Thứ Hai, 8 tháng 7, 2019

VÀI SUY NGHĨ KHI ĐỌC BÀI THƠ MỘ của PHẠM MINH TRỊ - CHƯ YANG SIN SỐ 322 THÁNG 6 NĂM 2019









Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng
                        (Nhật kí trong tù - Hồ Chí Minh)

Đây là một bài thơ trong tập “Nhật kí trong tù” của Bác Hồ. Tập nhật kí bằng thơ được Bác viết từ mùa thu 1942 đến mùa thu năm 1943 lúc Người sang Trung Hoa công tác bị quân Tưởng Giới Thạch bắt cầm tù khắp 18 nhà giam qua 13 huyện của tỉnh Quảng Tây. Tập “Nhật kí trong tù” được Bác viết hoàn toàn bằng chữ Hán gồm 133 bài thơ.
Đọc cặp câu khai thừa (Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ/ Cô vân mạn mạn độ thiên không) ta chợt nghĩ đến bài thơ của Liễu Tông Nguyên đời Đường: “Thiên sơn điểu phi tuyệt/ Vạn kính nhân tông diệt/ Cô thuyền xuy lập ông/ Độc điếu hàn giang tuyết” và của cả Lý Bạch - đời Đường: “Chúng điểu cao phi tận/ Cô vân độc khứ nhàn”. Thơ Bác có cánh chim, có đám mây bay nhưng khác ở hai nhà thơ đời Đường kia ở chỗ: Cánh chim của họ đều phi tuyệt, phi tận nghĩa là đều bay đến một chốn không cùng, vô tận, xa xăm gợi lên vẻ mông lung, còn của Bác cánh chim về rừng tìm chốn ngủ. Một siêu hình, mờ ảo, một hiện thực, sống động. Chứng tỏ tâm hồn của Bác giàu lòng yêu thương, mến quý sự sống. Bác đang trên đường bị đọa đầy, tù tội (dù Bác không có tội) ấy vậy mà Bác quên sự đau đớn, khổ sở của hoàn cảnh mình đang phải chịu đựng để hòa cảm cùng sự sống (cánh chim bay, đám mây trôi). Chỉ riêng điều này chúng ta học tập Bác mãi không cùng. Cũng là cô vân (đám mây một mình) nhưng của Bác khác xa với cô vân  trong thơ Lý Bạch – Thi tiên đời Đường, ông viết Cô vân độc khứ nhàn. Với Lý Bạch cô vân biểu hiện sự cô độc, phiêu diêu, thoát tục mang dáng dấp của ý niệm siêu hình, gợi lên sự mơ hồ khắc khoải của con người trước hư không vũ trụ. Còn với Bác cô vân lại mạn mạn độ thiên không, một sự nhẹ sáng thanh, cao, rộng đầy sống động tựa có hơi ấm của con người. Bác đã tưới sự sống lên cảnh vật. Hoàn cảnh khổ ải ấy mà Bác ưu ái với từng cánh chim, từng đám mây thật là hiếm có, hiếm thấy.
Nếu cảnh vật của hai câu đầu ở xa và cao thì ở hai câu tiếp theo lại gần gũi thân thiết. Ta hãy đọc: Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc/ Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng – Cô em xóm núi xay ngô tối/ Xay hết lò than đã rực hồng. Một bước chuyển thời gian kéo theo sự thay đổi không gian. Bao giờ cũng vậy thơ Bác luôn tràn đầy sức sống. Cũng là cảnh chiều buông có sự hiện diện của con người mà trong thơ của Bà huyện Thanh Quan lại khác: Gác mái ngư ông về viễn phố/ Gõ sừng mục tử lại cô thôn. Câu thơ đẹp nhưng là vẻ đẹp của nỗi niềm mang mang, tiếc nuối. Hình ảnh ngư ông gác mái về viễn phố, mục tử lại cô thôn với hình ảnh thiếu nữ xay ngô tối hoàn toàn khác. Một là sự kết thúc, còn một là đang bắt đầu hứng khởi. Thiếu nữ đang lao động (xay ngô) một cách say sưa như quên hết thời gian đang trôi, dường như thiếu nữ đã khiến cho công việc nặng nhọc trở thành một niềm vui vì vậy mà vòng quay của cối xay cứ quay, quay nhanh mãi (ma bao túc, bao túc ma). Và khi ngô đã xay xong (công việc kết thúc) thì lại xuất hiện một hình ảnh lạ thường (lô dĩ hồng – lò than đã rực hồng). Hình ảnh thiếu nữ đang say sưa làm việc toát lên một vẻ đẹp khỏe khoắn, đáng yêu lại được hình ảnh bếp lửa rực hồng soi tỏ, một cảnh thật đẹp, thật gợi. Hai hình ảnh điệp nhau bật lên, cảnh tượng tỏa sáng đầy sự ấm áp, yêu thương nồng đượm.
Nếu tách bài thơ này ra khỏi hoàn cảnh thì khó có ai lại  tưởng được rằng Bác sáng tác nó trong lúc tay bị xích, chân bị cùm, thân bị khiêng, đang bị đọa đầy khổ đau chất chồng. Có lẽ chỉ có Bác mới vượt lên khổ đau tột cùng của riêng bản thân để trìu mến, nặng tình với cánh chim đám mây, với thân phận con người cần lao. Quả là Bác: Nâng niu tất cả chỉ quên mình (Tố Hữu).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI