Bạn đọc lâu nay biết đến Đặng Bá Tiến, một nhà báo có nhiều bài phóng sự điều tra gai góc chốn quan trường đăng trên báo Lao Động; Một nghệ sỹ Nhiếp ảnh xuất sắc đã gặt hái nhiều thành công qua các cúp Vàng, cúp Bạc thế giới và Việt Nam mà nghệ sỹ đã nhận; Một nhà Thơ tài hoa đã từng đoạt Giải A cuộc thi viết về đề tài công nhân do Tổng liên đoàn Lao động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Hôm nay chúng ta lại được thưởng thức truyện ngắn của người nghệ sỹ đa tài này.
Đêm mùa khô cao nguyên gió thổi
rú rít trên mái tôn nghe rờn rợn tận xương sống. Khuya lắm rồi, Quý vẫn nằm
thao thức, ruột gan cứ bồn chồn làm sao ấy. Anh nghĩ nhiều về phận “gà trống
nuôi con” , về nỗi trống vắng, cô đơn của mình, rồi nghĩ đến Hạnh, vợ anh. Cô
ấy thật đáng giận mà cũng thật đáng thương...
Mới đó, đã ba năm rồi. Anh nhớ
bữa cơm tối hôm ấy Hạnh làm các món ăn thật ngon. Kể từ khi lấy nhau đã gần năm
năm vợ chồng anh chưa bao giờ có được bữa cơm tươm tất như thế: Thịt gà luộc
bóp lá chanh thái chỉ, tôm bọc bột chiên, thịt heo cốt-lết... lại còn cả một xị
rượu thuốc bắc nữa. Anh vừa ở trường về đến ngõ đã thấy Hạnh xởi lởi chạy ra đỡ
chiếc cặp đựng giáo án sách vở trên tay anh và nhìn anh đắm đuối: - Hôm nay em
sẽ chiêu đãi anh. Giọng Hạnh thật ngọt ngào, quyến rũ. Anh hỏi: - Có sự kiện gì
thế em? trúng số à? - Sư kiện đặc biệt... rất đặc biệt anh à! - Sự kiện gì?
chia sẻ với anh ngay đi - Lúc này em phải giữ bí mật đã... chưa nói với anh
được đâu. Hạnh cười ý nhị, rồi ôm cặp ù té chạy vào nhà, tinh nghịch như hồi
mới cưới nhau.
Chưa bao giờ Quý thấy Hạnh uống
rượu, nhưng bữa đó Hạnh cũng uống một ly. Cô ăn nhỏn nhẻn từng chút và liên tục
gắp thức ăn cho anh và con trai, miệng luôn giục “ăn đi anh”, “ăn đi con”. Anh
gắp thức ăn vào chén Hạnh, Hạnh lại gắp đút cho thằng cu Tuấn và đút vào miệng
anh. Là kẻ vô tư, chưa bao giờ anh thấy mình có được một bữa cơm ngon miệng và
hạnh phúc bên vợ con như thế. Sau bữa ăn cảm giác sung mãn, căng phồng ngất
ngây trong từng sợi huyết của anh.
Tối hôm đó dọn dẹp và tắm rửa
xong, thằng cu Tuấn cũng đã ngủ, Hạnh mặc bộ áo váy mỏng màu hồng để lộ nửa
ngực và hai nửa đùi trắng nõn nà, mặt ửng đỏ, phảng phất điều gì đó thầm kín
nhưng giục giã, bạo liệt. Từ người cô tỏa ra mùi nước hoa thơm dịu dàng, quyến
rũ, hẳn là thứ nước hoa đắt tiền Quý chưa thấy Hạnh dùng bao giờ. Quý đang ngồi
bên bàn cạnh gường ngủ đọc báo, Hạnh nhẹ nhàng như nàng tiên sà đến ôm lấy anh
và tới tấp đổ vào trán, vào má, vào cổ anh một trận mưa hôn. Mắt Hạnh vừa lúng
liếng đam mê, vừa ánh lên sự cuồng vọng. Quý đang ngỡ ngàng về sự vồ vập chưa
từng thấy ở Hạnh, đang ngỡ ngàng đón nhận những nụ hôn bốc lửa, thì cánh tay
mềm mát rượi của Hạnh đã quấn lấy cổ anh rồi kéo anh ngã lăn xuống giường.
Trong khoảnh khắc ngỡ ngàng của Quý tan biến. Anh chỉ còn biết tận hưởng sự
dâng hiến đến kiệt cùng của Hạnh, sau đó thiếp đi. Bây giờ nghĩ lại, Quý nhớ,
hình như lúc đó, lúc mà anh đang mơ màng bay bổng giữa thiên đường, Hạnh đã ôm
lấy anh khóc thổn thức, nước mắt rơi đầm trên má anh...
Buổi sáng hôm sau anh khoan khoái
tung chăn ngồi dậy nhìn đồng hồ. Ồ, đã bảy giờ rồi... sao thằng cu Tuấn vẫn ngủ
vùi trong chăn? Hạnh ở đâu mà không thức con dậy, đưa nó đi học? Cái gì đây? Anh
nhìn lên mặt bàn cạnh giường, một nén hương cắm trong lon gạo đã cháy rụi từ
bao giờ, nhưng mùi hương còn phảng phất đâu đây như nói với anh có điều gì đó
bất thường. Một tờ giấy đặt cạnh lon
gạo, anh nhào tới cầm lên xem. Nét chữ của Hạnh nhoẹt nhòe kín cả trang giấy:
“Anh yêu thương của em! Có lẽ lúc anh ngủ dậy thì Hạnh đã đi xa cái thành phố
này rồi. Hạnh biết nói thế nào cho anh hiểu về sự bỏ anh, bỏ con mà ra đi... Từ
khi cưới đến nay đã gần năm năm rồi vợ chồng mình sống hết mực thương yêu nhau,
dù chúng ta rất nghèo vật chất. Nhiều người trong xóm lao động này vẫn khen vợ
chồng mình hạnh phúc. Vâng, nếu chỉ nghĩ về hạnh phúc gia đình đơn giản như lâu
nay bao người vẫn quen nghĩ: hòa thuận, êm ấm và thương yêu nhau thì quả chúng
ta đã đạt đến hạnh phúc. Song, từ lâu em vẫn giấu anh nỗi buồn giữa lòng mình
vì thứ hạnh phúc chỉ như thế. Anh yêu nghề nghiệp. Anh vô tư trước mọi chuyện
đời và cả tin nên đâu hiểu được nỗi lòng em. Anh thức khuya soạn bài, đọc sách,
sáng đến trường mà nhiều hôm chẳng có một bữa lót dạ cho ra hồn. Con mình chưa
đầy bốn tuổi đã phải ăn cơm nguội trước khi đến trường mẫu giáo. Em cầm tấm
bằng đại học loại giỏi mà vô tích sự, không có tiền để chạy việc, phải ăn bám
đồng lương ít ỏi của anh. Nhà ba miệng ăn, chỉ có sáu, bảy triệu bạc lương của
anh... mà phải chi cho bao nhiêu việc, nên cả tuần ta không có nổi một bữa ăn
tươi, con thiếu sữa uống nên còm nhom... thì hạnh phúc trong tình cảnh như thế
là thứ hạnh phúc gì hở anh? Em nghi ngờ và không tin thứ hạnh phúc ấy có thể
bền vững được. Em thấy thật khó để chấp nhận thứ hạnh phúc bất công đang diễn
ra trước mắt mình. Trong khi cuộc sống của chúng ta như vậy, nhiều kẻ khác lại nhà lầu, xe hơi tiền tỷ, một bữa ăn
sáng của gia đình họ đủ để chi cho gia đình mình sống cả tháng; mà nào phải họ
thông minh, tài năng hơn chúng ta. Anh xem con Oanh cùng lứa với em, từ học phổ
thông đến đại học trình độ chỉ đáng học trò của em, lúc nào cũng chạy đến nhờ
em giải bài, làm bài hộ. Nhưng ra trường, nó có bố làm to, thế là có ngay việc
làm, năm năm đã lên chức trưởng phòng, nhà lầu, xe cộ, tiền bạc xênh xang, xem
bạn bè một thời dưới cặp mắt khinh khi; còn em vẫn đang phải ăn bám anh... Vậy thì
thứ hạnh phúc ta đang có là thứ hạnh phúc gì? có phải là hạnh phúc cam chịu,
hạnh phúc trong nhẫn nhục phải không anh? Em suy nghĩ nhiều lắm. Rồi chúng ta
sẽ phải truyền đời thứ hạnh phúc chết tiệt đó cho con cháu chúng ta hay sao?
Làm sao để thoát khỏi thứ hạnh phúc đó? Không, em nghĩ cuộc đời em đến bây giờ
đã có thể vứt bỏ không thương tiếc, nhưng em phải quyết tâm lo cho con mình đầy
đủ để nó thoát khỏi thứ hạnh phúc chúng ta đang phải sống. Vì vậy, em quyết
định phải đi kiếm tiền để lo ngày mai cho nó. Thời buổi bây giờ có tiền thì sẽ
làm được mọi việc; vì thế người ta cũng phải làm mọi việc để có tiền! Em có
nhan sắc, có kiến thức, đủ khả năng để ứng phó với những bất trắc trong cuộc
đời này để sống và làm ra tiền!
Em biết anh sẽ rất đau khổ vì
quyết định này của em. Thiên hạ sẽ tung ra bao lời dị nghị, khinh bỉ em.
Thôi... cũng đành mặc thiên hạ. Thời nay dị nghị, khinh bỉ nhau, phớt lờ nhau,
sống “quên” cả đạo đức, pháp luật cũng đầy ra trong thiên hạ. Em mong anh chăm
sóc con thay cả phần em. Cầu mong cho con đừng trái gió trở trời! Em sẽ trở về.
Nhất định em sẽ trở về sau ba năm nữa. Mong anh vạn lần tha thứ. Vợ của anh:
Hạnh”.
Quý nhớ lúc đó, sau khi đọc hết
những dòng chữ trên, anh như chết đứng. Hóa ra bữa ăn tối qua, sự dâng hiến
kiệt mình của Hạnh đêm qua là để chuẩn bị cho cuộc chia tay này. Anh tự trách
mình vô tư đến mức mù quáng. Sau đó anh đã thuê xe ôm chạy nháo nhào ra bến xe
liên tỉnh, chạy khắp các ngả đường của thành phố, gọi điện cho tất cả những
người thân quen nhờ tìm Hạnh cả tháng ròng. Nhưng biệt vô âm tín...
Mới đó... mà đã ba năm rồi. Ba
năm qua anh vừa lo dạy học, vừa lo nuôi con. Bao tiếng đồn về Hạnh đã đến tai
anh: Hạnh bỏ anh đi làm bồ nhí một ông giám đốc già giàu có ở Sài Gòn, Hạnh đã
trở thành bà trùm chăn dắt một bầy gái chân dài có hạng ... Những lời đồn,
những tiếng xấu về Hạnh đầy cả hai lỗ tai anh. Thời gian đầu anh còn cảm thấy
xấu hổ. Đi qua trước những người hàng xóm, bạn bè, anh thấy như họ đang kháo
nhau về vợ mình, có những cặp mắt đang nhìn anh thương hại... Anh càng giận
Hạnh nông nỗi, thiển cận bao nhiêu, càng thấy đau đớn, xót xa cho mình bấy
nhiêu.
Nhưng rồi... dần dần thời gian và
thực tế cuộc đời đã dạy cho anh phải biết thay đổi. Nếu anh cứ lo giữ gìn cái
liêm sỉ của mình thì còn phải sống khổ sở, con anh sẽ thiếu ăn, thiếu mặc,
thiếu điều kiện học hành. Cuộc sống vừa dạy anh, vừa ép buộc anh phải làm ra
tiền, phải biết quan tâm đến chính mình, đến gia đình mình, bởi ở đời chẳng ai
quan tâm, lo lắng thay cho anh được. Nhưng, nếu cứ làm tiền theo kiểu công chức
lương thiện, chăm chỉ, nghiêm túc mà bấy lâu anh đã làm thì đâu đủ sống, phải
có cách làm khác, phải biết gạt bỏ những quan niệm đạo đức cũ, phải biết phớt
lờ dư luận để làm những việc người khác không dám làm, hoặc không có khả năng
làm mới có thể khấm khá lên được... Là giáo viên toán có chuyên môn tốt, anh
lao vào dạy thêm, mặc dù Bộ, Sở đã có chỉ thị cấm. Có ngày anh dạy tới năm cua,
dạy từ sáng đến nửa đêm. Trước đây, anh từng phản ứng gay gắt việc dạy thêm như
thế trong hội đồng giáo viên của trường. Nhưng bây giờ hấp lực của thu nhập của
đồng tiền buộc anh phải lao vào... Có tháng anh kiếm thêm được ba, bốn chục
triệu đồng. Nhiều người trong nghề dám mạnh dạn mở cơ sở dạy thêm sớm, biết lo
lót cho “những kẻ cần phải lo lót” để cơ sở dạy thêm tồn tại đã giàu lên trông
thấy. Nhiều lúc anh nghĩ: Giá như ngày ấy biết bớt đi chút liêm sỉ, đừng gò mình
vào thứ đạo đức cổ lỗ, đừng nghiêm túc một cách mù quáng để đi dạy thêm, thì
cuộc sống gia đình anh sẽ không thiếu thốn vất vả và chắc là Hạnh sẽ không bỏ
nhà ra đi. Nghĩ như thế... anh lại thấy xót xa, buồn vì mình, lại thấy bên cạnh
sự căm giận, khinh bỉ là sự thương hại, là nỗi nhớ Hạnh!
Đêm nay, anh cũng đang nghĩ về
Hạnh, đang nhớ Hạnh và da diết buồn, gần một giờ sáng rồi vẫn trằn trọc chưa
thể ngủ. Nằm nghe gió rú rít trên mái tôn mà ngỡ như tiếng hú gọi nhau của ma
quỷ, khiến anh có cảm giác rờn rợn. Ba năm rồi... Không biết Hạnh giờ đi đâu? ở
đâu? Hạnh còn sống hay đã chết? Ôi... nếu Hạnh đã chết, thì tiếng rú rít trên
mái tôn kia phải chăng là tiếng hú gọi anh của âm hồn Hạnh? Ngày ra đi Hạnh nói
sẽ trở về sau ba năm... Có phải là Hạnh đang trở về trong cõi hư vô kia? Hạnh
đang oán trách anh? Hay Hạnh đang khóc gào xin anh tha thứ? Quý bật dậy ngồi
trên giường ngửa mặt nhìn lên trần nhà. Màn đêm nhập nhoạng đầy vẻ hoang đường.
Trong tiếng gió rít đúng là có tiếng gọi anh: Anh Quý ơi... Anh Quý ơi... Quý
bàng hoàng. Phải hồn ma Hạnh đang gọi anh? Không, tiếng người, đang gọi ngay
trước cửa, nghe rõ lắm mà. Quý trấn tĩnh, rón rén đến bên cửa, ghé mắt nhìn qua
kẽ ván. Đúng là người thật. Quý nhảy tới bật công tắc đèn và hỏi cộc lốc: -Ai?
-E...m... Hạnh... đây mà... Quý rút then cài. Cánh cửa mở. Hạnh bằng xương,
bằng thịt rõ ràng, tay xách chiếc va li nhỏ, trông đẫy đà, đài các hơn... Quý
sửng sốt, chưa kịp nói gì thì Hạnh đã thốt lên: -Anh! Anh Quý... rồi thả chiếc
va li lăn bịch xuống nền nhà, ào đến ôm lấy anh. Rồi cô nhanh chóng buông anh
ra, vội vã chạy đến chỗ thằng cu Tuấn đang ngủ, hôn lên má, hôn khắp người nó:
-Ôi... con của mẹ... con của mẹ... Tội nghiệp con tôi... Giọng Hạnh thều thào,
nghẹn lại. Hai tay cô vuốt vuốt, mân mê khắp người nó, như để trong khoảnh khắc
hút được vào lồng ngực mình vào trái tim mình tất cả hơi ấm từ làn da, từ nhịp
thở của nó!
- Hạnh, cô ra đây! Bấy giờ Quý
mới kịp lên tiếng. Hạnh rời con, từ từ đứng dậy, bước đến trước mặt Quý, nhưng
cô không nhìn vào mặt anh mà cúi đầu nhìn xuống chân mình. Từ hai khóe mắt Hạnh
nước mắt tuôn trào. Những giọt nước mắt như không chảy ra từ tuyến lệ mà được
vắt ra từ trái tim rung cảm, từ bộ óc nghĩ suy. Hẳn là cô đã suy nghĩ rất kỹ,
đã biết trước đến một ngày sự việc sẽ phải diễn ra như thế, cô đã chuẩn bị cho
ngày đó, cho chính giờ phút này. Bởi thế, nên dù nước mắt giàn giụa, cô vẫn có
đủ bình tĩnh để nói với Quý: - Anh ơi... em biết dưới con mắt của người đời em
là một con đàn bà xấu xa. Em hoàn toàn không xứng đáng với anh. Em trở về đây
không phải để cầu xin anh tha thứ, để tiếp tục được chung sống với anh, mặc dù
em vẫn yêu anh tha thiết như ngày nào; và chắc anh cũng không bao giờ chấp nhận
một người vợ như em nữa. Em về đây chỉ để nhìn anh, nhìn con lần cuối và cậy
anh nuôi dạy con thay em... -Không,
không cần cô cậy nhờ thì tôi cũng tự biết chăm sóc, nuôi dạy nó bấy lâu rồi!
Quý lớn tiếng cắt ngang lời Hạnh, giọng đầy tức giận. -Vâng... em rất biết ơn
anh, nhưng em cũng biết rõ những năm qua anh đã phải vất vả dạy thêm, lo kiếm
sống và nuôi con cơ cực như thế nào. Vì thế em đã cố kiếm thật nhiều tiền, dành
dụm để hôm nay mang về gửi cho anh nuôi con, để nó được học hành đầy đủ và có chút
vốn liếng, lớn lên nó được bằng người, không phải vất vả như đời bố mẹ... Em xin
gửi anh... Hạnh lấy trong va li ra cái
hộp vàng lớn bằng hộp phấn định trao cho
Quý, nhưng anh vung tay: - Không cần. Tôi sẽ tự nuôi con mà không cần một đồng
xu nào của cô. Mắt anh lúc này như có lửa. Mỗi tế bào trong anh như một hòn
than nóng rực. Hạnh quỳ xuống ôm lấy chân Quý. -Em xin anh đừng từ chối ý
nguyện của em. Đêm nay, em xin anh cho em ngủ với con lần cuối. Sáng mai em sẽ
ra đi thật sớm để không ai được biết em đã trở về, để khỏi phải phiền anh thêm
nữa...
+
Sáng hôm ấy Quý thức dậy trong sự
mệt mỏi. Thực ra đêm qua Quý không ngủ, chỉ ngồi bên bàn đốt thuốc lá liên tục
và nghĩ ngợi mông lung. Càng nghĩ anh càng giận Hạnh, càng xót xa đau khổ cho
hoàn cảnh của mình. Và rồi vì quá mệt mỏi Quý đã thiếp đi. Khi thức dậy nhìn
vào giường anh không thấy Hạnh đâu nữa. Hạnh đi thật nữa rồi! Không ngờ Hạnh
lại bỏ đi tiếp. Trên bàn làm việc của Quý có hộp vàng Hạnh để lại và mảnh giấy
đính kèm ghi “Vĩnh biệt anh và con!”. Quý ngồi thừ người, đau khổ, cảm giác như
không còn chút sức lực nào. Một lát sau anh nghe bước chân chạy tới thình
thịch, tiếng đập cửa và giọng nói hổn hển của bà hàng xóm: - Chú... Quý ơi...
chú... Quý ơi... Con Hạnh... vợ chú... bỏ đi chán chê, đêm qua... đêm qua... nó
về... treo cổ chết trong hoa viên rồi! Thiên hạ... đang nhao nhao... ngoài
đường kia kìa... Quý bỗng run bắn lên, nổi hết da gà. Không kịp thay đồ ngủ,
anh vội vàng chạy đến vườn hoa. Đúng là Hạnh rồi. Người ta đã cắt dây, đặt Hạnh
nằm trên thảm cỏ. Hạnh chết rồi nhưng mắt vẫn mở, rướn ngược. Có phải Hạnh đang
nuối anh? Hay Hạnh đang cố nhìn để cố hiểu cuộc đời này, cuộc đời mà cho đến
lúc chết cô vẫn không hiểu tại sao nó lại như thế?
Quý ngồi xuống bên cạnh Hạnh, anh
vuốt mắt cho cô rồi ôm mặt nấc lên!
Buôn
Ma Thuột, 5.2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI