Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

THẾ GIỚI TUỔI THƠ QUA “KHÚC ĐỒNG CA MÙA HẠ” CỦA ĐỖ TOÀN DIỆN lời bình của LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN SỐ 322 THÁNG 6 NĂM 2019









Đỗ Toàn Diện làm thơ nhiều, xuất bản cả chục tập thơ tính từ thi tập đầu tiên ra mắt độc giả: Hoa trong cỏ (1992). Không kể các tập thơ trào phúng, về thơ trữ tình anh có Lời yêu (1994), Lời ru Cao Nguyên (1998), Thời yêu dấu (2005), Ước mơ nhà rông (2010), Dấu chân thời gian (2016)… Vẫn phong cách mộc mạc đậm chất truyền thống, thơ anh giàu có ở sự nồng nàn của cảm xúc, lời thơ tự nhiên như hơi thở, không mang dáng vẻ câu chữ cầu kỳ, vỉa tầng ẩn ý. Tất cả cứ ngân vang bằng lời, bằng giọng thơ chân chất, thiết tha từ trái tim thi nhân yêu lắm cuộc đời này.
Mà đúng vậy, có yêu thương cuộc đời thật nhiều, cháy lòng muốn bộc bạch với tha nhân những suy tư về thế giới xung quanh mãnh liệt, Đỗ Toàn Diện mới dễ dàng tìm đến thế giới trẻ thơ qua Khúc đồng ca mùa hạ. Tập thơ phác họa bức tranh đa thanh, đa sắc về thế giới tuổi thơ hồn nhiên, mơ ước từ cái nhìn yêu thương, hồn hậu của tác giả. Điều đặc biệt, ở tập thơ này, người đọc sẽ bắt gặp một Đỗ Toàn Diện rất nhạy cảm với thế giới loài vật để từ đó khơi gợi cho các em những bài học làm người, những tình cảm nhân văn nhẹ nhàng, thiết tha mà vô cùng sâu lắng.
Đọc Khúc đồng ca mùa hạ, ta thấy giới loài vật trong tập thơ hiện lên thật phong phú và sinh động. Trong tổng số 31 bài thơ của thi tập, có đến 11 bài tác giả viết về các con vật. Đó là các tác phẩm Tiếng ve, Bức tranh đồng quê, Kiến giết voi, Chim sâu xử kiện, Ruồi nhặng – ong mật, Bé và các loài chim, Ếch nhái ngủ đông, Con cua, Con tôm, Dã tràng, Cào cào. Một thế giới loài vật, qua cái nhìn của thi nhân, dường như tất cả đã tụ đàn về đây để dệt nên bức tranh thơ rộn rã âm thanh và màu sắc. Loài voi to khỏe, vừa đi vừa “ngẫm nghĩ” khiến cho các loài khác đều khiếp sợ; Hổ, Báo, Kiến, Cua, Nhái, Cào Cào, Cụ Cóc, Ong Bướm…, mỗi loài đều có nét riêng, tất cả hiện lên xôn xao qua từng trang viết; có cả Chim Sâu xử kiện để truy sát loài sâu bọ; Ruồi nhặng – Ong mật với một cuộc đối thoại, tranh biện đầy thú vị…
Trong bài thơ Bức tranh đồng quê, từ những đặc tính sinh hoạt của mỗi loài, qua sự sự quan sát tỉ mỉ và đầy chất thơ, tác giả giúp cho các em vừa thích thú và yêu mến cảnh vật làng quê, vừa có được bài học bổ ích từ cuộc sống mang lại. Thể thơ lục bát biến thể viết theo lối vắt dòng nên nhìn khá mới mẻ, hình tượng thơ giàu sắc thái biểu cảm, nghệ thuật nhân hóa đặc sắc, giọng thơ giàu nhạc tính, Bức tranh đồng quê đã dựng lên một thế giới loài vật sống động hòa cùng vẻ đẹp thiên nhiên để làm nên bức tranh đồng quê tuyệt đẹp, mở ra một không gian hữu tình trong mắt trẻ thơ: “Bức tranh quê đẹp tuyệt vời/ Bàn tay tạo hóa dâng người mà nên”. Ở Bé và các loài chim, nhà thơ Đỗ Toàn Diện đã rất có duyên khi kể lại hai tính cách trái ngược nhau giữa em bé và các loài chim “xấu tính, xấu nết”. Sự thú vị của bài thơ chính là cách khen của tác giả thông qua cái nhìn đầy tin yêu và quý mến trẻ thơ. Với trẻ em, khen cũng cần đúng lúc, đúng chỗ, không các em dễ gì tin được ngay. Sử dụng nghệ thuật đòn bẫy qua hình ảnh các loài chim Chèo Bẻo “mách lẻo trên cành”; Sáo Sậu “lanh cha lanh chanh”; Quạ Khoang lười học, lười làm; từ đó nhà thơ dẫn dụ và so sánh đến các em có nhiều việc làm tốt ở trường, ở lớp. Cách khen bằng nghệ thuật so sánh ấy là cách giáo dục tự nhiên, phù hợp tâm lý tuổi thơ, động viên các em không nên học theo những loài chim hư, đồng thời cổ vũ những đức tính tốt: “Còn như các bé/ Ở trường mầm non/ Miệng nở hoa sen/ Hát hay học giỏi/… Đi học về nhà/ Bé chào khắp lượt”. Chim Sâu xử kiện lại có sức cuốn hút nhờ sự quan sát tinh tế kết hợp với nghệ thuật tưởng tượng tài hoa của nhà thơ. Bài thơ kể lại một phiên tòa “hình sự” xử kiện loài sâu bọ tàn phá môi trường thiên nhiên. Chính yếu tố thơ trong truyện và truyện trong thơ đã làm cho thi phẩm hấp dẫn thông qua kịch tính khi Chim Sâu xử kiện rất thuyết phục trước loài sâu bọ chối quanh. Có lẽ điều đó làm cho tuổi thơ thích thú, đồng thời cũng nhận thức được cái xấu, cái ác xung quanh mình: “Mở phiên tòa chái hiên/ Thăng đường, chim xét hỏi/ Sâu ranh càng chối tội/ “Tôi chữa bệnh cho cây/ Tỉa bớt nhánh hoa gầy/ Bớt lá cho quang hợp”/ Miệng lưỡi sâu ngọt xớt/ Cố ra vẻ hùng hồn/ Uy nghiêm chim hỏi dồn:/ Sao cây vàng rồi chết?/ Lá tả tơi rụng hết…/ Ngươi còn dám thêu dệt?”. Ếch nhái ngủ đông là khúc ca đồng quê rộn ràng, vui tươi và sống động. Con Cua dựng lên hai hình tượng đối lập trong thế giới động vật: Cua ngang tàng nên cuối cùng nhận lấy hậu quả thật đáng thương: “Gặp ai cũng dọa nạt/ Giương mắt múa may càng/ Bạn bè đành xa lánh/ Đành thui thủi trong hang”. Bài thơ Con Tôm thú vị ở nghệ thuật miêu tả rất đúng và tinh tế hình dáng bên ngoài: “Đầu hai ba lưỡi mác/ Râu dài mã thật sang/ Càng cứng áo giáp sắt/ Dáng oai vệ nghênh ngang”. Tóm lại, ở mảng thơ viết về thế giới động vật, nhà thơ Đỗ Toàn Diện đã có những phát hiện độc đáo riêng, miêu tả sống động bằng sự quan sát tinh tế và tình yêu sâu sắc nên thực sự có những hình tượng thơ hấp dẫn, lôi cuốn, đồng thời là những bài học nhận thức đúng đắn, phù hợp với tâm hồn tuổi nhỏ.
Cùng với thế giới động vật, Đỗ Toàn Diện cũng dành khá nhiều bài thơ viết về cây trái, đồ vật. Có lẽ, chính cái nhìn tràn đầy yêu thương và một tấm lòng hồn hậu với thế giới tuổi thơ nên anh đã dành tình cảm đặc biệt ở mảng đề tài này qua khá nhiều tác phẩm: Đào lộn hột, Tâm sự bàn ghế, Tâm sự của rễ, Sóc Bông, Sầu riêng, Cái ô, Cây xấu hổ. Ở những bài thơ viết về đồ vật, cây trái, nhà thơ Đỗ Toàn Diện cũng có nhiều phát hiện tinh tế, thú vị. Qua đó, tác giả giúp cho các em có cái nhìn sâu sắc và thấu hiểu hơn về thiên nhiên và mọi vật ở xung quanh mình. Quả đào lộn hột “biết làm ảo thuật” để chui từ hạt ra ngoài, lắng nghe cuộc đời vui tươi ca hát: “Nghe gió hát êm tai/ Và chim rừng ca hót/ Uống sương mai dịu ngọt/ Tắm nắng trời ban ngày” (Đào lộn hột). Bài thơ Tâm sự bàn ghế thể hiện cái nhìn tác giả về mối quan hệ cũng như cách ứng xử của tuổi học trò với mọi vật chung quanh thông qua thủ pháp nhân hóa. Bài học về sự trân trọng và biết nâng niu mọi sự vật quanh mình cũng như mọi điều trong cuộc sống cũng hình thành từ đây: “Bàn nói với ghế sáng nay/ Tôi tơi tả bởi bàn tay học trò/ Ghế rằng tôi cũng lo lo/ Gồng mình cho lũ học trò ngồi lên” (Tâm sự bàn ghế)
Ngoài cảm quan về loài vật mà phần lớn được nhìn qua con mắt trẻ thơ, điểm nhìn trữ tình của chính tác giả về một thế giới hồn nhiên, mơ ước còn được thể hiện qua nhiều tác phẩm khác nữa: Tiếng ve, Tìm về, Cô bé răng khểnh, Tuổi thần tiên, Bố ở Trường Sa, Ơn thầy, Tiếng pháo xuân, Bé được cắm cờ… Cảm xúc từ tiếng ve thơ dại và màu hoa phượng đỏ như hai biểu tượng của một thời áo trắng thơm hương, bài thơ Tiếng ve được tác giả Đỗ Toàn Diện viết theo thể lục bát nhờ đó dễ lắng sâu vào tâm hồn các bạn nhỏ tuổi với niềm xuyến xao, bịn rịn buổi hè về: “Ve kêu lúc nhặt lúc thưa/ Trống trường đã điểm gọi mùa thi sang/ Ve kêu thắm rực khăn quàng/ Bóng bàng thao thức, ve mang hè về” (Tiếng ve). Đó là hình ảnh cô bé có chiếc răng khểnh thật đáng yêu, không chỉ duyên dáng ở hình thức bên ngoài, cô bé răng khểnh còn làm nhiều việc tốt. Đọc bài thơ, hẳn các em cũng yêu mến và noi gương người bạn nhỏ dễ thương này: “Cô bé răng khểnh/ Nhí nhảnh hồn nhiên/ Làm nhiều việc tốt/ Nụ cười thật duyên” (Cô bé răng khểnh). Thế giới tuổi thơ hồn nhiên, vô tư còn thể hiện qua niềm tiếc nuối, bâng khuâng từ tâm hồn tác giả về tháng ngày xưa bé bỏng: “Tuổi thơ ngày bé/ Nô nhau tồng ngồng/ Giã từ thơ dại/ Trôi vào tháng năm” (Tìm về). Đó là tâm sự của một bạn nhỏ về người bố mình ở Trường Sa: “Bố luôn chắc tay súng/ Giữ biển trời quê hương/ Em tự hào về bố/ Một người lính kiên cường” (Bố ở Trường Sa). Đó còn là lòng biết ơn về người thầy đã dạy dỗ tuổi thơ trưởng thành và khôn lớn nên người: “Công thầy sánh tựa non cao/ Tình thầy đâu có biển nào sâu hơn/ Thầy như một chiếc thuyền con/ Chở bao thế hệ sóng cồn vững tay” (Ơn thầy). Đó còn là niềm vui mừng xuân của các bạn nhỏ khi nghe tiếng pháo rộn ràng một thời thơ dại: “Trẻ em khoác xuân tươi/ Sắc màu thêm sặc sỡ/ Én chao mình bỡ ngỡ/ Xôn xao cả đất trời” (Tiếng pháo xuân)
Tập thơ Khúc đồng ca mùa hạ thành công trên một số phương diện nghệ thuật đáng được trân trọng. Thi pháp thơ viết cho thiếu nhi cần phải giàu hình ảnh, vần điệu, ngắn gọn và dễ đi vào tâm tưởng các em. Thấu hiểu được những điều cần thiết ấy, nhà thơ Đỗ Toàn Diện, trong 31 bài thơ của thi tập, đã dành đến 14 bài cho thể lục bát (trong đó có một bài lục bát biến thể). Ngoài ra thể thơ 5 chữ chiếm 12 bài; thơ 4 chữ có 3 bài. Đây là hai thể thơ gần với âm hưởng đồng dao dân gian nên dễ thuộc, dễ nhớ. Thơ lục bát và lục bát biến thể thích nhất là Bức tranh đồng quê, Ếch nhái ngủ đông, Tâm sự bàn ghế… Thơ 4 chữ, 5 chữ ngắn gọn, phù hợp với tuổi thơ các em, nhờ đó dễ đi vào tâm hồn thơ trẻ. Thơ 4 chữ có bài Bé và các loài chim giàu chất giọng đồng dao. Bài thơ hay bởi không những có được bài học bổ ích dành cho trẻ mà nhịp điệu, giọng thơ cũng rất phù hợp với tâm hồn tuổi nhỏ.
