Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 291 THÁNG 11 NĂM 2016, tác giả TRƯƠNG BI





VOI NHÀ ĐẮK LẮK
TRONG VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG



Voi là động vật quý hiếm, là tài sản quý giá của các dân tộc bản địa Đắk Lắk nói riêng và đất nước ta nói chung. Từ xa xưa, tại vùng đất Ea Suốp, Bản Đôn thuộc cao nguyên Đắk Lắk đã trở thành xứ sở nổi tiếng của nghề săn voi và thuần dưỡng voi rừng. Voi đã trở thành người bạn thân thiết, thành biểu tượng văn hóa, sự giàu sang, uy quyền và bản sắc độc đáo của các dân tộc bản địa ở vùng đất này.
Theo các già làng Bản Đôn kể lại: Khoảng đầu thế kỷ XIX, cha của ông Y Thu Knul từ đất nước Triệu Voi (Vương quốc Lào), đi  buôn bán bằng thuyền theo sông Mê Kông rồi rẽ vào sông Srêpôk và dừng lại trao đổi hàng hóa với một số buôn làng dọc bờ sông này. Qua nhiều lần buôn bán, trao đổi hàng hóa, ông thấy vùng đất nơi đây sông núi hùng vĩ, dân làng đầy lòng yêu người mến khách. Đặc biệt, ông phải lòng với một cô gái M’nông và cưới  làm vợ. Từ đó ông xin chủ buôn lập một làng mới bên sông Srêpôk và gọi là Bản Đon. Theo tiếng Lào: Bản là làng, Đon là đảo; Bản Đon nghĩa là làng đảo. Sau này người dân trong vùng gọi là Bản Đôn.
Từ ngày đó, cha của ông Y Thu Knul  đã truyền nghề săn voi và thuần dưỡng voi rừng cho người dân Bản Đôn và Ea Súp. Sau khi ông mất, người con trai là Y Thu Knul tiếp tục nghề săn voi và thuần dưỡng voi rừng. Ông Y Thu Knul cùng với người dân nơi đây phát triển nghề này thành một nghề truyền thống nổi tiếng của Đắk Lắk, Tây Nguyên. Voi rừng do người dân nơi đây săn được, sau khi thuần dưỡng, đều mang bán cho các buôn làng trên vùng đất Tây Nguyên và các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma…Đặc biệt, ông Y Thu Knul trong nhiều chuyến đi  săn, đã bắt được hai con voi trắng. Một con ông dâng hiến cho vua Thái Lan và ông vinh dự được vua Thái Lan phong tặng danh hiệu: KhunJuNôp (Vua Voi). Còn một con ông dâng hiến cho vua Bảo Đại và được Vua Bảo Đại tặng nhiều vải vóc lụa là. Từ đó tiếng tăm của ông và nghề săn voi, thuần dưỡng voi rừng của người dân Bản Đôn, Ea Súp vang khắp mọi nơi. Cũng từ đó, các nghi lễ gắn với nghề săn voi được hình thành, như: Lễ cúng sức khỏe cho voi; lễ cúng voi trước khi đi săn; lễ cúng sau khi săn được voi; lễ cúng voi nhập buôn; lễ cúng khi cắt ngà voi; lễ cúng khi voi ốm; lễ cưới voi; lễ cúng trước khi bán voi, lễ cúng khi voi già chết… Các nghi lễ này đã góp phần làm giàu bản sắc văn hóa của cao nguyên Đắk Lắk. Có thể kể đến những nghệ nhân săn voi nổi tiếng của Bản Đôn trước đây là: Y Thu Knul đã săn được 420 voi (trong đó có hai bạch tượng); Nay Hoang đã săn được 350 voi; Y Pui Knul đã săn được 320 voi; Y Them Knul đã săn được 113 voi; Ama Kông đã săn được 298 voi. Nghề săn voi ở đây không phải dùng vũ khí để bắn voi rừng mà dùng sức mạnh của đàn voi nhà áp đảo voi rừng làm cho voi cha mẹ hốt hoảng bỏ chạy để lại voi con rớt lại đằng sau. Lúc này những người đi săn dùng đàn voi nhà vây bắt voi con đưa về thuần dưỡng và nuôi thành voi nhà. Những chú voi ở đây sau khi được thuần dưỡng, chủ voi coi như một thành viên trong gia đình và đều được đặt tên cụ thể (thí dụ: voi cái thì có tên là H’ Găm; voi đực có tên là Y Khăm…)
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đàn voi nhà của Đắk Lắk đã tích cự tham gia phục vụ kháng chiến, như vận chuyển lương thực ra chiến trường, tham gia cứu thương, bảo vệ cán bộ, bộ đội ta trong khi làm nhiệm vụ. Trong số hàng trăm voi nhà tham gia phục vụ kháng chiến, chúng ta có thể kể đến đội voi của huyện Ea Suốp, như voi đực Pak Kú, Y Đo, voi cái H’Tao… đã chở vũ khí, lương thực từ biên giới đến Quảng Phú, huyện Cư M’gar, phục vụ chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột (10-3-1975), góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau ngày giải phóng miền Nam, nhất là trong thời kỳ đổi mới của đất nước, đàn voi nhà Đắk Lắk đã tham gia vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới, như kéo gỗ, vận chuyển hàng hóa, cày ruộng phát triển sản xuất thực hiện xóa đói, giảm nghèo… Đặc biệt, đàn voi nhà của huyện Ea Suốp, Buôn Đôn, Lắk đã tham gia vào các hoạt động lễ hội lớn của tỉnh, như lễ kỷ niệm ngày Giải phóng Buôn Ma Thuột, lễ hội cà phê, lễ hội văn hóa du lịch, lễ hội văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk, Tây Nguyên cùng một số lễ hội trong khu vực và các tỉnh thành trong toàn quốc; đồng thời tham gia vào các hoạt động động du lịch sinh thái, đã để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế. Chính vì vậy mà trong những năm qua, voi nhà Đắk Lắk đã trở thành sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo của Tây Nguyên và cả nước. Nhớ lại tháng 4.1994, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã chọn Đắk Lắk tổ chức Liên hoan Văn hóa cồng chiêng toàn quốc lần thứ nhất. Để chào mừng sự kiện văn hóa trọng đại này, tỉnh ta đã huy động 100 voi nhà của 17 huyện trong tỉnh từ Đắk Nông đến M’Drăk tham gia lễ hội đường phố cùng với 70 đoàn cồng chiêng và hơn 1000 nghệ nhân thuộc 54 dân tộc anh em trong toàn quốc, đã để lại ấn tượng sâu sắc cho quan khách, các đoàn về dự liên hoan và khách tham quan du lịch. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 20 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10.3.1975 – 10.3.1995) Sở Văn Hóa - Thông Tin đã đã huy động 70 voi từ các huyện trong tỉnh về Buôn Ma Thuột thực hiện chương trình nghệ thuật tái diễn lại lịch sử chống giặc ngoại xâm ông cha ta từ Bà Trưng, Bà Triệu đến Quang Trung bằng những chú voi hùng dũng làm nên chiến thắng lẫy lừng từ 4000 năm lịch sử, đã làm nức lòng bà con các dân tộc trong tỉnh và khách tham quan du lịch trong nước và nước ngoài. Bây giờ muốn thực hiện những hoạt động văn hóa có đoàn voi nhà hùng dũng như trên đây, chúng ta không thể nào làm được.
Trong những năm gần đây, đàn voi nhà Đắk Lắk đang có nguy cơ giảm sút nghiêm trọng. Theo số liệu điều tra của Sở Văn- Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch): năm 1977, đàn voi nhà Đắk Lắk có 503 con; năm 1999 có 166 con; đến nay chỉ còn gần 50 con (huyện Buôn Đôn có 23 con, huyện Lak có 25 con). Nguyên nhân đàn voi nhà Đắk Lắk giảm nhanh như vậy là do rừng bị tàn phá một cách nghiêm trọng làm mất đi nguồn sống của đàn voi rừng; voi nhà thả trong rừng bị bọn lâm tặc bắn chết để lấy ngà; chủ voi không đủ khả năng nuôi dưỡng voi nhà nên đã bán voi của mình cho các địa phương khác. Theo phong tục của đồng bào Êđê, M’nông, từ bao đời nay đã cấm voi nhà sinh sản. Nếu voi nhà nào vi phạm việc sinh sản, thì chủ voi bị phạt rất nặng. Vì voi nhà sinh sản sẽ xảy ra những chuyện không hay đối với gia chủ và cộng đồng, nên voi nhà sinh sản là điều cấm kỵ. Từ khi nhà nước ta ban hành Luật Bảo vệ rừng, việc săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của người dân Buôn Đôn, Ea Suốp bị dừng lại, do đó đàn voi nhà Đắk Lắk không được bổ sung như trước đây nữa. Một điều nhức nhối mới xảy ra trong năm 2011, con voi cái của Công ty du lịch Bản Đôn - Thanh Hà, đang có chửa đã bị bọn lâm tặc giết chết để lấy bộ da. Một con voi đực của Công ty này đã phục vụ khách du lịch hơn mười năm qua, đến đầu năm 2012 đã bị bọn lâm tặc bắn chết để lấy ngà. Vài năm gần đây, ở Ea Suốp, Buôn Đôn, bọn lâm tặc luôn rình rập săn voi rừng vì mục đích lấy ngà và một số voi rừng bị chết oan uổng dưới họng súng của những kẻ bất lương này. Một số chủ voi ở Buôn Đôn, Ea Suốp thả voi nhà vào rừng để voi tự kiếm ăn, cũng bị bọn lâm tặc bắn chết để lấy ngà. Đó là những minh chứng về nguyên nhân làm giảm dần đàn voi nhà ở Đắk Lắk.
Trước thực trạng đàn voi nhà Đắk Lắk đang có nguy cơ giảm dần, người viết bài này xin nêu ra một số đề xuất như sau: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cần có chính sách cụ thể về việc gìn giữ, phát triển đàn voi nhà. Cụ thể cho phép đồng bào huyện Buôn Đôn, Ea Suốp tiếp tục nghề săn voi, thuần dưỡng voi rừng; giành một khu rừng nguyên sinh để thả voi nhà, tạo điều kiện cho voi nhà sinh sản tự nhiên. Các công ty du lịch ở huyện Buôn Đôn, huyện Lắk và một số huyện khác trong tỉnh cần phối hợp với các gia đình chủ voi chăm sóc, phát triển đàn voi nhà để phục vụ khách tham quan, du lịch ngày càng hiệu quả hơn. Hai năm một lần nên tổ chức hội voi toàn tỉnh. Thông qua hội voi nhằm thu hút khách tham quan, du lịch đến với Đắk Lắk, đồng thời động viên các chủ voi nêu cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ đàn voi nhà. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh cần nghiên cứu học tập cách nhân giống voi của Thái Lan theo phương pháp hiện đại để nhân giống, phát triển đàn voi nhà ở Đắk Lắk. Nếu làm được như vậy, chắc chắn đàn voi nhà của tỉnh ta sẽ được bảo tồn, phát triển, phục vụ có hiệu quả các lễ hội lớn của tỉnh và trở thành sản phẩm văn hóa độc đáo để thu hút khách tham quan - du lịch đến với Đắk Lắk.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI