nghề. Trong nghề mới biết. Thằng Thanh mà làm cái đầu thì hết ý mà xuống lưng thì bình thường thôi. Còn thằng Kỳ mà làm lưng thì khách chỉ muốn nằm dài luôn. Thằng Bình thì chuyên xoa bụng mỡ, mấy bà cần giảm béo mê thằng Bình lắm.
-  Đàn ông con trai xoa bóp cho khách đàn bà à?
Vinh ngớ ra một hồi:
- À, em quên ở đây không phải thành phố du lịch. Vậy để em rủ Mai Lan.
Đến phần quan trọng nhất, tôi hỏi:
- Cần bao nhiêu tiền?
Vinh lẩm nhẩm:
- Nếu thuê được căn nhà đẹp có phòng ốc rộng thì đỡ, nhà xấu mình phải sửa sang thì tốn kém lắm. Chủ nhà thông cảm lấy tiền từng tháng thì đỡ, đòi lấy tiền nguyên năm một lần thì… Em nghĩ ban đầu chưa có khách mua bốn cái giường là tạm được, thêm cái điều hòa…
-  Em để dành được bao nhiêu rồi?
-  Anh chị của em đang giữ tổng cộng gần sáu chục triệu.
***
Ông anh và bà chị thở ngắn thở dài, đùng đùng đòi tiền thì ai mà xoay xở cho kịp. Thôi thì đợi bầy heo con lớn thêm một tí và cuối năm hốt chân huê và này và kia…
Vinh lại đeo ba lô lên vai.
Tôi chở Vinh ra bến xe, tới quầy bán vé đi Vũng Tàu. Muốn tìm đề tài nhộn nhộn để có không khí vui vẻ trước khi tạm biệt, tôi nói:
- Lần này có yêu ai thì kể cho chị nghe ngay từ đầu để chị tư vấn cho nghe chưa?
-  Tóc chị thơm quá. Chị gội đầu bằng dầu gì vậy?
Thường thì trước khi tạm biệt tôi hay cầm tay Vinh. Mặt Vinh hết đỏ ửng lại tái xanh. Chắc là Vinh đang nhớ tới ai đó mà mùi thơm mái tóc tôi gợi nhắc. Những ngón tay tôi có gợi nhắc gì không?
Sau đó, suốt cả năm Vinh không gọi cho tôi. Khi tôi gọi thì Vinh nói đang có khách rồi cúp ngay.
***
Mùa hè năm đó, công ty tôi cho nhân viên đi chơi biển Vũng Tàu. Tôi muốn dành cho Vinh một bất ngờ nên không báo trước.
Tôi tìm tới tiệm mát xa của Vinh thì thấy đang chộn rộn. Một chiếc xe hơi bốn chỗ đậu ngay trước cổng. Tôi ngạc nhiên vì thấy ông anh và bà chị của Vinh từ trong đi ra. Ông anh cầm tay Vinh, còn bà chị cầm tay một cô gái mù. Tôi bỗng nhớ tới tên Mai Lan.
Ông anh và bà chị đợi cho Vinh và Mai Lan lên xe, rồi hai người lên sau. Tiếng máy xe nổ, nhân viên tiệm mát xa đưa cả hai tay lên huơ huơ và cười hỉ hả.
Tôi hỏi, ông chủ nói hôm nay Vinh tới nhà cha mẹ vợ ở Bình Định. Vừa ra mắt vừa đám cưới luôn. Mai Lan có bầu ba tháng rồi.
Ông chủ móc cái ví da ra:
-Vinh gởi tôi giữ giùm chục triệu, sáng nay tôi đưa lại cho nó đầy đủ rồi. Tôi mừng cho nó một triệu nữa. Trừ tiền thuê xe hai triệu thì ở quê chừng đó chắc cũng đủ vài mâm ra mắt ông bà.
Tôi nhìn quanh tiệm mát xa, toàn là những cái giường có lỗ tròn để úp mặt không bị tịt mũi.
- Thợ mát xa ở đây khi có em bé thì sao? – Tôi hỏi.
- Giao cho ông bà nội ngoại hay bà cô bà thím gì đó giữ giùm rồi lo làm lụng gởi tiền về chớ sao, khi nào nhớ con thì nhảy xe về thăm mấy ngày. Ở đây đứa nào cũng vậy mà.  Cứ vậy vậy thôi…






Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 292 THÁNG 12 NĂM 2016 tác giả NGUYỄN VĂN THANH

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19.12.194619.12.2016)

  
LỜI KÊU GỌI TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN:
ÁNG HÙNG VĂN MANG GIÁ TRỊ THỜI ĐẠI

  
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh 70 năm trước (1946) là một lời hịch dậy vang non sông, đất nước, làm rung động cả một dân tộc với với 20 triệu con tim, khối óc không bao giờ muốn trở lại làm nô lệ, thà chết không chịu mất độc lập, tự do. Lời kêu gọi đã thức tỉnh lương tri và nhân phẩm  nhân loại tiến bộ. 70 năm sau (2016) hơn 90 con tim nguyện làm hết sức mình, đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải, sẵn sàng hiến dâng tới giọt máu cuối cùng vì những điều thiêng liêng vô giá. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự giàu mạnh, hùng cường của đất nước, ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
 Sẵn có dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp bất chấp cả Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước 14.9.1946, châm ngòi lửa chiến tranh ở miền Nam và mở rộng  cuộc chiến tranh ra toàn bộ nước ta.
Trước tình hình đó, ngày 18 và 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ toạ Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (mở rộng) tại làng Vạn Phúc. Hội nghị đã nhận định: “Thực dân Pháp đã cắt đứt mọi con đường đàm phán và cố tình gây chiến tranh xâm lược cả nước ta” và Người luận rằng: Tình hình không cho phép tiếp tục nhân nhượng nữa. 20 giờ ngày 19-12, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ngày 20.12 tại Hang Trầm (Chương Mỹ, Hà Đông), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến  của Chủ tịch Hồ Chí Minh (đề ngày 19.12.1946): “Chúng ta muốn hoà bình, chúng bắt chúng ta nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên. Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt thì phải đứng lên chống thực dân Pháp. Ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân giờ cứu nước đã đến, ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước…”.
Trong giờ phút Tổ quốc lâm nguy, lời kêu gọi kháng chiến thiêng liêng của Bác Hồ như một lời hịch của non sông cổ vũ tinh thần yêu nước quật khởi của cả dân tộc ta đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược. Đêm 19/12/1946, tiếng súng lệnh từ Thủ đô Hà Nội nổ, mở đầu cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân cả nước, đứng lên giữ vững độc lập, tự do, hoà bình và chủ quyền dân tộc ta.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã phát huy cao độ chủ nghĩa dân tộc truyền thống, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của con người Việt Nam, làm cho cả dân tộc đứng lên kháng chiến với một ý thức chính trị tự giác, một lập trường kiên định vì độc lâp tự do. Đó là ưu thế tinh thần chính trị, là lợi thế duy nhất của quân và dân Việt Nam đã giành được ngay từ khi khởi chiến. Ưu thế đó đã biến thành sức mạnh vật chất đảm bảo cho quân và dân ta thực hiện tư tưởng chiến lược tiến công, tự lực chiến đấu, vừa đánh vừa phát triển lực lượng, giành thắng lợi từ nhỏ đến lớn và đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đưa đến Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Đông Dương và giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Dưới ngọn cờ của Đảng, với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, bằng sức mạnh tổng lực và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với Đại thắng Mùa Xuân, toàn quân toàn dân ta đã thực hiện trọn vẹn nguyện ước của Bác Hồ “Bắc Nam sum họp”, thu non sông về một mối, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Phát động được sức mạnh toàn dân, hơn 40 năm xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên. Đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. Hoạt động đối ngoạị, hội nhập quốc tế được tăng cường và mở rộng, tham gia các quan hệ song phương và tổ chức đa phương như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, Liên minh châu Âu… thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài (FDI, ODA), xúc tiến mạnh thương mại và đầu tư, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, khai thác hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế, các nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, trình độ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao  với 170 nước (trong đó xác lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước), quan hệ thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ, ký trên 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng lên. Từ chỗ Việt Nam kim ngạch xuất khẩu chỉ vẻn vẹn chưa đầy 1 tỷ USD (theo thời giá) vào năm 1986, năm 2015 đã đạt trên 160 tỷ; riêng thành tựu này đã nói lên nhiều điều. Đến nay đã có 59 quốc gia trên thế giới công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
 70 năm đã trôi qua, lịch sử dân tộc đã sang trang, nhưng âm hưởng, tầm vóc, ý nghĩa và bài học lớn lao của lời hịch phát động cuộc kháng chiến toàn quốc của Bác năm nào đã và đang cổ vũ cả dân tộc ta xốc tới tương lai!

Ngày nay, trong điều kiện mới, đứng trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoan mới với quy mô, tầm vóc lớn lao, có nhiều khó khăn, phức tạp mới, hơn bao giờ hết, chúng ta càng phải phát huy truyền thống bản chất tốt đẹp của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển. Bằng khối óc và bàn tay của mình, bằng tài năng và sự sáng tạo, chúng ta hoàn toàn có thể biến khát vọng thành hiện thực, xây dựng một Việt Namdân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 292 THÁNG 12 NĂM 2016








CUỘC CHIẾN VỚI BẦY KHỈ truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số: 432 ngày 15 tháng 12 năm 2016




Mặt trời chưa chịu thức dậy; phương đông, mấy đám mây bồng bềnh vương vấn trên đỉnh núi Mẹ Bồng Con giống như chiếc khăn đang lau mặt cho núi; Y Kô đã đến chân cầu thang réo inh ỏi:
-         H’Lê Na ơi, đi thôi.
-         Ăn sáng chưa mà đi sớm thế?
-         Ăn rồi. Đi sớm không lũ khỉ ra rẫy trước ta đấy.
Chiều hôm qua, ami(1) đi thăm rẫy về thông báo: bắp đã đông sữa nhưng khỉ đến trộm nhiều quá. Mai chủ nhật nhờ Y Kô đi cùng H’Lê Na lên rẫy đuổi khỉ. Được nhờ, Y Kô vui lắm xin ami nấu cơm ăn sớm để kịp lên rẫy trước lúc lũ khỉ kéo ra phá bắp. H’Lê Na khoác gùi lên vai bước xuống cầu thang, ngồi lên sau xe đạp của bạn giục:
-         Đi thôi!
-         Ngồi cẩn thận nhé.
Chiếc xe nhằm chân chư Pal lao đi. Sau nhiều khúc cua lên đồi, xuống suối cuối cùng hai đứa cũng đến bên chòi canh rẫy. H’Lê Na bước lên chòi cất gùi đựng đồ ăn trưa ami chuẩn bị cho hai đứa rồi cầm xà gạc ra rẫy. Mới hôm nào lên gieo hạt, thế mà nay bắp đã cao quá đầu người. Trên thân, cây nào cũng có từ ba đến bốn quả bắp to như bắp tay, râu bắt đầu cong lại nhìn đã con mắt lắm. Hai đứa đi đến phía rẫy giáp rừng nơi triềng núi thì giật mình đứng khựng lại, không thể tin ở mắt: một vạt bắp bị khỉ bẻ quả vứt la liệt trên mặt đất; có quả bị gặm gần hết, có quả gặm nham nhở, có quả chúng chỉ ăn một nửa, nhìn tiếc quá.
 Y Kô dậm chân, tím mặt bảo:
-         Phải tìm cách dọa cho chúng sợ không dám xuống rẫy mới được.
-         Có cách gì chưa?
-         Ta lấy cỏ gianh cột lại làm hình nộm như người để trong đám bắp giả làm người núp cho chúng sợ.
-         Làm đi.
Hai đứa cắt cỏ khô, bứt dây rừng cột lại làm được hai hình nộm, đem đặt trong đám bắp bị khỉ ăn trộm hôm qua. Y Kô lấy mũ của hai đứa đội cho hai hình nộm, trông xa giống như hai người thật đang ngồi làm cỏ trong vườn bắp.
-         Giờ thì yên tâm về chòi ngồi đợi xem lũ khỉ khóc.
Y Kô ra vẻ đắc ý với sáng kiến của mình, trở về chòi canh. Chòi canh rẫy chiều ngang ba sải, chiều dài bốn sải tay, cao hơn mặt đất hơn một sải tay. Đứng trên chòi có thể nhìn thấy toàn bộ đám rẫy. Nghe aduôn(2) kể: ngày xưa bên cạnh nhà canh rẫy thường có kho đựng lương thực. Mùa thu hoạch được bao nhiêu cất luôn vào kho, khi nào cần ăn lên gùi mang về, ăn hết lại lên lấy chứ không như bây giờ thu hoạch đến đâu phải mang hết về nhà đến đấy. H’Lê Na thắc mắc: để trên rẫy không sợ người khác lấy mất à? Ngày xưa không ai lấy của ai đâu, bếp nào không đủ thì đến mượn khi nào có thì trả; mọi người sống hòa thuận lắm, aduôn buồn buồn trả lời.
*
*    *
Y Kô bất ngờ kêu lên:
-         Lũ khỉ đến kìa!
-         Đâu?
-         Trên ngọn cây đa bìa rẫy ấy, chắc con đó là con đầu đàn đấy.
Chót vót trên ngọn cây đa, một con khỉ đã ngồi đó từ lúc nào, mặt như được sơn đỏ đang cúi xuống quan sát đám bắp có hình nộm. Trong đám lá phía dưới, cây cối rung tít như có đám trẻ nô đùa, thỉnh thoảng lại có con khỉ nhảy từ cành cao xuống đám lá thấp, phơi cái lưng màu xám thoáng qua. Một lúc sau đám cây trở lại lặng ngắt, chỉ còn con khỉ ngồi trên ngọn cây. Y Kô đắc ý bảo:
-         Đàn khỉ sợ nên bỏ đi hết rồi, giờ thì yên tâm ngồi nghỉ.
-         Nhưng sao vẫn còn con kia ngồi?
-         Ừ, cũng lạ nhỉ. Ta lại xem sao.
Hai đứa vội xuống cầu thang chạy lại, con khỉ ngồi trên ngọn cây bất chợt kêu lên: khẹc, khẹc, khẹc… rồi lao mình vào đám lá rậm phía dưới biến mất. Y Kô nhanh chân chạy trước đến gần chỗ đặt hình nộm thấy bầy khỉ đang từ trong rẫy chạy vào rừng, trên tay con cầm một quả, có con hai tay hai quả vội vã ôm cây leo lên. H’Lê Na chạy đến sau kêu lên cuống quýt:
-          N… ó, n… ó ăn trộm mũ kìa!
Y Kô nhìn thấy một con khỉ chắc phải nặng đến trên chục ký, hai tay cầm hai bên vành mũ; trong mũ đựng ba quả bắp liền thét lên:
-         Huầy, huầy, huầy.
Rồi vơ vội hòn đá ném, con khỉ sợ quá thả luôn cái mũ xuống đất, chạy biến vào đám cây rậm. Cánh rừng trở lại im lặng, H’Lê Na lội vào trong rẫy thấy hàng chục cây bắp vừa bị khỉ vặt quả, tức quá bảo Y Kô:
-         Sáng kiến hay quá nhỉ!
-         Tai, tại… lũ khí khôn quá mà.
-         Làm sao bây giờ?
-         Đành ngồi đây canh thôi.
-         Ô, nó lại lên ngọn cây đằng kia rồi kìa.
H’Lê Na chỉ tay về phía cây sung gần lều canh rẫy, trên ngọn cây con khỉ đầu đàn đã ngồi vắt vẻo trên đó từ lúc nào rồi, hình như đang quan sát hai đứa. Y Kô chạy vội lại, con khỉ kêu lên: khẹc, khẹc… nhưng vẫn ngồi ngó xuống chứ không thèm chạy, tay nó còn gãi gãi vào bụng như thách thức. Dưới đất, bầy khỉ khoảng hơn hai chục con cuống quýt từ bìa rẫy chạy trốn vào bụi rậm, chưa kịp bẻ bắp. Bực mình, Y Kô lấy ná cao su nhằm con ngồi trên ngọn cây sung bắn một phát; viên đá bay vút qua đầu con khỉ làm nó hoảng quá buông mình rơi xuống cành cây bên dưới. H’Lê Na chạy lại thấy viên sỏi không trúng khỉ liền vỗ tay reo lên:
-         Giỏi quá, giỏi quá, trúng lá cây rồi.
-         Phải bắn cho nó sợ, chứ bắn trúng có chết được đâu. Giờ có cho kẹo lũ khỉ cũng không dám trêu ta nữa.
-         Nó sợ à? Nhìn đằng kia kìa.
Theo tay H’Lê Na chỉ, trên ngọn cây đa lúc nãy, chỗ lũ khí xuống trộm bắp lại còn lấy cả mũ của hình nộm để đựng; con khỉ đầu đàn vừa leo lên ngồi, im như pho tượng nhà mồ. Y Kô dậm chân xuống đất than:
-         Làm sao bây giờ?
-         A, có cách trị lũ khỉ rồi. Lần này thì chúng sẽ bị trừng trị đích đáng.
-         Chắc không?
-         Chắc! Y Kô lên chòi ngồi không được chạy đi đâu nhé, cứ để lũ khỉ muốn làm gì thì làm.
-         Tại sao lại thế?
-         Tý nữa rồi biết!
Nói xong, H’Lê Na đi lại chỗ con khỉ đầu đàn đang ngồi, miệng hét vang rừng: Huầy, huầy, huầy…
*
*   *
Khu rừng quanh rẫy trở lại yên lặng, bầy khỉ chắc đã bỏ đi vậy mà vẫn không thấy H’Lê Na trở lại chòi canh rẫy, Y Kô thấy thắc mắc quá. Không biết hắn còn nghĩ ra trò gì đây? Thôi kệ, khi nãy hắn đã dặn mình ngồi canh tại đây thì cứ ở đây không tý nữa lỡ lũ khi đến lại bị la.
Mặt trời leo lên gần đứng đỉnh đầu, bụng thấy đói rồi mà vẫn không thấy H’Lê Na đâu. Ở lớp học H’Lê Na được cô giáo giao làm lớp trưởng, làm việc gì hắn cũng cắt đặt công việc cho mọi người rõ ràng, rành mạch và gương mẫu làm trước nên hay được cô khen. Bạn bè trong lớp ai cũng mến hắn vì tính ngay thẳng, không giận lâu và hay  trêu đùa mọi người làm nổ ra những trận cười vui vẻ. Còn hôm nay… Ô, lạ chưa, con khỉ đầu đàn lại leo lên ngọn cây đa ngồi như đang suy tư điều gì. Đám lá phía dưới rung lên dữ dội như tố cáo bầy khỉ đang chuẩn bị tấn công đám bắp, vậy mà H’Lê Na vẫn bặt tăm. Sao vậy nhỉ, mình phải chạy lại đuổi khỉ không chúng xuống bẻ hết bắp mất. Y Kô nghĩ vậy và định chạy lại xua bầy khỉ, nhưng chợt nhớ lời H’Lê Na dặn lúc nãy nên đành đứng im, ức quá. Chắc lũ khỉ đã vào rẫy, con đầu đàn trên ngọn cây vẫn ngồi quay mặt nhìn Y Kô chăm chú để sẵn sàng báo động cho đồng bọn dưới đất. Y Kô sốt ruột quá tự nhủ:  Hay H’Lê Na chui đâu ngủ rồi cũng nên, mình không lại đuổi thì mất hết bắp; phải chạy lại đuổi khỉ thôi.
Bổng tiếng lũ khỉ ở trong đám bắp kêu thét lên đau đớn, con đầu đàn chổng mông lên trời, chúi đầu xuống nhìn đám khỉ dưới đất, rồi bất ngờ gào lên một tiếng kinh hãi: H… oc! Nhún mình bay từ ngọn cây đa xuống ngọn cây thấp như bị ma đuổi. Y Kô ngạc nhiên quá không hiểu điều gì xãy ra với lũ khỉ, đứng ngây ra nhìn. Tiếng lũ khỉ trong đám bắp kêu khóc vang rân khắp cánh rừng, nhỏ dần rồi tắt hẳn về phía chân núi cao.
-         Lại ăn trưa thôi.
Y Kô giật mình quay lại thấy H’Lê Na đứng sau lưng từ lúc nào, miệng tủm tỉm cười, trên đầu còn vương đầy mấy chiếc lá xanh.
-          Sao mà lũ khỉ kêu khóc như bị Yang(5) phạt vậy?
- A, phải rồi, khi nãy bực cây đa quá định vác dao lại cặt cây để lũ khỉ không còn chỗ đứng nấp tìm đường xuống phá bắp. Yang trong gốc cây đa sợ quá hiện ra xin tha và truyền cho phép thuật, chỉ cần niệm thần chú thế là Yang hiện về đuổi lũ khỉ. Từ nay không còn phải lo đuổi khỉ ở đây nữa đâu. Đi ăn trưa thôi.
*
*  *
Y Kô nhen lửa, bỏ mấy cây củi to như cổ chân vào đốt, một thoáng sau lửa cháy bùng lên, tiếng reo tách tách nghe vui vui. Xa xa, phía bìa suối tiếng gà rừng cất lên dõng dạc rồi như được hiệu lệnh, những con gà khác ở xung quanh rẫy cũng thi nhau cất tiếng hòa theo. H’Lê Na bẻ bốn quả bắp, lột sạch vỏ để lộ ra những hạt bắp đều tăm tắp, màu trắng ngà, ken dày từ cuống đến tận cuối quả; xếp quanh bếp rồi bảo:
-         Ăn cơm hay chờ bắp chín ăn luôn?
-         Để bắp chín ăn luôn cho ngon miệng.
-         Khi nãy làm sao mà khỉ nó khóc thế?
-         A, không hỏi thì quên mất một việc quan trọng phải làm. Đợi chút nhé!
Nói dứt lời, H’Lê Na theo cầu thang xuống đất đi lại đám rẫy phía gốc cây đa. Y Kô nhìn theo bật cười vì cái dáng đi lúc nào cũng khoan thai, không vội vã của người bạn học cùng lớp. Một lát sau H’Lê Na quay lại, cầm một xâu sóc, con nào cũng to như cổ tay người lớn, hớn hở reo lên từ xa:
-         Có thịt rồi đây!
-         Ô, sao bắt nhiều sóc thế?
-                     Lúc nãy Yang đến phạt khỉ, mấy con sóc đang ăn trên cây đa bị phạt nhầm nên lăn ra chết, không mang về ăn để nó phí đi à.
-         Sao lại thế nhỉ, làm gì có Yang xuống đây?
-         Thế mới tài chứ. Bắp chín rồi, bỏ ra để lấy chỗ làm thịt sóc.
H’Lê Na cầm từng con sóc hơ lên ngọn lửa cho cháy hết lông rồi dùng que gạt lớp lông cháy để lộ ra mảnh da sóc vàng ươm, thân tròn quay, trông đã con mắt lắm. Y Kô nhìn H’Lê Na tay cầm sóc, tay cầm que gạt đám lông vừa cháy cứ như diễn viên múa, bụng thầm khen: giỏi. Thui sóc xong hai đứa mang xuống suối, chặt bỏ chân, mổ bụng, rửa sạch; lấy que xiên qua hai con gác lên bếp. Tiếng mỡ rơi trên than hồng xèo xèo, tỏa ra mùi thơm ngào ngạt. H’Lê Na trải lá chuối rừng xuống nền chòi đặt: bắp, cơm, cá khô, và hai con sóc vừa nướng chín. H’Lê Na vui vẻ, xé một cái đùi sau con sóc đưa cho Y Kô:
-         Hôm nay có tiệc lớn rồi, ăn đi.
-         Không ăn!
-         Ơ, Sao vậy?
-                     Không nói vì sao lũ khỉ khóc bỏ chạy về rừng mà sóc lại chết dù không bị bắn thì đây không ăn đâu.
-                     À ra thế. Thôi vừa ăn vừa kể cho nghe được không? Cầm lấy. Còn nhớ hôm lên cúng Yang xin được dọn rẫy ta thấy cái gì nơi bìa rẫy, góc rừng kia không?
-         A, tổ ong đất.
-                     Đúng rồi, H’Lê Na lấy dây buộc vào dây chạc chìu bò sát miệng tổ ong, dòng dây ra xa, núp vào trong bụi cây nằm đợi. Lũ khỉ nhìn thấy Y Kô ở trên chòi nên yên tâm kéo nhau bò vào rẫy, leo lên cây bẻ bắp; lúc ấy mình mới giật dây. Dây chạc chìu đập vào miệng hang, lũ ong tưởng có người phá tổ kéo nhau bay ra, thế là lũ khỉ lãnh đủ. Chúng không khóc mới lạ chứ.
-         Giỏi quá, nhưng sao lũ sóc lại chết?
-                     Có gì đâu - H’Lê Na mỉm cười giải thích - khỉ bị ong đốt vội chạy lại leo lên cây đa; bầy ong đuổi theo gặp sóc trên cây đa thì…  xơi luôn. Một con sóc bị hai con ong đất đốt coi như… tiêu. Hôm nay trên cây đa chỉ có 7 con sóc, chứ nhiều hơn thì chắc ta gùi không hết. Lũ khỉ chắc chết khiếp rồi, từ nay không dám kéo đến đây nữa đâu. Ăn đi, cố ăn cho hết nhé.
-                     Nhiều thế ăn sao hết?
Y Kô thoáng đỏ mặt nhớ lại sáng kiến “hình nộm” của mình sáng nay thất bại trước lũ khỉ, còn bị chúng trêu chọc, suýt mất cả mũ. H’Lê Na hình như không để ý vẫn vô tư mời:
-                     Hôm nay ta liên hoan mà, cố lên, cố lên!

Mùa thu năm 2016
Chú tích:
1.     Ama: ba – tiếng Ê đê;
2.     Ami: mẹ - tiếng Ê đê;
3.     Chư: núi – tiếng Ê đê;
4.     Aduôn: bà – tiếng Ê đê.

5.     Yang: thần linh – tiếng Ê đê;