Đặc điểm quan trọng của thơ viết cho thiếu nhi là mang vẻ đẹp hồn nhiên, ngây thơ. Đó là sự hồn nhiên ngây thơ từ trong cảm xúc, ý nghĩ thật tự nhiên, không gò ép, bó buộc và làm dáng. Chính tính hồn nhiên, ngây thơ và giàu hình ảnh, vần điệu của thơ viết cho thiếu nhi trong tập Khúc đồng ca mùa hạ đã làm cho nhiều bài thơ giàu sắc thái tu từ nghệ thuật. Ở thủ pháp so sánh, nhà thơ Đỗ Toàn Diện đã có những câu thơ thật hay, dễ đi vào tâm hồn tuổi thơ trong sáng. Đọc thi phẩm Bức tranh đồng quê, ta bắt gặp những câu thơ miêu tả vẻ đẹp của chị Cào Cào rất ấn tượng: “Cào Cào, Cào Cào… giã gạo rất siêng/ Áo xanh áo đỏ như tiên giáng trần”. Bài thơ Sóc Bông lại có nét đẹp riêng dễ làm các em yêu mến, say lòng: “Con Sóc Bông của ba/ Mắt sáng tựa sao sa/ Miệng như hoa chúm chím/ Tóc tòng teng đuôi gà”. So sánh thường làm cho đối tượng miêu tả thêm thi vị và giàu hình tượng thơ hơn. So sánh trong thơ viết cho thiếu nhi lại cần lắm cái nhìn đồng cảm của tác giả, nhờ đó giúp các em càng thêm thích thú. Ngoài nghệ thuật so sánh tu từ, nhiều bài thơ trong thi tập Khúc đồng dao mùa hạ có hình tượng thơ bay bổng một cách tự nhiên thông qua nghệ thuật nhân hóa: “Gió đồng gió đồng… gọi lúa song ca/ Sáo diều từng giọt ngân nga lưng trời”; hoặc: “Cùng nhau ca hát rộn ràng/ Ếch, Nhái, Chẫu Chàng rôm rả đồng quê/ Xếp hàng đón gió ven đê/ Vẳng nghe khúc nhạc hàng tre ru diều” (Ếch nhái ngủ đông). Phép điệp từ ngữ, cấu trúc thể hiện qua nhiều thi phẩm, nhưng đậm đặc nhất là ở Bức tranh đồng quê. Đó không chỉ là phép điệp từ ngữ thông thường mà còn là tiếng nhạc lòng của thi nhân ngân lên, từ đó bồi đắp tâm hồn các em qua vẻ đẹp của muôn loài nơi đồng quê xinh tươi, yên ả.
Thơ Đỗ Toàn Diện không quá sắc cạnh về cấu tứ và ngôn từ, nhưng bù lại, sự lôi cuốn, hấp dẫn ở thơ anh chính là tấm lòng tràn đầy cảm xúc thành tâm của một người yêu đời tha thiết. Phản ánh thế giới tuổi thơ hồn nhiên và mơ ước, với 31 bài thơ trong thi tập Khúc đồng ca mùa hạ, nhà thơ Đỗ Toàn Diện đã có vị trí đáng kể về mảng thơ viết cho thiếu nhi của văn học tỉnh nhà. Những bài học nhân văn nhẹ nhàng, sâu lắng được chắt ra từ thế giới loài vật, cây trái vừa đậm chất trữ tình, vừa có chút kịch tính đã góp phần bồi đắp ước mơ, khát vọng cho các em khôn lớn và trưởng thành. Nói như nhà văn Richard L.Evans: “Trẻ nhỏ sẽ không nhớ bạn vì vật chất bạn cho chúng, mà vì tình cảm bạn dành cho”; thì qua Khúc đồng dao mùa hạ, món quà tinh thần mà nhà thơ Đỗ Toàn Diện dành cho trẻ thơ là vô giá, nó sẽ bền lưu trong tâm thức và sẽ khiến các em suốt đời nhớ mãi. Trân trọng giới thiệu tập thơ Khúc đồng ca mùa hạ đến với bạn đọc gần xa.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI