Săm Brăm tên thật là Mang Lo, cha ông là người Chăm, mẹ
ông là người Êđê. Ông sinh
ra tại buôn Mang Chăm, thuộc vùng giáp ranh Phú Yên – Đắk Lắk. Ông lớn lên theo
nghiệp cha làm thầy thuốc. Sống bằng nghề bốc thuốc chữa bệnh cho mọi người nên
ông đi nhiều, đến nhiều địa phương khác nhau. Nhờ vậy mà ông hiểu được nỗi thống
khổ của người dân mất nước. Trong những chuyến đi này, ông may mắn gặp được những
người Cộng sản, nhờ vậy mà ông đã giác ngộ và nuôi chí đứng
lên cứu nước.
Rồi ông dấy binh khởi nghĩa. Trong những ngày đầu khởi
nghĩa, thủ lĩnh Săm Brăm gặp rất nhiều khó khăn. Đa số thanh niên trai tráng sợ
giặc Pháp, theo gia đình chạy vào rừng lánh nạn,
nên công việc tuyên truyền vận động dân chúng tham gia nghĩa quân vô cùng gian
nan. Thế là ông học kinh nghiệm chiêu mộ nghĩa quân của thủ lĩnh N’Trang Lơng.
Ông mời các nghệ nhân biết kể sử thi đến các buôn
làng của người Êđê, M’Nông, Jarai, Bana, Xê Đăng, K’Ho… để kể sử thi. Theo tập
tục của người Tây Nguyên, chỉ có kể sử thi thì mới tập hợp được đông đảo dân chúng. Nhờ vậy mà
Săm Brăm đã biến việc nghe kể sử thi thành cuộc tuyên truyền vận động
thanh niên tham gia nghĩa quân. Với cách làm này, nghĩa quân của thủ lĩnh Săm
Brăm lúc đầu mới có 50 người, chỉ sau một mùa rẫy đã lên đến 50.000
quân. Ông đặt tên cho cuộc khởi nghĩa này là Phong trào “Nước xu” (yêu nước). Căn cứ nghĩa quân của ông không chỉ ở địa bàn rừng núi Đắk Lắk,
Phú Yên, JaLai, mà còn lan rộng sang địa bàn Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây
Ninh, Bình Phước, Bình Dương và sang các bộ tộc Lào, Khơ Me. Ở những địa bàn này đều có các tù trưởng tài giỏi lãnh đạo và có tiềm lực kinh tế để nuôi
quân đánh giặc. Do vậy mà nhiều đồn bốt của giặc Pháp ở Tây Nguyên bị nghĩa
quân của Săm Brăm lần lượt tiêu diệt, làm cho binh lính Pháp hoang mang giao động
và Khâm sứ Trung kỳ ngày đêm lo lắng, mất ăn, mất ngủ, liền tổ chức nhiều cuộc
đánh lớn hòng tiêu diệt nghĩa quân của thủ lĩnh Săm Brăm.
Một hôm, Công sứ tỉnh Đồng Nai là Luysiêng Ăngê mở một trận
càn lớn và bắt được một chỉ huy thuộc nghĩa quân của Săm Brăm ở Lâm Đồng. Sau
khi khai thác vị chỉ huy này, Công sứ Đồng Nai đã viết báo cáo gửi Khâm sứ
Trung kỳ: “Săm Brăm là nhân vật có chòm râu dài. Ông ta là gốc người Êđê, biết
nói tiếng Kinh, tiếng Chăm, tiếng Lào, tiếng Khơ
Me và cả tiếng Pháp. Đôi khi ông ta biến thành con rắn và sống dưới biển, đôi
khi ông ta trở lại thành người và sống trong rừng. Sự di chuyển của ông ta như
gió, như mưa dông…” (Mật báo số 71 c,77c của mật thám Pháp).
Sự đồn đại ấy đã làm tăng thêm uy tính của thủ lĩnh Săm
Brăm và nghĩa quân của ông. Từ đó nghĩa quân của Săm Brăm phát triển khắp nơi,
làm cho quân Pháp vô cùng lo sợ.
Năm 1938, Công sứ Pháp tại Đắk Lắk đã cử Đồn trưởng
Buôcgơri tổ chức một cuộc càn quét lớn vào các căn cứ nghĩa quân bằng máy bay,
xe bọc thép và đại bác cùng hàng nghìn quân. Biết được tin này, thủ lĩnh Săm
Brăm liền cho nghĩa quân cải trang thành dân thường vào ở với dân trong các
buôn làng Tây Nguyên. Khi quân
Pháp càn đến các khu căn cứ, chúng thấy nhà không, rừng vắng, nên càng tức giận.
Trong những ngày này, thủ lĩnh Săm Brăm đã đóng giả thầy
thuốc đi chữa bệnh cho dân ở khắp các buôn làng Tây Nguyên, nhằm nắm tình hình,
trấn an tinh thần nghĩa quân và dân chúng. Buổi tối, ông mời
các nghệ nhân kể sử thi cho mọi người nghe
để động viên tinh thần chiến đấu của nghĩa quân.
Một hôm, thủ lĩnh Săm Brăm đang tổ chức kể khan Êđê ở một
ngôi nhà dài tại buôn Êa Khanh, thuộc địa bàn Cheo Reo, thì có tin quân Pháp
đang tiến vào buôn. Nhờ có mật thám chỉ điểm, nên chúng bắt được ông. Giặc Pháp
đưa ông về giam tại nhà đày Buôn Ma Thuột.
Một tháng sau, Tòa án phong tục Đắk Lắk xử
ông 10 năm tù và phạt 500 đồng bạc Đông Dương. Sau đó ông Săm Brăm
gửi đơn kiến nghị lên Khâm sứ Trung kỳ. Vì lúc ông bị bắt là đang chữa bệnh cho dân, chứ không có hành động chống lại quân
đội Pháp ở Tây Nguyên, nên tòa án phong tục Đắk Lắk xử lại vụ này, ông được ân
xá chỉ phạt 5 năm tù và chỉ nộp phạt 250 đồng bạc Đông Dương.
Cách mạng Tháng Tám-1945 thành công, ông Săm Brăm được
các chiến sĩ của ta cứu ra khỏi nhà đày Buôn Ma Thuột. Ông trở về gặp lại nghĩa
quân của phong trào “Nước xu” tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân, chống lại bọn phản
động, bảo vệ
thành
quả của cách mạng.
Tháng 5-1946, thủ lĩnh Săm Brăm được Bác Hồ mời ra Hà Nội
dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc. Trong những ngày dự Đại hội, ông Săm
Brăm được Bác mời cùng ăn cơm. Bác ân cần thăm hỏi
sức khỏe và đời sống của đồng bào Tây Nguyên và gia đình ông. Bác khen ngợi
phong trào “Nước xu” do ông lãnh đạo. Trước khi chia tay, Bác Hồ tặng
ông thanh bảo kiếm (do bộ đội ta tước được của một tướng Nhật). Bác căn dặn: Cụ
hãy dùng thanh bảo kiếm này tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân phong trào
“Nước xu” đánh thắng mọi kẻ thù khi chúng đặt chân lên núi rừng Tây Nguyên, góp phần vào thắng lợi chung của
cách mạng nước nhà.
Thủ lĩnh Săm Brăm nhận thanh bảo kiếm từ tay Bác Hồ, xúc
động rơi nước mắt, rồi nói: “Cảm ơn Bác! Tôi xin hứa sẽ làm thật tốt lời của
Người căn dặn.”
Trở về Tây Nguyên, thủ lĩnh Săm Brăm kể lại cho nghĩa
quân và đồng bào các buôn làng cùng nghe về những ngày dự Đại hội thi đua yêu
nước và vinh dự được gặp Bác
Hồ. Mọi người nghe kể đều xúc động và thầm hứa với Người: Đồng bào Tây Nguyên một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, cùng đồng lòng, đồng tâm ủng
hộ nhiều sức người, sức của cho cách mạng, góp phần giải phóng quê hương để đón
Bác vào thăm Tây Nguyên cho thỏa lòng mong ước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI