KHÔNG GIAN VĂN HÓA “RỪNG”
TRONG SÁNG TÁC CỦA NGUYÊN NGỌC
Đến với rừng trong văn chương, chúng ta sẽ cảm nhận được
vẻ đẹp hoang sơ nhưng kỳ vĩ, trầm hùng mà thắm thiết; bên trong đó có những thác
nước ngày đêm réo gọi, những ngọn gió dữ dội mải miết thổi suốt bốn mùa… nhưng
không kém phần diễm lệ, nên thơ. Điểm lại trong nền văn học Việt Nam, đã có rất
nhiều tác giả viết về rừng: Tô Hoài chọn cho mình vùng núi rừng Tây Bắc để hòa
mình vào với đời sống của những người Mán, người Mèo…; Sơn Nam lại đưa người đọc
bước vào thế giới của vùng sông nước Nam Bộ thông qua những rừng đước, rừng tràm…
ngập sâu trong dòng nước phèn mặn; còn đối với Nguyên Ngọc – người được mệnh
danh là nhà văn viết nhiều nhất và hay nhất về Tây Nguyên thì khác, ông không
chọn cho mình riêng một vùng rừng nào cả mà ông đi lần lượt từ những cánh rừng
Tây Bắc – Mèo Vạc, Đông Bắc – Hạ Long, cho đến vùng rừng của đất Quảng anh hùng
rồi lượn vòng lên Tây Nguyên hùng vĩ để chiêm nghiệm những cánh rừng cà phê,
cao su… bạt ngàn trên đất đỏ cao nguyên, không dừng lại ở đó ông vẫn tiếp tục
cuộc hành trình đưa mình đến với rừng ngập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, thậm
chí còn vượt mình ra khỏi đất liền để tìm đến “ăn rừng” ở Phú Quốc, ở những quần
đảo trên biển Đông với hình ảnh của những hàng phi lao nhiều đến thành rừng…
Vậy văn hóa rừng trong sáng tác của Nguyên Ngọc được biểu
hiện như thế nào? Câu hỏi này đã được Nguyên Ngọc trả lời trong rất nhiều tác
phẩm, đặc biệt trong tạp văn Rừng trong văn hóa Tây Nguyên thì vấn
đề về rừng là không gian văn hóa gần như được giải quyết triệt để. Ông khẳng định
rừng là ngọn nguồn văn hóa, là đặc trưng số một của đất và người Tây Nguyên. Bắt
buộc tất cả những ai đến với Tây Nguyên, muốn hiểu về Tây Nguyên thì phải hiểu
rừng. Nếu như văn hóa Tây Nguyên xem làng là đơn vị tổ chức hành chính cơ bản,
thì làng ấy phải gắn với rừng, và làng cũng chỉ là một phần được cắt từ rừng mà
ra. Ông giải thích:
“Đấy là một
khoảnh đất con người đã cắt ra được cái bao trùm tất cả là rừng hoang dã. Là cái
phần nhỏ của tự nhiên hoang dã mà con người đã thuần hóa được cho mình, cái khoảnh
tự nhiên đã được con người biến thành văn hóa. Mối quan hệ cơ bản của sự tồn tại
ở đây là vậy, bên này là tự nhiên: rừng, bên kia là văn hóa: làng. Ở giữa là
con người.”
Khi con người không
còn ở làng nữa thì mảnh đất tự nhiên đã trở thành văn hóa ấy lại trở thành khoảng
không gian của tự nhiên: rừng. Và người Tây Nguyên lại tìm đến một
khu rừng mới, khai hóa nó, và tạo cho tự nhiên vốn có một làng văn hóa, rồi lại
cứ thế họ đi mãi hết cánh rừng này đến cánh rừng khác để biết rừng, hiểu rừng. Đời
sống của người Tây Nguyên là thế, không bao giờ có thể tách khỏi rừng, cho dù sống
ở làng thì vẫn phải có rừng.
Đối với không gian
văn hóa làng của người Tây Nguyên phải tồn tại đủ 4 yếu tố: thứ nhất là rừng
(đầu nguồn, canh tác, rừng nguyên sinh – rừng thiêng), thứ hai là bến nước,
thứ ba là khu mộ địa và cuối cùng đó mới chính là làng
– nơi họ sinh sống trên những ngôi nhà sàn, nhà trệt, nơi đêm tối họ quây quần
với nhau nghe hát kể sử thi để rồi vọng vào rừng sâu thứ âm thanh giao tiếp với
Giàng. Giàng có mặt ở khắp nơi, nhưng chỉ trong khu rừng thiêng kia thì mới là
nơi quần tụ đầy đủ tất cả các Giàng, cho nên khi đến với một làng Tây Nguyên,
người lạ không được chạm chân đến những không gian thiêng ấy, làm như thế nghĩa
là xúc phạm thần linh, khiến cho thần linh thức giấc, có khi là tức giận, khi đó
Giàng sẽ trừng phạt con người. Vì thế cho nên khi đến với vùng đất bazan ấy, lúc
nào chúng ta cũng có cảm giác mát rượi, thoang thoảng hương rừng phả vào da vào
thịt những người đi đường…
Chính vì vậy rừng là
không gian rộng nhất, lớn nhất trong mọi không gian của người Tây Nguyên. Rừng
bao trùm tất cả, rừng ôm trọn cả làng, cả bến nước, cả mộ địa… “Ở Tây Nguyên,
rừng là tất cả, bao trùm, ám ảnh, mê hoặc, nhấn chìm. Con người vừa bị hòa tan
trong rừng, là bộ phận nhỏ không thể tách rời của rừng, vừa cố phân biệt mình với
rừng”.
Thật quá sâu sắc
khi Nguyên Ngọc đã thâu tóm toàn bộ mọi nét văn hóa, bản sắc dân tộc của con người
Tây Nguyên để rồi phác họa nó lên, đi từ khái quát đến chi tiết. Cũng giống như
khi ông viết: “Đối với họ, rừng là Mẹ, người Mẹ Tự nhiên bao dung và vĩ đại;
Mẹ Rừng cho ta cái ăn, sự sống, tạo nên xương thịt, máu huyết, toàn bộ con người
của ta. Ta là một phần nhỏ được sinh ra từ Mẹ Rừng bao la, bất tận, vĩnh hằng”.
Có nghĩa là Nguyên
Ngọc đã nhìn nhận xuyên suốt nền văn hóa huyền bí ấy, từ tự nhiên đến con người
rồi tạo nên văn hóa. Nó không hề mâu thuẫn với nhau mà luôn luôn gắn bó khăng
khít với nhau, nhưng cho dù là con người hay văn hóa thì cũng đều bắt nguồn từ
tự nhiên và không thể tách rời khỏi tự nhiên; cho nên tự nhiên – rừng luôn là gốc,
là rễ của con người, của văn hóa Tây Nguyên, bất cứ ai làm gì, ở đâu thì cũng đều
phải nhớ đến rừng, nhớ đến “năm làng chúng tôi ăn rừng Đá Thần Gô”. Ở đây,
ông sử dụng một từ rất lạ “ăn rừng”, ai có thể ăn được rừng?
Trong khi rừng đã trở thành Giàng, thành linh hồn của người Tây Nguyên. Cái đặc
biệt trong nghệ thuật sử dụng ngữ nghĩa ngôn từ của Nguyên Ngọc chính là ở đây.
“Ăn rừng” không phải là một hoạt động của tiêu hóa mà ăn rừng ở đây
là: “Ấy là cái năm làng làm rẫy ở khu rừng có tên như vậy”. Qua đó, chúng
tôi hiểu được rằng, “ăn rừng” nghĩa là, họ - người Tây Nguyên làm
rẫy ở khu rừng đó. Thế nhưng, Nguyên Ngọc còn cho chúng ta hiểu ở nhiều tầng
nghĩa khác nhau, ông lí giải:
1 – ở đây
người ta “ăn rừng” (tức là người ta làm rẫy, lấy cái ăn ra từ rừng), rừng đi vào
trong máu thịt con người, cũng hoàn toàn giống như ta nói ta bú sữa mẹ, mẹ cho
ta cái ăn, cho ta máu thịt. Ta là một phần không thể tách rời của mẹ rừng. Ta từ
mẹ rừng mà ra.
2 – Rừng không
chỉ là không gian, rừng còn là thời gian. Người ta lấy không gian để đo thời
gian (…) lịch pháp của mối quan hệ sinh học giữa con người với rừng. Cuộc đời
con người ấy được tính bằng chu kỳ mẹ rừng cho họ máu thịt qua từng mùa rẫy.
3 – “Thế giới”
hay “vũ trụ” của con người ấy là làng, làng trong mối quan hệ sinh tồn với rừng.
Mỗi làng không chỉ có không gian riêng mà còn có thời gian riêng của mình, một
thứ không – thời gian lấy rừng làm hệ tọa độ…
Phải khẳng định rằng,
Nguyên Ngọc đã trở thành một người con của Tây Nguyên. Nếu như ta chỉ dựa theo
từ điển ngôn ngữ hay tự nhiên thì rừng chỉ được hiểu là một khoảng đất rộng có
rất nhiều các loài sinh vật tồn tại trên địa hình đồi núi hoặc thung lũng mà thôi.
Còn khi đọc văn Nguyên Ngọc, ta mới thấy được nghĩa của rừng không chỉ đơn thuần
như thế, nhưng chỉ với người Tây Nguyên rừng mới được hiểu theo nhiều nghĩa khác
nhau như vậy. Điều quan trọng, là Nguyên Ngọc đã chuyển từ từ một nghĩa cụ thể
rồi sắc thái hóa nghĩa của từ đó để trở thành nghĩa trừu tượng. Trước giờ, chưa
ai nói rừng là mẹ, là không gian, là thời gian, là một hệ tọa độ, chỉ đến với
ngòi bút của ông thì người ta mới nhận ra điều đó.
Hơn thế nữa, vòng đời
của con người Tây Nguyên không lấy thời gian cụ thể là giờ nào phút nào làm thước
đo, mà họ lấy rừng làm thời gian của mình: “đối với cái chết, người Tây Nguyên
cũng có một thái độ đặc biệt liên quan đến rừng (…) giao cho rừng, trả con người
ấy về lại cho rừng, để rừng chiếm lấy cái phần tự nhiên hoang dại đã trở thành
người, thành văn hóa ấy”. Ông khẳng định: “Nghĩa là một lần nữa ta lại
thấy, ở một tầng sâu hơn, rừng không chỉ là không gian mà còn là thời gian. Rừng
là sự vĩnh hằng, là cõi vô cùng, là sự không thủy không chung, nơi hun hút con
người lại biến mất vào đó, biệt vô tăm tích. Rừng là bản nguyên, là cội nguồn ở
đầu bên này, nhưng cũng là cõi mịt mùng thăm thẳm ở đầu bên kia”.
Thời gian ở đây, chính
là sự sinh ra con người và cũng đưa con người vào cõi bất tử. Rừng là mẹ, là
Yang (Thần linh), rừng không từ bỏ bất cứ điều gì, tất cả đều sinh ra từ rừng và
mất đi cũng trong rừng. Văn hóa Tây Nguyên là thế, cuộc đời con người không đếm
bằng tuổi, mà đếm bằng mùa rẫy, bằng năm “ăn rừng”; chết là được
quay về với thần linh, được thần linh phía rừng thiêng bí ẩn chào đón rồi đầu
thai họ vào kiếp người khác sau khi đã làm lễ bỏ mả. Dễ hiểu vì sao mà Nguyên
Ngọc nói rằng: “rừng là tâm linh. Vì vậy nó là cội nguồn của văn hóa ở đây. Đố
ai có thể tìm ra được một biểu hiện văn hóa nào ở đây mà không liên quan đến rừng,
hay đúng hơn, không có mối quan hệ sâu xa thăm thẳm của con người với rừng làm
cơ sở”.
Đồng thời, ở đó ta
cũng tìm được những món ăn, thức uống đặc trưng cho hương vị núi rừng để tạo nên
nét văn hóa cụ thể: đó là thứ rượu cần ngọt nồng mà say đắm: “Rừng tự nó thôi,
chỉ mới nguyên là rừng thôi, chưa chế biến gì hết, đã có nghĩa là say, là mê, là
quên, là dại khờ (…) Tức là rừng mới tự nó thôi, chưa chế biến gì hết đã là rượu
rồi. Huống nữa rượu cần lại tinh chất tập trung nhất chắt ra từ rừng”.
Không dừng lại ở món
uống cụ thể, không gian văn hóa của rừng còn được vang lên bởi tiếng ngân của cồng
chiêng: trong Cồng chiêng, từ đá đến đồng, Nguyên Ngọc viết:
“Dạy tiếng
cho chiêng khi mới mua về, dạy cho nó biết nói tiếng của con người, của núi rừng,
của thần linh ở Tây Nguyên.”
Nói như vậy có nghĩa:
cồng chiêng là biểu hiện của văn hóa, và chỉ có trong rừng sâu, thứ âm thanh đại
ngàn ấy được vút lên nhờ những chàng trai, cô gái được xem là nghệ nhân của “bộ
gõ Tây Nguyên”. Đấy là văn hóa. Người mẹ rừng thấu hiểu con của mình, cho nó
sự sống thì phải cho nó nguồn sống, nguồn sống của nó bắt nguồn từ những đồi bắp,
đồi sắn, của những hạt gạo trắng ngần được cấy lên từ đất; cho đến khi đời sống
nó no đủ thì nó cần phải tìm nguồn vui, mà nguồn vui ấy bắt nguồn từ chính thiên
nhiên của mẹ rừng. Đó là âm thanh tự nhiên của dàn nhạc nước, rồi âm điệu của dàn
nhạc đá cho đến khi bàn tay con người tìm được âm hưởng của cồng chiêng. Bất kì
ở nơi đâu, ở vùng đất nào đi nữa thì đối với người con của núi rừng cồng chiêng
vẫn là thứ thiêng liêng nhất, bởi nó tạo nên âm thanh để giao lưu, trò chuyện với
thần linh, với những người đã quá cố.
Đến đây, ta nhớ về
những lễ hội của người Tây Nguyên, bao giờ cũng vậy, cứ lễ hội là người ta tìm
về thiên nhiên bao la, xứ sở của mẹ rừng: cúng bến nước, cầu mưa, bỏ mả, cầu mùa,
mừng lúa mới, cúng sức khỏe… và ở đây, con người được giao hòa cùng thần linh, được
gọi Giàng, được sống với không gian của núi rừng thực sự. Khi đó người ta tấu lên
khúc nhạc của cồng của chiêng, của những lời khấn cúng. Nguyên Ngọc viết:
“Bởi, qua
không gian rừng mênh mông, từ ngàn đời nay đêm đêm các làng Tây Nguyên vẫn đọc
tiếng chiêng của nhau như vậy đấy, làm nên cuộc trò chuyện vĩnh cửu của con người
trên vùng đất mênh mang và mãi mãi còn bí ẩn này.”
Nét đặc trưng của
con người nơi đây là sự gắn bó mật thiết với không gian núi rừng: từ việc lên nương làm rẫy cho đến
việc săn bắt, chuyện tình yêu trai gái hẹn hò tình tứ, thậm chí cả những lễ hội…
đều gắn bó mật thiết với rừng. Với người Tây Nguyên, rừng là một phần máu thịt
của họ, rừng là tâm linh, là bản nguyên, là cội nguồn văn hóa, là nơi tạo thành
tính cách con người. Con người nơi đây đã trân trọng gọi rừng là: “Mẹ rừng.”
Vì thế, rừng, và rộng
hơn, thiên nhiên ở đây có quan hệ mật thiết gắn bó với con người. Nguyên Ngọc và
cũng như những con người nơi đây quan niệm, rừng là khởi nguyên để từ đó họ ra đi
và rừng cũng là nơi họ sẽ trở về sau một chuyến rong chơi dài ngày ở giữa cuộc đời
trần thế. Cho nên có thể nói rằng văn minh Tây Nguyên là nền “Văn minh thảo
mộc”. Trong Người về Krông Chro, Nguyên Ngọc đã phát hiện ra
vai trò của rừng trong đời sống văn hóa con người Tây Nguyên: “rừng là bắt đầu
và tận cùng của mọi thứ trên đời này. Như không gian, thời gian, vô tận. Người
Tây Nguyên từ trong máu mình hiểu rất rõ, rất sâu điều cốt yếu đó, họ biết họ cũng
chỉ là một phần nhỏ của cái bao quát lớn là rừng, như mọi vật hữu sinh và vô
sinh, thú rừng cả sâu bọ cây cỏ, đất đá, sông, núi, và mọi vật dụng nữa, không
hơn không kém”
Từ trong cái vô tận
của rừng núi, con người bước ra, họ đi ra từ núi rừng như đứa con thoát thai bước
ra từ lòng mẹ, nhưng như vậy cũng không có nghĩa là họ lìa xa tình mẫu tử, mà
ngược lại vẫn bị trói buộc khăng khít trong tình mẫu tử thâm sâu: đó là văn
hóa. Cũng như tình mẹ con, người Tây Nguyên gọi rừng là Mẹ: mẹ dạy
cho họ biết làm nương rẫy, biết bắt con cá, biết săn con thú trong rừng, và đặc
biệt mẹ rừng dạy họ biết văn hóa nguồn cội của mình là núi rừng, cho nên họ biết
tiếng nói để giao tiếp với thần linh, biết cách cúng lễ, biết treo cây nêu, đánh
cái chiêng cái trống trong mùa lễ hội, đồng thời họ cũng tạo nên cho mình một nét
văn hóa rất riêng, khác biệt với những tộc người khác, ở những vùng cư trú khác.
Chính vì thế khi trưởng
thành, họ thành tâm xin của mẹ rừng một khoảnh đất nhỏ, nhọc nhằn thuần hóa nó để
cái khoảnh đất nhỏ ấy trở thành buôn làng, trở thành không gian sống của nhiều
thế hệ người. Nhưng như thế cũng không đồng nghĩa với việc là họ đã tách ra khỏi
rừng, họ dứt ra mà vẫn gắn bó, liên hệ, nối kết mật thiết với rừng, người Tây
Nguyên tâm niệm: cùng sống với rừng và đương nhiên cùng chết với rừng. Quan hệ
giữa con người với thiên nhiên, vừa mang tính tự giác, bắt buộc từ trong sâu thẳm
của tâm linh, vừa trở thành luật tục trong cộng đồng đời sống… đó là văn hóa.
Vì vậy, với người Tây
Nguyên, rừng là một phần máu thịt của họ, rừng là nơi từ đó con người ra đi để
tìm lấy sự sống:
“Và rừng ta đi về lấy cây suốt cá
Rừng ta đẹp chim bay về làm tổ
Nước ta trong bờ suối nở hoa rừng”
Và tất cả tựu chung
lại thành văn hóa: văn hóa ăn, ở, mặc, văn hóa với núi rừng, với thần linh, đó
còn là cách đối nhân, xử thế, giao tiếp với nhau trong những khu rừng bao la, rộng
lớn. Nếu bạn hỏi một ngôi làng đang có lễ hội, thì làng bên sẽ như thế nào? Câu
trả lời rất tự nhiên, đó là họ sẽ đưa tai lắng nghe âm thanh vang vọng của tiếng
cồng, chiêng, tiếng hát vang ân tình bên vòng lửa ấm áp. Có nghĩa là tất cả những
người con của núi rừng đều sẽ sống với những gì mà mẹ rừng dạy họ, họ sẽ tiếp nối,
sẽ lưu truyền và dạy lại cho thế hệ sau những gì mà họ đang xem là văn hóa.
Nguyên Ngọc nhấn mạnh
về không gian văn hóa của rừng, ông cho rằng, muốn hiểu về đất và người ở những
khu rừng núi thì điều đầu tiên họ phải hiểu được rừng:
“Rừng. Rừng
trong đời sống xã hội và con người, rừng trong văn hóa Tây Nguyên mà không hiểu
rừng, ý nghĩa và vai trò của nó trong đời sống con người ở đây thì rất khó, hoặc
hầu như không thể hiểu gì về Tây Nguyên, con người Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên.”
Và cứ như thế không
gian văn hóa ấy cứ trải rộng ra cho đến khi con người không còn nữa. Chỉ khi nào
không còn sự xuất hiện của con người thì người mẹ rừng sẽ thu lại không gian văn
hóa ấy và tạo ra thứ không gian văn hóa mới, chuyển từ con người về lại với thiên
nhiên, cỏ cây, hoa lá, loài vật…
Như vậy, quá trình
khắc họa, xây dựng hình tượng rừng trong sáng tác của mình, Nguyên Ngọc đã hoàn
toàn để cho rừng thoát thai, đi từ môi trường sống đến không gian văn hóa và dần
dần sẽ biến mảnh đất ấy thành một không gian thiêng liêng hơn, bí ẩn hơn – không
gian của tâm linh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI