VỀ NHÂN VẬT “ NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐỘC ÁC”
TRONG TRUYỆN NGẮN CHIẾC
THUYỀN NGOÀI XA
Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm khá tiêu
biểu cho sự đổi mới về cách nhìn và khám
phá về con người của Nguyễn Minh Châu trong giai đoạn sáng tác sau năm 1975, thể
hiện rõ nét sự chuyển biến từ cảm hứng sử thi lãng mạn thời chiến tranh sang cảm
hứng thế sự, đời tư, đời thường thời hậu chiến. Khi giảng dạy tác phẩm này ở chương
trình Ngữ văn 12 - THPT, phần lớn các giáo viên đều tập trung phân tích tình huống
truyện độc đáo, phân tích nhân vật “ người đàn bà hàng chài” và nhân vật nghệ sĩ
Phùng mà thường bỏ qua các nhân vật phụ như nhân vật “người đàn ông độc ác”. Điều
đó không sai vì tình huống truyện và các nhân vật chính là những hình tượng nghệ
thuật giàu ý nghĩa, thể hiện tập trung chủ đề tác phẩm và thông điệp của nhà văn.
Tuy nhiên, trong tác phẩm này, nhân vật “người đàn ông độc ác”, tuy là một nhân
vật phụ nhưng lại là một hình tượng có sức ám ảnh và giàu ý nghĩa, thể hiện cá
tính sáng tạo của nhà văn, cần phải được tìm hiểu.
Từ hình ảnh chiếc thuyền ngư phủ trên biển sớm mờ sương đẹp
như trong mơ, người đàn ông này xuất hiện như là hiện thân của cái xấu và cái ác
với “mái tóc tổ quạ”, “chân chữ bát”, “hai con mắt đầy vẻ độc dữ” và lời nói cụïc
cằn “Cứ ngồi nguyên đấy, động đậy tao giết cả mày đi bây giờ, chúng mày chết đi
cho ông nhờ”. Nói rồi, lão đưa vợ lão ( người đàn bà hàng chài) đi lên bãi cát,
đến bên chiếc xe rà phá bom mìn của công binh Mĩ thời chiến tranh còn sót lại.
“Lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một
chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa… chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận
như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà,
lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống
lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rền rỉ đau đớn “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng
mày chết hết đi cho ông nhờ!”.
Nhân vật người đàn ông độc ác, đánh vợ một cách tàn nhẫn
và vũ phu, nhưng điều đáng nói ở đây là cách đánh vợ của lão cũng rất khác thường.
Người ta chỉ bạo hành khi nóng giận và bất lực, nhưng người đàn ông này còn đánh
vợ theo chu kỳ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Thậm chí, lão ta
còn theo yêu cầu của vợ: không đánh trước mặt các con, dẫn vợ lên chỗ khuất rồi
mới đánh. Nhiều người thắc mắc về sự phi lý này, nhưng điển hình hóa nghệ thuật
cho phép vận dụng các tình tiết ly kỳ, bề ngoài có thể phi lý nhưng nêu bật được
bản chất của sự vật.
Hình tượng “người đàn ông độc ác” đã thể hiện tinh thần
nhân đạo mới mẻ của ngòi bút Nguyễn Minh Châu: Lên án nạn bạo hành gia đình, cảm
thương cho thân phận nghèo đói, đau khổ của người phụ nữ, lo lắng cho nhân cách
của em trước tệ nạn ấy. Đây là một trong những giá trị của tác phẩm cần được
quan tâm khai thác.
Với nhân vật này, Nguyễn Minh Châu đã đến gần với Phân tâm
học của Freud và nghệ thuật hậu hiện đại. Phân tâm học nhấn mạnh yếu tố vô thức
và tính dục, đi vào không gian nội tâm con người, từ đó thấy được bản tính con
người trước những xung năng tính dục không được giải phóng. Khi những xung năng
đó không được giải phóng, nó thường dẫn con người đến những hành vi lệch lạc, bản
năng, thậm chí có những hành động méo mó, rồ dại. Nhân vật người đàn ông đánh vợ
là một kiểu rối loạn tâm lý này, khi ông ta tìm cách giải phóng cho những xung
năng nguyên thủy của bản năng gào rú trong con người. Hành động này mang tính vô
thức nhưng được diễn ra trong một quá trình tâm lý qua sáng tạo của nhà văn. Người
đàn ông này trước đây là một “người con trai cục tính nhưng hiền lắm…cũng nghèo
khó, túng quẫn vì trốn lính” và không biết uống rượu. Sự cam chịu nghèo đói kéo
dài cùng với sự cục tính vốn có đã trở thành nỗi uất ức không thể chịu đựng được
nên đã tìm lối thoát bằng cách đánh vợ. Như vậy, không chỉ người đàn bà hàng chài
mà cả người đàn ông kia cũng là nạn nhân của sự nghèo đói. Qua nhân vật này, nhà
văn đã đưa đến người đọc một thông điệp: phải làm gì để nâng cao phần thiện, phần
người trong những kẻ thô bạo ấy.(Mọi người đều ngầm hiểu rằng: muốn giải quyết
vấn đề này thì phải phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần
cho nhân dân). Vấn đề này được nhà văn đặt ra từ những năm đầu thập niên tám mươi
của thế kỷ trước, khi đất nước còn chìm trong khủng hoảng và chưa bước vào thời
kỳ đổi mới. Như thế, chúng ta mới thấy được sự nhạy cảm đặc biệt trước những vấn
đề của đời sống và cả sự “dũng cảm rất điềm đạm” (Vương Trí Nhàn) của Nguyễn
Minh Châu trong quá trình khám phá và sáng tạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI