Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2019

CHỤP ẢNH KHOẢNH KHẮC HAY DÀN DỰNG? tác giả HOÀI AN - CHƯ YANG SIN SỐ 322 THÁNG 6 NĂM 2019


Trao đổi về nhiếp ảnh
Bài 1:

                                       
                                    
Trong nhiếp ảnh nghệ thuật hiện nay đang tồn tại hai quan điểm: Thứ nhất, đề cao ảnh chụp/ chộp khoảnh khắc (SNAPSHOT); thứ hai, đề cao ảnh dàn dựng (SET UP). Quan điểm thứ nhất cho rằng: Chỉ có chộp khoảnh khắc mới đúng với bản chất của nhiếp ảnh (phản ánh hiện thực khách quan trực tiếp ngay tức thời khi sự việc xảy ra. Khác với văn học, hội họa, phim truyện, sân khấu, người nghệ sỹ không cần đến tận nơi, thấy tận mắt, chỉ cần nghe kể lại cũng có thể viết, vẽ, hay dựng lại những cảnh, những sự việc đã xảy ra). Chộp khoảnh khắc mà bức ảnh đạt trình độ nghệ thuật cao mới là bức ảnh “đáng tôn thờ”. Để có một bức ảnh chộp, đạt trình độ nghệ thuật cao, đòi hỏi người nghệ sỹ phải dụng công tìm nhân vật, địa điểm, phong cảnh, chọn/chờ khoảnh khắc (thời tiết, ánh sáng, hành động ưng ý...) và cần cả sự may mắn. Còn ảnh dàn dựng là ảnh “nghệ thuật hạng hai”; người chụp không tốn nhiều công phu, chỉ “bắt chước”, “làm theo” cái đã biết, đã thấy... Ngược lại, những người chụp ảnh bằng phương pháp dàn dựng theo quan điểm thứ hai lại cho rằng: Không biết dàn dựng để chụp là dại; cứ đi săn để chộp ảnh khoảnh khắc là phí thời gian, công sức, là chơi trò rủi may; trong khi dàn dựng tốt thì hễ “ra trận là thắng”, là sẽ có bức ảnh như ý về ánh sáng, góc độ, hành động của nhân vật...   
Những quan điểm trên về nhiếp ảnh nghệ thuật đã tồn tại trong làng nhiếp ảnh Việt Nam và thế giới từ lâu, song đến nay nó vẫn tiếp tục tồn tại và có lẽ còn tồn tại lâu dài. Vì sao vậy? Có lẽ bởi chính các nhà lý luận về nhiếp ảnh trong và ngoài nước - những người đóng vai trò dẫn dắt, định hướng sáng tác - đến nay vẫn không thuyết phục được lẫn nhau và người ta đành phải “ hòa hợp” với nhau bằng cách chấp nhận cả hai. Cũng vì thế trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật hiện nay, người ta vẫn đón nhận tất cả những bức ảnh được chụp bởi các tay máy là đệ tử trung thành của hai quan điểm nhiếp ảnh nêu trên. Có cuộc thi, ảnh chụp theo quan điểm thứ nhất đoạt giải cao; lại có cuộc thi, ảnh chụp theo quan điểm thứ hai chiếm ngôi vương.
Có lẽ chấp nhận cả hai quan điểm nhiếp ảnh nêu trên cũng là điều “phù hợp” trong tình hình thực tế của phong trào nhiếp ảnh nghệ thuật hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà cả ở phạm vi toàn cầu.
Nhưng ảnh dàn dựng như thế nào để bảo đảm tính chân thật như cuộc sống vốn có (trừ thể loại ảnh sáng tạo) lại là một điều đáng bàn, đáng lên tiếng bởi hiện nay có nhiều tác phẩm dàn dựng phi thực tế vẫn được chọn triển lãm, thậm chí được trao giải. Quan sát tác phẩm ảnh tham dự các cuộc thi khu vực, toàn quốc và quốc tế hiện nay ta thấy rõ: Nhiều tác giả đã quá lạm dụng việc dàn dựng theo ý đồ cá nhân, cốt sao chụp được bức ảnh lạ mắt, có thể hấp dẫn được một số người,thậm chí cả một số vị trong ban giám khảo thiếu hiểu biết, mặc dù trong thực tế không có như vậy. Ví dụ: Gần đây một số nghệ sỹ nhiếp ảnh được cử đi sáng tác ảnh nghệ thuật về các công trình điện và các hoạt động của ngành điện tại Đắk Lắk đã khẩn khoản đề nghị một số cán bộ Điện lực Đắk Lắk (làm công tác phục vụ cho các nghệ sỹ nhiếp ảnh) phải làm sao thuê bằng được một số con voi của đồng bào, rồi bố trí cho voi nâng, kéo, chuyên chở công nhân và một số thiết bị của ngành điện để chụp. Chụp xong một số nghệ sỹ tỏ ra hoan hỉ với những bức ảnh mình đã chụp. Thế nhưng một số cán bộ, công nhân ngành điện thì tỏ ra lạ lùng về cách “sáng tạo” đó của các nghệ sỹ nhiếp ảnh. Bởi trong thực tế hiện nay phương tiện chuyên chở, nâng, kéo của ngành điện đã rất hiện đại, đâu còn phải dùng voi thay máy móc. Cũng vì thế có cán bộ ngành điện nói: “Họ dàn dựng và chụp những cảnh như vậy mà đăng lên báo, hoặc triển lãm là bôi bác ngành điện chúng tôi lạc hậu, trình độ hiện đại hóa, công nghiệp hóa kém, không theo kịp tốc độ phát triển của thời đại” (!). Một số nghệ sỹ nhiếp ảnh khi chụp ảnh về hái cà phê thường yêu cầu các cô gái (mặc dù là người Kinh) bận trang phục của đồng bào thiểu số, mang gùi sau lưng, đứng hái từng quả cà phê cho vào gùi, miệng cứ phải cười thật tươi để các nghệ sỹ “sáng tác”. Có công nhân nói nửa đùa nửa thật: “Hái cà phê như thế thì chỉ có ăn cám”... Bởi trong thực tế không ai hái cà phê như vậy, mà người ta phải trải bạt xung quanh gốc cà phê, tuốt dọc chuỗi quả, cà phê rụng xuống bạt rào rào như mưa, sau đó cuốn bạt đổ cà phê vào bao, như thế mới bảo đảm năng suất cao, thu hoạch mới kịp thời vụ... Phi lý hơn, có nghệ sỹ nhiếp ảnh còn cho chặt cả cành cà phê chín đỏ buộc trên miệng gùi để mấy cô gái mang trên lưng, bấm máy. Sau đó bức ảnh được chú thích là “Thu hoạch cà phê”. Vì thế có người xem ảnh nói: “Đấy là phá hoại cà phê, chứ không phải thu hoạch”... Vậy nhưng những bức ảnh như thế vẫn lừa được cả ban giám khảo, vẫn được chọn triển lãm, thậm chí còn được trao giải.
Ngoài sự dàn dựng phi lý như vậy, một số nghệ sỹ còn có lối dàn dựng “bắt chước”. Thấy người ta có bức ảnh chụp các cô gái Chăm đội om đi trên cát đoạt giải trong một cuộc thi nào đó, vậy là rủ nhau đến Ninh Thuận, thuê người mẫu, dựng cảnh chụp y xì như người trước đã chụp. Thấy người ta chụp ảnh Ama Kông đứng thồi tù và trước đầu voi được giải trong một cuộc thi ảnh, thì “ta” cũng vào Bản Đôn, cũng “lôi” bằng được Ama Kông ra, rồi dàn dựng chụp một bức ảnh như thế và gửi dự thi khắp nơi... Nhiều người nói thẳng: Dàn dựng theo kiểu này thực chất là đạo ảnh. Đáng tiếc là những bức ảnh như thế vẫn lọt qua “mắt xanh” của các ban giám khảo, không chỉ được chọn triển lãm mà có tác phẩm còn được trao giải.
Theo chúng tôi, những kiểu dàn dựng như thế cần phải phê phán; và không chỉ phê phán mà cần phải loại bỏ ra khỏi hoạt động nhiếp ảnh. Các nhà lý luận nhiếp ảnh không nên im lặng trước cách dàn dựng chụp ảnh như thế. Các ban giám khảo các cuộc thi cần nhận thức sâu sắc vấn đề này và nâng cao trình độ hiểu biết về thực tế đời sống về kiến thức tổng hợp; có như vậy ảnh được chọn triển lãm và trao giải trong các cuộc thi mới có tính thuyết phục cao, mới có giá trị phản ánh cuộc sống và phục vụ cho cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI