Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019

CHÍNH NGHĨA VÀ NHÂN VĂN tác giả LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN SỐ 322 THÁNG 6 NĂM 2019


Sổ tay thơ:




THĂM ĐỒI A1


Nơi anh lấy thân mình lấp lỗ châu mai
Lúa cấy dưới đồng bao quanh sắc biếc
Xe tăng gục, máy bay chở thương vong địch
Còn bóng chữ thập hồng - đồi lau đỏ tháng ba.
                                                                                    ANH THƠ

LỜI BÌNH:
CHÍNH NGHĨA VÀ NHÂN VĂN
           
Nhà thơ Anh Thơ viết bài thơ Thăm đồi A1 vào tháng 3 năm 1999, nhân kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng trận Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu". Bài thơ chỉ gồm bốn dòng thơ nhưng đã khái quát được bức tranh hiện thực khốc liệt và vẻ đẹp nhân văn ngời sáng sau bao nhiêu mất mát, hi sinh. Chính thời gian đã công bằng trả lại cho một dân tộc chính nghĩa màu hoa đỏ tháng ba bất diệt, điểm tô trên đỉnh đồi A1 - nơi mở màn cho trận quyết chiến của quân và dân ta đánh đuổi kẻ thù.
Câu thơ mở đầu gợi người đọc nhắc nhớ về anh hùng dân tộc Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai để mở đường cho quân ta tiến lên như vũ bão. Sự hi sinh cao đẹp ấy đã trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm và quyết tâm, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật khắc họa. Nhà thơ Anh Thơ, khi bước lên đồi A1 thăm lại chiến trường xưa một thời trận mạc, cũng đã không kìm được cảm xúc để rồi bật thốt lên câu thơ giản dị nhưng hết sức chân thành, thể hiện niềm ngưỡng vọng thiêng liêng trước tấm gương vì nước quên thân cao cả:
Nơi anh lấy thân mình lấp lỗ châu mai
Lúa cấy dưới đồng bao quanh sắc biếc
Hai câu thơ như một mệnh đề nhân - quả mang tầm khái quát về một vẻ đẹp mang tính thời đại. Công cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ được Bác Hồ xác định đã đi đến giai đoạn phản công để giành lại độc lập. Trận đánh mở màn vì thế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đã mang lại chiến thắng vinh quang làm nức lòng nhân dân và chiến sĩ cả nước. Sau bốn mươi năm về thăm lại chiến địa xưa, nhà thơ nhận ra vẻ đẹp biếc xanh của cánh đồng bao quanh chân đồi lịch sử. Hình tượng thơ đối lập giữa quá khứ và hiện tại, giữa sự hi sinh và sức sống mỡ màu của cây lá đã khiến chúng ta xúc động.
Giản dị và tự nhiên, tiếp tục mạch cảm xúc trên, Anh Thơ đã mở rộng biên độ của cảm xúc thơ trên một bình diện khác. Vẫn là sự mất mát, đau thương, hình ảnh xác xe tăng kẻ thù đổ gục, đồng thời là hàng ngàn tướng sĩ Pháp đang thương vong trong trận chiến với quân ta làm cho không gian đẫm màu tang tóc. Quá khứ và hiện tại song hành, đồng hiện như những thước phim đầy sống động mà nhà thơ quay cận cảnh bằng nghệ thuật ngôn từ thật tài tình:
Xe tăng gục, máy bay chở thương vong địch
Còn bóng chữ thập hồng - đồi lau đỏ tháng ba
Quá khứ khép lại, nhưng đồi lau đỏ tháng ba vẫn ám ảnh tâm hồn người đọc như một nỗi đau không lấy gì che chắn của kẻ thù. Hoa lau khi mới nở thường có màu đỏ hồng gợi liên tưởng đến màu máu của xác thù khi thất bại. Ở đây, tứ thơ mà Anh Thơ phát triển thật có dụng ý nghệ thuật. Nếu anh Phan Đình Giót ngã xuống hi sinh đã hình thành nên cánh đồng xanh bất tận; thì khi quân thù bỏ mạng chỉ gợi lên màu đỏ của tang tóc giống như màu lau đỏ tháng ba thấp thoáng bóng chữ thập hồng. Sự hi sinh cho chính nghĩa bao giờ cũng đẹp đẽ, thanh cao, gợi lên niềm tin sáng trong, cao đẹp. Ngược lại, sự bỏ mạng của quân gian tà, xâm lược chỉ đem lại nỗi thê thiết, sầu bi.
Bài thơ thành công trên nền của hình tượng thơ giàu cảm xúc và nghệ thuật đối lập khá hoàn hảo. Bốn câu thơ tứ tuyệt nhưng đã dựng được một hiện thực lớn lao về một thời đấu tranh gian khổ của đất nước để giành độc lập. Song, cái cao quý hiện lên làm ấm lòng người đọc chính là tư tưởng đề cao chính nghĩa, ca ngợi vẻ đẹp nhân văn lấp lánh chất người.
                                                                                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI