Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

NGƯỜI HAY TA ĂN MÀY lời bình của LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN SỐ 323 THÁNG 7 NĂM 2019


Sổ tay thơ:

CHA CON NGƯỜI ĂN MÀY


Ở bến phà sông Tiền
Có một người hành khất
Gậy chấm dày mặt đất
Chiếc gậy cùn hai đầu

Ngày ngày mặt trời mọc
Cha và con dắt nhau
Cây đàn buông trước ngực
Dây chùng nỗi lo âu

Cha mù hai con mắt
Nhìn bằng đôi bàn chân
Con đi trong ngơ ngác
Tay ngửa nón, tay đàn

Con hỏi cha nơi đến
Cha hỏi con nơi dừng
Bao nhiêu người ghé bến
Ai thương, ai dửng dưng?

Tôi vừa tan cuộc rượu
Hồn còn tràn trề say
Gặp nhau rồi chợt hiểu
Người hay ta ăn mày?
                                                1990
                                                 PHAN HUY

LỜI BÌNH:
“NGƯỜI HAY TA ĂN MÀY?”
Trong thế gian này, hỏi loại người nào thường mau nước mắt? Lại hỏi, người mau nước mắt hẳn phải là kiểu người đa đoan trước nỗi đoạn trường lắm chăng? Không thế, sao trời đày họ làm văn chương nghệ thuật để thương vay khóc mướn giữa cuộc đời. Hơn ngàn năm trước, thơ Đỗ Phủ bên Trung Quốc đã làm xa xót bao tấm lòng biết cảm thông, đau đáu trước phận người. Ở nước ta, thi hào Nguyễn Du lưu lại “tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời” qua tuyệt tác Truyện Kiều bất hủ. Đọc thơ Việt Nam đương đại, chúng ta bắt gặp nhiều tiếng thơ ngân vang niềm cảm thương da diết trước thân phận con người. Chủ nghĩa nhân đạo vẫn là mạch nguồn chảy tuôn không dứt. Thơ Hữu Thỉnh, Vương Trọng, Trần Nhuận Minh… là tiêu biểu cho nguồn cảm xúc ấy. Và cũng may mắn thay, giữa hàng ngàn trang thơ giàu tinh thần nhân đạo kia, tôi đã bắt gặp thi phẩm Cha con người ăn mày của nhà thơ - nhà báo Phan Huy. Bài thơ là tiếng lòng rưng rưng, khắc khoải của tác giả về phận người hành khất giữa thời buổi kinh tế thị trường, khi mà cái ăn cái mặc không còn là nỗi ám ảnh đến quặn thắt, xót xa.
Ở bốn câu thơ mở đầu thi phẩm, tác giả Phan Huy đã giới thiệu không gian quen thuộc nơi người hành khất thường xuất hiện: “Ở bến phà sông Tiền/ Có một người hành khất”. Đâu chỉ thuần túy là một địa điểm, một địa danh cụ thể, đó còn là không gian nghệ thuật đầy ám ảnh về sự nổi trôi, vô định của kiếp người lưu lạc. Nơi bến phà sông Tiền mênh mang sóng nước là những kiếp bèo lau trôi dạt, đẩy đưa. Âu có khác gì phận người hành khất chăng? Không chỉ dừng lại ở đó, hình tượng người hành khất không được tác giả chú ý về diện mạo, quần áo mà lại tập trung vào chiếc gậy. Chiếc gậy xuất hiện như một tín hiệu nghệ thuật chỉ dấu về sự bất hạnh của cuộc đời: người hành khất mù lòa cả hai mắt. Nhìn “chiếc gậy cùn hai đầu”, nhà thơ đã thấu hiểu hành trình xa xôi, khó nhọc trên bao chặng đường mà người hành khất đã qua. Không thế sao có thể hạ hai câu thơ đầy cảm xúc và ám ảnh tâm hồn người đọc thế này:
Gậy chấm dày mặt đất
Chiếc gậy cùn hai đầu
Đi xin ăn qua nhiều phố phường, làng mạc; mỗi bước đi lại phải dò dẫm theo chân người con; chiếc gậy đã phải bao lần quờ quạng, xoay trở liêu xiêu giữa chốn đông người nên mới “chấm dày mặt đất”. Sâu xa hơn, những dấu chấm của chiếc gậy dường như đã đủ loang phủ khắp mặt đất này. Vì thế, câu thơ thuần tả mà lạnh sắc, lắng đọng một tình thương yêu thiết tha của tác giả dành cho người ăn mày. Bởi hơn ai hết, nhà thơ hiểu được hành trình, thấu được bước đường gian khổ và cả nỗi âu lo mà hai cha con người hành khất thấm trải:
Ngày ngày mặt trời mọc
Cha và con dắt nhau
Cây đàn buông trước ngực
Dây chùng nỗi lo âu
Ra đi xin ăn từ sáng sớm khi mặt trời vừa mọc, nhưng điểm dừng thì hẳn làm sao biết được. Có lẽ họ không nhà, không nơi nương tựa mới đi ăn mày thế này. Người con dắt cha tìm kế sinh nhai qua lời ca tiếng hát. Thực ra họ cũng đánh đổi đấy chứ, đâu có xin ăn không. Mượn lời ca tiếng hát, bản đàn mà ngửa tay xin sự bố thí của người đời âu cũng là điều đáng trọng. Thế mà “nỗi lo âu” cứ chùng xuống, trĩu nặng mỗi ngày. Nhìn dây đàn người hành khất mà cảm được bao lo toan thường nhật về miếng cơm manh áo, nhà thơ Phan Huy đã bày giãi nỗi lòng ngậm ngùi, xót xa về kiếp người vô định, nổi trôi. Theo đó, tấm lòng thi nhân cứ dõi theo hai cha con người ăn mày qua nhiều cung đường phố thị, nhiều ga bến, nhiều chợ sáng chợ chiều ngược xuôi tấp nập để rồi ghi lại những cảnh tượng nao lòng, những khắc giờ dễ làm rơi nước mắt:
Cha mù hai con mắt
Nhìn bằng đôi bàn chân
Con đi trong ngơ ngác
Tay ngửa nón, tay đàn
Giọng thơ thủ thỉ, lời thơ nhẹ nhàng, nhà thơ cứ như người đánh đàn nhấn nhá từng cung bậc nỉ non kể về tình cảnh cha con người ăn mày trước cuộc đời xuôi ngược. Người cha kinh nghiệm trường đời, dù mù lòa hai mắt; người con sáng rõ đường đi nên biết chốn dừng chân; nhờ đó tác giả Phan Huy đã có những câu thơ vừa chân thực vừa đằm sâu triết lí: “Con hỏi cha nơi đến/ Cha hỏi con nơi dừng”. Hóa ra cuộc hành khất của hai cha con người ăn mày có khác gì tất cả thế nhân, cũng tính toán chi li, cũng nghĩ suy thấu đáo mới có thể mưu sinh, vượt qua những vất vả để tồn tại kiếp người. Rồi chuyện ấm lạnh giữa dòng đời, chuyện cảm thương hay dửng dưng mà người đời dành cho mỗi chúng ta âu cũng là điều muôn thuở: “Bao nhiêu người ghé bến/ Ai thương, ai dửng dưng?”.
Nhưng có lẽ thông điệp mà nhà thơ Phan Huy muốn gửi gắm đến chúng ta nằm ở khổ thơ cuối bài thì phải? Chẳng vậy sao mà tác giả hạ xuống bốn câu thơ đầy dằn vặt nỗi niềm và ẩn sâu triết lí thế kia. Giọng điệu ở khổ cuối cũng khác thường, nó cứ chênh chao tưng tửng như người “say” vậy. Một câu hỏi thảng thốt bất chợt trào ra nghe mằn mặn nước mắt và nghèn nghẹn lá phổi buồng tim nên càng thêm day dứt! Gặp người ăn mày nhưng lại hỏi “người hay ta ăn mày?” thì phải đau đời lắm, thấu hiểu lắm, cật vấn lắm. Này nhé, người xin ăn bằng lời ca tiếng hát, nghĩa là bằng chính mồ hôi nước mắt của mình liệu có phải “ăn mày” không? Ta sống, nhìn bên ngoài có vẻ đường bệ, nhưng cứ dựa dẫm, núp bóng, “xin ăn” lén lút kẻ khác để rồi được giàu sang, thăng quan tiến chức, liệu không là “hành khất” sao? Chao ôi, thơ viết thế thì nặng lòng nhân thế lắm, đau đời lắm mới gieo xuống chữ nghĩa cứ như không mà sâu sắc đến vô cùng:
Tôi vừa tan cuộc rượu
Hồn còn tràn trề say
Gặp nhau rồi chợt hiểu
Người hay ta ăn mày?
“Người hay ta ăn mày?” là câu hỏi muốn bóc trần nhân tính, thấm đẫm chất triết lý, đầy cật vấn về lẽ đời, lẽ người; giọng điệu giễu nhại mà minh triết, tưởng đùa mà hóa ngiêm trang; tưng tửng mà lắng sâu, khiến ta không khỏi giật mình! Đó cũng là mấu chốt tư tưởng mà nhà thơ muốn truyền gửi. Và sự thành công ở bài thơ này cũng nhờ vào câu thơ độc sáng ấy, nó chính là linh hồn của thi phẩm vậy.
Bài thơ Cha con người ăn mày của nhà thơ Phan Huy được in trong tập Xẻ đôi ngọn gió - một tập thơ dày dặn, nhiều đề tài, đa dạng về cảm xúc và có nhiều tác phẩm khá ám gợi. Nhưng với tôi, vượt trội hơn các thi phẩm khác, Cha con người ăn mày có một chiều sâu nhân đạo, một cảm thức phổ quát về cuộc đời, về thân phận con người trước trùng trùng bể dâu trần thế. Nhờ đó, bài thơ xoáy sâu vào tâm cảm người đọc, mở ra nhiều vấn đề triết lý nhân sinh mà chúng ta cần suy ngẫm, nhất là trong cuộc sống đương đại.
                                                                        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI