Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

ĐÂU PHẢI LÀ VIỆC DỄ bút ký dự thi của H’LINH NIÊ - CHƯ YANG SIN SỐ 323 THÁNG 7 NĂM 2019


Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”






Huyện Cư Kuin với tôi không phải là cái tên xa lạ, bởi nhiều sự gắn bó thân thiết để có nhiều lần lại qua. Đầu tiên, đây là quê của thầy giáo Y Yut HWing, người làm nên bộ chữ Êđê, sau nữa, vợ chồng nghệ nhân đã  hơn 90 mùa rẫy Aê Jek và Aduôn Jek. Ông, có thể làm và tấu được nhiều loại nhạc cụ từ tre nứa như đing năm, goong rêng, đing buôt, đing bro… của tộc người Êđê. Bà, theo lời tôn vinh vui vui của nhạc sỹ Nguyễn Cường “Là người hát Arei – dân ca Êđê - hay nhất Việt Nam”, thuộc rất nhiều làn điệu cổ. Tiếp tới là ông anh họ lừng danh cá tính mạnh mẽ và cương quyết Y Luyện Niê Kdam, rời xa chính trị để làm chủ trang trại; rồi đến người bạn vong niên, vị nữ “tù trưởng” nguyên chủ tịch xã Ea Tiêu, Phó chủ tịch UBND huyện, Amí Bưng phúc hậu, đằm thắm mà cũng không kém phần quyết liệt. Còn một nhóm những học trò thanh nhạc, sư phạm nhạc, quản lý văn hóa... mà tôi “hơi bị” yêu thương hơn cả là nữ ca sỹ H’Zi Na B.Ya, người từng vượt mặt hàng mấy trăm thí sinh để chiếm lĩnh vị trí số một của cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, hình như là năm 2014. Trong tôi, Cư Kuin tựa một tráng niên, tuy chỉ mới 12 tuổi mà lớn bổng lên diệu kỳ như dũng sỹ Dam Kteh Mlan, Xing Nhã trong các trường ca, sử thi Êđê. Vùng đất đầy ắp truyền thống văn hóa độc đáo, bình an và no ấm, có không nhỏ đóng góp của những người chiến sỹ công an, có khi lặng thầm như những mạch ngầm chảy sâu trong lòng đất.
Khu làm việc của Công an huyện Cư Kiun khang trang, rợp bóng sao xanh, muồng đen, bằng lăng… khiến ngồi trên các ghế đá trong vườn dịu mát hơn hẳn trong nhà, thú vị ngắm đám hoa chò nâu bị chàng gió ham chơi trêu ghẹo, xoay tít, vòng vòng trên không rồi nhẹ nhàng đậu xuống nằm ngoan trên đất. Dù chưa biết chúng tôi là ai, lơ ngơ chờ nơi tiền sảnh, nhưng các chiến sỹ qua lại đều lịch sự và thân thiện với nụ cười trên môi, trẻ trung, thậm chí trai thanh gái lịch như sức trẻ của huyện.
Ở phòng truyền thống, có 2 cờ Đơn vị xuất sắc Vì an ninh Tổ quốc khối cấp huyện, còn có tới 22 chiếc Bằng khen, Giấy khen của Thủ tướng chính phủ, Đảng bộ, UBND, Giám đốc Công an tỉnh tặng cho đơn vị Quyết thắng, đơn vị Kiểu mẫu… Đạt được như thế đâu phải dễ với một đơn vị chỉ mới 12 năm thành lập, lại vốn “sở hữu”  tới 3 điểm nóng của cả tỉnh về tôn giáo, dân tộc và các loại tội phạm. Họ là một tập thể tràn đầy sức trẻ, mạnh cả về chuyên môn, bản lĩnh, lẫn ý thức trách nhiệm và tinh thần đồng đội.
Thượng tá Nguyễn Văn Sỹ, Trưởng công an huyện cho biết: đơn vị có 11 đội nghiệp vụ, thì  riêng Đội an ninh đã gánh nhiệm vụ của 7 phòng chuyên ngành trên Công an tỉnh. Thế nên tôi “bám” ngay đội trưởng, Đại úy Trần Xuân Phi để được tìm hiểu một trong những đội 5 năm liền được UBND huyện tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh trên một địa bàn khá gai góc của cả tỉnh, với 28 dân tộc anh em, 50% người dân theo đạo, trong đó có tới 26 buôn người dân tộc Êđê, gồm cả các buôn vốn thuộc dạng có “thâm niên dai dẳng” về những hoạt động liên quan tới lực lượng Fulro, Hội Thánh tin lành đấng Chrits ở nước ngoài.
Sinh năm 1983, Trần Xuân Phi quê gốc ở Hà Tĩnh được coi là lớn tuổi đời, tuổi nghề với  thâm niên 12 năm công tác trong ngành. 5 năm liền là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, hai lần được Bằng khen của Bộ Công an. Anh và 28 thành viên của đội, trong đó có 7 chiến sỹ người dân tộc thiểu số, 80%  đã từng miệt mài trên ghế trường Đại học An ninh, nhiều người thuộc chuyên ngành điều tra tội phạm. Do đó mà tập thể đội vững vàng về nghiệp vụ, gắn bó với nhau không chỉ bằng nhiệm vụ, sự tận tâm, mà còn cả tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Nước da ngăm ngăm, dáng đầm đậm, ở Trần Xuân Phi toát lên vẻ trầm tĩnh của một người tự tin với công việc của mình (ngược với Đại úy Lê Văn Hùng - Đội phó, trông rất thư sinh, có đôi chút lãng tử).
Công việc của đội hầu hết là bám địa bàn, bám dân, làm nhiệm vụ trinh sát điều tra nắm tình hình an ninh chính trị trong toàn huyện. Tham mưu, lãnh đạo đơn vị chỉ đạo, giải quyết tình hình ngay từ cơ sở, không để kéo dài hình thành các “điểm nóng”. Trong những năm qua, đội đã nhiều lần thành công trong việc điều tra phá án. Khó nhất là những vụ việc liên quan tới đạo Tin Lành trong giáo dân người dân tộc Êđê.
Chỉ kể từ năm 2018 trở lại đây, như vụ đấu tranh với đối tượng  Y J. B. Krông, 45 tuổi, ở một buôn luôn là điểm “nóng” về vấn đề tôn giáo và Fulro – đã dùng mạng Internet liên hệ nhận sự chỉ đạo từ nước ngoài của tổ chức UMCC. Hay các đối tượng Y B. Bdap,  Y K. Bdap… Công an thường khó tiếp cận các đối tượng đã có sự phòng thủ, thậm chí đã qua đào tạo, sử dụng những thủ đoạn rất tinh vi. Làm sao để có đủ chứng cứ rõ ràng? Xử lý thế nào với những đối tượng đã đi tù về được quà tặng của Quỹ Tù nhân lương tâm ở nước ngoài (rồi đăng hình lên mạng khoe, nhưng sử dụng kỹ thuật làm nhòe khiến khó nhận ra), để gọi hỏi, đấu tranh? Kết hợp tuyên truyền, vận động với những lập luận có lý có tình về chính sách tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc của nhà nước Việt Nam, buộc các đối tượng phải cúi đầu nhận sai trái, cam kết không tái phạm. Sau đó lại bàn giao cho các chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong các buôn quản lý, giáo dục.
Hay vụ lừa đảo cho vay ở buôn Cư Knao, xã Hòa Hiệp. Được tin có 15 hộ đồng bào dân tộc Êđê bị đối tượng Amí K. sinh năm 1982, ở buôn Ea Bhôk lợi dụng sự thiếu hiểu biết, mù chữ, khác biệt về ngôn ngữ của bà con, lừa đảo cầm sổ đỏ vay chỉ vài triệu, nhưng thị tự nhận vài trăm triệu của một người chủ nợ ở xã Ea Hu. Số tiền nợ của thị hiện đã lên tới vài chục tỷ đồng. Đội đã tiến hành vận động bà con vượt qua sự e dè, sợ hãi để hợp tác cùng công an làm công tác điều tra. Đồng thời phát hiện vụ văn phòng trá hình thực hiện cho vay “tín dụng đen” của hai công ty Hỗ trợ tài chính Cư Kuin và Thành Tín, giao sang hình sự để tiếp tục giải quyết theo luật pháp.
Hoặc việc 11 bà con dương biểu ngữ phản đối Nhà nước cho Trung Quốc thuê đất làm đặc khu ở chợ Hòa Hiệp. Đại úy Lê Văn Hùng, Đội phó phụ trách tôn giáo cùng đồng đội đã vận động được linh mục Truyền ngay buổi chiều đó trên bậc thềm nhà thờ giáo xứ Kim Phát, không chỉ giải thích mà còn kêu gọi giáo dân đừng bị kích động dấn mình làm những việc trái pháp luật. Đồng thời cử thành viên Hội đồng giáo xứ, cùng với chính quyền và công an, xuống tận cơ sở hỏi han, giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu việc làm sai trái của mình. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, kết hợp giữa chính quyền, công an và tôn giáo, đến nay đã có 6/9 giáo xứ thực hiện được đủ 3 an toàn: tài sản, con người và địa bàn. Có lẽ việc này cũng chỉ mới có ở Cư Kuin.
Người Việt Nam vốn có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Hình ảnh đẹp về làng quê Việt luốn gắn với cây cau, dù ở bất cứ nơi đâu. Cư Kuin là một vùng cau có chất lượng. Việc chế biến và bán qua biên giới giá cao có lợi về kinh tế cho người dân. Quần chúng báo tin có 03 đối tượng người Trung Quốc lợi dụng danh nghĩa du lịch lưu trú trái phép tại các lò cau ở hai xã Ea Tiêu, Ea Bhok. Sau 2 tuần trinh sát, bằng các hoạt động nghiệp vụ để có chứng cớ hình ảnh chứng minh, Đội đã tiến hành kiểm tra hành chính và mời Trần Phạm Q.D. tại cơ sở ở buôn Ea Mtă A lên làm rõ sự việc. Mặc dù các đối tượng người Trung Quốc dùng ôtô bỏ chạy, khi bị bắt giữ đã gọi điện về sứ quán xin can thiệp, nhưng xét thấy chưa có biểu hiện vi phạm an ninh quốc gia, và để đảm bảo quyền lợi kinh doanh của cả hai bên, cũng như kinh tế của người dân vùng cau, đơn vị đề xuất với cấp trên ngoài việc xử phạt hành chính chủ lò cau 45 triệu đồng, đã hướng dẫn và hỗ trợ cơ sở làm các thủ tục, cho phép 01 người Trung Quốc ở lại làm cố vấn chế biến đến khi hết vụ thu hoạch.
Không phải dễ dàng gì khi hoàn thành các nhiệm vụ trên. Toàn đội, đa phần là chiến sỹ trẻ, từng phải vượt qua những khó khăn ban đầu khi tiếp xúc với giáo dân hay đồng bào dân tộc, bởi những sự khác biệt không chỉ về ngôn ngữ, tâm linh mà cả lối sống, thậm chí là trong cả việc ăn uống khi có lúc phải nằm lại cơ sở vài ba tháng. Đến cả Thượng úy H’Nghia Ê Ban, là người dân tộc Êđê, cha mẹ ở ngay xã Ea Tiêu, khi mới tiếp cận buôn cũng bị người dân chửi xéo vì “làm công an”, thậm chí còn quay phim, chụp ảnh tung lên mạng, gửi ra nước ngoài, đe dọa. H’Nghia vẫn không nản lòng, kiên trì nhiều lần đi lại tiếp xúc, gặp chính những đối tượng “có vấn đề” như Y K., Y B., Y T... để vận động và tuyên truyền. Đến bây giờ bà con coi như người nhà, mỗi lần xuống địa bàn đều được đon đả mời chào, chèo kéo về chơi. H’Nghia cười  “Hồi trước em công tác ở Krông Păc, mới chuyển về Cư Kiun được 1 năm. Nay vẫn được người dân bên ấy gọi điện thăm hỏi”.
Không chỉ làm nhiệm vụ điều tra, nắm tình hình, trong năm 2018, Đội còn gặp gỡ, tiếp xúc gần 700 lượt các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong vùng dân tộc, tôn giáo, hơn 600 lượt đối tượng liên quan tới Fulro  (trong đó có 17 đối tượng được ra tù) để tuyên truyền, vận động, không để xảy ra vấn đề gì phức tạp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đội còn trực tiếp kêu gọi các đơn vị từ thiện trong năm 2018, phát 130 suất quà trị giá 1 triệu/ xuất cho các buôn. Hoặc 70 suất quà cho người nghèo ở buôn Ea Khit không phân biệt người trong hay ngoài “nhóm truyền giảng phúc âm”… đã khiến người dân cảm động, tin yêu, sẵn sàng hỗ trợ khi công an cần giúp đỡ.
Cho dẫu đến với nghề từ nhiều nguyên nhân khác nhau, người thì vì gia đình nghèo, vào trường công an không phải đóng học phí, ra trường có việc làm; người thì vì tò mò, ưa thích sự phiêu lưu; người lại do sự định hướng, khuyên nhủ của người thân… nhưng tập thể Đội An ninh công an huyện Cư Kuin vượt qua những khó khăn ban đầu đã và đang bên nhau, trở thành một tập thể yêu nghề, luôn đoàn kết, gắn bó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền Chi bộ được công nhận trong sạch, vững mạnh.
Tháng 4 tháng 5 là đỉnh điểm của giai đoạn đỏng đảnh chuyển mùa ở Tây Nguyên, giờ đã bước hẳn vào mùa mưa, bớt dần những ngày nắng như đổ từng chảo lửa xuống trần gian. Mưa cao nguyên chợt đến, chợt đi, lúc ào ạt, khi rả ríc, núi đồi, cỏ cây no nước khoác áo xanh rời rợi.
Vào mùa làm rẫy, các con đường nhựa dẫu qua buôn Ea Tiêu, Ea Wy hay ngoài phố thị Ea Bhok đều vắng người (khác với sự tấp nập bán mua ở chợ Trung Hòa, cách trung tâm huyện vài cây số) quanh co, uốn lượn chạy dài theo những bờ lô tiêu, cà phê, trái cây, đẹp, xanh cứ như chưa bao giờ được xanh đến vậy khiến nhà thơ Hữu Chỉnh phải say đắm thốt lên: “đường lượn quanh như đôi mắt khép/ để hàng cây xanh như chải bờ mi”. 
Chỉ trên đoạn rẽ vào khu hành chính của huyện thôi, những buồng chuối mập mạp ven bờ bao kéo nghiêng thân  cây mẹ, sầu riêng trĩu cành, vườn tiêu, cánh đồng đậu trái lúc lỉu rung rinh thập thò trong mắt lá. Những thửa đất bazan đỏ au ấp iu bao mầm bắp xíu xiu rụt rè nhô lên xòe cặp lá nhỏ ngơ ngác nhìn  đất trời. Đã sang tháng 6 rồi mà lũ bướm vẫn tíu tít lượn vòng trong vũ khúc hoan ca của trời xanh và nắng vàng. Tất cả toát lên sự bình yên, no đủ của một miền quê yên ả và đang trên đường đi tới sự giàu có. Đó cũng chính là chiến công không nhỏ và không dễ của những người chiến sỹ “Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.,.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI