Trong những
năm tháng đi điền dã ở các buôn làng đồng bào Êđê, M’nông, tôi được may mắn được
gặp già làng Ama H’Ring Krông ở buôn Ngô, xã Yang Mao, huyện Krông Bông. Lúc bấy
giờ già làng đã gần 80 mùa rẫy, nhưng vẫn còn khỏe mạnh nhanh
nhẹn. Già làng vui vẻ tiếp chúng tôi vô cùng thân mật trong ngôi nhà dài bên bếp
lửa hồng, và kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng chống Mỹ, cứu nước của đồng
bào buôn Ngô, một lòng theo Đảng, Bác Hồ chống kẻ thù xâm lược cho đến ngày thắng
lợi hoàn toàn.
Trong cuộc gặp
gỡ này, già làng kể cho chúng tôi nghe về một câu chuyện vô cùng thú vị, nghe
như một huyền thoại. Đó là câu chuyện già làng bị địch bắt cùng với ba cán bộ cách mạng, thế rồi nhờ
tài kể khan Đam San mà đã cảm hóa được một trung đội ngụy trở về với
cách mạng.
Già làng Ama
H’Ring kể rằng: Vào một ngày đầu mùa khô năm 1967, tôi (già làng) và đồng chí Y
Miêng Byă, được cấp trên cử đi đón ba cán bộ từ Cheo Reo về khu căn cứ Krông
Bông. Chúng tôi trèo đèo vượt suối đi suốt hai ngày liền thì tối hôm ấy đến
khu căn cứ Cheo Reo. Hai anh em chúng tôi được các đồng chí nơi đây đón tiếp
chu đáo. Ăn cơm xong, một đồng chí phụ trách dẫn chúng tôi đến gặp ba cán bộ từ
chiến trường A vào tăng cường cho khu căn cứ Krông Bông. Gặp chúng tôi, ba đồng
chí vui vẻ hỏi thăm sức khỏe, đời sống sinh hoạt của anh em ta ở khu căn cứ
Krông Bông. Sau đó đồng chí phụ trách dặn chúng tôi: “Trên đường về hai đồng
chí phải hết sức thận trọng vì đường xa, đây là con đường giáp ranh giữa ta và
địch nên hay có biệt kích, thám báo và cả bọn lính đi tuần nữa, do đó phải hết
sức cảnh giác và bảo vệ an toàn cho ba cán bộ của ta”.
Chúng tôi nghe đồng chí phụ trách căn dặn vậy,
liền gật đầu và nói: “Khu vực này anh em chúng tôi đã nhiều lần đi rồi, đồng
chí hãy yên tâm.” “Ừ, thế thì tốt, nhưng không được chủ quan đấy nhé!”- Đồng chí phụ
trách nhắc nhở.
Thế rồi
chúng tôi đi ngủ sớm. Sáng hôm sau trời vừa tờ mờ sáng đoàn chúng tôi đã lên đường.
Anh em chúng tôi đi một mạch cho đến chiều tối thì đến một trạm tiền phương thuộc
địa bàn Ea H’Leo thì nghỉ lại ăn cơm. Trạm chỉ có hai đồng chí, thấy chúng tôi
đến, họ rất mừng, liền mang thịt cheo ra đãi khách. Thịt cheo các anh mới bẫy
được tối hôm qua. Chỉ có hai món nướng, và luộc mà chúng tôi ăn cảm thấy rất
ngon lành. Ăn xong chúng tôi đi nghỉ sớm. Sáng hôm sau chúng tôi đi sớm để
tránh máy bay và bọn biệt kích. Mặt trời vừa lên đến đỉnh núi phía Đông, đoàn
chúng tôi đã đến địa bàn Krông Buk. Mọi người đang nhanh chân bước, bỗng nhiên gặp một trung đội
ngụy phục kích bên đường xông ra bắt chúng tôi. Chúng trói anh em chúng tôi lại
rồi giải về M’Drak, nơi ấy có đồn địch đóng để lĩnh thưởng. Hôm ấy vào mùa khô,
trời nắng như đổ lửa. Lũ chúng dẫn anh em chúng tôi đi dưới trời nắng gắt của
núi rừng cao nguyên, băng qua hết dốc cao, đồi thấp, hết bãi rẫy này đến bãi rẫy
nọ, nên tất cả đều thấm mệt. Thế rồi
đoàn chúng tôi đi đến một cây
k’nia bên đường, cành lá tỏa bóng mát. Thấy vậy, tên chỉ huy liền hạ lệnh cho
lính nghỉ. Chúng tôi cũng được nghỉ. Tôi bảo tên chỉ huy mở trói cho chúng tôi
được uống nước. Tôi lấy ống tre đựng nước trong ba lô ra uống một ngụm rồi trao
cho ba đồng chí cán bộ và đồng chí Y Miêng cùng uống. Tiếp đến tôi mời anh em
binh lính cùng uống. Sau khi mọi người uống nước xong, tôi đứng dậy và
nói: “Thưa anh em binh lính! Anh em đều là người Êđê, chắc anh em biết khan Đam
San chứ? Chúng tôi bị các anh em bắt mang đi nộp cho quan lớn để lĩnh thưởng.
Chúng tôi biết trước sau gì cũng bị chết. Do vậy, trước khi chết, tôi xin kể
khan Đam San cho các anh em nghe, có được không?” Cả trung đội lính ngụy nghe
tôi nói vậy liền đáp: “Được, được lắm!
Được lắm!”
Thế rồi tôi
khấn xin phép các Yang được kể khan Đam San cho anh em binh lính nghe. Làm xong
nghi thức này, tôi bắt đầu kể khan Đam San, trích đoạn chị em H’Nhí, H’Bhí đi hỏi
chồng:
“H’Nhí gọi: Ơ Y Dhing ơi! Ơ Y Ling ơi! Ơ Y
Dhang ơi! Ta gọi anh em chẳng vì công việc này cũng vì công việc nọ.
Danh tiếng chị em ta đã vang đến các vị thần linh, vang đến tận ông trời, lừng
danh khắp núi rừng làng buôn. Buôn Đông, buôn Tây, buôn Nam, và buôn phía Bắc,
đi đâu cũng nghe người ta nói đến hai chị em H’Nhí, H’Bhí như gốc nhiều cành,
như cây nhiều nhánh. Của cải của chúng ta không ai bì. Thế mà bây giờ
chúng ta vẫn sống thui thủi một mình, chưa có một tấm chồng để mà dùng. Trước
khi ông nội chúng ta qua đời đã dặn rằng: Lớn lên hai cháu
phải lấy cho được Đam San làm chồng. Nếu không lấy được Đam San làm chồng, hai
cháu sẽ trở thành kẻ nô lệ cho người ta. Vậy anh em hãy chuẩn bị voi đưa chị em
ta đến nhà Đam San để hỏi chàng về làm chồng. Hãy bắt con voi đực đuôi dài, có
cặp ngà dài hình vòng cung. Con voi mà bọn nhà giàu ngày đêm không ngớt lời ngợi
ca ấy.
Rồi chị em
H’Nhí, H’Bhí bỏ váy cũ, thay váy mới. Váy này chưa được, thay váy khác. Hai chị em mặc váy sọc điểm hoa
kơu, mặc áo đen điểm hoa êmiê, những chiếc
váy từ trên cao ông trời ban cho, từ trên cao ông trời thả xuống cho hai nàng.
H’Nhí và
H’Bhí tay trái đeo vòng bạc, tay phải đeo vòng vàng. Trông người hai nàng lấp lánh, sáng chói như ánh mặt
trời. Búi tóc thấp giống người M’nông, búi tóc cao giống người Êđê. Hai nàng bước
đi khoan thai, tay đung dưa mềm mại, trông như hai con gà mái ấp đang xù lông.
Hai nàng ngồi
trên bành voi, một chiếc chiếu trắng trải dưới, một chiếc chiếu hoa trải trên. Trên chiếu hoa có gối
tựa, hộp trầu, túi thuốc, mồi lửa, tất cả đầy đủ. Con voi nhằm hướng nhà Đam
San đưa hai nàng đến đó.
Nghe tôi tớ
chạy vào báo tin hai nàng H’Nhí, H’Bhí đang cưỡi voi đến hỏi Đam San về làm chồng.
Đam San nghe nói vậy, trong lòng không muốn. Nhưng rồi chàng nhớ lại chuyện đêm qua nằm mơ,
ông Trời bảo: Cháu mà lấy được H’Nhí và H’Bhí làm vợ thì cháu sẽ sung sướng,
thành tù trưởng giàu mạnh, tiếng tăm vang khắp mọi vùng. Các M’tao giàu mạnh gần
xa nể phục sẽ đến kết bạn với cháu. Nếu cháu không chịu lấy hai nàng làm vợ thì
suốt đời sẽ làm kẻ chăn bò, giữ ngựa cho nhà giàu.
Nghĩ vậy, rồi
chàng liền gọi: Ơ tôi tớ của ta từ đằng này lại đằng kia, từ đằng kia lại đằng này! Hãy lấy nước nồi bung,
nồi bảy cho ta rửa tay! Lấy chậu hoa bằng sứ cho ta rửa mặt nào!
Rửa tay, rửa
mặt xong, chàng bỏ khố cũ, quấn khố mới. Áo này chưa vừa lòng, chàng
lấy áo khác. Chàng quấn một cái khố có hoa văn sọc, điểm hoa kơu, chít khăn trên
đầu điểm hoa êmiê, mặc áo của ông trời từ trên cao thả xuống cho. Quanh lưng
chàng quấn thêm một dải thắt lưng màu đen láng. Trên đầu quấn thêm một vành khăn láng
đỏ.Chàng hiện ra như một tù trưởng trẻ đẹp tài ba.
Chàng đi ra
phòng khách, một trăm người đi trước, một nghìn người theo sau, còn chàng
đi giữa. Tới phòng khách, chàng ngồi trên chiếc ghế djưng pô sang, một chiếu trắng trải
dưới, một chiếu đỏ trải trên, chàng ngồi lên đó trông thật oai nghiêm như một
tù trưởng giàu mạnh.
Giữa lúc ấy,
chị em H’NHí, H’Bhí cùng người nhà và ông Aê Du, Aê Điê (hai ông nhà trời, do ông trời cử xuống) chống
gậy trúc bước vào.
Cả nhà Đam
San niềm nở tiếp đón. Chàng Đam San sai tôi tớ khiêng bảy ché rượu đã được chôn dưới đất bảy mùa rẫy
buộc thành dãy dài trong phòng khách và cho
đánh bộ chiêng kêu vang nhất để đón nhà gái. Sau đó nhà trai thui bảy con heo đực,
bảy con bò đực, một con trâu đực để làm lễ cúng báo thần linh, tổ tiên ông bà,
tạ ơn linh hồn các tù trưởng xưa cũ đang ở xứ Atâu. Rồi chàng Đam San làm lễ cúng sức khỏe
cho mình và hai nàng H’Nhí, H’Bhí. Sau nghi thức này, chàng
chấp thuận làm chồng hai nàng. Khách gần xa đến mừng lễ hỏi chồng của hai nàng
H’Nhí và H’Bhí đông vui như này hội.
Chiều tối,
nhà gái làm lễ đón chàng rể Đam San về nhà mình vô cùng vui vẻ.dân làng gần xa
đến mừng như đi hội. Tiếng chiêng mừng lễ cưới của H’Nhí và H’Bhih với chàng Đam San vang khắp
bảy núi mười sông.Người Lào nghe chiêng mang voi đến mừng.Người Bih nghe chiêng
mang ché tuk, ché tang đến mừng. Người M’nông nghe chiêng mang chiêng bằng, ché
Rlung đến mừng…”
Kể đến đây,
tôi đứng dậy nhìn một lượt anh em binh lính rồi nói: “Ơ anh em người Êđê của ta! Anh em có muốn vợ đẹp
con khôn, muốn cuộc sống sung sướng như vợ chồng chàng Đam San không?” “Muốn lắm!
Muốn lắm chứ!” (anhem binh lính cùng nhau trả lời). Tôi liền nói tiếp: “Vậy thì
anh em hãy cầm súng quay trở về với Cách mạng. Cách mạng sẽ khoan hồng cho
anhem ta. Người Kinh có câu nói rất hay: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”.
Cách mạng cũng làm như vậy. Anh em ta không nên theo giặc, vì theo giặc sẽ bỏ mạng, không
thể trở về với gia đình, để được các cô gái đẹp trong buôn chọn làm chồng, giống
như hai nàng H’Nhí và H’Bhí xinh đẹp chọn chàng Đam San làm chồng mà tôi vừa kể cho
các anh em nghe đó”.
Tôi vừa nói
xong thì trong đám anh em binh lính có một người tên là Y Bul Êban lên tiếng:
“Ông già nói trúng cái bụng của mình lắm rồi. Anh em ta ơi! Chúng ta hãy quay súng trở
về với cách mạng đi thôi!” Rồi cả trung đội lính (toàn là người Êđê) cùng lên tiếng:
“Thằng Y Bul Êban nói phải lắm! Chúng ta hãy theo ông già trở về với cách mạng
đi anh em ơi!”
Thế rồi cả
trung đội lính ngụy theo chúng tôi trở về khu căn cứ kháng chiến K’rông Bông. Đến
nơi, tôi báo cáo với lãnh đạo. Sau đó tôi dẫn anh em vào trình diện, nộp vũ khí
và xin gia nhập bộ đội Cụ Hồ để được đánh giặc Mỹ, lập công, chuộc tội. Về khu
căn cứ được sống trong tình yêu thương đùm bọc của mọi người, anh em binh lính cảm thấy như về với
gia đình mình. Trong lòng những người lính này, ai cũng hào hứng, phấn khởi, với
hy vọng tham gia đánh giặc Mỹ để núi rừng Tây Nguyên sớm được giải phóng và được
trở về buôn làng mình, được lấy
vợ đẹp, cùng nhau xây dựng cuộc sống
ấm no, giàu đẹp như vợ chồng hai nàng H’Nhí, H’Bhí với chàng Đam San trong chuyện
khan của ông bà để lại.
Kể đến đây,
già làng Ama H’Ring cười sảng khoái và nói: Nhờ khan Đam San mà tôi chuyển bại thành thắng, bảo vệ an
toàn ba cán bộ cách mạng và cảm hóa được một trung đội ngụy trở về với cách mạng.
Sau sự việc này, tôi được cử đi dự Đại hội thi đua chống Mỹ cứu nước của Trung
ương Miền, và được báo cáo thành tích cho mọi người nghe. Ai cũng khen già làng
này mưu trí dũng cảm, sáng tạo, trong tay không có vũ khí, chỉ có lời kể khan
mà cảm hóa được một trung đội lính ngụy trở về với cách mạng. Tại Đại hội này,
tôi vinh dự được tặng Huân chương Chiến thắng Hạng nhất của Mặt trận Giải phóng
miền Nam Việt Nam. Sau Đại hội, tôi trở về lại khu căn cứ K’rông Bông tiếp tục
công tác cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI