Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 291 THÁNG 11 NĂM 2016, tác giả

LÊ THÀNH VĂN

BÂY GIỜ Ở HUẾ – MỘT BÀI THƠ HAY


Trong các nhà thơ đương đại, Trần Văn Hội thuộc lớp đàn anh có mặt ngay từ những ngày đầu tiên thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk. Thủ thỉ, nhẹ nhàng bằng những bài thơ vừa thuần tính dân tộc đan xen nhiều thi phẩm cách tân khá táo bạo, thơ anh có được dung mạo riêng chững chạc, không trộn lẫn. Chỉ với Cái lùng tung - tập thơ được ấn hành vào năm 2007 -  đã góp một tiếng nói khá mới mẻ cho văn học nghệ thuật nước nhà. Bây giờ ở Huế là thi phẩm được in trong tập thơ trên đã đánh động trái tim tôi từ khi nó chưa in thành sách mà đôi lần được tác giả đọc qua nhưng đã rưng rưng một niềm thương cảm, thương cảm cho cuộc tha hương của người con xứ Huế trên đất Cao nguyên nhưng tâm hồn luôn hoài vọng về xứ sở. Một cố quận, một cố tri hay đó là tấm lòng giao kết không rời được của bất kỳ ai ở cõi thế gian này.
Bây giờ ở Huế mùa thu
Cũng đành lá rụng sương mù chưa em
Nhặt dùm anh sợi tơ mềm
Chút hương hồ cạn ngó sen cuối mùa
Trăm năm như thể trò đùa
Với em thơ dại đeo bùa trăng non
Nhớ thăm cỏ rối dốc mòn
Gió từ thuở ấy gió còn mênh mông
Một mình đừng bước qua sông
Lỡ khi bóng ngã giữa dòng ai hay
Em về gió lạnh bàn tay
Giấu trong vạt áo ủ ngày nắng lên.
                                                           
Bài thơ là tâm sự của một người tha phương gởi về người em xứ Huế với tất cả nỗi niềm nhớ thương da diết. Nỗi niềm ấy tuy không kể lể dàn trải, nhưng đã kết đọng bằng những lời dặn dò chân thành mộc mạc mà đằm thắm biết bao. Cái mối quan hệ giữa hai người cũng không rõ nét lắm: là người yêu hay thuần túy bạn bè; là cùng giới hay khác giới với nhau? Vì thế các nhân vật trữ tình tình ở đây khá mơ hồ, có tính phiếm chỉ, ta chỉ thấy xuất hiện nhân vật xưng "em" lắng lòng nghe hết lời khuyên bảo nhẹ nhàng, thủ thỉ của "anh". Điệu tâm tình ấy đã khiến nhà thơ Trần Văn Hội chọn thể lục bát chăng, hay đó chỉ là sự ngẫu nhiên bậc thốt khi cảm xúc dâng trào mãnh liệt.
Câu thơ mở đầu là lời khẳng định, khẳng định một mùa thu đang về trên đất thần kinh: "Bây giờ ở Huế mùa thu". Lâu nay chúng ta thấy mùa thu đẹp dịu dàng với nét đặc trưng của Hà Nội: "gió heo may đã về/ chiều tím loang vỉa hè" (Nhìn những mùa thu đi - Trịnh Công Sơn). Thảng hoặc trong thơ ngày đất nước bắt đầu bước vào cuộc tranh đấu, người chiến sĩ ra đi không ngoảnh lại vẫn thấy sau lưng mình "nắng lá rơi đầy" qua Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Giờ chạm hồn vào ngõ thu của Huế với "lá rụng sương mù" lãng đãng nghe cũng chơi vơi một niềm nhớ nhung lan tỏa. Câu thơ thứ hai ngân lên như một câu hỏi nhưng được tác giả bỏ lửng, chủ yếu để biểu đạt tâm sự "cũng đành" buông ra như tiếng thở dài não ruột của khách tha hương nhớ về cố quận: "Cũng đành lá rụng sương mù chưa em". Nhờ vậy, cảm xúc của hai câu thơ đầu tựa hồ một thoáng bâng khuâng khi nhà thơ lắng vọng thu về trên đất Huế. Từ cái cớ viền một chút "cảm thu", nhà thơ Trần Văn Hội đã bộc bạch nỗi lòng mong mỏi:
Nhặt dùm anh sợi tơ mềm
Chút hương hồ cạn ngó sen cuối mùa
Nhặt sợi tơ mềm, chút hương hồ cạn còn sót lại của mùa hạ đã qua để tưởng tiếc về quá vãng vào thời điểm giao mùa "sen tàn cúc lại nở hoa" nghe sao mà lưu luyến quá! "Nhặt dùm" là sự nhờ cậy, ở đây pha chút van lơn, hàm ơn trong giọng thơ nghe tưởng chừng tiếc nuối pha chút bâng khuâng. Hai câu thơ, nếu người đọc chịu khó liên tưởng, ta sẽ bắt gặp tâm tình đồng cảm của nhà thơ với nỗi sầu khổ của Thúy Kiều khi nhớ về Kim Trọng: "Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng" (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Đồng cảm để rồi bày tỏ chính nỗi niềm đau khổ của mình, dù xa xôi cách trở nhưng tình yêu vẫn không nỡ chia lìa như sợi tơ mềm của sen kia, đứt mà vẫn không lìa, cứ vấn vương day dứt mãi. Sợi tơ mềm ấy cũng là sợi tơ lòng của khách tha phương nhớ về chốn cũ, nơi có người em gái thơ ngây thuở nào chưa thể nhạt phai:
Trăm năm như thể trò đùa
Với em thơ dại đeo bùa trăng non
Với nhà thơ Trần Văn Hội, cuộc trăm năm quả là một trò đùa dâu bể. Bao sinh li tử biệt trong một kiếp người làm tan nát biết bao trái tim thi sĩ. Tử biệt đã đành, còn sống với nhau mà đã phân li, điều ấy càng đau đớn biết chừng nào. Ngẫm thân mình lưu lạc nơi đất khách, nhân vật trữ tình xưng anh vẫn luôn hoài niệm về bóng dáng người con gái đất thần kinh: "với em thơ dại đeo bùa trăng non". Câu thơ ảo diệu đến không ngờ, cứ thấp thoáng xa gần, tưởng chừng không làm sao với được. Hình ảnh người em thơ dại đeo bùa trăng non cứ hiện lên day dứt như một giấc mơ, một ám ảnh không nguôi trong tâm hồn tác giả. Tại sao tạo hóa trong cuộc trăm năm này lại cợt đùa đến vậy, khiến cho em đó ta đây mà cách biệt ngàn trùng? Câu thơ càng đọc càng thấy nhói buốt, xót xa cho kỷ niệm bẽ bàng khi người thi sĩ năm nào giờ biệt trùng nơi đất khách, người em gái thơ dại thuở "đeo bùa trăng non" cũng mong manh trước ngọn gió đời mênh mông và dòng sông vô tận đầy cạm bẫy của thế sự trò đùa:
Một mình đừng bước qua sông
Lỡ khi bóng ngã giữa dòng ai hay
Em về gió lạnh bàn tay
Giấu trong vạt áo ủ ngày nắng lên.
Đây là bốn câu thơ gói gút nhất nỗi lòng thi sĩ. Em là ai mà sao nhà thơ thương yêu và quan tâm đến thế. Từ cái thuở "thơ dại đeo bùa trăng non" đến giờ, khoảng cách thời gian chừng đó vẫn không xóa nhòa được chút nào sao? Lời dặn dò đầy ân tình thương mến, cứ tưởng như lòng mẹ cha lo lắng cho con: "Sông sâu chớ lội, đò đầy đừng đi". "Bóng ngã giữa dòng" là một cảm giác lo nghĩ sâu xa, hàm chứa một tình yêu tha thiết, một dự cảm nặng tình cho người con gái chốn quê. Quả thật, phải yêu thương đến nát dạ nát lòng tác giả mới có một tâm tình yêu thương cảm động nhường ấy để rồi hi vọng về một ngày mai sáng tươi tràn đầy ánh nắng quanh đời em: "Em về gió lạnh bàn tay/ Giấu trong vạt áo ủ ngày nắng lên".
Tôi nghĩ, Bây giờ ở Huế là một bài thơ giàu tâm sự, một tâm sự rất riêng tư và sâu kín. Chỉ khai thác trên bề mặt của lớp ngữ nghĩa ngôn từ nghệ thuật, bài thơ mới chỉ dừng lại ở hình tượng như nhiều ý tứ xưa nay các thi sĩ gởi gắm hồn mình vào thơ. Nếu biết cụ thể hoàn cảnh sáng tác, chắc rằng sẽ còn bao tầng vỉa nội dung khuất chìm trong đó - ấy là cảm xúc và cảm giác của tôi khi đọc thi phẩm này. Trên cái nền của hình thức thơ lục bát dân tộc, bằng bút pháp trữ tình khá nhuần nhuyễn, Trần Văn Hội đã bày tỏ tiếng lòng hướng về cảnh cũ người xưa khi hoài tưởng đến mảnh đất quê hương nghĩa tình sâu nặng. Sâu xa hơn, tiếng lòng ấy là bài hát chở che, một niềm yêu dấu cố nhân thơ dại đã đeo đẳng nhà thơ trong cuộc mưu sinh dâu bể trò đùa này, để rồi cất lên tiếng nói tri âm bi thiết nhưng tràn đầy hi vọng sẻ chia: "Em về gió lạnh bàn tay/Giấu trong vạt áo ủ ngày nắng lên".











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI